Bài dự thi giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021
Tái cơ cấu VDB - Công tác cán bộ
Năm 2021 là năm quyết định để Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 31/7/2019 (Đề án 48). Theo nội dung Đề án 48, VDB được tái cơ cấu toàn diện hoạt động từ tổ chức bộ máy đến hoàn thiện thể chế, lành mạnh hóa cân đối tài chính và từng bước tiêu chuẩn hóa các hoạt động nghiệp vụ. Thách thức và áp lực đặt ra đối với VDB là không thể bàn cãi, đặc biệt trong làn sóng dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tác động nặng nề lên mọi mặt kinh tế - xã hội. Tất nhiên, “Có nhiều rủi ro và mất mát khi ta hành động nhưng chúng còn kém xa vô số những lý do khi ta phởn phơ ù lì”, tiến trình tái cơ cấu đòi hỏi sự đồng tâm và nỗ lực cao nhất của từng cá nhân và của cả tập thể VDB.
Tái cơ cấu - không tránh né, không bi quan và cũng chẳng tô hồng
Được thành lập ngày 19/5/2006 và chính thức đi vào hoạt động ngày 01/7/2006, 15 năm đồng hành cùng đất nước, VDB với vai trò là cầu nối giữa Chính phủ và thị trường hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận trong thực hiện chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước đã giải ngân vốn tín dụng đầu tư hơn 205.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2006-2021, trong đó có thể kể đến nhiều dự án trọng điểm không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần về an sinh xã hội: Thủy điện Sơn La, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy đạm Ninh Bình, Vệ tinh Vinasat 1 và 2, Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nhà máy điện gió Bạc Liêu, Nhà máy sữa TH, Hệ thống tải điện miền Trung, miền Nam... Mặt khác, VDB còn là đơn vị quản lý cho vay lại nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Đến 31/12/2020, VDB đang quản lý 368 dự án vốn nước ngoài cho vay lại với tổng số vốn cam kết tương đương 14,708 tỷ USD, dư nợ đến nay đạt 155.775,2 tỷ đồng: Nhà máy thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi (vốn JICA 435 triệu USD), Nhiệt điện Phú Mỹ (vốn JICA 507,6 triệu USD), Phát triển sân bay Tân Sơn Nhất (vốn JICA 186 triệu USD), Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (vốn ADB 1.087 triệu USD), Đường cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (vốn ADB, JICA: 546 triệu USD), Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (vốn WB, JICA 1.304 triệu USD), Đầu tư lưới điện truyền tải điện - phân kỳ 3 (vốn ADB: 146,52 triệu USD), Năng lượng nông thôn 2 (vốn WB: 307,5 triệu USD)…. Những kết quả này không ai có thể phủ định để VDB có lý do tồn tại, cải cách và điều chỉnh nhằm phù hợp với chiến lược phát triển Quốc gia, cũng như nhu cầu thực tế phát triển của chính VDB.
Có thể nói, VDB ra đời trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của đất nước có bước chuyển mình hội nhập quốc tế sâu rộng không thể chậm chân, hoạt động của VDB gắn chặt với những đặc thù tiếp nối từ các tổ chức tiền thân (Tổng cục Đầu tư, Quỹ Hỗ trợ đầu tư quốc gia, Quỹ Hỗ trợ phát triển). Do vậy, VDB đang tích tụ nhiều vấn đề (khả năng sinh lời thấp, thiếu vốn trầm trọng trong khi cơ chế bổ sung vốn không rõ ràng, cơ chế xử lý và quản trị rủi ro chưa hoàn thiện, năng lực phát triển bền vững bị hạn chế...) từ thực tiễn triển khai hoạt động và tiến trình tái cơ cấu hiện nay là một tất yếu. Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, đến 31/12/2018, VDB lỗ lũy kế hơn 4.800 tỷ đồng và nợ xấu hơn 46.000 tỷ đồng chiếm 17,2% tổng dư nợ, đây điều là các con số biết nói mà VDB đang phải đối mặt. Phân tích nguyên nhân thì có nhiều, đầu tiên là đối tượng cho vay của VDB đa phần liên quan đến vấn đề phát triển quốc gia, nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực xã hội ở các khu vực và ngành khác nhau, nguồn thu nằm trong dài hạn, ngay ngân hàng thương mại mà đi vào các dự án này cũng không tránh khỏi thua lỗ. Bên cạnh là nhóm nguyên nhân chủ quan, trong đó xuất phát từ con người và do con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của công việc”; “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.”.
Tái cơ cấu - kiện toàn tổ chức bộ máy
Trên cơ sở Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 28/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển VDB đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (Chiến lược 369), như đã đề cập, Đề án 48 triển khai tái cơ cấu toàn diện các mặt hoạt động của VDB với 05 nhóm công việc cụ thể: (i) Hoàn thiện hành lang pháp lý; (ii) Tái cấu trúc tổ chức bộ máy; (iii) Cải thiện, lành mạnh hóa cân đối nguồn vốn - tài sản; (iv) Nâng cao năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát nội bộ, kiểm soát rủi ro; (v) Xử lý nợ xấu. Chúng ta phải xác định rằng, tái cơ cấu là một lộ trình với nhiều đầu mục công việc, và phạm vi bài viết này xin trình bày một vài khía cạnh trong việc hoàn thiện tổ chức bộ máy VDB từ góc độ cơ sở.
Thực hiện tinh thần nhìn thẳng vào sự thật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không bi quan nhưng cũng không tô hồng, ngày 30/7/2021, Đảng ủy VDB đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba giải pháp đột phá phát triển, trong đó dành nhiều tâm huyết cho công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ quyết tâm về đích đối với các mục tiêu chủ yếu được giao tại Đề án 48 bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19.
Một trong những nhiệm vụ then chốt trong công tác cán bộ theo mục tiêu, lộ trình quy định tại Đề án 48 là vấn đề tổ chức lại tinh gọn bộ máy gắn với tinh giản cán bộ lãnh đạo và cán bộ nhân viên theo hướng các Chi nhánh tập trung cho nhiệm vụ tác nghiệp (huy động vốn, thanh toán, cho vay, quản lý thu hồi và xử lý nợ...), Trụ sở chính thực sự là trung tâm điều hành và đưa ra phán quyết tín dụng, tiến đến giảm thủ tục xử lý công việc ở các khâu trung gian.
Trên con đường cải cách tổ chức bộ máy, bất cứ đơn vị nào cũng gặp không ít chông gai, VDB cũng không ngoại lệ. Bài toán hiện nay đối với cấp ủy Đảng và các cấp lãnh đạo VDB là làm thế nào tránh sự xáo trộn lớn, phát huy tính kế thừa, ổn định để cân bằng mục tiêu khắc phục các tồn tại và mục tiêu triển khai có hiệu quả các nghiệp vụ phát sinh. Vậy, đâu là những khó khăn, thách thức trọng điểm phải xem xét để giải quyết bài toán đặt ra: (i) VDB không thuộc đối tượng thực hiện chế độ, chính sách tinh giản biên chế theo các quy định hiện hành của Chính phủ; (ii) Công tác tổ chức lại phát sinh vấn đề nhạy cảm trong việc bố trí sắp sếp đội ngũ cán bộ chủ chốt, cũng như ảnh hưởng đến tư tưởng tâm lý của cán bộ nhân viên, đặc biệt là cán bộ phải điều chuyển giữa các địa bàn trong bối cảnh dịch bệnh; (iii) Thực tế những năm gần đây, công việc tại VDB phát sinh không nhiều, chủ yếu tập trung xử lý các tồn tại trước đây, do đó, căn cứ để phân loại xác định người lao động dôi dư, không hoàn thành nhiệm vụ được giao có phần hạn chế, chưa kể đến yếu tố chủ quan né tránh, ngại va chạm trong khâu đánh giá cán bộ lâu nay; (iv) Phần lớn đội ngũ nhân lực VDB là kế thừa từ các tổ chức tiền thân, được đào tạo từ những thời kỳ trước, đã có cống hiến nhất định đóng góp vào sự chuyển mình của VDB qua các giai đoạn phát triển của đất nước, tuy nhiên đối với yêu cầu công tác trong giai đoạn cơ cấu lại hiện nay và thời gian đến sau tái cơ cấu là chưa thật sự đáp ứng, bởi vậy cần có chế độ đãi ngộ, động viên sao cho hợp lý, thỏa đáng khi triển khai lộ trình tinh giản.
Trước thực tế đó, các cấp ủy Đảng và lãnh đạo các cấp từ Trụ sở chính đến Chi nhánh đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể (Công đoàn, Đoàn thanh niên...) đẩy mạnh tuyên truyền đến toàn thể cán bộ nhân viên trong hệ thống về sự cần thiết phải cơ cấu lại bộ máy, biên chế, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, tạo điều kiện của Đảng ủy và chính quyền tại các địa phương có Chi nhánh thuộc đối tượng sắp xếp để thống nhất quan điểm, cách thức; đến quá trình triển khai, cố gắng trong khả năng có thể duy trì quỹ tiền lương ổn định và bảo vệ tối đa quyền lợi người lao động. Nhờ thận trọng ngay từ khâu chuẩn bị, trong đó có vai trò tuyên phong của cán bộ đảng viên góp phần lan tỏa năng lượng tích cực, cơ bản đến nay, VDB vẫn giữ vững được đoàn kết nội bộ, ngăn ngừa phát sinh tư tưởng cục bộ địa phương, đảm bảo tinh thần trách nhiệm của từng đơn vị và cán bộ nhân viên hoàn thành nhiệm vụ chính trị Chính phủ giao phó trong giai đoạn khó khăn tái cơ cấu và dịch Covid-19.
Về kết quả cụ thể, trên cơ sở mô hình quản trị theo Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 03/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ bám sát yêu cầu của Đề án 48, cũng như đáp ứng được xu hướng phát triển trong thời gian đến theo thông lệ, VDB đã chủ động nghiên cứu, từng bước rà soát sắp xếp lại bộ máy, điều chỉnh, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ các đơn vị, mạng lưới: Đối với Trụ sở chính, giải thể 07 đơn vị và tổ chức lại 04 đơn vị đảm bảo vừa kế thừa vừa quản lý được chuỗi công việc theo mối quan hệ liên kết chiều ngang và chiều dọc giữa các bộ phận. Đối với các Chi nhánh tại những địa phương giáp nhau về địa giới hành chính, tương đồng về văn hóa, xu thế phát triển kinh tế, giao thông thuận tiện giữa các trung tâm... tiến hành sáp nhập thành lập Chi nhánh khu vực theo 04 vùng gồm (i) Đồng bằng sông Hồng, (ii) Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, (iii) Tây Nguyên, (iv) Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long. Theo đó, tính đến thời điểm 31/12/2020, VDB còn lại 15 đầu mối tại Trụ sở chính và 33 Chi nhánh tại các tỉnh, thành với tổng số biên chế là 2.311 người. Về kế hoạch năm 2021, đảm bảo toàn hệ thống VDB còn khoảng 25-30 mạng lưới Chi nhánh với 2.034 biên chế.
Kiện toàn tổ chức bộ máy - đột phá trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp
Đến nay Đề án 48 đang trên đường về đích, bộ máy hoạt động của VDB đang dần được định vị phù hợp với nhu cầu thực tế và xu thế phát triển trong tương lai. Bên cạnh việc rà soát, sắp xếp lại bộ máy, biên chế đảm bảo tinh gọn, Ban Chấp hành Đảng bộ VDB đã lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng tập trung triển khai “Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng hiệu quả công tác cán bộ đảm bảo việc làm, thu nhập người lao động. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, người đứng đầu các cấp phải có đủ phẩm chất năng lực và uy tín ngang tầm với nhiệm vụ.”, xem đó là đột phá phát triển đầu tiên, quan trọng và tiền đề để tiến đến 02 đột phá còn lại hoàn thành 06 nhiệm vụ trọng tâm của quá trình tái cơ cấu. Với ý nghĩa đó, đẩy mạnh xây dựng và bồi dưỡng nguồn nhân lực VDB chuẩn hóa trở thành điều kiện khả thi không chỉ cho giai đoạn cơ cấu mà cả tầm nhìn chiến lược, cần sự vào cuộc quyết tâm và bản lĩnh chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ và các cấp Lãnh đạo VDB nói riêng và sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của các Bộ, Ngành và Chính phủ.
Thực tiễn chứng minh, công tác cán bộ chỉ có thể làm tốt một khi công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt và toàn diện. Do đó, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy VDB; xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cấp ủy, cán bộ, đảng viên VDB có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, trí tuệ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm tại VDB... nhằm tạo bộ khung từ các cấp lãnh đạo, điều hành và từng cán bộ, đảng viên. Nếu thực hiện đủ và đúng một loạt nhiệm vụ trọng tâm mà Chương trình hành động của Đảng ủy VDB đề ra như trên, đồng thời tuân thủ 19 điều đảng viên không được làm tại Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khi đó mỗi một cán bộ, đảng viên sẽ đóng vai trò là ngọn cờ đỏ và chất xúc tác khơi dậy mạnh mẽ ý chí, khát vọng, tự hào được làm việc, cống hiến vì một VDB phát triển bền vững đến toàn thể người lao động VDB trong trong giai đoạn tái cơ cấu với sự đan xen và đấu tranh giữa mới và cũ, được và mất, mục tiêu lâu dài và lợi ích trước mắt.
Khi việc cải cách VDB sâu rộng, có thể thấy nội hàm của Đề án 48 đối với công tác tổ chức bộ máy không chỉ dừng lại ở yêu cầu tinh gọn, mà làm thế nào phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên VDB trở thành một trong các nguồn lực quyết định thành công của VDB trong vai trò là công cụ hỗ trợ Chính phủ nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực xã hội thông qua tài trợ và đầu tư trung, dài hạn các dự án trọng điểm, mang tầm chiến lược quốc gia. Trên cơ sở tương quan chung, đội ngũ lao động VDB hiện nay, có thể đánh giá là nền tảng đào tạo tương đối cao với trình độ từ đại học trở lên chiếm đến 95,4%, trong đó không ít cán bộ đã tốt nghiệp chương trình thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước, đa phần chuyên ngành đào tạo phù hợp với tính chất và yêu cầu công việc chuyên môn, thêm vào đó độ tuổi bình quân của toàn hệ thống vào tầm 39, được xem là độ tuổi đã tích lũy được những kinh nghiệm nhất định trong cuộc sống, trong công việc và có tiềm năng cho sự phát triển trong tương lai gần. Vậy, một cách khách quan thì nguồn nhân lực VDB đang gặp vấn đề gì? Không khó để nhận thấy, những năm gần đây quy mô hoạt động của VDB dần thu hẹp, hầu như tập trung xử lý tồn tại, lý giải nguyên nhân cán bộ nhân viên ít cơ hội tiếp cận cọ xát với công việc, kết quả là nhân lực VDB không phát huy được trình độ nghiệp vụ, thiếu cập nhật và trau dồi kiến thức chuyên môn, ngại thay đổi và va chạm thực tế, nhất là thiếu luôn động lực phấn đấu trong công tác. Thực trạng nêu trên khiến chất lượng nguồn nhân lực VDB không được đánh giá cao so với mặt bằng khối ngành tài chính ngân hàng mặc dù nền tảng đào tạo cơ bản, điều này tiềm ẩn nguy cơ cho mô hình hoạt động chuyên sâu về ngành, lĩnh vực trong tương lai của VDB. Từ các phân tích, với góc nhìn chủ quan, chúng ta có thể xây dựng và bồi dưỡng nguồn nhân lực VDB định hướng theo chức danh quản lý và vị trí công việc chuyên môn cụ thể đảm bảo kỹ năng hành động chủ động và tích cực đáp ứng mô hình quản trị sau tái cơ cấu của VDB. Để đạt được mục tiêu, phải có sự bắt tay vào cuộc của các cấp ủy Đảng và Lãnh đạo VDB, không chỉ dừng lại ở sự quan tâm lý thuyết của Kế hoạch, Chương trình... mà cần hành động và hành động quyết liệt, cũng không phải đến khi hoàn thành lộ trình tinh giản biên chế theo Đề án 48 mà nên ngay từ bây giờ. Con đường tái cơ cấu của VDB phía trước còn dài (Chiến lược 369), thách thức và cơ hội là song hành, VDB cần, rất cần một đội ngũ vừa hồng vừa chuyên hội tụ bản lĩnh chính trị và năng lực chuyên môn vững vàng để vượt sóng đón đầu, trong đó Đảng viên chính là lực lượng đầu tàu.
Lịch sử đã tổng kết, niềm tin vào sứ mệnh lãnh đạo của Đảng và đầu tư vào sự nghiệp con người tất thu được quả ngọt. Vì vậy, bằng cách tin tưởng vào tầm nhìn và năng lực dẫn dắt, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và phát huy tính tiên phong, gương mẫu của Đảng viên, VDB sẽ kiện toàn và phát triển được đội ngũ nhân lực đầy đủ sức mạnh chiến thắng các trở lực hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu và định vị mô hình hoạt động phù hợp thông lệ, cũng như truyền đi thông điệp của Chính phủ trong việc hỗ trợ cho các khu vực trọng điểm và các liên kết yếu, ổn định các biến động theo chu kỳ kinh tế. Một lần nữa xin phép mượn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh để kết: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”./.
Chi bộ 2 - Đảng ủy Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Khu vực Nam Trung Bộ
Tài liệu tham khảo:
https://srv.vdb.gov.vn - Ngân hàng Phát triển Việt Nam: 15 năm đồng hành cùng đất nước.
https://phaply.net.vn - VDB nợ xấu hàng chục nghìn tỷ đồng: Chuyên gia phân tích nguyên nhân và bài học.
Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 63/2015/NĐ-CP ngày 22/7/2015 quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Ban Hỗ trợ sau đầu tư và quản lý vốn ủy thác, Ban Bảo lãnh, Ban Thi đua khen thưởng, Ban Hợp tác quốc tế, Trung tâm Khách hàng, Trung tâm Thanh toán và Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh.
Ban Cân đối kế hoạch, Ban Tín dụng xuất khẩu, Ban Thẩm định và Tạp chí Hỗ trợ phát triển.
Ban Tín dụng 1, Ban Tín dụng 2, Ban Vốn nước ngoài, Ban Quản lý rủi ro tín dụng, Ban Pháp chế, Ban Kiểm tra giám sát, Trung tâm Xử lý nợ, Ban Kế hoạch-Nguồn vốn, Ban Tài chính kế toán, Văn phòng, Ban Tổ chức cán bộ, Ban Quản lý tài sản và xây dựng cơ bản nội ngành, Trung tâm Công nghệ thông tin, Tạp chí - Đào tạo - Truyền thông, Văn phòng Công đoàn.
Chương trình hành động số 101/QĐ-NHPT ngày 30/9/2019 và Quyết định số 65/QĐ-NHPT ngày 08/4/2020 phê duyệt “Đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của NHPT”.
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII ngày 30/7/2021 của Đảng ủy VDB.