Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam:
Hạ thủy chân đế giàn Công nghệ Trung tâm Hải Thạch
Ngày 27/6/2012, tại công trường chế tạo Cảng Hạ lưu PTSC, Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã tổ chức lễ hạ thủy, vận chuyển và lắp đặt chân đế cho giàn Công nghệ Trung tâm Hải Thạch thuộc dự án Biển Đông 1 (BĐ1) của chủ đầu tư là Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (Bien Dong POC).
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi lễ |
Đến dự sự kiện quan trọng này, về phía Đảng, Nhà nước có đồng chí Hoàng Trung Hải – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Cẩm Tú – Thứ trưởng Bộ Công Thương. Về phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh – Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh Ủy, Chủ tịch HĐND Tỉnh; đồng chí Nguyễn Tuấn Minh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy; đồng chí Trần Minh Sanh – Chủ tịch UBND tỉnh. Về phía Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) có đồng chí Vũ Khánh Trường – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Thành viên HĐTV; đồng chí Vũ Quang Nam – Phó Tổng giám đốc, cùng các đồng chí lãnh đạo các đơn vị thành viên PVN.
Công trình là dự án thi công đóng mới giàn khoan dầu khí lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay với tổng trọng lượng chế tạo và lắp đặt lên đến hơn 60.000 tấn. Đây là một dự án tổng thầu EPCI phức tạp với tổng thời gian từ thiết kế cho đến hoàn thiện và chạy thử ngoài khơi là 30 tháng. Phạm vi công việc bao gồm thiết kế, mua sắm, chế tạo, lắp đặt, đấu nối và chạy thử ngoài khơi cho 02 giàn đầu giếng (Hải Thạch 1 và Mộc Tinh 1), 01 khối thượng tầng giàn công nghệ trung tâm (PQP-HT), 01 chân đế giàn công nghệ trung tâm, khu nhà ở và cầu dẫn tại mỏ Hải Thạch và mỏ Mộc Tinh cùng với 70km đường ống và 21km cáp ngầm.
Ông Đồng Xuân Thắng – Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Cơ khí Hàng Hải (PTSC M&C) cho biết: “Sau gần 29 tháng khẩn trương thi công với quyết tâm cao và nỗ lực hết mình của hàng ngàn kỹ sư, cán bộ và công nhân, Công ty PTSC M&C – đơn vị thành viên của PTSC đã thực hiện dự án đảm bảo an toàn, chất lượng và đáp ứng tiến độ theo các yêu cầu rất khắt khe của khách hàng và hệ thống các tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, dự án Biển Đông 01 cũng là dự án lần đầu tiên tại Việt Nam sử dụng phương pháp float-over trong vận chuyển và lắp đặt giàn xử lý trung tâm PQP-HT bởi đội ngũ nhà thầu trong nước mà nhà thầu chính là PTSC M&C”.
Dự án BĐ1 là dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, hiện đại, thời gian thi công rất gấp rút với hàng loạt thử thách: Toàn bộ quy mô dự án có tổng khối lượng xây lắp khổng lồ vào khoảng 60.000 tấn, trong đó đặc biệt là Giàn công nghệ Trung tâm với khối lượng lên đến gần 14.000 tấn, lớn nhất Việt Nam và có công nghệ hiện đại mà trước đây chỉ có thể chế tạo tại nước ngoài. Giàn công nghệ trung tâm được lắp đặt và hoạt động tại vùng mỏ có độ nước sâu 133m (so với cột “0” hải đồ) trong điều kiện địa chất phức tạp của mỏ khí có nhiệt độ cao, áp suất cao đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật, thiết kế và chế tạo đặc biệt khắt khe; Tiến độ thi công cực kỳ gấp rút - một thử thách với bất kỳ nhà thầu nào trên thế giới với cùng khối lượng công việc.
Tính đến thời điểm ngày 14/6/2012, dự án đã đạt được gần 9 triệu giờ làm việc an toàn. Việc lắp đặt ngoài khơi cho các cấu kiện siêu trường siêu trọng của dự án đòi hỏi phải sử dụng những phương pháp lắp đặt đặc biệt và khác hẳn với phương pháp lắp đặt bằng cẩu truyền thống. Trong đó, phương pháp float-over lần đầu tiên được thực hiện bởi nhà thầu Việt Nam với sự phối hợp chặt chẽ từ đội ngũ kỹ sư thiết kế của PTSC M&C/POS với nhà thầu lắp đặt Saipem- Italia. Ngoài ra, phương pháp lắp đặt (đánh chìm- Launching) cũng được sử dụng cho chân đến Giàn Công nghệ Trung tâm.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: “Dự án BĐ1 đưa vào hoạt động sẽ có vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo năng lượng cho đất nước, không những cho những năm sắp tới mà còn cho một thời gian dài. Tôi hết sức vui mừng vì đây là một dự án lớn, lớn về quy mô và phức tạp về công nghệ và đây cũng là lần đầu tiên do các nhà thầu Việt Nam thực hiện. PVN đã thực hiện đúng sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển dịch vụ dầu khí, trong đó có nâng cao năng lực về quản lí, thiết kế, chế tạo công nghệ dầu khí. Dự án này khẳng định sự lớn mạnh của PTSC và PVN nói riêng, của ngành cơ khí nói chung”.
Cùng ngày, tại TP Vũng Tàu còn diễn ra Lễ ký kết Thỏa thuận khung Hợp đồng vận chuyển khí Hải Thạch - Mộc Tinh, lô 05.2 & 05.3 giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các Chủ đường ống khí Nam Côn Sơn bao gồm: Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas), ConocoPhilips Vietnam và TNK Pipelines.
Khí Hải Thạch - Mộc Tinh nằm tại lô 05.2 & 05.3 trong vùng bồn trũng Nam Côn Sơn với 100% sở hữu của PVN. Khí Hải Thạch Mộc Tinh sau khi khai thác sẽ được vận chuyển tới hệ thống đường ống khí Nam Côn Sơn tại điểm giao nhận khí mã hiệu KP75, cách giàn Lan Tây 75km. Khí về bờ sau khi được xử lý tại Trạm xử lý khí Nam Côn Sơn (Dinh Cố) sẽ được cung cấp cho các khách hàng/hộ tiêu thụ.
Việc ký kết Thỏa thuận khung Hợp đồng vận chuyển khí Hải Thạch - Mộc Tinh lô 05.2 & 05.3 đánh dấu một bước phát triển mới của PV Gas trong việc tìm kiếm các cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực khí đốt; góp phần vào việc bổ sung nguồn khí cung cấp cho các khách hàng tiêu thụ, tạo cơ sở để PV Gas thực thi những chính sách về an ninh năng lượng quốc gia.
P.V