.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương - năm 2022

NGÂN HÀNG TMCP NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM TIÊN PHONG DẪN ĐẦU CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH NGÂN HÀNG

Thứ Năm, 03/11/2022|10:45

Kỳ 2: Quyết liệt chuyển đổi số - đột phá chiến lược trên hành trình VCB vươn ra biển lớn

Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng, chỉ đạo Chính phủ, NHNN, VCB đã xây dựng Chiến lược phát triển VCB đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; theo đó đặt mục tiêu trở thành ngân hàng đứng đầu về ngân hàng số, xác định phát triển ngân hàng số là nhiệm vụ then chốt của VCB trong giai đoạn mới. Yếu tố công nghệ và yếu tố con người - nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định có vai trò đặc biệt quan trọng để chuyển đổi số thành công tại VCB. 

Tập trung nâng cấp công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số

Từ rất sớm, VCB xác định đầu tư cho Công nghệ thông tin (CNTT) là cơ sở, động lực để thúc đẩy phát triển hoạt động kinh doanh. Năm 2017, VCB đã triển khai Đề án phát triển CNTT thực hiện chiến lược VCB đến năm 2020 nhằm xây dựng các hệ thống thông tin giúp ngân hàng phát triển các sản phẩm linh hoạt, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của các phân khúc khách hàng, cải tiến quy trình hoạt động và chất lượng dịch vụ, kiểm soát rủi ro và nâng cao hiệu quả quản trị. Đến thời điểm hiện tại, VCB đã hoàn thành triển khai gần 40 dự án, đang tiếp tục triển khai 20 dự án nhằm góp phần cải tiến chất lượng dịch vụ, sản phẩm, phát triển các kênh phân phối, quản trị rủi ro hiệu quả giúp nâng cao niềm tin của khách hàng.

Nâng cấp hạ tầng công nghệ nhằm đảm bảo sự an toàn, bảo mật cao nhất cho khách hàng trong mỗi giao dịch

Hạ tầng CNTT liên tục được đầu tư và nâng cấp nhằm đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn dữ liệu, giảm thiểu rủi ro cho hệ thống. VCB đã đầu tư và triển khai Hệ thống lưu trữ tập trung và hệ thống sao lưu dữ liệu, trang bị máy chủ trên nền tảng ảo hóa, nâng cấp hệ thống mạng tại Trung tâm dữ liệu chính và Trung tâm dữ liệu dự phòng, nâng cao năng lực an toàn, bảo mật theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế thông qua đầu tư triển khai các dự án hạ tầng an ninh thông tin, hoàn thành triển khai dự án PCI DSS. Chủ động rà soát, đánh giá để phòng bị và có giải pháp lường trước với các rủi ro về An ninh thông tin. Triển khai các biện pháp kiểm soát chủ động để phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ về an ninh thông tin phát sinh trong quá trình hoạt động. Chia sẻ thông tin với các ngân hàng, tổ chức tài chính khác để chủ động phối hợp, đóng góp vào mục tiêu chung về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của ngành.

Đầu tư nguồn lực triển khai nhiều dự án chuyển đổi trọng điểm

Cùng với việc hiện đại hóa hệ thống CNTT, nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi, đáp ứng yêu cầu quản trị điều hành, VCB cũng đã cung cấp tới khách hàng nhiều sản phẩm/dịch vụ mới trên nền tảng ngân hàng số hiện đại, cụ thể: 

- Hệ thống Corebanking Signature mới đã hoàn thành triển khai và được đưa vào sử dụng từ quý I/2020. Đây là hệ thống CoreBanking đáp ứng đầy đủ nền tảng công nghệ của một ngân hàng thương mại hiện đại và đang được sử dụng tại hơn 45 quốc gia trên thế giới. Hệ thống Corebanking mới giúp VCB đảm bảo cung cấp dịch vụ 24/7 cho khách hàng, đồng thời đáp ứng đầy đủ và kịp thời về mặt dữ liệu phục vụ công tác quản trị điều hành của ngân hàng cũng như các báo cáo tuân thủ; đáp ứng yêu cầu xử lý số lượng giao dịch lớn trong ngày, duy trì ở mức 32 triệu giao dịch trở lên và ngày cao điểm đạt ngưỡng 44 triệu giao dịch; giảm thiểu các lỗ hổng bảo mật thông qua mô hình kiến trúc thiết kế tổng thể, khoa học; cung cấp khả năng tích hợp đa dạng, linh hoạt, mềm dẻo với hơn 100 ứng dụng vệ tinh hiện tại của ngân hàng cũng như mở rộng tích hợp trong tương lai; hệ thống CoreBanking mới được thiết kế hướng về khách hàng - dịch vụ linh hoạt, qua đó giúp thiết lập/thay đổi các sản phẩm ngân hàng linh hoạt và nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng. 

- Triển khai trục tích hợp hệ thống và kiến trúc hướng dịch vụ giúp việc tích hợp giữa các hệ thống được tối ưu. Hiện tại, VCB đã triển khai hoàn thành dự án trục tích hợp ESB tạo nền tảng cho tất cả các hệ thống kết nối trực tuyến với nhau thông qua trục tích hợp; đảm bảo các hệ thống mới triển khai tuân thủ theo kiến trúc hướng dịch vụ thông qua trục tích hợp ESB. Điều này giúp nâng cao việc tái sử dụng các chức năng có sẵn của hệ thống hiện tại và mở rộng về kiến trúc phục vụ cho những nhu cầu tích hợp được dễ dàng. 

- Giải pháp Payment Hub giúp kết nối tới các kênh chuyển tiền trong và ngoài nước CITAD (Chuyển tiền trong nước) và SWIFT được chuẩn hóa hệ thống với kiến trúc và thiết kế theo chuẩn ISO 20022; sử dụng thiết kế hướng dịch vụ giảm thiểu thời gian tùy biến và xây dựng sản phẩm dịch vụ mới; nâng cao năng lực xử lý hệ thống.

Các hệ thống phục vụ quản trị nội bộ hầu hết được thay thế và triển khai mới nhằm giúp quản trị, tự động hóa quy trình và tăng năng suất lao động như: Hệ thống hỗ trợ nghiệp vụ cho vay: Loan Management System (CLOS, RLOS, C&R); Hệ thống kiểm soát thông tin: Basel 2 Report, EWS, FDS, FTP, ALM, MPA, ERP, AML, ERM, EICM; OR2; Hệ thống hỗ trợ tác nghiệp khác: Hệ thống tài trợ thương mại TF; Hệ thống V-Treasury; Hệ thống thanh toán và quản lý dòng tiền ( PCM); Hệ thống hỗ trợ quản trị: Hệ thống quản trị nguồn nhân lực (HRM); Hệ thống đào tạo trực tuyến E-learning; Hệ thống quản lý dự án PPM; Hệ thống cổng thông tin nội bộ VCB ( Intranet), Hệ thống quản lý văn bản (eDoc), Hệ thống quản lý nội dung doanh nghiệp ( ECM); Hệ thống Kho dữ liệu làm nền tảng cho các hệ thống quản lý và kiểm soát thông tin…

Tích cực ứng dụng công nghệ số trong quản trị điều hành, tối ưu hóa quy trình nội bộ, nâng cao năng suất và hỗ trợ ra quyết định

VCB đã đầu tư cho nghiên cứu các công nghệ ứng dụng mới tạo ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu và đòi hỏi của người dùng trong thời đại mới, thay đổi kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ truyền thống, tối ưu hóa các quy trình vận hành. Cụ thể:

Nghiên cứu, thử nghiệm áp dụng công nghệ RPA cho việc tự động hóa các quy trình nghiệp vụ/ vận hành của Ngân hàng qua đó giúp việc vận hành các quy trình trong ngân hàng liền mạch như: Quy trình lọc, đẩy điện thanh toán CITAD, Quy trình gửi/nhận file thanh toán với các tổ chức thẻ quốc tế Visa, Master, JCB..; Quy trình cài đặt EDC (Thiết bị thanh toán). 

Nghiên cứu công nghệ AI để triển khai áp dụng trong hoạt động ngân hàng như: Chatbot trên Digital bank và các kênh Fanpage giúp cho khách hàng sự tiện lợi có thể giải đáp các thắc mắc mà không cần phải đến trực tiếp ngân hàng. Từ đó khách hàng có thể nhận được trải nghiệm liền mạch trong các dịch vụ của ngân hàng; Mở rộng ứng dụng thu thập thông tin, phân tích giao dịch để đưa ra kế hoạch tài chính cho khách hàng như các thông báo số dư, nhắc nhở hóa đơn, đề xuất các gói tiết kiệm,… ; Nghiên cứu ứng dụng AI để áp dụng chống các hành vi gian lận và phòng chống rửa tiền, đảm bảo An ninh thông tin và An toàn bảo mật trong ngân hàng. 

Về phân tích dữ liệu, hiện tại VCB đang nghiên cứu và triển khai các giải pháp phân tích phân tích dữ liệu để hỗ trợ: Xây dựng các mô hình rủi ro, đặc biệt rủi ro tín dụng, qua đó có thể giúp phân tích khoản vay sẽ được hoàn trả như thế nào trong tương lai; phân tích dữ liệu để tạo ra các công cụ phân theo nhóm, từng cụm dữ liệu xác định có thể nhận ra và nắm bắt các xu hướng, phát hiện các giao dịch bất thường; xác định các phân khúc khách hàng: Qua phân tích dữ liệu, xác định được các phân khúc khách hàng phù hợp, từ đó đưa ra các chiến lược thúc đẩy kinh doanh. Bên cạnh đó, VCB chú trọng thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, tổ chức bảo vệ, nghiệm thu nhiều đề tài về các ứng dụng của CMCN 4.0 trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, làm cơ sở lý luận cho việc áp dụng, thực hiện triển khai tại VCB như đề tài nghiên cứu về AI/Chatbot, đề tài nghiên cứu về RPA/AI trong chuyển đổi số, các đề tài nghiên cứu về Bigdata, phân tích dữ liệu v.v…

Nâng cao trải nghiệm khách hàng

VCB đã triển khai và không ngừng cải thiện các hệ thống phục vụ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trên các kênh khác nhau, cụ thể:

- Kênh điện tử: Phát triển nền tảng Omni Banking - VCB Digital banking cho phép người dùng có trải nghiệm đồng nhất trên tất cả cá kênh Mobile, Internet, cung cấp đầy đủ các dịch vụ cho khách hàng như: Chuyển tiền, tiết kiệm, thanh toán các loại hóa đơn, mua sắm, ví điện tử…. Ứng dụng xác thực sinh trắc học hỗ trợ khách hàng khi sử dụng dịch vụ VCB Digibank, cho phép khách sử dụng dịch vụ VCB Digibank thực hiện xác thực bằng sinh trắc học được tích hợp ngay trên ứng dụng VCB Digibank phiên bản mobile app (Nhận dạng vân tay, Nhận dạng khuân mặt) khi đăng nhập và thực hiện giao dịch. Phát triển ứng dụng Ngân hàng số chuyên biệt VCB DigiBiz cho doanh nghiệp SMEs, Hệ thống VCB CashUp cho khách hàng doanh nghiệp và tổ chức…

- Kênh chi nhánh: Đã được nâng cấp mới đồng bộ cùng hệ thống Corebanking đảm bảo cung cấp dịch vụ nhanh chóng, thuận tiện. 

- Kênh ATM/POS: Hệ thống thẻ bao gồm hệ thống thẻ tín dụng quốc tế (ASCCEND) và hệ thống thẻ nội địa (IST-SWITCH). VCB đã cung cấp mạng lưới ATM và POS rộng khắp cả nước. VCB đã hoàn thành chuyển đổi sang thẻ chip đối với cả thẻ nội địa và thẻ quốc tế. Bên cạnh đó, các sản phẩm thẻ quốc tế của VCB đều đã triển khai 3D-Secure, cũng như triển khai ứng dụng công nghệ Dual Interfaces cho phép triển khai các sản phẩm thẻ không tiếp xúc (contactless).

Rút tiền mặt không cần thẻ tại ATM cho phép Khách hàng thực hiện rút tiền mặt tại các máy ATM của VCB thông qua ứng dụng VCB Digibank mà không cần sử dụng thẻ ATM.

- Kênh hỗ trợ Call Central: Không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, hỗ trợ khách hàng qua điện thoại.

- Nhận diện Khách hàng VIP tại sân bay ứng dụng công nghệ sinh trắc học cho phép định danh được khách hàng ưu tiên đơn giản, nhanh chóng thuận tiện khi sử dụng dịch vụ phòng chờ. 

-  Triển khai lộ trình ứng dụng tổng thể eKYC vào các hoạt động ngân hàng: thu thập dữ liệu sinh trắc học (biometric) khuôn mặt của khách hàng, nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng tại điểm giao dịch, thay đổi phương thức cung ứng dịch vụ tại quầy, xác định/định danh KH trên các kênh số, thay đổi phương thức giao dịch tại VCC, tăng cường hiệu quả an toàn trong vận hành nội bộ.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn sàng cho chuyển đổi số 

Đảng ủy - Ban lãnh đạo VCB đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt chương trình hành động chuyển đổi số và kế hoạch thực hiện chuyển đổi với mục tiêu đổi mới toàn diện hoạt động Ngân hàng theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc CMCN 4.0, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về chuyển đổi số của Chính phủ, NHNN, phát triển, gia tăng tiện ích, nâng cao trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện.

Nhân lực là vấn đề cốt lõi quyết định thành công của quá trình chuyển đổi số và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành ngân hàng nói chung và VCB nói riêng. VCB đã và đang triển khai đồng bộ, bài bản, đổi mới mạnh mẽ công tác phát triển nguồn nhân lực số với nhiều đột phá:

Thứ nhất, xác lập chiến lược nguồn nhân lực phù hợp với chuyển đổi số

VCB đã ban hành Đề án Chiến lược về Quản trị và phát triển nguồn nhân lực VCB đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu chiến lược trở thành Ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, một trong những mục tiêu đặt ra là chủ động chuyển dịch lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; ưu tiên tuyển dụng và xây dựng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin, cán bộ số hóa có trình độ chuyên môn giỏi, tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng nhu cầu quản trị vận hành và làm chủ các hệ thống công nghệ hiện đại.

Chương trình hành động chuyển đổi số đến năm 2025 của VCB xác định phát triển nâng cao nguồn nhân lực là một trong những trụ cột trọng tâm với việc xây dựng đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, “vừa hồng vừa chuyên”, có tư duy đổi mới, sáng tạo, phương thức làm việc linh hoạt và có khả năng thích ứng nhanh với quá trình chuyển đổi số.

Trên cơ sở đó, VCB tiếp tục xây dựng Kế hoạch hành động để triển khai các nội dung liên quan đến quản trị và phát triển nguồn nhân lực gắn liền với quá trình chuyển đổi số. Trong đó, Kế hoạch tập trung vào một số nội dung như: chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp với lộ trình chuyển đổi số; định hướng tuyển dụng và tiêu chí tuyển dụng nhân sự cũng như định hướng công tác đào tạo, đào tạo lại nhân sự thích ứng với chuyển đổi số; áp dụng đồng bộ chính sách trong công tác quản trị và phát triển nguồn nhân lực để tạo môi trường làm việc tốt nhất; cơ chế lương thưởng, phúc lợi và chế độ đãi ngộ cho người lao động với mức lương thưởng cạnh tranh, công bằng nội bộ, phúc lợi và chế độ đãi ngộ hấp dẫn; cơ chế đánh giá và xếp loại cán bộ minh bạch, công khai; xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp và nền tảng văn hóa doanh nghiệp vững chắc.

Đổi mới chính sách tuyển dụng

Công tác tuyển dụng của VCB những năm qua được thị trường đánh giá cao, năm 2020, VCB đã được bình chọn là thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất ngành tài chính ngân hàng đối với sinh viên Việt Nam do Công ty Anphabe công bố. Việc chú trọng xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng vững mạnh giúp VCB thu hút và giữ chân nhân tài trong điều kiện thị trường tuyển dụng ngày càng chịu sự cạnh tranh khốc liệt.

 VCB định hướng chuyển dịch nguồn lao động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, rà soát và đổi mới tiêu chí tuyển dụng nhân sự không chỉ tuyển dụng nhân sự tốt nghiệp các chuyên ngành liên quan đến ngân hàng tài chính mà mở rộng tuyển dụng các chuyên ngành thích ứng chuyển đổi số như khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo… Để đáp ứng việc chuyển đổi theo mô hình công nghệ hiện đại cũng như nâng cấp đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, VCB ưu tiên tuyển dụng và xây dựng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin, tuyển dụng các cán bộ lĩnh vực công nghệ số có trình độ chuyên môn giỏi, tính chuyên nghiệp cao, thành thạo kỹ năng vận hành công nghệ số, làm chủ  hệ thống công nghệ hiện đại, có khả năng nghiên cứu ứng dụng công nghệ 4.0 để sáng tạo sản phẩm ngân hàng số, đảm bảo tính tuân thủ và đạo đức nghề nghiệp để hạn chế rủi ro trong môi trường số. 

Tăng cường chính sách đào tạo, đào tạo lại

VCB liên tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, nhận thức cho đội ngũ cán bộ, xây dựng bản đồ đào tạo đảm bảo các cán bộ nghiệp vụ có khả năng ứng dụng CNTT, phương thức làm việc tiên tiến, tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm của cá nhân, khả năng thích ứng nhanh với môi trường công nghệ thay đổi liên tục. Đẩy mạnh đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng tư duy, suy nghĩ sáng tạo, đột phá, khả năng giải quyết vấn đề cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt chú trọng đào tạo kỹ năng quản lý cho cán bộ quản lý cấp trung và cấp cao nhằm tạo sự đột phá về tư duy và kỹ năng quản lý, tạo tiền đề cho việc triển khai các kế hoạch chuyển đổi. Tăng cường đào tạo các chương trình chuyên sâu về công nghệ số cho các cán bộ nòng cốt trong công tác chuyển đổi số. Chương trình đào tạo liên tục được rà soát, đổi mới theo hướng đào tạo nghiệp vụ ngân hàng gắn với hoạt động chuyển đổi số.

Về hình thức triển khai đào tạo, VCB đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong tổ chức và quản lý đào tạo. Hệ thống E-learning được áp dụng trong toàn hệ thống. Hệ thống quản lý đào tạo (LMS) đang được khai thác và áp dụng với mục tiêu tự động hóa hoàn toàn việc đăng ký học, quản lý thông tin, theo dõi lịch sử đào tạo và lộ trình đào tạo của từng cán bộ.

Phát triển chính sách đãi ngộ

VCB xây dựng cơ chế lương thưởng, phúc lợi và chế độ đãi ngộ cho cán bộ với mức lương thưởng cạnh tranh, công bằng nội bộ, phúc lợi và chế độ đãi ngộ hấp dẫn so với thị trường. Đặc biệt có cơ chế đột phá về chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ chất lượng cao, chuyên gia CNTT và chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái, cơ chế khen thưởng khuyến khích đối với đội ngũ nhân viên có năng lực sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ, chuyển đổi số... Xây dựng lộ trình thăng tiến và cơ hội phát triển nghề nghiệp cho cán bộ. 

Vì vậy tại VCB, mức độ gắn kết và hài lòng của người lao động với công việc là khá cao và có xu hướng tăng dần đều qua các năm. Tỷ lệ cán bộ nghỉ việc tại VCB không chỉ ở mức thấp trên thị trường mà còn có xu hướng giảm dần qua các năm. VCB đã duy trì vị thế dẫn đầu trong nhiều năm liên tiếp là ngân hàng có môi trường làm việc tốt nhất tại Việt Nam.

Tăng cường hợp tác, liên kết với các trường đại học, các công ty Fintech 

Để chuẩn bị nguồn lực cho ngân hàng số tương lai, việc gắn kết giữa VCB với các trường đại học sẽ tối ưu hóa chương trình học tập, gắn đầu ra quá trình học tập đáp ứng yêu cầu về nhân lực của các ngân hàng. Thời gian qua, VCB cũng đẩy mạnh hợp tác với các công ty Fintech trong việc tuyển dụng và đào tạo đội ngũ nhân viên có năng lực sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ mới, phân tích dữ liệu…

Xây dựng văn hóa số trong ngân hàng

Cùng với việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa VCB với 05 giá trị cơ bản: tin cậy, chuẩn mực, sẵn sàng đổi mới, bền vững và nhân văn, để chuyển đổi số thành công thì VCB rất chú trọng việc tạo lập một nền văn hóa phù hợp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đề cao sự hợp tác, khuyến khích tư duy mở; thay đổi nề nếp, tác phong làm việc tương thích với môi trường làm việc số. Hoạt động khoa học và công nghệ được đặc biệt quan tâm, có cơ chế khuyến khích nhằm đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, tăng cường hiệu quả hoạt động ở mọi lĩnh vực.

Quyết liệt triển khai thành công kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025

Chiến lược phát triển VCB đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định tầm nhìn và sứ mệnh là đưa VCB trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu, có đóng góp lớn vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. Để hiện thực hóa tầm nhìn và sứ mệnh này, VCB xác định chuyển đổi số là một đột phá chiến lược và đang triển khai với quyết tâm cao nhất chương trình hành động chuyển đổi số tổng thể và toàn diện, nhằm mục tiêu “Ngân hàng dẫn đầu về chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng Việt Nam” đạt mức độ trưởng thành chuyển đổi số trong Top các ngân hàng dẫn đầu ASEAN vào năm 2025. Các mục tiêu cụ thể như sau:

  • - Đẩy mạnh triển khai hoạt động Ngân hàng số nhằm gia tăng tiện ích, nâng cao trải nghiệm khách hàng; tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ.
  • - Phát triển bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ.
  • - Ít nhất 50% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số;
  • - Tỷ trọng giao dịch của khách hàng thực hiện trên kênh số chiếm tối thiểu 85% tổng lượng giao dịch của khách hàng;
  • - Tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%;
  • - Tối thiểu 50% quyết định cho vay, giải ngân đối với khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng thể nhân được thực hiện số hóa, tự động;
  • - Tối thiểu 70% hồ sơ của khách hàng, nội bộ được tiếp nhận xử lý và lưu trữ điện tử.

Chương trình hành động chuyển đổi được triển khai qua 3 giai đoạn bao gồm hơn 300 sáng kiến với 4 trụ cột gồm số hóa, dữ liệu, công nghệ và chuyển đổi, sẽ tập trung vào việc nâng cao trải nghiệm khách hàng, phát triển nguồn nhân lực số và cải tiến quy trình nghiệp vụ. Các giải pháp chính như sau:

  • Chuyển đổi nhận thức, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tăng cường kiến thức về Chuyển đổi số
  • Xây dựng, tham gia các chương trình truyền thông, tổ chức các sự kiện nhằm thúc đẩy nhận thức của cán bộ, người lao động về vai trò và lợi ích của Chuyển đổi số; tham gia sự kiện “Ngày chuyển đổi số” hàng năm của ngành Ngân hàng…
  • Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về Chuyển đổi số với chiến lược phát triển, chương trình hành động của Ngân hàng.
  • Hình thành và phát triển mô hình Ngân hàng số
  • Nghiên cứu triển khai mô hình hoạt động ngân hàng số, phương pháp phát triển sản phẩm mới theo hướng tinh gọn, linh hoạt.
  • Xây dựng và triển khai Chiến lược chuyển đổi số, trong đó chú trọng phát triển dịch vụ Ngân hàng số dựa trên nền tảng hệ thống Công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản trị điều hành, phù hợp với nhu cầu, nguồn lực của ngân hàng.
  • Tăng cường triển khai các ứng dụng nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng và hiệu quả quản trị nội bộ
  • Tiếp tục triển khai các sáng kiến nâng cao trải nghiệm khách hàng nhờ ứng dụng các giải pháp công nghệ như xác thực khách hàng điện tử (eKYC); nghiên cứu đề xuất giải pháp cho vay trực tuyến đối với các khoản vay nhỏ của khách hàng cá nhân, tiến tới tự động hóa quy trình cho vay trực tuyến đối với khoản vay nhỏ của khách hàng cá nhân; nghiên cứu giải pháp cho phép khách hàng thực hiện giao dịch với ngân hàng thông qua thẻ Căn cước công dân…
  • Tối ưu hóa quy trình nội bộ và tự động hóa tác nghiệp thông qua ứng dụng tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) vào các nghiệp vụ và triển khai các sáng kiến số hóa quy trình.
  • Ứng dụng các hệ thống phục vụ điều hành để phục vụ công tác quản trị, điều hành chung toàn hệ thống.
  • Đẩy mạnh ứng dụng tự động hóa, khai phá tri thức từ dữ liệu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động ngân hàng
  • Đầu tư và triển khai nền tảng RPA-AI tự động hóa quy trình nghiệp vụ.
  • Xây dựng nền tảng phân tích dữ liệu nâng cao áp dụng AI và các công nghệ số để đáp ứng yêu cầu phân tích, báo cáo phục vụ kinh doanh.
  • Triển khai ứng dụng AI Chatbot cho khách hàng và nội bộ ngân hàng.
  • Tiếp tục nâng cấp cơ sở dữ liệu tập trung theo mô hình dữ liệu lớn, đẩy mạnh thu thập dữ liệu, làm sạch dữ liệu khách hàng thông qua các kênh trực tuyến, kênh tại quầy của VCB và từ dữ liệu chia sẻ của các đối tác liên kết.
  • Chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số
  • Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số cho lãnh đạo và đội ngũ cán bộ. 
  • Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao có kiến thức và trình độ công nghệ thông tin để tham gia vào quá trình chuyển đổi số. 
  • Phát triển hệ sinh thái số trong sự hợp tác với Fintech
  • Xây dựng chiến lược hệ sinh thái số trong sự hợp tác với đối tác/ nhà cung cấp/ Fintech. 
  • Mở rộng mạng lưới và xây dựng hệ sinh thái số cho ngân hàng gồm: các đại lý cho ngân hàng; trường đại học; bệnh viện; mạng lưới bán lẻ; doanh nghiệp vừa và nhỏ; các công ty viễn thông; sàn thương mại điện tử...
  • Mở rộng khả năng cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng số cho các dịch vụ công (thuế, hải quan); bảo hiểm...
  • Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin
  • Đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ để đảm bảo an ninh đối với dịch vụ, hạ tầng Công nghệ thông tin sử dụng công nghệ điện toán đám mây; chủ động phòng ngừa, kiểm soát, phòng chống tấn công, phòng chống thất thoát dữ liệu.
  • Thường xuyên rà soát, đánh giá rủi ro để kịp thời phát hiện, cảnh báo và có phương án phòng bị và giải pháp ứng phó, ngăn chặn những rủi ro phát sinh trong các hoạt động nghiệp vụ và quá trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ.
  • Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ triển khai cho chuyển đổi số
  • Bổ sung, hoàn thiện các quy trình, chính sách nội bộ nền tảng để triển khai ngân hàng số, đảm bảo dịch vụ an toàn và tuân thủ quy định của Pháp luật: Hoàn thiện cơ chế, quy trình, quy định nội bộ cho việc ứng dụng các công nghệ, giải pháp mới như Xác thực khách hàng điện tử (eKYC), Open API, RPA...; Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong hợp tác với Fintech (cơ chế lựa chọn đối tác, chia sẻ dữ liệu, quản lý rủi ro với đối tác…).
  • Bổ sung, hoàn thiện chính sách tuân thủ, giám sát và quản trị rủi ro phù hợp với mục đích số hóa: Xây dựng và triển khai Khung quản lý rủi ro tổng thể bao gồm rủi ro hoạt động, nghiệp vụ, CNTT, an ninh mạng và pháp lý.

Việc số hóa ngân hàng sẽ mang đến cho VCB cơ hội mới, khẳng định cũng như giữ vững ngôi đầu trong hệ thống ngân hàng cả về lợi nhuận, phân khúc khách hàng, sản phẩm khách hàng, sản phẩm dịch vụ và độ phủ thị trường. VCB đã chuẩn bị sẵn sàng cho chuyển đổi mô hình ngân hàng số với các thách thức cũng như cơ hội để phát triển, đúng như lời đồng chí Phạm Quang Dũng - Bí thư Đảng ủy,  Chủ tịch HĐQT VCB đã phát biểu tại lễ khởi động Chương trình hành động chuyển đổi vào tháng 9/2022: “Trong bối cảnh chuyển đổi số trong ngành ngân hàng trở thành yêu cầu tất yếu, các ngân hàng tiên phong dẫn đầu sẽ duy trì được lợi thế cạnh tranh, thu hút và giữ chân khách hàng, hoạt động với động lực tăng trưởng cao và bền vững. Nhiệm vụ đặt ra trong năm 2022 và trong thời gian tới rất nặng nề, nhưng với bản lĩnh, ý chí quyết tâm cao, sự đoàn kết, chắc chắn chúng tôi sẽ thành công, đưa VCB đạt đến tầm cao mới”.

Chi bộ 24, Ban Chiến lược, Tuyên giáo & Thư ký tổng hợp

Đảng bộ Trụ sở chính VCB

 

 

.
.
.
.