Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023
Công tác xây dựng Đảng và nâng cao, trau dồi nền tảng chính trị, tư tưởng, đạo đức và bản lĩnh cán bộ trong thời đại ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số tại BIDV
Kỳ 1: Ngân hàng tích cực trong hành trình hội nhập chuyển đổi số
Vai trò của đảng viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời đại 4.0 là một trong những nội dung cốt lõi của công tác xây dựng Đảng, mang yếu tố quyết định đến thành bại của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nắm vững, tiếp thu và phát huy bền vững nền tảng tư tưởng của Đảng, tại BIDV, Ngân hàng cũng đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số của BIDV giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 với nhiều mục tiêu quan trọng về xây dựng Đảng.
Quyết tâm thực hiện mục tiêu kép
Ngày 3-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Quyết định nêu rõ Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Tầm nhìn đến 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Theo Báo cáo mới nhất “Nền kinh tế Internet Đông Nam Á năm 2022” của Google và Temasek cho biết: Việt Nam là quốc gia có quy mô nền kinh tế Internet đứng thứ 3 Đông Nam Á, đạt 23 tỷ USD vào năm 2022. Báo cáo cũng dự đoán trong giai đoạn 2022-2025, kinh tế Internet Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực đạt khoảng 31%/năm, với quy mô ước đạt 49 tỷ USD vào năm 2025.
Tại BIDV, Ngân hàng cũng đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số của BIDV giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 (Nghị quyết 04-NQ/ĐU) với mục tiêu tổng quát đổi mới toàn diện hoạt động của BIDV theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời xây dựng BIDV trở thành Ngân hàng có nền tảng số tốt nhất Việt Nam. Kiên định đẩy mạnh phát triển cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số đem lại tiện ích cao nhất đến với khách hàng, cùng với đó các cán bộ BIDV cũng thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước nhằm vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa thành Nghị quyết, chương trình hành động ở cấp mình, đồng thời gương mẫu thực hiện và vận động tập thể đơn vị nghiêm túc thực hiện để đạt hiệu quả cao nhất.
Trong 02 năm triển khai Nghị quyết 04-NQ/ĐU, BIDV đã mạnh mẽ thúc đẩy tinh thần Chuyển đổi số tới các cấp từ lãnh đạo đến CBNV, cụ thể với các kết quả nổi bật như sau:
Một là, BIDV đã ban hành Nghị quyết số 468/NQ-BIDV ngày 31/05/2021 (NQ 468) về việc Phê duyệt chiến lược Chuyển đổi số BIDV giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030 trên cơ sở Kế hoạch Chuyển đổi số 810/QĐ-NHNN của NHNN và kết quả dự án tư vấn chiến lược số hóa. Đây là văn bản định hướng, mang tính chiến lược, dẫn dắt lộ trình Chuyển đổi số tại BIDV. Để chỉ đạo việc triển khai Chiến lược Chuyển đổi số, Ban chỉ đạo số hóa đã được thành lập. Đồng thời, các bộ phận hỗ trợ gồm các tiểu ban CĐS tại các khối, nhóm Chuyển đổi số cũng đã được thành lập để giám sát triển khai chiến lược. Đến tháng 12/2022, để phù hợp nhu cầu thực tế và sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, BIDV đã thành lập mới Ban chỉ đạo hoạt động CNTT và NHS (theo QĐ 1028/QĐ-BIDV ngày 05/12/2022) để chỉ đạo toàn bộ hoạt động liên quan CNTT và ngân hàng số. Từ 01/08/2022, nhiệm vụ giám sát việc thực thi Chiến lược Chuyển đổi số tại BIDV thuộc trách nhiệm của Ban Công nghệ (nhóm Văn phòng Chuyển đổi số).
Hai là, Hoạt động truyền thông Chuyển đổi số liên tục được đẩy mạnh trong 02 năm qua thông qua các chương trình và hoạt động như chương trình Tọa đàm Digitalk, chuỗi đào tạo công nghệ mới dành cho CBNV TSC, sự kiện Ngày hội sáng tạo và Hội thi sáng kiến Chuyển đổi số,v.v.
Ba là, Ngay sau khi HĐQT ban hành NQ468, Tổng giám đốc đã ban hành chỉ thị, chương trình hành động bao gồm các chỉ tiêu và sáng kiến chuyển đổi số bao trùm mọi hoạt động của ngân hàng theo 08 giải pháp tại NQ 04 cho giai đoạn 2021-2025. Danh mục sáng kiến được triển khai nhanh chóng và định kỳ rà soát, đánh giá, cập nhật theo thực tế triển khai. Đến cuối năm 2022, sau khoảng 1,5 năm triển khai chiến lược, BIDV đã tiến hành rà soát lại các danh mục sáng kiến chuyển đổi số cần triển khai và Tổng giám đốc đã ban hành Chương trình hành động giai đoạn 2023-2025 (theo Quyết định số 8515/QĐ-BIDV) bao gồm 293 sáng kiến toàn kỳ chiến lược. Để cụ thể hóa các mục tiêu cần đạt được năm 2023, Tổng giám đốc đã phân giao các nội dung cần hoàn thành đối với 109 sáng kiến và 11 chỉ tiêu chiến lược chuyển đổi số đến các Ban/TT (tại Quyết định số 862/QĐ-BIDV). Đến nay, số lượng sáng kiến đã hoàn thành trong toàn kỳ chiến lược là 139 sáng kiến, 154 sáng kiến tiếp tục triển khai (bao gồm 139 sáng kiến công nghệ và 15 sáng kiến phi công nghệ).
Bốn là, BIDV là một trong những ngân hàng đầu tiên áp dụng giải pháp Định danh điện tử khách hàng (eKYC) hỗ trợ mở tài khoản và đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử và triển khai thành công cung cấp dịch vụ ngân hàng thông qua giải pháp xác thực sinh trắc học được tích hợp trong căn cước công dân gắn chip do Bộ Công an cung cấp; Hai kênh ngân hàng điện tử chủ lực của BIDV bao gồm Smartbanking (dành cho khách hàng cá nhân) và iBank (dành cho khách hàng tổ chức) liên tục được phát triển và hoàn thiện từ các tính năng đến giao diện một cách đồng nhất, định hướng xây dựng hệ sinh thái số tiện ích, vượt trội dành cho khách hàng. Đến 15/6/2023, số lượng khách hàng trên Smartbanking vượt 6 triệu khách hàng, và trên iBank đạt vượt 122 nghìn khách hàng. Ngoài ra, BIDV đã triển khai chính thức nhiều sản phẩm/dịch vụ số khác như ứng dụng cho vay mua nhà BIDV Home; dịch vụ kết nối trực tiếp hệ thống BIDV với hệ thống ERP doanh nghiệp (BIDV iConnect); tính năng quản lý, giáo dục tài chính dành cho trẻ em Smart kids trên ứng dụng Smartbanking– sản phẩm lần đầu tiên ra mắt trên thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam,v.v.
Năm là, BIDV cũng đã ban hành Kiến trúc tổng thể CNTT tại Nghị quyết số 555/NQ-BIDV, Chiến lược CNTT tại Nghị quyết 556/NQ-BIDV và kiện toàn bộ máy khối CNTT-NHS tại Nghị quyết số 557/NQ-BIDV. Đây là những hành đông quyết liệt từ Ban lãnh đạo BIDV nhằm nâng cao năng lực hạ tầng và nguồn lực CNTT sẵn sàng cho các hoạt động chuyển đổi số của ngân hàng. BIDV đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong các hoạt động tác nghiệp, vận hành quản trị nội bộ nhằm nâng cao năng suất lao động, cụ thể như ứng dụng Robotic trong các hoạt động tác nghiệp thanh toán, tác nghiệp thẻ, CSKH,v.v...
Các đơn vị tại TSC BIDV cũng đã tích cực trao đổi, tư vấn và hỗ trợ quá trình Chuyển đổi số đối với các công ty trực thuộc của BIDV như BIDC, LVB, v.v. thông qua cung cấp và chia sẻ tài liệu, tham gia các Đoàn công tác để thực hiện khảo sát và hỗ trợ trực tiếp trong nhiều công việc cụ thể trước và sau các chuyến khảo sát. Các đơn vị đã tham gia gồm Ban CN, TTPTNHS, TTCNTT, Ban CSSPBB, Ban PTNHBL (nay là các Ban KHBL, SPBL), TTT&VH.
Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng thông qua các buổi sinh hoạt Đảng tại BIDV |
Đẩy mạnh bảo vệ, trau dồi năng lực bảo vệ tư tưởng Đảng
Thực tế cho thấy rằng, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, coi đây là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, trong đó vai trò của đảng viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời đại 4.0 là một trong những nội dung cốt lõi của công tác xây dựng Đảng, mang yếu tố quyết định đến thành bại của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; đồng thời đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, thông tin xấu độc, cố tình bôi xấu cán bộ, đảng viên, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ đoàn kết, gây mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân… Lịch sử loài người đã trải qua 03 cuộc cách mạng công nghiệp và hiện nay chúng ta ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (4.0). Theo đó công nghiệp 4.0 tập trung vào công nghệ kỹ thuật số từ những thập kỷ gần đây lên một cấp độ hoàn toàn mới với sự trợ giúp của kết nối thông qua Internet vạn vật, truy cập dữ liệu thời gian thực và giới thiệu các hệ thống vật lý không gian mạng.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị xác định rõ: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là một nội dung cơ bản, sống còn của công tác xây dựng Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị-xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, đảng viên”. Cũng theo Nghị quyết này thì: “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Thoạt nhìn, các nội dung này có vẻ rất lớn, là trách nhiệm của các cơ quan Trung ương, của cả hệ thống chính trị… nhưng trên thực tế, tất cả đều liên quan đến trách nhiệm cá nhân của mỗi Đảng viên. Đặc biệt là trong thời đại 4.0 hiện nay, với sự bùng nổ của các trang mạng xã hội, khi việc tuyên truyền, phát ngôn của các tổ chức, hội nhóm, cá nhân trở nên tự do khó quản lý thì việc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là một nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, các thế lực thù địch tăng cường móc nối, cấu kết với những phần tử cơ hội chính trị, ra sức xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, với ý đồ làm lung lay nhận thức, niềm tin của nhân dân vào chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng; lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, khoét sâu những yếu kém, sơ hở, mất cảnh giác của ta để bóp méo, xuyên tạc sự thật... Thời điểm họ xuyên tạc thường vào những dịp, những sự kiện lớn như: đại hội đảng các cấp, toàn quốc, hay mới đây là dịp kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021) và cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp....
Thực tế thời gian qua cho thấy liên tục xuất hiện một số cá nhân đăng tải, chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội những thông tin phiến diện, thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng liên quan đến tình hình dịch Covid-19, tiêm vắc xin phòng Covid-19; hiện tượng cá chết tại bờ biển xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc và hiện tượng nước biển có màu đỏ do tảo ở thị xã Hoàng Mai hồi tháng 4/2021; hay như việc triển khai dự án Công viên nghĩa trang sinh thái vĩnh hằng ở xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên… dẫn đến tâm lý hoang mang, phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch và các đối tượng phản động, cực đoan chính trị tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống phá gây hoang mang trong dư luận nhân dân trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang sử dụng không gian mạng để chống phá trực diện khuếch trương thanh thế, cổ súy “giá trị” văn hóa phương Tây. Chúng lập những tài khoản, website giả mạo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, những người có uy tín, nhân vật nổi tiếng… để tung tin gieo rắc hoài nghi trong xã hội, nhất là trước những vấn đề nhạy cảm, kích động, lôi kéo người dân tụ tập trái phép, biểu tình, phá rối an ninh trật tự và có các hành vi phạm pháp.
Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tác động từ thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là những chiến sĩ xung phong, đi đầu trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Đối với mỗi đảng viên, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nói, viết và làm đúng chủ trương, đường lối của Đảng. Đây là một yêu cầu rất quan trọng và mỗi đảng viên phải thể hiện trách nhiệm cao trong công tác, hoạt động, sinh hoạt, sử dụng mạng xã hội… Chẳng hạn, Điều lệ Đảng ghi: “Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản”, tất cả các đảng viên không thể hoài nghi mục đích đó. Sẽ không thể chấp nhận nếu có hiện tượng đảng viên nghi ngờ định hướng đó, rồi đi phát tán các thông tin, ý kiến cho rằng “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là không có thật”, rằng “chủ nghĩa xã hội đã không thể thành hiện thực ngay ở quê hương Cách mạng tháng Mười thì không thể thành công ở nơi khác”,....
Ban Công nghệ BIDV luôn luôn tích cực thảo luận, trao đổi, học hỏi và tự học hỏi, rút kinh nghiệm để qua đó tìm ra các giải pháp để nâng cao vai trò của Đảng viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời đại 4.0 như sau:
Trước hết, cần phải thấm nhuần trong máu trong tim của mình về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước để vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa thành Nghị quyết, chương trình hành động ở cấp mình, gương mẫu thực hiện và ra sức vận động quần chúng thực hiện đạt hiệu quả cao nhất có thể, củng cố niềm tin vững chắc của quần chúng đối với Đảng, đây cũng chính là một “bức tường đề kháng” rất tốt của Nhân dân chống lại những luận điệu tuyên truyền sai trái, thù địch…
Thứ hai, gắn việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với việc thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; dựa vào quần chúng và tin quần chúng để phát động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách mạnh mẽ, đồng bộ. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nhận thức sâu sắc rằng trong tình hình hiện nay cần phải chủ động, đẩy mạnh lên một bước cao hơn về cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, không để kẻ xấu, bọn phản động, các thế lực thù địch lợi dụng, gây lũng đoạn nội bộ; phải kiên trì, kiên quyết tấn công liên tục với bản lĩnh, trí tuệ và sự sáng tạo mới đem lại hiệu quả cao. Tham nhũng, tiêu cực cũng là thứ bệnh mà những người mang chủ nghĩa cá nhân sản sinh ra. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên trước hết là phải đấu tranh một cách quyết liệt với kẻ thù của chính mình, quét sạch chủ nghĩa cá nhân...
Thứ ba, thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất, đạo đức, lối sống, bản lĩnh, trí tuệ, năng lực thực tiễn; nói đi đôi với làm, gương mẫu đi đầu, tin và dựa vào dân để vận động nhân dân phản bác lại những luận điệu sai trái, thù địch. Bởi vì người cán bộ, đảng viên muốn cho dân tin, dân làm theo thì phải có phẩm chất, đạo đức tốt, lối sống giản dị, lành mạnh, quan hệ mật thiết với quần chúng; phải có bản lĩnh vững vàng, có trí tuệ và năng lực thực tiễn để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác lại những luận điệu sai trai, thù địch một cách có hiệu quả cho dù bọn chúng có dùng những thủ đoạn tinh vi, nham hiểm đến đâu. Ví dụ như trên mạng xã hội, các đối tượng tung hàng trăm bài viết và nhiều video, nếu đọc mà không có khả năng phân tích kỹ thì người đọc dễ ngộ nhận cho đây là bài viết có tính chất “xây dựng”, phản ánh được thực tế, rồi chia sẻ trên không gian mạng… Nhưng thực chất là bóp méo, xuyên tạc sự thật hết sức tinh vi để mị dân, gây hoang mang trong quần chúng, nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta…
Thứ tư, chấp hành và thực hiện thật tốt nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình trên tinh thần chân thật, thẳng thắn và xây dựng, đấu tranh làm rõ đúng, sai đi đến thống nhất, giữ vững đoàn kết trong nội bộ Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện không dám nhận khuyết điểm; không tự giác nhận kỷ luật; trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh: “Có đồng chí đáng phải trừng phạt, nhưng vì cảm tình, nể nang chỉ phê bình, cảnh cáo qua loa cho xong chuyện. Thậm chí còn có nơi che đậy cho nhau, tha thứ lẫn nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm đoàn thể. Thi hành kỷ luật như vậy làm cho các đồng chí không những không biết sửa lỗi mình mà còn khinh thường kỷ luật. Tai hại hơn nữa nếu kỷ luật của đoàn thể lỏng lẻo, những phần tử phản động sẽ có cơ hội chui vào hàng ngũ ta để phá hoại đoàn thể ta”. Nếu cán bộ, đảng viên xa rời các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, chắc chắn dẫn đến thoái hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vừa là trách nhiệm vừa là niềm tin và lẽ sống của mỗi cán bộ, đảng viên, để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ trên thì mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện có hiệu quả nguyên tắc “5T”: Tự tu (tu dưỡng), Tự rèn (rèn luyện), Tự học (học tập), Tự soi (nhìn lại mình), Tự sửa (sửa chữa)./.
Nhóm tác giả: Nguyễn Minh Quân, Nguyễn Thị Hồng Hạnh
Ban Công nghệ BIDV