.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023

Dấu ấn mở đường và hành trình đưa Nghị quyết "Tam nông" đi vào cuộc sống

Thứ Năm, 09/11/2023|23:14

Thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn khẳng định tầm vóc to lớn và hệ trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, điều này đã được khẳng định sâu sắc trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”“Phải phát triển nông nghiệp một cách toàn diện”. Trong hệ tư tưởng của Người luôn coi trọng nông dân và coi phát triển nông nghiệp là một tất yếu khách quan, là cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp khác. Điều này đã được minh chứng rõ nét qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, là thành quả lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta trong suốt 93 năm qua (03/02/1930 - 03/02/2023), nhất là sau 78 năm kể từ ngày thành lập nước (02/09/1945 - 02/09/2023) và hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. 

Với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử to lớn, đặc biệt nông nghiệp đã trở thành ngành kinh tế quan trọng nhất của đất nước, cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai, “nền kinh tế lấy canh nông làm gốc”. Đây là cơ sở để Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân ta kiên định mục tiêu phát triển lấy nông nghiệp làm điểm tựa cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xem đây là gốc, là sức mạnh nội sinh của chúng ta, tạo đà cho sự phát triển của đất nước trong những năm tiếp theo.

 

KỲ 1: MỞ ĐƯỜNG

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có một vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển đất nước, cần phải có sự nhận thức đúng đắn để đề ra đường lối chính sách đúng đắn nhằm phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Việt Nam. Thực tế cho thấy, không phải ngay từ đầu chúng ta đã nhận thức được một cách thấu đáo mà phải trải qua quá trình trải nghiệm thực tiễn, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận để phát triển. Thực tiễn khách quan này đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải đổi mới tư duy lý luận, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển.

Qua gần 4 thập kỷ tiến hành đổi mới đã chứng minh đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam về nông nghiệp, nông thôn, nông dân gắn với sự phát triển đất nước thông qua Nghị quyết của Đảng đã đi vào đời sống thực tiễn và làm thay đổi thực tiễn. 

Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Ảnh tư liệu)
Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Ảnh tư liệu).

Những quan điểm lý luận xuất phát từ cuộc sống và vì nhân dân

Lúc sinh thời và trong toàn bộ sự nghiệp của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều tư tưởng quan trọng và có giá trị về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Tuy bối cảnh, điều kiện sinh thời của Người có sự khác biệt so với hiện nay nhưng nhiều quan điểm, tư tưởng của Người vẫn có giá trị và sức sống vượt thời gian, có sức gợi mở, định hướng nhận diện, giải quyết nhiều vấn đề có liên quan đến nền kinh tế nông nghiệp - nông thôn và nông dân hiện nay.

Hồ Chí Minh chỉ rõ vai trò đặc biệt quan trọng của nông nghiệp đối với kinh tế - xã hội nước ta: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Đây chính là quan điểm toàn diện, tổng quát của Hồ Chí Minh về vai trò của nông dân, nông thôn, nông nghiệp Việt Nam.

Từ quan điểm tổng quát nêu trên, Hồ Chí Minh đưa ra nhiều biện pháp nhằm phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn Việt Nam vừa có giá trị đương thời, vừa có giá trị gợi mở, định hướng hiện nay. Về nguyên lý chung, phát triển kinh tế Việt Nam, trong đó có kinh tế nông nghiệp, Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm “Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh, Di chúc Hồ Chí Minh thể hiện sự đúc kết những suy tư trăn trở và tầm nhìn bao quát của Người về công cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc, xây dựng đất nước. Tìm hiểu về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp Đảng, Nhà nước vận dụng thiết thực hơn tư tưởng của Người vào sự nghiệp đổi mới đất nước, đồng thời, khẳng định rõ vai trò vị trí của nhân dân trong đó chủ lực quân là nông dân và kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Thực tiễn khi đất nước được hoàn toàn thống nhất, Đảng, Nhà nước lãnh đạo toàn dân khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Nông nghiệp, nông thôn và nông dân vẫn là 3 nhân tố góp phần quan trọng đưa đất nước thoát khỏi cơn khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm đầu thập niên 80 để đổi mới đất nước. Tại Đại hội VI (1986), Đảng ta khởi xướng đường lối đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, đưa nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất lớn, đẩy mạnh thực hiện 3 chương trình mục tiêu về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, trong đó chương trình lương thực - thực phẩm là quan trọng nhất nhằm đảm bảo lương thực cho xã hội và có dự trữ một phần. Từ những năm đầu thập niên 90, sản phẩm nông nghiệp nước ta dần dần chiếm lĩnh và khẳng định được vị trí trên thị trường quốc tế.

Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với Nghị quyết 10 (ngày 05/4/1988) của Bộ Chính trị về chuyển đổi cơ chế quản lý nông nghiệp đã mở đầu cho sự phát triển ngoạn mục của nông nghiệp, nông thôn nước ta. Chỉ thị, Nghị quyết của các kỳ Đại hội và Hội nghị Trung ương đều là những chủ trương, chính sách đổi mới rất quan trọng trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp và đời sống xã hội nông thôn lấy kinh tế nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò quan trọng, là “tiền đề” cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên các lĩnh vực khác thành công. Đây chính là sự vận dụng sáng tạo những luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề nông dân vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam, có tính đến xu hướng phát triển của thời đại.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12/1986) của Đảng đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế ở Việt Nam, tạo nên chuyển biến mạnh mẽ, mang tính đột biến, đột phá trong sản xuất nông nghiệp của nước ta (Ảnh tư liệu).
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12/1986) của Đảng đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế ở Việt Nam, tạo nên chuyển biến mạnh mẽ, mang tính đột biến, đột phá trong sản xuất nông nghiệp của nước ta (Ảnh tư liệu).

Cuộc dấn thân mở đường và những sáng kiến để đời

Trong hành trình đưa Nghị quyết này đi vào cuộc sống không thể không nói đến vai trò của Agribank - Ngân hàng gắn với sứ mệnh “Tam nông” từ những ngày đầu thành lập mà dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao phó, có thành tích xuất sắc phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong thời kỳ đổi mới.

Ra đời do nhu cầu cấp thiết từ công cuộc đổi mới, tên gọi và sứ mệnh của Agribank ngay từ đầu đã gắn liền với sinh mệnh của nền nông nghiệp Việt Nam. Sự ra đời của Agribank vì thế có thể xem như sự mở đường khai phá cho hành trình đổi mới nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam thoát ly khỏi nền nông nghiệp truyền thống dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta. Với ý nghĩa đó, quá trình 35 năm hoạt động, lớn mạnh của Agribank luôn gắn liền với con đường phát triển đi lên của nền nông nghiệp Việt Nam, ngày càng có đóng góp quan trọng đối với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế đất nước.

Sự đóng góp của Agribank với vai trò chủ lực trên thị trường cung ứng vốn, sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn có ý nghĩa kinh tế, chính trị và xã hội sâu sắc. Thông qua triển khai hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, sử dụng hiệu quả đồng vốn của Agribank, nông nghiệp, nông thôn ngày càng khởi sắc nhờ phá thế độc canh, chuyển dịch cơ cấu theo hướng phát triển hàng hóa, công nghiệp, dịch vụ. Nhiều vùng nông sản hàng hóa tập trung nhờ đó đã được hình thành trên khắp cả nước, đưa nền nông nghiệp phát triển theo hướng quy mô lớn, gia tăng giá trị.

Điểm lại hành trình của Agribank đồng hành cùng nông nghiệp Việt Nam, kể từ khi Agribank cùng hệ thống chính trị triển khai Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI về nông nghiệp ban hành ngày 05/4/1988, với những nội dung có tính đột phá, tạo bước phát triển mới rất quan trọng, tạo ra sinh khí mới cho nông nghiệp và nông thôn trong thời kỳ đổi mới, với tư tưởng “giải phóng sức sản xuất” cho nông nghiệp và nông dân; Agribank đã có những đóng góp quan trọng đối với thành công của các chương trình trọng điểm của Chính phủ thời điểm bấy giờ, như cho vay mía đường; tôn nền hoặc làm nhà trên cọc ở Đồng bằng sông Cửu Long; thu mua lương thực dự trữ xuất khẩu, thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá theo yêu cầu của Chính phủ; cho vay khắc phục hậu quả lũ lụt; cải tạo vườn tạp thành vườn chuyên canh, chương trình điện khí hóa, giao thông nông thôn, cho vay khôi phục nghề truyền thống… Và tiếp nối sau này là triển khai Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bước đầu làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ chuyển sang liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao… Agribank đi đầu triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách, khởi xướng và triển khai gói tín dụng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch, qua đó thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững… 35 năm hiện diện đồng hành gắn bó thủy chung cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank đã và đang khẳng định bản lĩnh của một ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam luôn gắn với sự vận động phát triển đi lên của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam, trong đó mỗi “nông hộ” là một “tế bào” sống ngày càng lớn mạnh, cùng đưa kinh tế hộ ngày càng phát triển và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước.

Cho vay hộ sản xuất hay còn gọi là chương trình tín dụng hộ được xem là một hướng đi thành công tạo dấu ấn, bản sắc của Agribank. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Agribank đã xác định việc chuyển hướng hoạt động theo hướng của ngân hàng thương mại, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm cho vay trực tiếp đến hộ nông dân. Từ giữa năm 1989, Agribank thực hiện thí điểm cho vay tới hộ nông dân tại một số địa phương, như Hà Bắc (nay là Bắc Ninh và Bắc Giang), An Giang, Cửu Long (nay là Vĩnh Long và Trà Vinh), Long An và huyện Bình Chánh thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Từ thực tế triển khai, để quản lý hiệu quả và bảo đảm chất lượng tín dụng hộ, Agribank đã có sáng kiến thành lập các tổ liên danh vay vốn tại thôn, bản - mỗi tổ gồm 10 -15 hộ có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất. Hoạt động tín dụng đối với hộ sản xuất còn được mở rộng theo các chương trình và dự án phát triển sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, đồng thời đáp ứng vốn cho các doanh nghiệp thu mua hàng hóa nông, lâm, thủy hải sản. Cuối năm 1990, dư nợ tư doanh và cá thể (bao gồm một phần hộ nông dân ở một số chi nhánh thí điểm) của Agribank mới chỉ ở mức 103 tỷ đồng (chiếm 7,4% tổng dư nợ), thì chỉ sau một năm (cuối năm 1991) con số này đã tăng gấp 2,5 lần, với quy mô 259 tỷ đồng và 558 nghìn hộ nông dân được vay vốn.

Từ thành công trong cho vay hộ nông dân, ngày 28/6//1991, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 202-CT chính thức có chỉ đạo về việc làm thử cho vay vốn đến hộ sản xuất. Ngay sau đó, Tổng Giám đốc Agribank cũng đã ban hành văn bản 499/NHNo ngày 23-7-1991 về việc cho vay hộ nông dân như một sự cam kết luôn tiên phong và gắn bó với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 

Đến nay, sau 35 năm hoạt động, Agribank có gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch, là ngân hàng thương mại duy nhất đang có mặt tại 9/13 huyện đảo trên cả nước; là đối tác tin cậy của hàng chục ngàn doanh nghiệp, hàng triệu hộ sản xuất. Agribank đã phát triển thành công trên 58.000 tổ vay vốn, mô hình điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với trên 600 xe với gần 4.000 phiên giao dịch phục vụ hàng chục ngàn lượt khách hàng với mong muốn chuyển tải vốn và sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích đến mọi bản, làng, huyện đảo, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của bà con nông dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, với phương châm “Agribank bảo đảm không để hộ nông dân nào có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả mà thiếu vốn”.

Cho vay trực tiếp đến hộ nông dân, hướng đi thành công tạo dấu ấn, bản sắc của Agribank.
Cho vay trực tiếp đến hộ nông dân, hướng đi thành công tạo dấu ấn, bản sắc của Agribank.

Cùng với sáng kiến cho vay tới hộ nông dân, thành lập tổ liên danh vay vốn, ngân hàng lưu động, Agribank cũng khởi xướng đề xuất sáng kiến thành lập Ngân hàng phục vụ người nghèo, tiền thân của Ngân hàng chính sách xã hội ngày nay. Đó là giai đoạn đầu hoạt động của ngân hàng thương mại (1988-1995), trong bối cảnh hộ nghèo khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng nếu không có chính sách cho vay ưu đãi. Với khát vọng giúp các đối tượng chính sách, người dân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo từ sản xuất kinh doanh bằng đồng vốn ngân hàng, Agribank đã chủ động đề xuất và đến ngày 24/3/1995 được NHNN chấp thuận cho phép thành lập “Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo thiếu vốn sản xuất” do Agribank quản lý và giải ngân, với số vốn đóng góp ban đầu là 400 tỷ đồng. Chỉ sau 5 tháng hoạt động, Agribank đã giải ngân gần hết số vốn của Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo. Để mở rộng nguồn vốn cho vay hộ nghèo, Agribank tiếp tục xây dựng Đề án và đề xuất Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ thành lập Ngân hàng phục vụ người nghèo. Ngày 31/8/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 525-TTg thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo (tiền thân của Ngân hàng Chính sách xã hội ngày nay) trực thuộc Agribank với tổng nguồn vốn ban đầu là 518 tỷ đồng. Ngay sau khi thành lập, đến cuối năm 1996, nguồn vốn của Ngân hàng phục vụ người nghèo đã tăng lên gần 2.000 tỷ đồng, tổng dư nợ tăng hơn 3 lần so với 1995 là 1.769 tỷ đồng, phạm vi hoạt động được mở rộng, đảm bảo an toàn, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, tạo lập được nguồn vốn và kênh dẫn vốn hiệu quả đến người nghèo. Sự ra đời của Ngân hàng Chính sách xã hội từ khởi xướng của Agribank đã khẳng định phương thức tín dụng xóa đói giảm nghèo là hoàn toàn phù hợp trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của cả xã hội tham gia vào thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo và cho đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn đang tiếp tục làm tốt sứ mệnh của mình là công cụ quan trọng trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo được Chính phủ, Bộ, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. 

Agribank đã có sáng kiến thành lập các tổ liên danh vay vốn tại thôn, bản nhằm đáp ứng nguồn vốn kịp thời đến tay người nông dân.
Agribank đã có sáng kiến thành lập các tổ liên danh vay vốn tại thôn, bản nhằm đáp ứng nguồn vốn kịp thời đến tay người nông dân.

Từ thực tiễn đầu tư, phục vụ nông nghiệp, nông thôn, Agribank cũng đã chủ động xây dựng đề án và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách tín dụng trong cho vay nông nghiệp, nông thôn như: Chỉ thị số 202/CT ngày 28/6/1991, Nghị định số 14/CP ngày 02/3/1993, Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg về một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Có thể nói, trong mọi thành tựu của Agribank luôn có dấu ấn của Đảng uỷ Agribank với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện Agribank hoàn thành mọi nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị; đặc biệt đường lối lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ trong phát triển “Tam nông” luôn là vấn đề tiên quyết, kim chỉ nam dẫn dường cho toàn hệ thống kiên định mục tiêu phát triển đã được lựa chọn ngay từ khi thành lập và vẫn trọn vẹn, thuỷ chung, đồng hành trong suốt hơn một phần ba thế kỷ, dù chấp nhận đây là lĩnh vực chịu nhiều bấp bênh, rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, quy luật được mùa mất giá,… từ khách quan mang lại.

Nguyễn Thị Thu Hiền - Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Agribank

 

 

.
.
.
.