.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2022:

Tiêu chuẩn đạo đức và nguyên tắc ứng xử cần có của cán bộ, đảng viên Vietcombank

Thứ Ba, 15/11/2022|09:02

Xuất phát từ thực tiễn sinh động, phong phú và những thành tựu to lớn cùng những bài học sâu sắc qua hơn 30 năm đổi mới, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Đại hội lần thứ XII của Đảng ta đã nêu ra 6 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII. Nổi bật trong 6 nhiệm vụ đó, gắn chặt với tình hình thực tiễn và cụ thể trong việc thực Nghị quyết của Đảng ủy Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) về xây dựng Vietcombank vững mạnh, trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam, đó chính là nhiệm vụ số 6: “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”. Bởi lẽ, suy cho cùng, đạo đức là yếu tố nền tảng, tiên quyết, cốt lõi đối với người cán bộ, đảng viên của Vietcombank, giúp định hướng đúng đắn về mặt tư tưởng của chúng ta, góp phần tổ chức thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng ủy Vietcombank đề ra.

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng nói: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện mà nên. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Lời dạy của Bác luôn nhắc nhở chúng ta dù làm việc gì cũng cần phải có đạo đức và đạo đức phải được rèn luyện theo năm tháng, theo nhưng công việc mà chúng ta đảm nhận. Và Bác cũng đã dạy: “Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Có tài mà không có đức là người vô dụng”. Mỗi cán bộ, đảng viên Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chúng ta càng thấm nhuần hơn ai hết tư tưởng trên của Người. 

Từ khi bước chân vào ngành Ngân hàng, bản thân tôi đã nhận thức được trách nhiệm và các phẩm chất của nghề nghiệp mà tôi đã chọn. Ngành Ngân hàng của chúng ta gắn liền với hoạt động tiền tệ của đất nước, cung cấp nguồn vốn hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo ra công ăn việc làm, của cải vật chất cho xã hội, nâng cao đời sống của người dân, xây dựng cở sở vật chất, kĩ thuật để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Xuất phát từ việc gắn liền với các hoạt động tiền tệ nên chữ tín càng được đề cao đối với ngành Ngân hàng. Hoạt động của ngành Ngân hàng ngày nay tiềm ần rất nhiều rủi ro, từ rủi ro hoạt động trong dịch vụ thanh toán cho đến rủi ro tín dụng, rủi ro danh mục đầu tư, ... đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ tạo ra thêm các hiệu ứng lan truyền đối với các loại rủi ro. Từ những vấn đề trên đặt ra cho chúng ta phải sử dụng hiệu quả và không ngừng nâng cao các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, quản trị và xử lý các rủi ro phát sinh bảo đảm cho ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả. Làm tốt được điều này sẽ giúp cho Ngân hàng chúng ta hoạt động hiệu quả, có lãi và được khách hàng tin yêu, ủng hộ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của Vietcombank, trở thành cầu nối quan trọng về tín dụng, thanh toán của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.

Nhận thức sâu sắc trọng trách của người cán bộ Vietcombank, tôi càng thấy rõ mình càng phải rèn luyện đạo đức nghề nghiệp theo chuẩn mực đạo đức của ngành Ngân hàng nói chung, của chuẩn mực đạo đức và bản sắc văn hóa Vietcombank nói riêng. Trước hết, bản thân tôi phải chuẩn bị cho mình một tâm thế, phải nắm được những giá trị cốt lõi cần có của một người đảng viên, một cán bộ Vietcombank. Trong suốt thời gian làm việc, tôi luôn cố gắng hòa vào nhịp sống chung của Vietcombank. Mỗi cán bộ Vietcombank cần phải rèn luyện những phẩm chất đạo đức của người cán bộ ngân hàng, phải xây dựng được hình ảnh đẹp của ngân hàng mình trong ánh mắt của khách hàng và rộng hơn là trong toàn xã hội. Càng hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, tôi càng hiểu rõ việc tuân thủ 6 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và 2 nguyên tắc ứng xử. Nếu như ai đó không tuân thủ những điều này thì cũng đồng nghĩa họ đang tự tách mình ra khỏi ngành ngân hàng.

Trước hết nói về tính tuân thủ, đây là một yêu cầu bắt buộc hàng đầu đối với cán bộ ngân hàng nói chung và cán bộ Vietcombank nói riêng. Sự tuân thủ ở đây bắt đầu từ việc tuân thủ các quy định của pháp luật, tuân thủ các quy trình, quy định nội bộ của Vietcombank. Làm tốt được điều này sẽ giúp chúng ta tránh được việc phạm sai sót liên quan đến nghiệp vụ.

Một chuẩn mực đạo đức cần có tiếp theo của người cán bộ Vietcombank là sự cẩn trọng. Cẩn trọng trong từng lời ăn, tiếng nói, cử chỉ đối với khách hàng, đối với cấp trên và đồng nghiệp, cẩn trọng trong từng nghiệp vụ, trong từng quyết định đánh giá, phân tích, đề xuất cấp tín dụng. Cẩn trọng trong lĩnh vực ngân hàng là điều thiết yếu không bao giờ thừa.

Công tác trong lĩnh vực ngân hàng cũng đòi hỏi sự liêm chính, bởi nghề nghiệp của chúng ta gắn với tiền tệ, gắn với đồng vốn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin yêu, giao phó. Chỉ một chút sơ sẩy, để lòng tham trỗi dậy có thể khiến chúng ta sa ngã, làm thất thoát vốn, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Vietcombank. Điều này càng được thể hiện qua bài học rút ra từ các vụ trọng án trong lĩnh vực ngân hàng.

Áp lực công việc rất lớn, rủi ro cao đi kèm với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ lớn trong lĩnh vực ngân hàng, các tổ chức tín dụng nước ngoài,... đòi hỏi chúng ta phải tận tâm và chuyên cần ở mức cao nhất. Có như vậy chúng ta mới có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình, tăng sự tin yêu của khách hàng, củng cố và phát triển thị phần của Vietcombank. Đi kèm với nó phải là sự tinh thông nghiệp vụ, không ngừng nâng cao năng lực bản thân, chu đáo, tận tâm với khách hàng.

Để đáp ứng với sự hội nhập quốc tế, nắm bắt được những công nghệ tiên tiến của thế giới, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển đổi từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng điện tử đòi hỏi mỗi chúng ta phải chủ động sáng tạo, thích ứng kịp thời với xu thế ứng dụng của thế giới. Phải không ngừng học tập, tiếp thu cái mới, sáng tạo trong tư duy, thích nghi với môi trường xung quanh luôn vận động, phát triển.

Bảo mật thông tin cũng là một yếu tố không thể thiếu và là trách nhiệm đối với mỗi cán bộ Vietcombank. Bởi nếu để lộ thông tin khách hàng, thông tin nội bộ sẽ gây tổn hại tới uy tín, tài sản, thương hiệu của ngân hàng. Chúng ta càng cần phải đề cao công tác bảo mật thông tin không chỉ của khách hàng mà còn của cả nội bộ ngân hàng. Đó là 6 chuẩn mực đạo đức của người cán bộ Vietcombank cần có và phát huy. Làm tốt và tuân thủ các chuẩn mực đạo đức này sẽ giúp mỗi chúng ta đứng vững trong nghề nghiệp của mình, góp phần vào sự phát triển của Vietcombank, đóng góp vào công cuộc đổi mới, phát triển của đất nước. Thực hiện tốt 6 chuẩn mực đạo đức nêu trên là vấn đề cần được rèn luyện lâu dài, không ngừng nghỉ, thể hiện trong từng lời ăn, tiếng nói, trong từng cử chỉ tận tâm với nghề. Nó đòi hỏi bản thân mỗi người phải không ngừng học tập, vươn lên để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ. Muốn vậy, chúng ta cần phải tuân thủ 2 nguyên tắc ứng xử, đó là: Ứng xử trong nội bộ, luôn tôn trọng cấp trên, chấp hành tuyệt đối mọi sự phân công, điều động của cấp trên. Đối với đồng nghiệp, quần chúng phải chân thành, hòa đồng, hợp tác cùng phát triển. Đối với cấp dưới phải hòa nhã, thân thiện. Ứng xử bên ngoài, phải luôn lịch sự trong giao tiếp, nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng các yêu cầu từ khách hàng đặt ra, tạo ra môi trường làm việc tốt, gần gũi. 

Trên cơ sở vận dụng, rèn luyện thường xuyên các tiêu chuẩn đạo đức, nguyên tắc ứng xử nêu trên đặt trong mối quan hệ cụ thể với bộ văn hóa ứng xử của Vietcombank, chúng ta có thể phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, nghị quyết mà Đại hội Đảng lần thứ XII, XIII nói chung và Đảng ủy Vietcombank nói riêng đề ra.

Ngô Quý Vương - Phó Bí thư Chi bộ 1, Trưởng phòng PGD Cao Thắng,

Vietcombank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh

 
.
.
.
.