.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023

Vai trò không thể phủ nhận của Agribank trong thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam

Thứ Sáu, 10/11/2023|11:51

Xóa đói, giảm nghèo là một trong những chủ trương lớn, giàu tính nhân văn của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Ngân hàng Agribank có vai trò rất quan trọng góp phần thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tuy nhiên, lợi dụng một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác này, các thế lực thù địch đã đưa ra những quan điểm sai trái, xuyên tạc hòng hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước. Bởi vậy, chúng ta cần nhận diện và kiên quyết đấu tranh bác bỏ, khẳng định vai trò không thể phủ nhận của Agribank trong thực hiện chính sách xoá đói, giảm nghèo tại Việt Nam.

Nhận diện một số quan điểm sai trái, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về chính sách xã hội

Bảo đảm an sinh xã hội, xoá đói, nghèo giảm bền vững là chủ trương lớn, đúng đắn và xuyên suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo ngày một tốt hơn cuộc sống cho người dân, đặc biệt là những người yếu thế, người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau. Chủ trương này luôn được nhân dân đồng tình và đồng hành. Trên thực tế, chính sách xóa đói giảm nghèo nhằm thực hiện chủ trương, quan điểm về an sinh xã hội mang tính nhân văn cao cả này đã mang lại những kết quả sinh động, thuyết phục, tích cực trong đời sống xã hội của đất nước, minh chứng cho những thành tựu đổi mới đất nước.

Tuy nhiên, thời gian qua, lợi dụng Internet và các trang mạng xã hội, một số đài phát thanh, truyền hình, trang mạng ở nước ngoài, các thế lực phản động, thù địch đã liên tục có bài viết, hình ảnh, phát biểu… với nội dung và quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ chủ trương, chính sách ưu việt của chúng ta về chính sách xã hội. Cần nhận diện rõ những quan điểm sai trái, thù địch này để đấu tranh và bảo vệ tính ưu việt của các chính sách xã hội của chúng ta.

Đó là, họ lợi dụng một số thực tế khuyết điểm, hạn chế, một số vụ việc tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách và pháp luật của Nhà nước, đã được chúng ta phát hiện xử lý nghiêm minh, để rêu rao rằng: “Việt Nam chưa quan tâm tới người nghèo, người có công và những người yếu thế trong xã hội…”; “nhà nước kinh doanh trên lưng người nghèo”; “người dân đã nghèo vẫn phải nuôi bộ máy chính phủ”… Họ đưa ra những bài viết, những hình ảnh, những phát ngôn  xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. 

Chẳng hạn, hằng năm, cứ đến ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) hay dịp lễ, Tết, như: 30/4, 02/9, những ngày có liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công, thương binh, liệt sĩ, là họ lại xoáy vào xuyên tạc, công kích, bôi nhọ Đảng, Nhà nước Việt Nam; họ cho rằng Đảng, Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền đã lãng quên, không quan tâm đến thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng; lợi dụng các tổ chức “thiện nguyện”, “từ thiện” để mua chuộc lòng dân. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, họ lợi dụng hình ảnh về nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội là người già, người neo đơn, người nghèo, người khuyết tật, người vô gia cư… để xuyên tạc rằng: Chính phủ đã “bỏ rơi” nhóm đối tượng này, để họ chết mòn trong đại dịch... Từ đó, họ không chỉ kích động, gây mâu thuẫn, bất mãn trong xã hội, mà còn làm suy giảm uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong tổ chức triển khai thực hiện các chính sách, trong đó có hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động của Agribank nói riêng. 

Chúng ta không chỉ cần nhận diện mà còn cần, hơn hết, dùng chính thực tế sinh động, thuyết phục từ những thành tựu thực hiện các chính sách xã hội, trong đó có các chính sách tín dụng ưu việt, hỗ trợ người dân, để đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch nói trên.

Thành tựu của Agribank trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo của Việt Nam

Những quan điểm sai trái, xuyên tạc vô căn cứ với ý đồ xấu của các thế lực thù địch không thể phủ nhận thực tiễn ưu việt từ hoạt động ngân hàng Agribank đã và đang được triển khai ở Việt Nam. Những thành tựu dưới đây đã nói lên điều đó.

Trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (2016 - 2020), Việt Nam đã đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân cả nước là 1%-1,5%/năm và riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm. Để nâng cao hiệu quả của chính sách, Quốc hội và Chính phủ đã gộp tất cả các chương trình xóa đói, giảm nghèo thành một chương trình đó là “Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020”. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam thực hiện hàng loạt các chương trình, chính sách nhằm hướng tới giảm nghèo đa chiều một cách bền vững. Việc đạt được những kết quả giảm nghèo ấn tượng là nhờ tăng trưởng và phát triển ở Việt Nam trong hơn ba thập niên vừa qua được đánh giá là mang tính bao trùm, đại đa số người dân được tham gia vào tăng trưởng và hưởng lợi từ quá trình này.

Để làm nên thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, trong đó có ngành Ngân hàng và Agribank, thông qua ban hành, triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng, hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nông dân, tín dụng cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác. Agribank đang triển khai hiệu quả 07 chính sách tín dụng, 02 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn với lãi suất cho vay ưu đãi, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của khách hàng. Agribank triển khai trong toàn hệ thống chương trình hợp tác, xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới bắt đầu từ năm 2011. Từ 11 xã thí điểm ban đầu, đến nay Agribank đã triển khai cho vay 100% các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới với gần 8.300 xã, doanh số cho vay từ khi triển khai chương trình đến hết năm 2022 lên tới gần 4 triệu tỷ đồng, dư nợ hơn 600 ngàn tỷ đồng cho 2,2 triệu khách hàng.

 

Agribank chiếm thị phần lớn nhất hệ thống các tổ chức tín dụng về cấp tín dụng cho nền kinh tế với tổng dư nợ tín dụng đến 31/12/2022 hơn 1,4 triệu tỷ đồng với hơn 20 triệu khách hàng, tăng 129.061 tỷ đồng (+9,8%) so với cuối năm 2021. Nguồn vốn tín dụng Agribank đã phủ kín đến 100% số xã trên cả nước. Hàng năm, Agribank dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất đối với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp. Tính đến 31/12/2022, Agribank cho vay theo Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 917.302 tỷ đồng chiếm khoảng 63,5% dư nợ nền kinh tế; cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đạt 503 tỷ đồng; cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2018 của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo đạt 479 tỷ đồng; cho vay một số chính sách phát triển thủy sản đạt 879 tỷ đồng; cho vay tái canh cà phê đạt 192 tỷ đồng; …Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

Trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng. Nhận thức sâu sắc về những nguy cơ khi nền nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt thách thức từ biến đổi khí hậu, Agribank quyết tâm đi đầu thực hiện chỉ đạo của NHNN về thúc đẩy tín dụng xanh. Từ năm 2016, Agribank triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch” với quy mô vốn không hạn chế, ban đầu là 50.000 tỷ đồng. Từ nguồn vốn Agribank, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã và đang hình thành trên khắp mọi vùng, miền của đất nước. Đến cuối năm 2022, doanh số cho vay của Agribank từ khi bắt đầu triển khai chương trình đã đạt trên 30.000 tỷ đồng, dư nợ đạt trên 5.000 tỷ đồng với gần 4.000 khách hàng.

Thông qua phối hợp với Trung ương Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đến nay Agribank đã phát triển gần 36.000 tổ vay vốn với gần 800.000 thành viên với dư nợ cho vay hơn 100.000 tỷ đồng; đồng thời triển khai an toàn 68 Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với 24.453 phiên giao dịch, phục vụ gần 2,3 triệu khách hàng tại địa bàn 474 xã trên toàn quốc, giải ngân 8.614 tỷ đồng, thu nợ 10.109 tỷ đồng, huy động tiết kiệm 7.155 tỷ đồng...

Với mục tiêu gia tăng sự tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại của các cá nhân, gia đình, qua đó thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ, hạn chế và đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, Agribank đang tích cực triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ Thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn và cho vay theo chương trình tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình với nguồn vốn tối thiểu 5.000 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2022, Toàn hệ thống Agribank được trang bị hơn 3.300 máy ATM và CDM, 23.574 POS và 21.687 đơn vị chấp nhận thẻ. Số thẻ ghi nợ nội địa lưu hành đạt 17,6 triệu thẻ, doanh số thanh toán thẻ đạt 650.000 tỷ đồng. Agribank thực hiện cho vay theo chương trình tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình theo văn bản số 287/NHNo-HSX nhằm hạn chế tín dụng đen: doanh số đã vượt xa quy mô ban đầu với doanh số cho vay lũy kế từ đầu chương trình đạt 71.748 tỷ đồng, dư nợ 1.702 tỷ đồng, số khách hàng lũy kế từ đầu chương trình là 781.368 khách hàng. 

Từ tháng 5/2021, Agribank thực hiện chính sách miễn phí chuyển tiền trong nước, áp dụng tại 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc và các kênh ngân hàng điện tử nhằm thu hút khách hàng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và quan trọng nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng và cộng đồng. 

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 căng thẳng nhất, Agribank đã triển khai hàng loạt các chương trình tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 với lãi suất ưu đãi. Ngoài các biện pháp cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, phí cho gần 45.000 khách hàng với dư nợ được hỗ trợ lũy kế lên tới trên 100.000 tỷ đồng, Agribank thực hiện cho vay mới đối với các khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 với doanh số 590.000 tỷ đồng, hơn 200.000 khách hàng còn dư nợ. Ngoài ra, Agribank cũng là ngân hàng đi đầu triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước. Tổng số lãi Agribank đã hỗ trợ cho khách hàng trong năm 2022 theo các chương trình tín dụng ưu đãi là gần 2.000 tỷ đồng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước, sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là sự chủ động, triển khai tích cực của Ngân hàng Agribank đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo và các chương trình mục tiêu quốc gia. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước; thể hiện một trong những đặc trưng cơ bản, thuộc tính quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là gắn kinh tế với xã hội, bảo đảm tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển của đất nước. Với những thành tích đạt được trong triển khai chính sách tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác, Ngân hàng Agribank đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.

Giải pháp tiếp tục phát huy vai trò của Agribank trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo

Tại Đại hội lần thứ XIII (2021), Đảng ta chủ trương điều chỉnh chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ cơ bản cho người dân; nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và triển khai có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2020 - 2030;  “bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, miền, dân tộc”. Nhằm cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để thực hiện tốt sứ mệnh của mình, trong thời gian tới Đảng bộ Agribank chỉ đạo các cấp uỷ đảng, cán bộ, đảng viên thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, trọng tâm là:

Thứ nhất, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, bộ, ban ngành, tổ chức chính trị-xã hội và các địa phương tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Chủ động nghiên cứu, đề xuất từng bước mở rộng đối tượng chính sách được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với các Chương trình mục tiêu quốc gia, các mục tiêu an sinh xã hội, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trong đó tập trung ưu tiên nguồn vốn để cho vay các đối tượng chính sách nhất là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Tăng cường chỉ đạo, tổ chức điều tra, rà soát thường xuyên, định kỳ đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình và các đối tượng chính sách khác tại địa phương, tạo điều kiện để các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nhanh chóng, kịp thời vốn Ngân hàng Agribank. Nghiên cứu, đề xuất tích hợp thống nhất các chương trình tín dụng ưu đãi để tập trung nguồn lực, tránh dàn trải gắn với đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động. Tập trung ưu tiên triển khai các hoạt động an sinh xã hội trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, trạm y tế, công trình giao thông nông thôn... 

Thứ hai, tích cực nghiên cứu, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ theo hướng hiện đại, tiện lợi, dễ sử dụng, chi phí phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, người yếu thế, các doanh nghiệp nhỏ, các hợp tác xã, nhằm thực hiện tốt chiến lược tài chính toàn diện quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phù hợp với hoạt động của Ngân hàng Agribank. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát vốn vay chặt chẽ, không để cho vay sai đối tượng, sai mục đích sử dụng vốn. Tăng cường giám sát, đôn đốc, thu hồi nợ quá hạn, xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, tạo điều kiện để người vay khôi phục sản xuất kinh doanh, tránh nguy cơ tái nghèo.

Thứ ba, tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, phát huy hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng đặc thù, đặc biệt, riêng có của Ngân hàng Agribank để thực hiện tốt chính sách xã hội, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tinh gọn tổ chức bộ máy. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hiện đại hóa ngành ngân hàng và phù hợp với hoạt động Ngân hàng Agribank. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, lao động tiền lương, tạo động lực thực hiện hiệu quả chính sách xã hội; tạo điều kiện để phát triển đội ngũ cán bộ Agribank đủ năng lực, ngang tầm nhiệm vụ. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Agribank. 

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể chính trị-xã hội, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, các chính sách dành cho “tam nông” của Ngân hàng Agribank đến mọi tầng lớp nhân dân. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với ngân hàng Chính sách xã hội trong lĩnh vực thanh toán, cung ứng tiền mặt, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ ngân quỹ để đáp ứng nhu cầu cho vay hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác. Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép giữa vay vốn Ngân hàng Agribank với đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả; đồng thời, nhân rộng các mô hình quản lý và sử dụng vốn vay hiệu quả trong cộng đồng.

Thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nêu trên, chính là cách để chúng ta phản bác mạnh mẽ các quan điểm sai trái, thù địch và càng góp phần khẳng định sâu sắc tính đúng đắn, ưu việt của các chính sách xã hội của đất nước ta. 

Trải qua 35 năm xây dựng và trưởng thành, Agribank đã có những đóng góp to lớn vào tiến trình 35 năm đổi mới của Việt Nam với những dấu ấn quan trọng về phát triên kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo. Với vai trò và sứ mệnh của Ngân hàng hàng đầu Việt Nam, Agribank sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình, hành động thiết thực để chung tay cùng toàn ngành Ngân hàng nói riêng, hệ thống chính trị nói chung đưa mục tiêu giảm nghèo bền vững trở thành hiện thực tại Việt Nam.

Nguyễn Kim Tuyến, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Agribank Chi nhánh Phúc Thọ - Hà Tây I

.
.
.
.