.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021

Cho vay vốn nước ngoài góp phần phát triển kinh tế xã hội thành phố Cần Thơ

Thứ Ba, 26/10/2021|09:42

Nhìn lại 15 năm quá trình thực hiện nghiệp vụ cho vay vốn nước ngoài, Ngân hàng phát triển Việt Nam (NHPT) luôn giữ vai trò cơ quan cho vay lại ODA lớn nhất của Chính phủ tại Việt Nam, được Bộ Tài chính tin tưởng giao nhiệm vụ là cơ quan kiểm soát chi vốn ODA cho vay và là một đầu mối quan trọng tham gia tư vấn cho Chính phủ trong việc xây dựng cơ chế về thu hút, quản lý, thẩm định, cho vay và giải ngân vốn ODA.

Thực trạng sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài tại chi nhánh ngân hàng phát triển khu vực Cần Thơ

Tại Chi nhánh Ngân hàng phát triển khu vực Cần Thơ (Chi nhánh) sau hơn 15 năm hoạt động thực hiện nhiệm vụ, nguồn vốn nước ngoài do NHPT quản lý nói chung và Chi nhánh Cần Thơ nói riêng đã có những đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế của đất nước cũng như trên địa bàn mà Chi nhánh Cần Thơ đang quản lý gồm: thành phố Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang.

Đến thời điểm cuối năm 2020 Chi nhánh quản lý hiện đang quản lý 15 dự án tổng số vốn cam kết 630 triệu USD tương đương 14.658 tỷ đồng, số dư là 397 triệu USD tương đương là 9.200 tỷ đồng. Trong đó, 13 dự án cho vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ theo hợp đồng ủy quyền Bộ Tài chính, NHPT không chịu rủi ro tín dụng với số vốn cam kết 627 triệu USD tương đương 14.544 tỷ đồng và 2 dự án cho vay lại vốn nước ngoài NHPT chịu rủi ro tín dụng với số vốn cam kết 3 triệu USD tương đương là 64 tỷ đồng. Tỷ lệ vốn nước ngoài của Chi nhánh gồm 9 tổ chức/các nhà tài trợ nước ngoài, trong đó chiếm tỷ lệ lớn 97,28% đối với nguồn vốn ODA thuộc về nguồn JICA của Nhật Bản được thể hiện qua biểu đồ sau đây được thông kê trong giai đoan từ năm 2011 đến năm 2020 của Chi nhánh (hình 1)

Các dự án cho vay lại từ vốn nước ngoài theo ủy quyền của Bộ Tài chính, NHPT không chịu rủi ro tín dụng: NHPT sẽ giao Chi nhánh thực hiện cho vay lại, giám sát việc sử dụng vốn vay và thu hồi nợ vay từ Chủ đầu tư đối với các chương trình/dự án vay lại vốn nước ngoài theo các điều khoản, điều kiện đã được Bộ tài chính xác định tại Hợp đồng ủy quyền cho NHPT, Chi nhánh thực hiện quản lý các dư án cho vay lại (dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn, dự án Lưới điện truyền tải đồng bằng sông Mêkông/220-110KV đồng bộ với Nhà máy nhiệt điện Ô Môn, dự án Xây dựng cải tạo và mở rộng hệ thống cấp nước thị xã Sóc Trăng, dự án nhà máy xử lý chất thải rắn …).

Các dự án cho vay lại từ vốn nước ngoài chịu rủi ro tín dụng: NHPT chọn lựa đối tượng theo đúng ký kết với Bộ tài chính/ thỏa thuận vay nước ngoài và Chi nhánh chịu trách nhiệm thẩm định, giải ngân, thu hồi nợ, hoàn trả nợ vay cho Bộ tài chính khi đến hạn. Đến nay, Chi nhánh thực hiện quản lý dự án đầu tư xây dựng mở rộng hệ thống cấp nước TP Vĩnh Long nâng công suất từ 25.500m3/ngày đêm lên 35.500m3/ngày đêm, đầu tư xây dựng mở rộng hệ thống cấp nước thị trấn Long Hồ nâng công suất từ 240m3/ngày đêm lên 1.500m3/ngày đêm.

Kể từ năm 2011 đến năm 2020 nguồn vốn vay nước ngoài tại Chi nhánh được giao quản lý các dự án đầu tư đa dạng vào các lĩnh vực. Cụ thể, lĩnh vực điện nhận được vốn vay nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn nhất 96,95% của Chi nhánh, sau đó là tới lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị chiếm tỷ lệ 1,44%. Nguồn vốn ODA đã mang lại những đóng góp không nhỏ cho địa bàn góp phần phát triển nền kinh tế của địa phương.

Công tác cho vay lại nguồn vốn nước ngoài được NHPT rất chú trọng vì các dự án của NHPT nói chung và của Chi nhánh nói riêng hiện đang quản lý đầu tư vào những lĩnh vực mà Chính phủ khuyến khích như cơ sở hạ tầng giao thông; cơ sở hạ tầng xã hội: điện, cấp thoát nước; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, trường học, thiết bị bệnh viện và xử lý rác thải… Nguồn vốn ODA đã trở thành nguồn vốn nước ngoài có ý nghĩa quan trọng góp phần to lớn vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam cũng như của địa phương nhận vốn.    

Kết quả thực hiện

Về kết quả quản lý nguồn vốn nước ngoài: các dự án ODA mà chi nhánh hiện quản lý phần lớn đều phát huy hiệu quả hoạt động theo đúng mục tiêu của dự án, trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Thời gian vừa qua kể từ năm 2011 đến năm 2020, tổng số nợ thu được của Chi nhánh bao gồm: gốc, lãi, phí quản lý và phí thu hộ là 18.883 tỷ đồng.

Về chất lượng tín dụng: hiện nay về kết quả thu nợ của vốn nước ngoài của Chi nhánh luôn đạt kết quả cao nhưng bên cạnh cũng có một số ít dự án không đạt hiệu quả dẫn đến phát sinh nợ quá hạn. Đó là các dự án thử nghiệm sản xuất sản phẩm mới hoặc chuyển đổi mô hình từ công ty thuộc sở hữu nhà nước sang công ty cổ phần và thay đổi quy định tỷ lệ nhận vay vốn tại NHPT. Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc đối với 2 dự án này đang chờ cấp có thẩm quyền xử lý. Nhưng nhìn chung tỷ lệ nợ quá hạn đối với nguồn vốn ODA vẫn ở mức thấp so với các nghiệp vụ khác tại Chi nhánh.

Về công tác thẩm định: Kế thừa từ những kết quả đạt được trong những năm qua, để tiếp tục mở rộng quy mô phát huy nguồn vốn ODA hiệu quả, Chi nhánh đã tích cực tìm chọn 05 khách hàng có nhu cầu vay vốn ODA chịu rủi ro tín dụng. Chi nhánh đã báo cáo với NHPT kết quả thẩm định dự án và đề xuất xem xét cho vay 01 dự án vay vốn ODA lĩnh vực điện năng lượng Chi nhánh đã thực hiện thẩm định dự án đảm bảo đúng thời gian, tiến độ và chất lượng theo đúng quy định của NHPT.

Về công tác xử lý nợ: Cùng với những khó khăn hiện tại, Chi nhánh đã chủ động liên hệ, làm việc với chủ đầu tư và các cơ quan Ban ngành có liên quan trên địa bàn đồng thời báo cáo tình hinh thực hiện nhiệm vụ cho NHPT để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình xử lý tồn tại đối với từng dự án tại Chi nhánh.

Về công tác kiểm tra tài sản bảo đảm tiền vay: định kỳ Chi nhánh thực hiện kiểm tra tài sản bảo đảm tiền vay theo đúng quy định của NHPT đối với những dự án có thế chấp tài sản hình thành vốn vay.

Một số khuyến nghị     

Dựa trên cơ sở lý thuyết của Rostow, chúng ta có thể nhận ra rằng Việt Nam có nhiều dấu hiệu đang trong giai đoạn tiền cất cánh. Nhiều khía cạnh của cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn yếu kém. Như cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam là một ví dụ. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, hiện Việt Nam xếp thứ 79 trong số 137 quốc gia trên thế giới về chất lượng cơ sở hạ tầng nói chung. Chỉ có 20% đường bộ của Việt Nam được trải nhựa, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác như Malaysia, Ấn Độ và Indonesia. Ngoài ra, còn có thể kể đến cơ sở hạ tầng xã hội khác như giáo dục. Theo ông Christophe Lemiere - quản lý chương trình Phát triển con người của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam phân bổ 5% tổng GDP của cả nước cho giáo dục, riêng giáo dục bậc đại học được đầu tư 0,33% (chiếm 6,1% tổng mức đầu tư của Chính phủ cho giáo dục). Mức đầu tư này rất thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Vì vậy có thể nói, trong thời gian tới Việt Nam sẽ phải tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm chuẩn bị cho giai đoạn cất cánh tiếp theo. Dựa trên nhu cầu phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn sắp tới, cũng như thực trạng cho vay ở NHPT giai đoạn 2010-2020. Tác giả có một số ý kiến sau:

Khuyến nghị về chính sách

Một là, Các khoảng vốn ODA của NHPT trong những năm qua tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng, chiếm 96% dư nợ. Theo lý thuyết của Rostow, điện, nước, thông tin liên lạc, giao thông là những cơ sở hạ tầng thiết yếu cho sự phát triển. Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện cần, để có thể phát triển trong dài hạn, Việt Nam cần xem xét về mặt chính trị và kinh tế có mối liên hệ chặt chẽ với nhau để trên cơ sở đó đánh giá mức tác động tích cực về chính trị và kinh tế của nguồn vốn ODA mang lại cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Để huy động được nguồn lực này, NHPT cần xác định rõ định hướng tổng thể về thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA để làm căn cứ cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xác định được những lĩnh vực ưu tiên cần phải đầu tư vào chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, hai lĩnh vực quan trọng là y tế và giáo dục cần phải được chú trọng. Việc đầu tư vào hai lĩnh vực này sẽ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt đầu tư lĩnh vực giáo dục giúp phát triển khoa học và công nghệ.

Hai là, phần lớn dự nợ của Chi nhánh tập trung vào nhà máy nhiệt điện Cần Thơ. Theo quy hoạch điện VIII, tỷ lệ năng lượng tái tạo dự kiến của Việt Nam đến năm 2030 sẽ lên đến gần 30% vào năm, và 44% năm 2045 so với với 13% năm 2020. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải thay đổi cấu trúc cho vay của NHPT.

Ba là, trong bối cảnh Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, các dòng vốn ODA vào Việt Nam cũng giảm đáng kể, để tránh tình trạng nguồn vốn ODA ưu đãi bị thiếu hụt trong thời gian tới, khuyến nghị NHPT nên cần mở rộng tiếp cận nguồn lực tài chính quốc tế mới để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, đặc biệt là các dự án, chương trình về giải quyết ô nhiễm và nâng cao chất lượng môi trường; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh… Qua đó, xây dựng đươc mối quan hệ với các đối tác mới từ các quỹ tư nhân hoặc các tổ chức quốc tế mới.

Bốn là, hướng tới đẩy mạnh việc thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP): Đầu tư sẽ đảm bảo cho 2 bên Nhà nước và tư nhân cùng có lợi: trong quá trình đàm phán hợp đồng với tư nhân, Nhà nước luôn đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ công tốt nhất với hiệu quả đầu tư tối ưu. Trong khi đó, nhà đầu tư tư nhân luôn tìm cách đầu tư vốn thấp nhất, nhưng đạt được lợi nhuận cao nhất. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế tài chính cho hình thức này.  

Năm là, cần xây dựng hành lang và khuôn khổ pháp lý về quản lý nguồn vốn ODA một cách đồng bộ và minh bạch, nhằm quản lý và sử dụng vốn ODA có hiệu quả, các đơn vị tiếp nhận vốn phải có năng lực chuẩn bị dự án rõ ràng, đầy đủ, minh bạch thông tin, lấy ý kiến của các bộ, ngành, từ đó mới có đủ cơ sở trao đổi với nhà tài trợ về sự cần thiết của dự án.

Khuyến nghị về công tác quản lý

Một là, quan tâm phân bổ, công khai hạn mức cho vay ODA tại các địa phương, ngành, lĩnh vực hàng năm hoặc kỳ hạn 3-5 năm.

Hai là, cần thống nhất yêu cầu về hồ sơ, nội dung thẩm định, trình tự lập hồ sơ, thẩm định, hợp đồng thế chấp… các nội dung này đều được thể chế bằng hướng dẫn thực hiện.

Ba là, thường xuyên mở hội nghị, hội thảo trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý cho vay ODA vì các nguồn vốn ODA xuất phát từ những nguồn khác nhau, yêu cầu quản lý cũng khác nhau.

Bốn là, cần sớm đưa ra cơ chế xử lý rủi ro đối với các dự án cho vay vốn nước ngoài để có thể giải quyết những bất cập trong quá trình thực hiện xử lý nợ mà hiện tại Chi nhánh đang gặp khó khăn không xử lý được.

Tài liệu tham khảo

1. Rostow, W. W. (1960). The Stages of Economic Growth. A Non-Communist Manifesto. Cambridge University Press.

2. Bộ kế hoạch và đầu tư (2018), báo cáo "tình hình tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian qua và định hướng trong thời gian tới".

3.UNDP. (2020). Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam

Lương Hoàng Trúc Lam, Chi nhánh NHPT khu vực Cần Thơ

 

.
.
.
.