.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương - năm 2022

NGÂN HÀNG TMCP NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM TIÊN PHONG DẪN ĐẦU CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH NGÂN HÀNG

Thứ Năm, 03/11/2022|10:36

(Kỳ 1): Chuyển đổi số - Thay đổi tư duy, thay đổi cách làm

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu khách quan đối với mỗi quốc gia và trong mọi lĩnh vực. Tại Việt Nam, chuyển đổi số được Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề cập sâu sắc về chuyển đổi số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược, khẳng định phải “thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số”. Nghị quyết số 52 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã xác định chuyển đổi số đối với ngành Ngân hàng là một trong số các ngành, lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao, có ảnh hưởng hàng ngày tới người dân, do đó cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Với vị thế là một NHTM Nhà nước có vai trò chủ đạo, chủ lực trong hệ thống, VCB đã tiên phong đi đầu trong hành trình chuyển đổi số ngành ngân hàng, triển khai quyết liệt, mạnh mẽ nhằm mục tiêu đạt mức độ trưởng thành chuyển đổi số trong Top các ngân hàng dẫn đầu ASEAN vào năm 2025, mang lại giá trị cho khách hàng, người dân và xã hội.

Tiên phong hoạch định chiến lược chuyển đổi số

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), được thành lập và chính thức đi vào hoạt động ngày 01/4/1963 với tổ chức tiền thân là Cục Ngoại hối (trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Trong hành trình gần 60 năm qua, VCB đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày nay, không ngừng phát triển lớn mạnh với mạng lưới 126 Chi nhánh, 515 phòng giao dịch trên toàn quốc và các công ty thành viên trong và ngoài nước tại các thị trường tài chính hàng đầu thế giới như Hong Kong, New York, Singapore...

Trong những năm qua, VCB luôn giữ vững vị thế là một ngân hàng thương mại hàng đầu của cả nước, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiên phong đổi mới sáng tạo, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành nghiêm túc và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, đóng góp tích cực, quan trọng vào những thành tựu chung của ngành ngân hàng và sự phát triển của đất nước. Nhiều năm liên tiếp VCB dẫn đầu hệ thống ngân hàng về chất lượng và hiệu quả hoạt động, giữ vững vị trí đầu ngành về nộp ngân sách nhà nước (năm 2019: 8.970 tỷ đồng, năm 2020: 8.689 tỷ đồng, năm 2021: 11.270 tỷ đồng). Quy mô tổng tài sản của VCB xấp xỉ 1,6 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2021 đạt 27.389 tỷ đồng. VCB hiện là tổ chức tín dụng (TCTD) niêm yết có qui mô vốn hóa lớn nhất thị trường.

Từ rất sớm, VCB luôn xác định công nghệ và số hoá là những yếu tố then chốt, quyết định việc duy trì năng lực cạnh tranh. Ngay từ năm 2018, VCB đã chủ động đánh giá tác động của Chuyển đổi số đối với môi trường kinh doanh tài chính ngân hàng, xây dựng và ban hành Đề án chuyển đổi số trong hoạt động của VCB (theo Nghị quyết số 369/NQ-VCB-HĐQT ngày 02/08/2018). Năm 2019, VCB đã phê duyệt Đề án phát triển hoạt động Ngân hàng số tới năm 2025 (theo Nghị quyết số 555/NQ-VCB-HĐQT ngày 28/11/2019), thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số, Trung tâm ngân hàng số nhằm quản lý tập trung, thúc đẩy chiến lược chuyển đổi số và văn hóa ngân hàng số toàn ngân hàng. VCB đã triển khai mạnh mẽ 52 Chương trình dự án chuyển đổi, trong đó chủ yếu là dự án CNTT để làm nền tảng cho việc phát triển số hóa trong cung ứng dịch vụ ngân hàng. Năm 2020, VCB đã phê duyệt dự án ban đầu cho Chuyển đổi ngân hàng số (theo Nghị quyết số 80/NQ-VCB-HĐQT ngày 25/2/2020).   

Đại diện VCB nhận giải thưởng “Ngân hàng chuyển đổi số tiêu biểu của Việt Nam năm 2020”.
Đại diện VCB nhận giải thưởng “Ngân hàng chuyển đổi số tiêu biểu của Việt Nam năm 2020”.

Năm 2021, bám sát định hướng của Đảng ủy Khối DNTW tại Nghị quyết số 02 về “Thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; và Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN; trên cơ sở kế thừa các nội dung của Đề án phát triển hoạt động ngân hàng số trước đây, BCH Đảng bộ VCB đã ban hành Nghị quyết về “Chuyển đổi số của VCB trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (theo Nghị quyết số 339-NQ/ĐU ngày 01/7/2021 của BCH Đảng bộ). Trên cơ sở đó, HĐQT VCB đã ban hành: (i) Chương trình hành động chuyển đổi số của VCB đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (theo Nghị quyết số 363/VCB-HĐQT ngày 07/07/2021); và (ii) Kế hoạch hành động chuyển đổi số của VCB đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (theo Nghị quyết 608/VCB-HĐQT ngày 03/12/2021)

Đồng thời, VCB đã kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, trong đó Chủ tịch HĐQT trực tiếp làm trưởng Ban chỉ đạo. Các công việc triển khai trong năm 2022 về mặt chiến lược được đánh dấu bằng nhiều quyết định quan trọng của Ban lãnh đạo VCB, trong đó phải kể đến 03 nội dung sau:

  • Để đảm bảo hiện thực mục tiêu đạt ra trong Đề án chuyển đổi số, VCB đã thuê đơn vị tư vấn quốc tế với nhân sự có kinh nghiệm và năng lực để xây dựng mô hình, chiến lược, lộ trình chuyển đổi ngân hàng số được thể hiện tại Quyết định số 136/QĐ-VCB-TTNHS ngày 10/02/2022.
  • Kiện toàn mô hình tổ chức Khối Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số VCB theo Nghị quyết 228/NQ-VCB-HĐQT ngày 05/05/2022.
  • Phê duyệt chủ trương thực hiện dự án thuê tư vấn rà soát Chiến lược phát triển VCB đến năm 2025, định hướng năm 2030 theo Nghị quyết 282/NQ-VCB-HĐQT ngày 31/5/2022.

Để thực hiện mục tiêu chiến lược đầy tham vọng phấn đấu đến năm 2025, VCB đạt mức độ trưởng thành về chuyển đổi số thuộc nhóm các ngân hàng dẫn đầu tại khu vực ASEAN, VCB đã đề ra kế hoạch hành động với những mục tiêu hết sức cụ thể, có lộ trình thực hiện rõ ràng. Kế hoạch hành động chuyển đổi số của VCB đến năm 2025 bao gồm 53 sáng kiến; 304 hành động; với mục tiêu mang lại 12 nhóm hiệu quả trong đó tập trung vào nâng cao trải nghiệm của khách hàng; phát triển nguồn nhân lực số; và cải tiến quy trình nghiệp vụ dựa trên 4 trụ cột chính bao gồm: số hoá, dữ liệu, công nghệ và các dự án chuyển đổi;  định kỳ hàng tháng, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số, HĐQT VCB nghe báo cáo cập nhật tiến độ triển khai để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đảm bảo triển khai kế hoạch hành động đúng tiến độ đề ra.

Bên cạnh đó, nhằm trang bị các kỹ năng và kiến thức cho lĩnh vực chuyển đổi số và đảm bảo sự thành công cho lộ trình chuyển đổi số, và làm chủ công nghệ, VCB đã lựa chọn đơn vị tư vấn quốc tế có uy tín, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng để hỗ trợ VCB triển khai kế hoạch hành động; chính thức thành lập Khối CNTT và CĐS từ tháng 12/2021 để tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa đầu tư công nghệ với chương trình CĐS; tuyển dụng chuyên gia có năng lực và kinh nghiệm từ bên ngoài với cơ chế đãi ngộ thỏa đáng nhằm thu hút và giữ các vị trí chủ chốt, trực tiếp dẫn dắt quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo tại VCB. 

Như vậy, thông qua việc hoạch định chiến lược chuyển đổi số một cách bài bản, với sự trực tiếp vào cuộc của lãnh đạo cấp cao nhất; đồng thời đề ra kế hoạch hành động khoa học, cụ thể với lộ trình triển khai rõ ràng, có cơ chế theo dõi, kiểm soát tiến độ sát sao cùng việc ưu tiên nguồn lực và mạnh dạn áp dụng cơ chế thu hút nhân sự có kỹ năng chuyên biệt; Đảng ủy, Ban lãnh đạo VCB đang tiếp cận và triển khai lộ trình chuyển đổi số một cách xuyên suốt, bài bản; có tầm nhìn, chiến lược lâu dài trên cơ sở bám sát định hướng của Đảng, Chính phủ và NHNN.

Lãnh đạo VCB nhận Giấy chứng nhận và Cup vinh danh giải thưởng Sao Khuê 2021.
Lãnh đạo VCB nhận Giấy chứng nhận và Cup vinh danh giải thưởng Sao Khuê 2021.

Những thành tựu nổi bật bước đầu trên hành trình nâng cao trải nghiệm ngân hàng số cho khách hàng

Trong suốt lịch sử gần 60 năm hình thành và phát triển, VCB luôn là ngân hàng tiên phong, đi đầu trong việc nghiên cứu, áp dụng những tiến bộ công nghệ thông tin trong dịch vụ ngân hàng và đã thực hiện điện tử và tự động hóa sản phẩm dịch vụ từ rất sớm. Năm 2001 đến năm 2018 đã tạo nền tảng cho việc chuyển đổi số của giai đoạn hiện tại, như dịch vụ internet banking (dành cho KHCN) và VCBMoney (dành cho KHTC), ra mắt phiên bản mobile banking đầu tiên của VCB dành cho KHCN. Năm 2017, ra mắt phiên bản mobile banking mới. Năm 2018, ra mắt ứng dụng VCBPAY cho phép việc thanh toán hàng ngày, đơn giản.

Hiện thực hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thông qua các chỉ đạo sát sao của Đảng bộ, trong thời gian vừa qua VCB đã nỗ lực triển khai được nhiều giải pháp sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số để cải tiến và phát triển sản phẩm dịch vụ, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Không chỉ dừng lại ở đó, VCB đang tiếp tục ứng dụng công nghệ vào các hoạt động thanh toán dịch vụ công, như cho phép khách hàng sử dụng VCB Digibank, QR Code, thanh toán không tiếp xúc… nhằm đẩy mạnh triển khai thanh toán dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương qua Cổng dịch vụ công quốc gia. VCB luôn nỗ lực đồng hành cùng Chính phủ, cùng các cơ quan các đối tác trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí đi lại cho người dân, đồng thời xây dựng thói quen thanh toán hiện đại, không dùng tiền mặt. Với các nền tảng số đa dạng cho từng nhóm khách hàng chuyên biệt, VCB đã đưa dịch vụ ngân hàng tới gần hơn với đông đảo người dân đặc biệt người dân ở các vùng sâu, vùng xa, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng. 

Nâng cao trải nghiệm, cung cấp sản phẩm dịch vụ số hoá với nhiều tính năng, tiện ích và giá trị thiết thực nhất cho tất cả khách hàng:

Tháng 7/2020, VCB thực hiện thành công dự án phát triển nền tảng Omni Banking hợp nhất kênh Internet Banking và Mobile Banking, tạo nên dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank đồng nhất từ thiết kế giao diện, trải nghiệm người dùng, tên đăng nhập/mật khẩu, hạn mức giao dịch, phương thức xác thực, dữ liệu người dùng, mang đến cho khách hàng trải nghiệm liền mạch, đồng thời, tạo tiền đề rút ngắn thời gian số hóa các sản phẩm bán lẻ và mở rộng kết nối hệ thống hợp tác đối tác phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Mỗi ngày, các kênh số của VCB xử lý thông suốt từ 2,5-3,5 triệu giao dịch với giá trị hơn 51 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ giao dịch của khách hàng cá nhân trên các kênh số chiếm 97% tổng số lượng giao dịch.  Ứng dụng Ngân hàng số VCB Digibank của VCB đã nhận nhiều giải thưởng lớn của các tổ chức đánh giá uy tín trong nước và khu vực như giải thưởng Ứng dụng Ngân hàng số tốt nhất Việt Nam 2020 của The Asian Banker, giải thưởng Sao Khuê năm 2021, 2022, Giải thưởng chuyển đổi số tiêu biểu Việt Nam 2021.

Năm 2021, VCB ra mắt nền tảng số đa kênh VCB DigiBiz dành cho khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là đối tượng SMEs, hộ kinh doanh gia đình với trải nghiệm đồng nhất, xuyên suốt, liền mạch, mô hình lập - duyệt lệnh đơn giản, hạn mức linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của khách hàng, giúp doanh nghiệp SMEs tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng thuận tiện, nhanh chóng với chi phí thấp, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp này. Nền tảng số VCB DigiBiz đã được vinh danh tại lễ trao giải Sao Khuê 2021 vì mang đến những trải nghiệm thiết thực cho các doanh nghiệp SMEs trên nền tảng công nghệ 4.0.

VCB đã phát triển thành công Hệ thống VCB CashUp - Hệ thống thanh toán và quản lý dòng tiền hiện đại, toàn diện đầu tiên tại Việt Nam, đặc biệt cho các khách hàng doanh nghiệp lớn có nghiệp vụ phức tạp và khối lượng giao dịch lớn. Với ngân hàng hợp kênh Omni-channel, VCB CashUp được thiết lập với giao diện thông minh trên tất cả các thiết bị công nghệ, đem lại trải nghiệm đồng nhất cho khách hàng; đồng thời, đáp ứng nhu cầu quản lý đa tầng, đa phương, phục vụ tổng thể cho cả hệ sinh thái của doanh nghiệp. VCB cũng đã đi đầu triển khai dịch vụ tài trợ thương mại trực tuyến qua chương trình VCBCC, đảm bảo chất lượng cao và đạt chuẩn quốc tế nhằm hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trong lĩnh vực tài trợ thương mại. 

VCB đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân - Bộ Công an triển khai thành công ứng dụng căn cước công dân gắn chip (CCCD gắn chip) trong các giao dịch ngân hàng tại khu vực tự phục vụ (ATM) cũng như giao dịch tại quầy.

VCB liên tục nghiên cứu ứng dụng các công nghệ hiện đại trong cung ứng sản phẩm dịch vụ thông qua các nền tảng số như eKYC, Smart OTP, tin nhắn OTT, QR Code, nhằm nâng cấp, cải thiện trải nghiệm người dùng.

Đi đầu trong việc xã hội hoá văn minh thanh toán không dùng tiền mặt

Đối với các dịch vụ hành chính công, VCB là ngân hàng duy nhất được Thủ tướng biểu dương là ngân hàng đầu tiên kết nối trực tiếp với Cổng dịch vụ công quốc gia để cung cấp giải pháp thanh toán trực tuyến theo phương thức Single Sign On giữa Cổng DVCQG với hệ thống VCB nhằm giúp người dân có trải nghiệm hoàn toàn mới và thuận tiện khi truy cập vào Cổng DVCQG sử dụng các dịch vụ công mức độ 4, với 03 loại dịch vụ ban đầu là thanh toán phí phạt vi phạm giao thông, thuế cá nhân, lệ phí trước bạ ô tô/xe máy. 

Ngoài ra, VCB cũng là ngân hàng đi đầu trong việc mở rộng liên kết đối tác trong lĩnh vực công như thanh toán bảo hiểm xã hội, cảng biển, kho bạc nhà nước, bệnh viện, giao thông, logistic... Tính đến nay, VCB đang là ngân hàng duy nhất trên lãnh thổ Việt Nam: (i) Phối hợp với Tổng cục thuế cung ứng dịch vụ nộp thuế điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN); (ii) cung ứng giải pháp chi thanh toán điện tử song phương với Bảo Hiểm xã hội Việt Nam.

VCB liên tục mở rộng, đa dạng hóa hệ sinh thái số, phát triển mô hình kết nối mới với các trung gian thanh toán là các đơn vị cổng thanh toán, hỗ trợ thu chi hộ, chuyển tiền điện tử; các đối tác là nhà cung cấp dịch vụ trong nhiều lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội từ các dịch vụ thiết yếu như: điện, nước, học phí, truyền hình, giao thông… đến các dịch vụ giá trị gia tăng như tài chính, chứng khoán, bảo hiểm… thông qua triển khai giải pháp Open API.

Phát biểu tại buổi làm việc của Đoàn khảo sát Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương (ĐUKDNTW) với VCB về việc khảo sát tình hình ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại VCB vào tháng 4/2021, đồng chí Phạm Tấn Công - Nguyên Phó Bí thư thường trực ĐUKDNTW nhận định: VCB là ngân hàng lớn, định chế tài chính rất quan trọng và là công cụ của Đảng, Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Trong những năm qua, VCB đã thể hiện vai trò, vị thế và có những đóng góp rất lớn vào thành tựu của Ngành ngân hàng. Đồng chí đánh giá, khi VCB thực hiện chuyển đổi số, cùng với hơn 18 triệu khách hàng của mình tham gia, sẽ là một bước tiến lớn, phát triển vượt bậc trong chuyển đổi số của đất nước; tạo nên độ lan tỏa rất lớn cho cả xã hội… Đồng chí cũng nhận định, với tầm nhìn chiến lược của mình, VCB đã có nhận thức từ rất sớm, quyết tâm rất cao, đầu tư quyết liệt, hành động mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số, đề ra chiến lược rất đúng đắn… từ đó kết quả đem lại rất tốt. Đây cũng là điều để các đơn vị trong ĐUKDNTW học tập.

Đồng chí Phạm Quang Dũng, Bí thư Đảng ủy VCB, Chủ tịch HĐQT cũng đã chia sẻ: “Đầu tư thích đáng về nguồn nhân lực, công nghệ, know-how, chuyển đổi số thành công sẽ mang lại những giá trị to lớn về trải nghiệm khách hàng, sự gắn kết của nhân viên và tất nhiên là hiệu quả tài chính”.

Chi bộ 24, Ban Chiến lược, Tuyên giáo & Thư ký tổng hợp

Đảng bộ Trụ sở chính VCB

 

.
.
.
.