.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023

Dấu ấn mở đường và hành trình đưa Nghị quyết "Tam nông" đi vào cuộc sống (tiếp theo)

Thứ Sáu, 10/11/2023|08:18

KỲ 2. RỘNG ĐƯỜNG CHO “TAM NÔNG” PHÁT TRIỂN

Trong thập niên đầu thế kỷ XXI, Việt Nam về cơ bản vẫn là một nước nghèo, kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp sản xuất nhỏ. Nghị quyết Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định mục tiêu năm 2010 đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và cơ bản trở thành một nước công nghiệp, GDP bình quân nhân khẩu đạt trên 2.000 USD. Đây là mục tiêu rất cao, muốn đạt được cần phải có sự chuyển biến mạnh mẽ của các ngành sản xuất và dịch vụ, trong đó nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng. Đó là vấn đề đảm bảo an ninh lương thực quốc gia góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới, đảm bảo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của nông dân, giảm tỷ trọng nông nghiệp trong GDP và lao động xã hội.

Ảnh tư liệu.
Ảnh tư liệu.

Những chủ trương, chính sách đúng và trúng, đều vì người nông dân và từ người nông dân

Để khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan trọng như: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được Chính phủ ban hành năm 2010; Quyết định số 899/ QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững”... Theo đó, Nghị định 41 đã được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thông qua Nghị định 55/2015/NĐ-CP và gần đây nhất là Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điểm của Nghị định số 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, với nhiều điểm đột phá đã góp phần hạn chế rủi ro tín dụng và khuyến khích tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay…

Trước khi Nghị quyết số 26-NQ/TW được triển khai, năm 2008, cả nước có 957,5 nghìn lượt hộ thiếu đói và 4 triệu lượt nhân khẩu thiếu đói. So với năm 2007, số lượt hộ thiếu đói tăng 32,3%, số lượt nhân khẩu thiếu đói tăng 32,7%. Tình trạng thiếu đói tập trung nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Trước tình hình đó, để nâng cao đời sống, nâng cao phúc lợi xã hội cho người nông dân, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, tại Hội nghị Trung ương 7, khóa X đã xác định vấn đề “Tam nông” là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Ngày 5/8/2008, Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Tam nông” đã ra đời. Đây là Nghị quyết lịch sử đầu tiên của Đảng đề cập toàn diện đến cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trong đó khẳng định nông dân là chủ thể, xây dựng nông thôn mới (NTM) là căn bản, phát triển toàn diện nông nghiệp là then chốt.

Để thực hiện Nghị quyết, năm 2009, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động gồm 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), 9 đề án quy hoạch và 36 đề án chuyên ngành. Nhưng điều cốt lõi khiến cho Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, là việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020.

Khi bắt đầu thực hiện Chương trình, xuất phát điểm của các xã còn thấp, năm 2010, bình quân cả nước chỉ đạt xấp xỉ 4 tiêu chí/xã. Nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, Chương trình đã đạt được kết quả vượt bậc. Theo thống kê, đến nay cả nước có 6.022/8.177 xã (chiếm 73,65%) đạt chuẩn NTM, tăng 11,3% so với cuối năm 2020. Trong đó có 100 xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi, có 04 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM, 1.331 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 176 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã. Có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, tăng 90 đơn vị so cuối năm 2020 (chiếm khoảng 40,8% cả nước). 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM, tăng 07 địa phương so với cuối năm 2020; trong đó có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. 

Agribank đóng góp tích cực phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, đặc biệt là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Agribank đóng góp tích cực phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, đặc biệt là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Sau 15 năm thực hiện, Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa X) đã được cả hệ thống chính trị nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, đạt được nhiều kết quả to lớn, cải thiện rõ rệt đời sống của đa số nông dân, đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Giai đoạn từ 2008 đến 2020, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 3,01%/năm, quy mô GDP (theo quy mô điều chỉnh, tính giá so sánh) toàn ngành tăng gấp 1,4 lần. Năng suất lao động nông nghiệp đạt 55,9 triệu đồng/người, gấp hơn 4 lần so với năm 2008. Quy mô xuất khẩu nông sản tăng bình quân 8,01%/năm; năm 2020 đạt 42,34 tỷ USD; năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD. Nông sản của Việt Nam có mặt ở 196 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sự vào cuộc quyết liệt và thực chất

Những năm qua, chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn của nước ta đã phát huy vai trò quan trọng trong việc khơi thông dòng vốn tín dụng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn cao hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng.

Trong 15 năm qua, ngành Ngân hàng được đánh giá là một trong những ngành có đóng góp lớn đối với sự phát triển của khu vực “Tam nông”. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong nhiều năm qua, ngành Ngân hàng luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong các lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng và đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm mở rộng tín dụng hiệu quả đối với lĩnh vực này. Cụ thể, với quyết tâm, nỗ lực triển khai nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 26 của BCH Trung ương, NHNN đã chủ động tham mưu trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng dành riêng cho lĩnh vực này, khởi đầu là Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều giải pháp đặc thù mang tính đột phá, phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó chính sách cho vay tín chấp với hạn mức phù hợp là bước đột phá lớn nhằm tạo điều kiện cho người dân khu vực nông thôn tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Chính sách này được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện vào năm 2015 (Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015) và gần đây nhất là năm 2018 (Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018) với nhiều điểm đột phá mới, như: (i) Mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình đã được nâng lên gấp đôi so với năm 2015; (ii) Bổ sung chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện đầu mối liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; (iii) Hoàn thiện chính sách xử lý rủi ro đối với khách hàng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng; (iv) Bổ sung quy định về quản lý dòng tiền liên kết trong sản xuất nông nghiệp, góp phần hạn chế rủi ro tín dụng và khuyến khích tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay...

Với quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thấp hơn từ 1%-2% lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác, NHNN đồng thời triển khai nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các TCTD mở rộng tín dụng nông nghiệp, nông thôn, như: Thực hiện chính sách hỗ trợ về nguồn vốn cho các TCTD có tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 40% trở lên; khuyến khích các TCTD mở rộng hoạt động và phát triển thêm các gói sản phẩm tín dụng phù hợp ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các khu vực có mạng lưới ngân hàng chưa phát triển... Trong đó, khuyến khích phát triển mô hình ngân hàng lưu động, điểm giao dịch cấp xã để đưa vốn và cung cấp dịch vụ ngân hàng đến tận tay người dân.

Gần 70% dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong dư nợ tín dụng “Tam nông” tại Việt Nam.
Gần 70% dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong dư nợ tín dụng “Tam nông” tại Việt Nam.

NHNN cũng chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và triển khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam như lúa gạo, thủy sản, cà phê...; khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ; hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg,...

Đồng thời, triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, liên kết với nông dân trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nông thôn. Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục vay vốn, đồng thời niêm yết công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay để doanh nghiệp, người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn được vay vốn một cách thuận lợi với thời gian nhanh nhất.

Với việc quan tâm phát triển tín dụng phục vụ đời sống cho người dân khu vực nông thôn, đặc biệt là ở các khu vực còn nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa, góp phần giảm nghèo bền vững và hạn chế tình trạng tín dụng đen thông qua nhiều giải pháp đồng bộ như: tạo hành lang pháp lý cho các TCTD, nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô mở rộng tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng, cải thiện đời sống của người dân nông thôn; phối hợp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khác đưa vốn đến tận tay người dân một cách hiệu quả nhất, giúp hàng triệu hộ nông dân được tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ngân hàng...

Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến các tổ chức, cá nhân, trong đó có chính sách tín dụng tiêu dùng phục vụ đời sống.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách nêu trên đã góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong 15 năm qua, tín dụng của ngành ngân hàng cho khu vực này đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ; hiện nay đã có tới 70 NHTM, hơn 1.100 quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó, Agribank có tỷ trọng dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn cao nhất (gần 50% dư nợ cho vay toàn hệ thống). Mô hình ngân hàng lưu động của Agribank và các điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội đặt tại hầu hết các xã, thôn, bản của 63 tỉnh, thành phố đã hỗ trợ tài chính và cung cấp dịch vụ ngân hàng tới đại đa số người dân trên phạm vi cả nước, kể cả người dân ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tín dụng tiêu dùng, phục vụ đời sống đã được các TCTD triển khai mạnh mẽ hơn ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. 

Agribank đóng góp vào thành công của Chương trình xây dựng NTM, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của nhân dân ở khu vực nông thôn.
Agribank đóng góp vào thành công của Chương trình xây dựng NTM, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của nhân dân ở khu vực nông thôn.

Dẫn đầu tín dụng “Tam nông”

Trải qua 35 năm kiên định theo đuổi mục tiêu phát triển “Tam nông”, đặc biệt trong hành trình 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nguồn vốn của Agribank thông qua các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ đã hỗ trợ tích cực quá trình sản xuất kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần hạn chế tín dụng đen,... đóng góp vào việc thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển bền vững.

Là NHTM gắn với sứ mệnh “Tam nông” ngay từ những ngày đầu thành lập, nhận thức Nghị quyết 26 mang tính toàn diện và đầy đủ nhất để giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta từ trước đến nay, được dư luận kỳ vọng về một thời kỳ mới cho khu vực này với tương lai phát triển mạnh mẽ, Đảng ủy Agribank đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo Agribank tiên phong, chủ lực triển khai Chính sách tín dụng về phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 41/2010/NĐ-CP, Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 55) và các chương trình tín dụng chính sách khác. Với việc triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW, Agribank là đơn vị đi đầu, nghiêm túc trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu chính sách đề ra. Đến nay dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,31 triệu tỷ đồng, trong đó gần 70% dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong dư nợ tín dụng “Tam nông” tại Việt Nam. Trong hành trình 15 năm đưa Nghị quyết 26 đi vào cuộc sống, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank luôn duy trì phù hợp với mục tiêu đề ra (65%-70% hàng năm), góp phần quan trọng để lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không ngừng phát triển, tạo thế và lực mới cho vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát và ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt trong đời sống kinh tế - xã hội, Agribank duy trì dòng vốn tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên; tăng trưởng tín dụng xanh, năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ cao; hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Agribank đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp có hiệu quả để tăng trưởng huy động vốn phù hợp gắn với cân đối vốn, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, khơi thông dòng vốn tín dụng, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Với sứ mệnh phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank tiếp tục tiên phong, chủ lực triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, 02 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Hiện, Agribank cung ứng trên 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, có đóng góp tích cực phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, đặc biệt là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Sau 35 năm xây dựng và trưởng thành, Agribank đã duy trì được sự tăng trưởng ổn định cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả hoạt động. Ngân hàng luôn đồng hành cùng với người nông dân trên khắp mọi miền Tổ quốc, đảm bảo đủ nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với từng giai đoạn phát triển cụ thể; giúp người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn tài chính cần thiết, nâng cao đời sống và phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực đẩy lùi nạn tín dụng đen. 

Đặc biệt, từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Agribank đã chung tay cùng ngành ngân hàng triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch,… Tính từ năm 2020 đến nay, gần 3,2 triệu khách hàng được Agribank điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, tổng số tiền lãi đã được giảm là hơn 5.600 tỷ đồng, đứng đầu các tổ chức tín dụng tại Việt Nam về tổng số tiền lãi đã giảm hỗ trợ khách hàng, góp phần tạo “đòn bẩy” phục hồi đối với mọi thành phần kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Nhận thức, kiên định mục tiêu giữ vững vị trí, vai trò chủ lực của Agribank trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn, xuyên suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đảng ủy chỉ đạo Agribank xây dựng và triển khai Chiến lược kinh doanh 2016- 2020, tầm nhìn 2030, trong đó có chiến lược đưa vốn và dịch vụ ngân hàng đến từng hộ sản xuất, liên kết hợp tác với hội nông dân, phụ nữ, hội cựu chiến binh và đặc biệt là phối kết hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương cấp cơ sở để đồng hành cùng doanh nghiệp và hộ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn. Trong quy chế cho vay khách hàng, Agribank mạnh dạn dành hẳn một phần quy định về “cho vay hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn” trong trường hợp khách hàng gặp rủi ro trong sản xuất kinh doanh. Từ nhận thức đến hành động cụ thể, Agribank cam kết tiếp tục chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay nông nghiệp, nông thôn, quan tâm đến việc đổi mới phương thức cho vay, cải tiến quy trình, đơn giản thủ tục cho vay, tiết kiệm chi phí cho vay để hạ lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội để đóng góp nhiều hơn nữa đối với sự nghiệp phát triển “Tam nông”.

Với vai trò trung gian tín dụng, Agribank đã có những đóng góp nhất định vào sự thành công của Chương trình xây dựng NTM, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của nhân dân ở khu vực nông thôn, giúp người dân tự vươn lên xóa đói giảm nghèo. Để chuyển tải vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, Agribank có nhiều hoạt động thiết thực, kết hợp chặt chẽ với Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn; Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp; Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và nhiều tổ chức đoàn thể chính trị xã hội ở nông thôn để hợp tác cung ứng vốn tín dụng thương mại và tín dụng ủy thác của các tổ chức trong và ngoài nước phục vụ phát triển “Tam nông”, xây dựng nông thôn mới.

Nhanh chóng triển khai và thực hiện chính sách cho vay theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN, riêng đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020, Agribank kiên định gắn bó, cùng đồng hành ngay từ những ngày đầu mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Những con số cụ thể đã minh chứng cho điều này. Từ 11 xã được chọn thí điểm mô hình nông thôn mới, với dư nợ ban đầu 336 tỷ đồng và 8.293 khách hàng; sau 10 năm thực hiện cho vay thí điểm chương trình MTQG nông thôn mới, Agribank đã triển khai cho vay xây dựng nông thôn mới rộng rãi trên toàn quốc và thực hiện cho vay với doanh số là 2.825.087 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 2.338.044 tỷ đồng, dư nợ là 487.041 tỷ đồng, tại 8.939 xã trong đó tập trung chủ yếu vào vay chi phí sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Nhìn chung, dư nợ cho vay nông thôn mới tăng trưởng tốt, nợ xấu ở mức thấp, kiểm soát được và luôn thấp hơn tỷ lệ nợ xấu chung toàn ngành. 

Mặc dù phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đối tượng được Agribank ưu tiên lãi suất cho vay thấp hơn các đối tượng khác từ 1-2%. Mỗi năm bằng tài chính của mình, Agribank vẫn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với 8 đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp thông qua nhiều gói lãi suất ở mức ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ sản xuất nông nghiệp, thậm chí, có mức lãi suất còn thấp hơn mức phí điều vốn nội bộ trong Agribank. Đông thời, tích cực thực hiện an sinh xã hội thông qua tài trợ xây dựng hàng trăm trường học, trạm y tế, hàng nghìn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo trên cả nước từ nguồn an sinh xã hội và đóng góp của cán bộ, công nhân viên trong toàn hệ thống.

Với vai trò trung gian tín dụng, Agribank đã góp phần giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của nhân dân ở khu vực nông thôn, đóng góp tích cực vào thành quả mang tính bước ngoặt của Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 khi đạt được các mục tiêu của Chương trình sớm hơn 18 tháng so với Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra và kế hoạch Quốc hội giao. Đây chính là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG quyết định tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 ngay trong năm 2019 và tiếp tục đầu tư Chương trình giai đoạn 2021-2025.

Với những thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là động lực lớn tạo đà cho Agribank tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển “Tam nông” với thành công lớn nhất là làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ chuyển sang liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao, góp phần phát triển kinh tế địa phương và thực hiện thắng lợi chương trình MTQG về xây dựng NTM. Đây là minh chứng rõ nét cho những đóng góp quan trọng của Agribank trong thành tựu 37 năm thực hiện đường đối đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong vai trò cung ứng nguồn vốn tín dụng phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nông thôn.

Nguyễn Thị Thu Hiền - Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Agribank

 
.
.
.
.