.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023

Xây dựng văn hóa số ở Vietnam Airlines: Kỳ 1: Trên dưới đồng lòng - Từ lãnh đạo tới người lao động chung một ý chí

Thứ Hai, 30/10/2023|23:13

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) xác định chuyển đổi số là điều kiện tất yếu để tạo những bứt phá cho sự phát triển, từ đó góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu để cạnh tranh và phát triển

Bám sát tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Đảng bộ Tổng công ty (TCT) đã đặt mục tiêu quan trọng - hướng đến trở thành hãng hàng không số vào năm 2025 và xây dựng vị trí nằm trong top 3 các hãng hàng không Đông Nam Á. Nhưng để thực sự đưa Nghị quyết vào cuộc sống không dễ dàng bởi Vietnam Airlines là hãng hàng không truyền thống với lịch sử hơn 30 năm hình thành và phát triển, bộ máy và phương thức vận hành theo tác phong của truyền thống, có nhiều yếu tố nhà nước về thủ tục hành chính đặc nhất là là tư duy tiếp cận về đổi mới, đột phá. Liên tục trong 3 năm 2020 -2022, dịch bệnh Covid đã ảnh hưởng nặng nề tới tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng công ty, đặc biệt là về tiềm lực tài chính. Những rào cản này đặt ra vô số thử thách trên con đường chuyển đổi số của Vietnam Airlines.

Chuyển đổi số không chỉ liên quan đến công nghệ, mà yếu tố con người mới là yếu tố tiên quyết. Bởi vậy, quá trình chuyển đổi số đòi hỏi sự thay đổi về nhận thức và cách làm việc của người lao động. Đây là quá trình tất yếu trong thế kỷ 21 và cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo từ Đảng ủy TCT để Vietnam Airlines đảm bảo thành công. 

Với cách xác định như vậy, Đảng ủy TCT chỉ rõ về phương thức thực hiện trong Nghị quyết số 55- NQ/ĐUTCT về triển khai công tác chuyển đổi số tại TCT Hàng không Việt Nam giai đoạn 2021-2025: “Chuyển đổi số tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam là một quá trình  diễn ra liên tục, trải qua nhiều cấp độ nhằm đưa Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không số hiện đại trong thời kỳ cách mạng Công nghiệp 4.0 bằng cách áp dụng công nghệ kỹ thuật số (Cloud, Big Data, IoT, AI…) vào tất cả các lĩnh vực, thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc và văn hóa công ty để nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng tính cạnh tranh của Vietnam Airlines Group”.

 Nhằm triển khai Nghị quyết thực sự hiệu quả, yếu tố đầu tiên phải đến từ sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, Ban lãnh đạo Vietnam Airlines. Vai trò đó được cụ thể hóa bằng những chỉ đạo và quyết định rất cụ thể như: Thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số do đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đặng Ngọc Hoà là Trưởng ban, đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà là Phó ban để trực tiếp chỉ đạo công tác chuyển đổi số tại TCT. Sự quyết tâm của Đảng ủy và Ban lãnh đạo Vietnam Airlines là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy, giám sát và quản lý quá trình chuyển đổi số của TCT, đặc biệt là trong bối cảnh hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn vừa phải thực hiện chống dịch. Các nội dung nổi bật đạt được như: Ban chỉ đạo đã thực hiện xây dựng và hoàn thiện Chiến lược chuyển đổi số của TCT Hàng không Việt Nam giai đoạn 2022-2026; thực hiện tái cơ cấu Trung tâm nghiên cứu ứng dụng thành Trung tâm Chuyển đổi số với nhiệm vụ trọng tâm về tham mưu chiến lược về công tác Chuyển đổi số, Ban chỉ đạo cũng đã triển khai việc đánh giá mức độ Chuyển đổi số theo bộ chỉ số DBI của Bộ Thông tin & Truyền thông. Bên cạnh đó lãnh đạo TCT đã đặt quyết tâm cao trong việc xây dựng một nền “Văn hóa số” vững mạnh với các lộ trình cụ thể. Đây chính là những tiền đề quan trọng để toàn bộ hệ thống có cơ sở thực thi các giải pháp chuyển đổi số.

Thành tựu nhỏ để chinh phục mục tiêu lớn 

Theo khảo sát của Ernst & Young - đơn vị tư vấn chuyển đổi số của Vietnam Airlines, năm 2021, Vietnam Airlines đạt 67/100 điểm về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, nằm trong nhóm nâng cao về sẵn sàng chuyển đổi số, cao hơn 12 điểm so với mặt bằng chung các hãng hàng không tham gia khảo sát trên thế giới. Nhận thức về chuyển đổi số cũng được EY đánh giá là khá đồng đều giữa các cấp lãnh đạo và nhân viên tại Vietnam Airlines. Báo cáo mức độ chuyển đổi số năm 2022 (Viettel đánh giá theo bộ chỉ số DBI của Bộ TT&TT), miền Văn hóa đạt 1.53 điểm với nhận định rằng nhận thức về chuyển đổi số của lãnh đạo và nhân sự tương đối tốt, các lãnh đạo đều hiểu và nhận thức được vai trò của chuyển đổi số và 75% nhân viên được hỏi nắm được kế hoạch và lộ trình chuyển đổi số của Vietnam Airlines.

Còn theo Báo cáo đánh giá hiện trạng thực thi văn hóa số Vietnam Airlines 2023, mức độ trưởng thành văn hóa doanh nghiệp của Vietnam Airlines đang ở cấp độ 4/6 - cấp độ quản lý, đạt 49.50/84 điểm. Tham chiếu với thị trường, Vietnam Airlines có cùng cấp độ trưởng thành văn hóa doanh nghiệp, nhưng cao hơn 7.12 điểm so với điểm trung bình chung của các công ty thuộc ngành Dịch vụ (42.38 điểm).

Từ những số liệu tích cực này, có thể thấy Vietnam Airlines đã thực hiện tốt trong việc chuẩn bị cho chuyển đổi số và xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp đủ mạnh mẽ để hỗ trợ quá trình này. Sự nhận thức tốt về chuyển đổi số từ cấp lãnh đạo đến nhân viên có thể giúp tăng cường hiệu suất, cải thiện quy trình làm việc và tạo ra sự cạnh tranh trong ngành Hàng không và dịch vụ. Điều này có thể giúp Vietnam Airlines thích nghi tốt hơn với các thách thức và cơ hội trong kỷ nguyên số, đồng thời cung cấp giá trị tốt hơn cho khách hàng. 

Từ các quyết định mang tầm định hướng và chiến lược, các cấp lãnh đạo của Vietnam Airlines đã chuẩn hóa thành những mục tiêu cụ để đạt được hiệu quả vận hành tối ưu chi phí như: Đặt mục tiêu 100% dữ liệu được tích hợp trên hệ thống, 80% quy trình được tự động hóa, tối thiểu 70% ứng dụng được chuyển đổi lên Cloud, tăng được 7% năng suất lao động hàng năm, doanh thu từ hệ sinh thái số và thương mại điện tử đạt mức 50%. 

Để từng bước thực hiện các lộ trình Vietnam Airlines đã chọn tháng 10 là tháng Chuyển đổi số để tất cả các cấp cùng có nhận thức đúng đắn, tin tưởng và ủng hộ sẵn sàng cho hành trình chuyển đổi số. Với quyết tâm cao và hành động quyết liệt, tháng 10/2022, Vietnam Airlines đã ra mắt “Tuyên bố văn hóa số”; Tháng 10/2023 Vietnam Airlines chính thức ban hành sổ tay “Sức mạnh văn hóa số”.  

Hợp lực để thành công

Thành công bước đầu của Vietnam Airlines đến từ nhiều yếu tố nhưng yếu tố đồng lòng của toàn bộ cán bộ, nhân viên đóng vai trò quan trọng. Quá trình này được đúc rút từ năm bài học xây dựng nên văn hóa số. Cụ thể:

Tư duy đột phá và kế thừa văn hoá: Chuyển đổi số đòi hỏi một tư duy đột phá để thay đổi cách làm việc truyền thống và cách quản lý. Tuy nhiên, điều này phải đi kèm với việc bảo tồn bản sắc văn hoá của Vietnam Airlines và sự liên tục và đồng nhất trong quá trình chuyển đổi. 

Vai trò quan trọng của Ban lãnh đạo: Đảng ủy, ban lãnh đạo TCT đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số vì đã tạo nên tạo môi trường thuận lợi và hội nhập quốc tế, giảm bớt các yếu tố hạn chế và quy trình phức tạp, đặc biệt đối với các sản phẩm số. 

Truyền thông và đồng lòng của người lao động: Để xây dựng văn hóa số, việc truyền thông và giao tiếp về chuyển đổi số rất quan trọng. Người lao động cần hiểu và đồng lòng trong việc thực hiện chuyển đổi. Điều này đòi hỏi sự liên tục và hiệu quả trong việc truyền đạt thông tin. 

Triển khai đơn giản và phù hợp: Chuyển đổi số cần phải được triển khai một cách đơn giản và dễ hiểu, đặc biệt với những người lao động chưa quen thuộc với công nghệ số. Việc sử dụng hình ảnh như "Bông sen số" và ban hành sổ tay “Sức mạnh văn hóa số” là một cách cụ thể hóa và hỗ trợ quá trình này. 

Đào tạo và khảo sát: Liên tục đào tạo người lao động về văn hóa số là quan trọng để đảm bảo hiểu biết và sẵn sàng cho sự thay đổi. Khảo sát định kỳ và bài thi về nhận thức chuyển đổi số giúp theo dõi tiến trình và đảm bảo sự tham gia của mọi người. 

Tối ưu hóa lợi ích cho người lao động: Để đạt được sự chuyển đổi thành công, người lao động cần nhận thức được lợi ích cá nhân mà chuyển đổi số mang lại. Điều này đảm bảo họ tham gia tích cực và hỗ trợ quá trình chuyển đổi. Việc xây dựng văn hóa số và thực hiện chuyển đổi số đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố, từ tư duy đột phá, lãnh đạo quyết liệt, truyền thông, đào tạo và tạo lợi ích cho người lao động. Đây là một quá trình phức tạp nhưng quan trọng để duy trì sự cạnh tranh và phát triển trong môi trường kinh doanh hiện đại.

Hành trình chuyển đổi số sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn khi tư duy đổi mới được quán triệt trong nhận thức và hành động của mỗi người Vietnam Airlines. Điều này cho thấy sức mạnh từ sự quyết tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy và Ban lãnh đạo, sự tham gia tích cực và quá trình thay đổi nhận thức tích cực của cán bộ, nhân viên TCT. Bên cạnh đó, việc liên tục đào tạo và thúc đẩy văn hóa số sẽ đảm bảo cho sự thành công và phát triển bền vững của Vietnam Airlines trong thị trường cạnh tranh cao của ngành Hàng không.

Đỗ Đông Hưng - Phó Bí thư Chi bộ, Phó Trưởng Ban Truyền thông,

Đảng ủy TCT Hàng không Việt Nam

 
.
.
.
.