.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023

Tăng "sức đề kháng" cho đảng viên trong tình hình mới - Bài 3: "Tổ chức thực hiện" để "yếu điểm" không còn là "điểm yếu"

Thứ Ba, 31/10/2023|21:49

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”, các tổ chức cơ sở Đảng ra sức thi đua xây dựng “Chi bộ 4 tốt”, “Đảng bộ 4 tốt” mà nội dung cơ bản là: Thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; chất lượng sinh hoạt tốt; đoàn kết, kỷ luật tốt; cán bộ, đảng viên tốt. Trong đó, sinh hoạt chuyên đề tốt góp phần giải quyết được không ít vấn đề như: Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tăng cường đoàn kết phối hợp trong nội bộ và giáo dục đạo đức, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng đảng viên.

Tổ chức thực hiện là nhiệm vụ rất quan trọng, có tính quyết định việc đưa các chủ trương, đường lối, quy định của Đảng có thực sự đi vào cuộc sống được hay không; là thước đo năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể cấp ủy, của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị… Tuy nhiên, thực tế công tác tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu ở nhiều tổ chức Đảng, đặc biệt đối với các hoạt động mang tính lý luận như sinh hoạt chuyên đề. Vì vậy, để nâng cao chất lượng công tác học tập chuyên đề, việc chuyển biến trong công tác tổ chức thực hiện từ chỗ còn là “điểm yếu” trở về phát huy tối đa vai trò là “yếu điểm” - điểm quan trọng, căn cứ vào quy mô, điều kiện của mỗi tổ chức, các chi bộ cần xem xét thực hiện những biện pháp sau:

Trước hết, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đối với việc tăng cường chất lượng sinh hoạt chuyên đề. Chi ủy là hạt nhân đoàn kết, tiêu biểu về năng lực, trí tuệ của chi bộ, đội ngũ bí thư, chi ủy viên là nhân tố rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng sinh hoạt chuyên đề của chi bộ. Vì vậy, chỉ khi Chi ủy có nhận thức đúng về tầm quan trọng của sinh hoạt chuyên đề thì công tác học tập chuyên đề mới được nâng cao chất lượng một cách chủ động và có hệ thống. Do đó, các tổ chức Đảng cần có những văn bản chỉ đạo và kế hoạch kiểm tra thường xuyên đối với các cấp ủy Đảng trong công tác tổ chức học tập chuyên đề tại các chi bộ trực thuộc.

Đối với các tổ chức Đảng, căn cứ Hướng dẫn số 12- HD/BTCTW ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về một số vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, từ cấp chi bộ, cần chủ động xây dựng kế hoạch học tập chuyên đề hàng năm bài bản, quy củ, yêu cầu nội dung học tập bám sát các vấn đề thực tiễn của chi bộ, các vấn đề đang được hệ thống chính trị và dư luận xã hội quan tâm và các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch đơn vị được giao. Các chi bộ yêu cầu sự tham gia của toàn thể đảng viên trong việc chuẩn bị và xây dựng nội dung chuyên đề, kế hoạch có sự phân công cụ thể, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm và tạo ý thức tìm tòi, học hỏi ở mỗi đảng viên… Tài liệu học tập cần được gửi cho toàn thể đảng viên trong chi bộ nghiên cứu trước để đóng góp ý kiến và chuẩn bị các giải pháp hiến kế, hay phản ánh sâu sắc hơn các vấn đề liên quan đến chuyên đề. Căn cứ vào mức độ tham gia của đảng viên trong công tác sinh hoạt chuyên đề là một tiêu chí trong đánh giá chất lượng đảng viên hàng năm.

Trong phạm vi các đảng bộ có số lượng đảng viên đông, từ 500 đảng viên trở lên, cần xây dựng thư viện bài giảng phục vụ hoạt động học tập chuyên đề, trong đó cung cấp những nội dung mang tính lý luận và thực tiễn, kế hoạch chỉ tiêu của ngành. Theo đó, các chi bộ có thể sử dụng những kiến thức khung và bổ sung thông tin thực tế tại chi bộ để hoàn thiện chuyên đề của mình. Ngoài ra, các tổ chức Đảng cần xem xét xây dựng kênh truyền thông thông tin chính luận ở những đảng bộ có từ 1.000 đảng viên trở lên để triển khai kịp thời và phổ biến các văn bản, chủ trương của Đảng, cập nhật những thông tin, sự kiện quan trọng trong công tác Đảng tại Đảng bộ và các chi bộ. Tạo ra hệ sinh thái chung và duy trì môi trường tương tác giữa các tổ chức đảng và đảng viên, biểu dương các hoạt động phong trào, các giải pháp hiệu quả, lan tỏa các chuyên đề thiết thực, có tính thời sự cao… 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém” (3). Thật vậy, con người là chủ thể, cũng chính là yếu tố trung tâm của quá trình giáo dục rèn luyện. Vì vậy, yếu tố hạt nhân trong giải pháp nâng cao chất lượng học tập chuyên đề chính là nâng cao trình độ, năng lực cho các cán bộ chuyên trách và cán bộ kiêm nhiệm công tác Đảng thông qua việc đào tạo và tái đào tạo thường xuyên, đảm bảo các thông tin, kiến thức truyền tải tới các chi bộ luôn được cập nhật, trau dồi, theo kịp với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của ngành, địa phương và quốc gia. Từ đó, sẽ tạo ra sự chuyển biến và đổi mới trong viêc học tập chuyên đề theo hướng bám sát thực tiễn hơn, phát huy tốt hơn chức năng giáo dục và phòng ngừa những hiện tượng tiêu cực diễn ra trong Đảng.

Cuối cùng, để đảm bảo công tác sinh hoạt chuyên đề được thực hiện đúng nguyên tắc, đúng kế hoạch và đảm bảo chất lượng, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đối với sinh hoạt chuyên đề. Bổ sung việc kiểm tra công tác sinh hoạt chuyên đề vào nội dung kiểm tra giám sát bắt buộc tại các chi bộ. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện những thiếu sót, hạn chế. Từ đó, theo dõi, hướng dẫn việc chấp hành nền nếp, chế độ, nguyên tắc, nội dung, quy trình và thực hiện các chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề. 

Trần Thị Khánh Ngọc, Đảng bộ Chi nhánh TCT HKVN khu vực Việt Nam (CNVN)

.
Các bài viết khác:
.
.
.