.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ V - năm 2020:

Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên Internet và mạng xã hội trong thời kỳ 4.0

Chủ Nhật, 15/11/2020|16:45

Hiện nay, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng internet, các trang mạng xã hội để đăng tải thông tin xấu, độc, bịa đặt, sai sự thật, bóp méo, xuyên tạc, chống phá chế độ. Điều này đã tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân giảm sút lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước; vào chế độ và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức kết nối với Internet toàn cầu, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử của ngành thông tin, truyền thông Việt Nam. Theo báo cáo thống kê của vnetwork.vn vào tháng 1/2020, tại Việt Nam có khoảng 70% dân số (68,17 triệu người) đang sử dụng dịch vụ, trong đó có khoảng 65 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 67% dân số; đồng thời có tới hơn 145,8 triệu kết nối mạng dữ liệu di động, tương đương với khoảng 150% trên tổng dân số Việt Nam đang có. Internet và mạng xã hội đã góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước; trở thành công cụ rất quen thuộc và là “một phần tất yếu” của các tầng lớp xã hội. Người dân tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân thông qua internet, mạng xã hội; nhiều cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương sử dụng Internet, mạng xã hội để làm việc, giải quyết các thủ tục hành chính. Tuy nhiên hiện nay, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng internet, các trang mạng xã hội để đăng tải thông tin xấu, độc, bịa đặt, xuyên tạc, chống phá chế độ. Điều này đã tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân giảm sút lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước; vào chế độ và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch trên internet và mạng xã hội

Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc lợi dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để chống phá cách mạng Việt Nam ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp với mức độ nguy hiểm khó lường. Thủ đoạn phổ biến của các thế lực phản động là sử dụng các trang Web, Blog, Facebook, kênh YouTube để đăng tải, phát tán các thông tin xấu độc, các quan điểm sai trái, thù địch. Những thông tin này rất đa dạng về nội dung như: kinh tế, chính trị, văn hóa, tôn giáo, đời sống xã hội. Khi có một sự kiện nào đó xảy ra được dư luận quan tâm, bọn chúng sẽ xuyên tạc, bóp méo sự thật, cắt xén thông tin, dựng chuyện, ngụy tạo bằng chứng, làm lẫn lộn đúng - sai, thật - giả để vu cáo, chống phá Đảng và Nhà nước. Ví dụ, khi xảy ra vụ việc tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công tàu cá ngư dân Quảng Ngãi (02/04/2020), trên trang facebook “Việt Tân” đã xuất hiện bài viết bôi nhọ, nói xấu Đảng: “Đụng chìm tàu cá Quảng Ngãi - Trung cộng vừa ăn cướp vừa la làng - Cộng sản Việt Nam im lặng”. Khi dịch bệnh Covid-19 vừa mới bùng phát tại Trung Quốc và một số nước trên thế giới, tuy ở Việt Nam chưa có ca mắc bệnh nhưng Nhà nước ta đã làm rất tốt công tác chuẩn bị phòng chống dịch thì  bọn phản động tung ra nhiều bài viết với nội dung chính quyền che dấu, bưng bít, không minh bạch thông tin dịch bệnh với người dân. Khi Việt Nam vừa phát hiện bệnh nhân thứ 17 nhiễm COVID-19, tổ chức phản động Việt Tân đã lợi dụng tình hình tung tin “Việt Nam bùng phát dịch”, “Hà Nội sắp thất thủ”, “Khu cách ly Hà Nội vỡ trận” gây tâm lý hoang mang bất ổn trong dư luận. Đặc biệt, gần đây là vụ án Đồng Tâm vừa được đưa ra xét xử đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Trong phiên tòa sơ thẩm, 2 bị cáo bị tuyên án tử hình, 1 bị cáo tù chung thân (tội danh giết người), 26 bị cáo bị tuyên án từ 15 tháng án treo cho đến 16 năm tù giam (tội danh giết người và chống người thi hành công vụ). Lợi dụng vụ án này, các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối, cơ hội chính trị trong và ngoài nước như: “Tổ chức theo dõi nhân quyền - HRW”; “Đài Á Châu tự do RFA”; Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, tổ chức Ân xá Quốc tế, kênh BBC news tiếng Việt đã tiến hành nhiều hoạt động xuyên tạc bản chất vụ án, vu khống Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền. Bọn chúng đưa ra những thông tin xuyên tạc như: "chính quyền muốn trừng phạt các bị cáo bằng các bản án rất nặng để răn đe những ai dám chống lại quyền lực nhà nước trong tương lai"; “Đồng Tâm là một thất bại nặng nề trong cuộc chiến tranh mà đảng Cộng sản đã tiến hành chống lại nhân dân Việt Nam”. Không chỉ đăng tải, chia sẻ những thông tin lệch lạc, tiêu cực, bọn chúng còn tiến hành xây dựng "thư ngỏ", "kiến nghị" hòng kêu gọi sự can thiệp của cộng đồng quốc tế vào công việc nội bộ của Việt Nam. Một tổ chức có tên gọi là “Nhóm công dân hành động” đã kêu gọi 3000 chữ ký để gửi đơn phản đối bản án của phiên tòa, thu hút nhiều lượt xem, chia sẻ trên các trang mạng, gây tâm lý bất ổn,  bức xúc trong dư luận.

Bên cạnh đó, các thế lực phản động, thù địch, những phần tử cơ hội chính trị, bất mãn chế độ triệt để lợi dụng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lợi dụng việc Đảng ta xử lý một số cán bộ, đảng viên có chức quyền sai phạm như: Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Đức Chung, Hồ Thị Kim Thoa để dựng chuyện “trong Đảng có phe cánh, bè phái”, “Đảng thanh trừng nội bộ, đấu đá lẫn nhau”. Ngoài ra, chúng còn bôi nhọ, hạ uy tín của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, nhằm phá hoại công tác nhân sự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Chúng đưa ra những bài viết, bình luận như “Việt Nam đã chọn xong người làm Tổng Bí thư”, “Cuộc bỏ phiếu là sự đấu tranh giữa các phe phái trong Đảng”. Chúng xuyên tạc về công tác cán bộ của Đảng ta là không dân chủ, thiếu minh bạch; việc quy hoạch, sắp xếp cán bộ là để “thanh trừng bè phái”, “đấu đá nội bộ”, làm lung lạc niềm tin của nhân dân đối với hoạt động bầu cử trước thềm Đại hội Đảng. Các thế lực thù địch triệt để tận dụng các ứng dụng Whats App, Fire Chat và các biện pháp công nghệ thông tin hiện đại để vượt qua các biện pháp truy quét của lực lượng an ninh mạng. Mục đích của chúng là làm suy giảm vai trò và uy tín của Đảng, làm cho quần chúng nhân dân hoài nghi, dao động, đi đến mất niềm tin vào khả năng lãnh đạo của Đảng trong xây dựng kinh tế, phát triển đất nước, làm suy yếu sức mạnh của chúng ta trong sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Một số giải pháp đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet và mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay

Nghị quyết 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) xác định: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân”. Do đó, việc nâng cao khả năng tự "đề kháng" của cán bộ, đảng viên và nhân dân, vạch trần bản chất và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, phản bác những luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái, thù địch trên môi trường internet và mạng xã hội là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Một số giải pháp thiết thực đó là:

Phát huy tốt vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu nhất là vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, xử lý kịp thời những vấn đề tư tưởng nảy sinh. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tích cực thông tin và tăng cường đối thoại với nhân dân; chủ động, linh hoạt tham gia các vấn đề cụ thể của xã hội, bảo đảm sự liên kết, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành từ Trung ương đến các địa phương để cùng giải quyết khi có sự kiện xảy ra. Đối với các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, phạm vi tác động, ảnh hưởng lớn, cũng như một số chủ trương, chính sách mới liên quan đến người dùng internet, mạng xã hội như: Chỉ thị 28-CT/TW, ngày 16/9/2013 của Ban Bí thư (khóa XI) “Về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng”; Chỉ thị 15/CT-TTg, ngày 17/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới”; Luật An toàn thông tin mạng năm 2016; và mới đây nhất là Luật An ninh mạng, được Quốc hội thông qua tháng 6-2018 và chính thức có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2019.

Thường xuyên chủ động bám sát các vấn đề, sự kiện, cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng trên internet, mạng xã hội. Với phương châm chỉ đạo công tác tư tưởng phải đi trước, đón đầu, hệ thống báo chí, phát thanh - truyền hình, truyền thanh các cấp chủ động thông tin đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng và Nhà nước; tình hình của địa phương, trong nước và thế giới, nhất là các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng, những vấn đề nhạy cảm mới nảy sinh để đáp ứng nhu cầu nhận thức, thị hiếu chính đáng của nhân dân. Trong thời đại kỷ nguyên số hiện nay, vũ khí tối ưu của cuộc đấu tranh tư tưởng chính là cung cấp kịp thời, đầy đủ những thông tin chính thống trên mạng. Khi nhu cầu thông tin được đáp ứng, thì nhu cầu tìm đọc các thông tin không chính thống - thông tin sai trái sẽ hạn chế đi rất nhiều. Từ đó sẽ định hướng tư tưởng, nhận thức và dư luận xã hội nhằm nâng cao nhận thức của dư luận, nâng cao khả năng “tự đề kháng”, chủ động đấu tranh, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, chống lại những âm mưu chống phá của địch.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân phải chủ động nâng cao kiến thức về mọi mặt nhằm tạo cho mình có nhận thức chính trị đúng đắn, ý thức kỷ luật khi tiếp xúc thông tin; nhận rõ tính chất nguy hại của thông tin xấu độc; chọn lọc khi tiếp cận các thông tin trên mạng xã hội. Tích cực chia sẻ những thông tin chính thống để cùng tuyên truyền, vận động bạn bè, người thân, đồng nghiệp, nhân dân hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuyệt đối không nghe, đọc, tán phát, chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng gây hoang mang dư luận; đồng thời, phải tố giác và sẵn sàng tham gia đấu tranh ngăn chặn kẻ xấu kích động thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Các cấp, các địa phương phổ biến, quán triệt trong nội bộ và trong nhân dân những nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin, Bộ luật Hình sự (nhất là nội dung Điều 288 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông); Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15/7/2013 của Chính phủ và Thông tư số 09/2014/BTTTT, ngày 19/8/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội, những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng mạng xã hội và những quy định mới có liên quan.

Tăng cường quản lý, chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật, ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng “độc hại” một cách hiệu quả. Các cơ quan chức năng cần chủ động phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ, nghiên cứu sử dụng các giải pháp về công nghệ thông tin, các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ để ngăn chặn một cách triệt để các tin tức xấu, độc trên các trang mạng. Tăng cường kiểm tra, kiểm duyệt nội dung, không để lọt các bài viết, các ấn phẩm có nội dung xấu, độc xuất hiện trên các báo, trang mạng chính thống, nhất là trang tin điện tử; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dân chủ, đưa tin bịa đặt, sai sự thật nhằm kích động gây bất ổn xã hội.

Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên internet và mạng xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, của hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên. Các chủ trương, giải pháp cơ bản cần được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và có hệ thống nhằm ngăn chặn, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực phản động; góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bảo vệ mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã của đất nước ta./.

Nguồn tham khảo:
 
Bài viết “Nhận diện và phòng chống quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội trước thềm Đại hội Đảng”, của tác giả Lê Hoàng Việt Lâm đăng trên trang https://hcmcpv.org.vn/
 
Bài viết “Giải pháp nào để nâng cao sức đề kháng trước các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng internet hiện nay” của tác giả Đức Anh đăng trên trang https://dangcongsan.vn/

Nguyễn Thị Lan Anh - Chi bộ Văn phòng

Đảng bộ Công ty TNHH Vinataba - Philip Morris

.
.
.
.