.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023

Dấu ấn mở đường và hành trình đưa Nghị quyết "Tam nông" đi vào cuộc sống (tiếp theo và hết)

Thứ Sáu, 10/11/2023|08:28

KỲ 3: VÌ MỘT NỀN NÔNG NGHIỆP HIỆN ĐẠI, NÔNG DÂN VĂN MINH, NÔNG THÔN ĐỔI MỚI

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng định hướng rõ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh…”. Trước những thành tựu, thách thức và cơ hội phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là một trong những chủ trương lớn, nhất quán, tạo ra sự chuyển đổi mang tính cách mạng về tư duy trong nông nghiệp, để góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong công cuộc đổi mới đất nước, định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây là vấn đề mấu chốt trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững của nước ta, cũng là tiền đề quan trọng mở đường cho những cơ chế, chính sách thiết thực, nâng tầm “Tam nông” trong giai đoạn mới.

Minh chứng cho điều này, nhìn từ đánh giá sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW có thể thấy, bên cạnh những thành tựu đạt được góp phần làm nên dấu ấn đột phá cho nền nông nghiệp Việt Nam, Nghị quyết số 26-NQ/TW cũng đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, yếu kém. Nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao... Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, trong đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan thiếu chặt chẽ; tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước, hệ thống dịch vụ công chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Một số cơ chế, chính sách chậm ban hành, chưa sát thực tiễn, thiếu nguồn lực thực hiện… Trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và những bài học rút ra từ quá trình tổ chức thực hiện, trước bối cảnh mới, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số, tháng 6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 19-NQ/TW).

Việc ban hành Nghị quyết 19-NQ/TW thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng ta về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo bước phát triển toàn diện, bền vững cho nông nghiệp, nông thôn Việt Nam (Ảnh tư liệu).
Việc ban hành Nghị quyết 19-NQ/TW thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng ta về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo bước phát triển toàn diện, bền vững cho nông nghiệp, nông thôn Việt Nam (Ảnh tư liệu).

Nghị quyết mới - kỳ vọng lớn

Để các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” sớm đi vào cuộc sống, Nghị quyết số 19-NQ/TW đã xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan Trung ương, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức thực hiện. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban Kinh tế Trung ương đã xây dựng Dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW trình Bộ Chính trị xem xét, ban hành để giao nhiệm vụ cho các tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị. Việc Bộ Chính trị có Kế hoạch triển khai Nghị quyết thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng ta về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khắc phục yếu kém trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng.

Nghị quyết 19-NQ/TW cũng nêu rõ mục tiêu và tầm nhìn. Về mục tiêu tổng quát, căn cứ vào các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết đã xác định mục tiêu tổng quát là: Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia… Tầm nhìn đến năm 2045 là nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đưa ra giải pháp trọng tâm đầu tiên là nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Đây là điểm mới của nghị quyết, nhấn mạnh vai trò chủ thể của nông dân và là nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu, có tính quyết định đến sự thành công trong thực hiện nghị quyết.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW theo Kế hoạch số 09-KH/TW ngày 23/8/2022 của Ban Chấp hành Trung ương, ngày 30/5/2023, Đảng ủy Agribank đã ban hành Chương trình hành động số 27-CTr/ĐU-NHNo về thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-TW, Nghị quyết số 19/NQ-TW, Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về thực hiện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, với những yêu cầu nghị quyết đề ra cao hơn để phù hợp với tình hình mới, toàn Đảng bộ và hệ thống Agribank quyết tâm cùng cả hệ thống chính trị, Đảng uỷ Khối DNTW, ngành Ngân hàng quyết tâm đưa Nghị quyết số 19-NQ/TW đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, bền vững cho nông nghiệp, nông thôn; tạo sự chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân nhằm cụ thể hóa các mục tiêu đề ra của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII.

Ứng dụng công nghệ số, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng hiện đại, tiện ích góp phần “xanh hoá” ngành Ngân hàng.
Ứng dụng công nghệ số, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng hiện đại, tiện ích góp phần “xanh hoá” ngành Ngân hàng.

Góp phần hiện thực những khát vọng lớn

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, điều kiện hội nhập quốc tế, vị trí của nông dân, nông nghiệp không hề giảm đi mà vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước. Đảng ta xác định đây là vấn đề có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng. Ngày 04/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến năm 2020 đã giúp nhiều vùng nông thôn thay đổi, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, từ đó, không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mà còn tạo cơ hội cho người dân nơi đây phát triển kinh tế, là cơ sở để ngày 22/02/2022, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản; Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới; Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Nghị quyết 19-NQ/TW đã khẳng định rõ quan điểm: Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Như vậy, đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã được  xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Trước đó, chủ trương về phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó có nông nghiệp đã được Đảng ta đề cập đến từ Chỉ thị 36/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước đã “ban hành các chính sách về thuế, tín dụng nhằm hỗ trợ áp dụng các công nghệ sạch”; Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước cũng chỉ rõ “khuyến khích tái chế và sử dụng các sản phẩm tái chế”; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 tại Đại hội XI (2011) của Đảng; Nghị quyết 24/NQ-TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng đã tiếp tục nhấn mạnh và chi tiết hóa chủ trương này. Trên cơ sở chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành các chính sách như Chiến lược bảo vệ môi trường đến 2020, tầm nhìn 2030; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh... Những chính sách này đã thể hiện sự chuyển dịch theo hướng kinh tế tuần hoàn của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, kinh tế xanh là vấn đề được Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng. Từ năm 2012, Trung ương đã có chuyên đề thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã đặt ra nhiệm vụ tổng quát cho cả nhiệm kỳ 2016-2020 đó là “bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu”, đồng thời nhấn mạnh việc nâng cao sức tăng trưởng, đổi mới sáng tạo phát triển nhanh và bền vững, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc.

KTTH được Đảng ta khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII: “Phát triển bền vững là xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, KTTH, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn”;  “Phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các bon thấp; khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình tái sản xuất”. Cùng với đó, Đảng ta chỉ rõ: “Đẩy nhanh chuyển đổi số đối với một số ngành, lĩnh vực đã có điều kiện, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ứng dụng và phát triển công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số, kết nối 5G và sau 5G, AI, blockchain, in 3D, IoT, an ninh mạng, năng lượng sạch, công nghệ môi trường để chuyển đổi, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế”.

Như vậy, đến Đại hội XIII, Đảng ta đã có quan điểm rất rõ về KTTH, phát triển KTTH sẽ góp phần phát triển nhanh và bền vững. Phát triển KTTH chính là giải pháp lâu dài giải quyết tình trạng thiếu hụt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, lượng chất thải lớn, nhất là chất thải nhựa… Bởi Việt Nam đang cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, là một quốc gia có xuất phát điểm thấp, lạc hậu, quá trình phát triển KTTH cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tư duy nhận thức, về nguồn lực, về cơ chế chính sách, thói quen sản xuất và tiêu dùng của xã hội…

Với ý thức phát triển tín dụng xanh sẽ góp phần phát triển kinh tế xanh, KTTH, Agribank đang cùng hệ thống các TCTD tích cực vào cuộc. Trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường nông nghiệp ngày càng gia tăng và có ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống con người, cảnh quan sinh thái, Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban điều hành Agribank đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp công nghệ cao, mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp theo định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của Đảng và Chính phủ, đồng thời tích cực chỉ đạo Agribank triển khai nhiều giải pháp góp phần cùng ngành Ngân hàng và hệ thống chính trị thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh.

Agribank quan tâm đầu tư các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp theo định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của Đảng và Chính phủ.
Agribank quan tâm đầu tư các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp theo định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của Đảng và Chính phủ.

Từ thực tiễn hoạt động và phát huy vai trò Ngân hàng Thương mại hàng đầu Việt Nam luôn dẫn đầu và chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó phát triển “tín dụng xanh”, triển khai các hoạt động “ngân hàng xanh”, quyết tâm đi đầu thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, cùng mong muốn xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững, góp phần cùng hệ thống chính trị thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp Việt Nam, qua đó góp phần hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng phát triển kinh tế tuần hoàn nói chung.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, Agribank đã ngay lập tức vào cuộc triển khai thông qua các hành động cụ thể như: Ban hành văn bản về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng nhằm chỉ đạo toàn hệ thống, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng gắn với quản lý môi trường - xã hội, đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về hoạt động cấp tín dụng xanh, nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng... Trong quy trình nghiệp vụ tín dụng, sổ tay tín dụng của Agribank luôn gắn việc thẩm định dự án, phương án vay vốn với vấn đề đảm bảo môi sinh, môi trường, các dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt của cấp thẩm quyền theo quy định của pháp luật, kiên quyết loại trừ cấp tín dụng đối với các dự án có khả năng ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến môi trường, xã hội… Bên cạnh đó, Agribank đã tham gia nhiều Dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức tài chính tài trợ như: Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; Quản lý rủi ro thiên tai; Hỗ trợ nông nghiệp Cacbon thấp; Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng; Điện gió; đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn ĐBSCL và miền Trung Tây Nguyên…

Agribank triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch” (bắt đầu từ ngày 01/11/2016) với quy mô vốn không hạn chế, trước mắt là 50.000 tỷ đồng. Đối tượng khách hàng vay vốn của chương trình là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại… tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với lãi suất ưu đãi cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo quy định hiện hành của NHNN và Agribank. Bên cạnh đó, Agribank đồng hành với chương trình “Nông nghiệp sạch” do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức, phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia (VTV1) với mong muốn góp phần nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn đã và đang dần được hình thành trên toàn quốc, từ đó thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về chất lượng và sự an toàn của hàng nông sản Việt Nam.

Agribank triển khai nhiều chương trình, hoạt động “ngân hàng xanh” gắn với thông điệp “Vì tương lai xanh”.
Agribank triển khai nhiều chương trình, hoạt động “ngân hàng xanh” gắn với thông điệp “Vì tương lai xanh”.

Trên thực tế, từ nguồn vốn Agribank, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã và đang được hình thành trên khắp mọi vùng, miền đất nước: mô hình trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), cá tra (An Giang), chăn nuôi lợn (Hà Nam), mía (Khánh Hoà), ngô (Sơn La)… và các mô hình này đã tạo sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân.

Tiên phong cùng ngành Ngân hàng thực hiện thành công các Chiến lược quốc gia của Việt Nam về kinh tế xanh thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, bám sát tính thời sự của chương trình “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” do Thủ tướng Chính phủ và Liên hợp quốc phát động, Agribank triển khai nhiều chương trình, hoạt động “ngân hàng xanh” gắn với thông điệp “Vì tương lai xanh”: trồng 01 triệu cây xanh trong năm 2020, phát động phong trào thi đua “Nói không với rác thải nhựa”, “Nói không với hút thuốc lá”,  “Gìn giữ môi trường làm việc xanh, sạch, đẹp”, “Chung tay làm sạch môi trường biển” tại 28 tỉnh/thành phố ven biển, tổ chức các roadshow đi xe đạp tại các thành phố lớn chuyển tải thông điệp “Cùng hành động giảm khí thải ra môi trường”, đồng hành cùng các Bộ Ngành, địa phương cả nước triển khai Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh” do Thủ tướng Chính phủ khởi xướng…

Theo thống kê, dư nợ tín dụng xanh đã tăng từ hơn 71.000 tỷ đồng lên 340.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2015-2020. Tỷ trọng tín dụng xanh so với tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế tăng đều từ 1,55% năm 2015 lên 3,7% năm 2020. Dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh tính đến hết quý I/2021 là khoảng 335.000 tỷ đồng, chiếm 3,6% tổng dự nợ toàn nền kinh tế, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp xanh (hơn 39%) và năng lượng tái tạo (37%). Dư nợ tín dụng đã được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội là 1.312.659 tỷ đồng, chiếm khoảng 14,17% tổng dư nợ toàn nền kinh tế (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN). Agribank được đánh giá là một trong số NHTM Việt Nam có tỷ trọng tín dụng xanh cao.

Tích cực thực hiện Chiến lược quốc gia của Việt Nam về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, trong thời gian tới, Đảng uỷ, Hội đồng thành viên, Ban điều hành Agribank quyết tâm triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh, hỗ trợ phát triển bền vững. Cụ thể, triển khai áp dụng các tiêu chí ESG về môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp toàn diện và hiệu quả trong toàn hệ thống Agribank, bao gồm xây dựng bộ chính sách ESG (chính sách quản trị rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động tín dụng; khung tài chính xanh và khung tài chính xã hội, các chính sách ESG trong hoạt động vận hành của ngân hàng,…); xác định mục tiêu cụ thể và xây dựng lộ trình triển khai trong ngắn hạn và dài hạn nhằm tạo môi trường thuận lơi cho phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh và thu hút các nguồn vốn quốc tế xanh và bền vững. Agribank tiếp tục ưu tiên nguồn vốn và dịch vụ tài chính phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; tiếp tục duy trì tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp từ 65-70% tổng dư nợ. Nghiên cứu và triển khai các sản phẩm tín dụng xanh, có chính sách ưu đãi, khuyến khích cho vay các dự án, phương án kinh doanh hiệu quả, thân thiện môi trường,… phù hợp với định hướng kinh doanh, phân khúc khách hàng, thị trường mục tiêu cũng như năng lực, thế mạnh của Agribank. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, Agribank đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh. Tiếp tục phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng hiện đại, tiện ích dựa trên ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, góp phần “xanh hoá” ngành Ngân hàng thông qua xây dựng thói quen thân thiện với môi trường cho khách hàng trong việc tiếp cận, sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai các biện pháp tổng thể để tăng cường năng lực cho cán bơm nhân viên trong việc thực hiện tín dụng xanh; tổ chức đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên về hoạt động ngân hàng xanh - tín dụng xanh; nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; nâng cao trình độ nghiệp vụ thẩm định về rủi ro môi trường xã hội của các dự án.

Agribank quyết tâm chung tay cùng hệ thống chính trị đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam hoàn thành mục tiêu năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển.
Agribank quyết tâm chung tay cùng hệ thống chính trị đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam hoàn thành mục tiêu năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển.

Để phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” như một trong những công cụ quan trọng thúc đẩy kinh tế xanh, KTTH ở Việt Nam, từ thực tiễn hoạt động, Agribank mong muốn nhận thức về KTTH nói chung và KTTH trong nông nghiệp ở Việt Nam ngày càng được nâng cao, cùng với đó hình thành các tiêu chí cụ thể của KTTH trong nông nghiệp, xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi, minh bạch, ổn định để thu hút doanh nghiệp, người dân chủ động, tích cực tham gia vào quá trình phát triển KTTH trong nông nghiệp và phát triển KTTH nói chung theo định hướng của Đảng, Nhà nước với mục tiêu phát triển an toàn và bền vững.

Đảng ủy Agribank xác định việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng bộ, cần được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, khoa học, chất lượng; đồng thời xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể đối với các cấp ủy, tổ chức đảng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn hoạt động của Agribank nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết và kế hoạch của Ban Chấp hành Trung ương; theo đó, thời gian tới, các cấp ủy Đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nội dung trọng tâm, bao gồm: 

Thứ nhất, chỉ đạo toàn thể cán bộ, đoàn viên, người lao động tích cực tham gia phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới ở nơi cư trú, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã nội tại địa phương.

Thứ hai, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chính sách về phí, lãi suất để hỗ trợ các vùng nông thôn, miền núi xây dựng kết cấu hạ tầng; cải thiện điều kiện sống, nhà ở cho nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền. 

Thứ ba, nghiêm túc, chủ động thực hiện các giải pháp, chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát huy hiệu quả vai trò chủ lực trong hệ thống ngân hàng về cung cấp tín dụng, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn; Tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi để góp phần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia và đảm bảo an sinh xã hội đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thứ tư, tham gia, phối hợp trong chuyển đổi số toàn diện ngành nông nghiệp (nếu có), tích cực thực hiện Kế hoạch Chuyển đổi số tại Agribank đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ thực sự trở thành động lực quan trọng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tham gia vào quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (nếu có) liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành.

Thứ năm, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến, nhất là công nghệ chế biến, bảo quản, công nghệ giống, công nghệ môi trường, tái sử dụng phụ phẩm. 

Thứ sáu, tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. 

Thứ bảy, rà soát, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện mở rộng tín dụng và tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chủ động tham gia, phối hợp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trải qua các thời kỳ, các Nghị quyết Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn bám sát và quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh; đồng thời gắn liền thực tiễn phát triển của các giai đoạn luôn tạo nên động lực mới về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo, tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng đưa đất nước trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa đúng như mong mỏi, kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Có gì sung sướng bằng được góp phần đắc lực vào công cuộc phát triển nông nghiệp - nền tảng để phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa”. Do đó, việc thực hiện sáng tạo, hiệu quả những chủ trương và giải pháp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo định hướng Đại hội XIII của Đảng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tộc, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn chính là thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức và tư tưởng của Người trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Cùng với toàn Đảng, toàn dân ta đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại, toàn Đảng bộ và hệ thống Agribank với những giải pháp quyết liệt nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của Agribank, góp phần hiện thực hoá chủ trương phát triển nông nghiệp thông minh hiện đại và bền vững, càng cho thấy những đóng góp quan trọng của Agribank vào công cuộc thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tầm cao của đất nước, tạo nên sự bứt phá của nền nông nghiệp và khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Tin tưởng rằng, Agribank với quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng và chủ trương của Chính phủ, cùng với ngành ngân hàng và toàn Khối DNTW phát huy vai trò “đầu tàu” của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước chung tay cùng cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của toàn xã hội, chắc chắn nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển, mọi người dân, kể cả nông dân và cư dân nông thôn đều có mức thu nhập cao; quyết tâm nâng tầm những sản phẩm nông nghiệp, góp phần mang lại diện mạo mới cho nông nghiệp - nông thôn thông minh thời kỳ mới.

Nguyễn Thị Thu Hiền - Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Agribank

 
.
.
.
.