.
.

Hoạt động nổi bật của lãnh đạo Chính phủ trong tuần

Thứ Ba, 13/08/2013|10:19

Chỉ đạo định hướng xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam; làm việc với một số địa phương về tình hình KT-XH; các giải pháp điều hành trong lĩnh vực KHCN, nhà ở và thị trường bất động sản … là những hoạt động nổi bật của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng trong tuần từ 5 -11/8.

Văn hoá là mục tiêu và động lực phát triển

Sáng ngày 8/8, tới dự Hội nghị tổng kết 15 năm (1998-2013) thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Thủ tướng nêu rõ trong quá trình hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng, để dân tộc ta “không đánh mất bản sắc của mình” trong thế giới luôn phát triển và biến động khó lường, để hội nhập mà không hòa tan, toàn ngành VHTTDL phải tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về văn hóa, tích cực triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, xây dựng các kế hoạch hành động phù hợp nhằm phát huy nội lực, khai thác các lợi thế, thành tựu đã đạt được và thế mạnh của công nghệ thông tin, truyền thông toàn cầu, hội nhập quốc tế để chủ động hội nhập văn hoá, vừa tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, vừa giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, làm giàu truyền thống văn hoá dân tộc từ tinh hoa văn hoá nhân loại, đồng thời đóng góp tích cực vào kho tàng văn hoá nhân loại.

Vì vậy, trong thời gian tới, ngành VHTTDL phải chủ động phối hợp với các ngành, các cấp nghiên cứu, có những cách làm hay, sáng tạo, thực hiện các giải pháp hiệu quả nhất để tranh thủ cơ hội, phát huy những tiềm năng, lợi thế, những mặt tích cực, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực, mặt trái của cơ chế thị trường đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chỉ đạo mục tiêu tái cơ cấu VNPT

Sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông kiện toàn bộ máy lãnh đạo, bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới của Tập đoàn Viễn thông Việt Nam  (VNPT), sáng ngày 7/8, chủ trì buổi làm việc với VNPT, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trong quá trình tái cơ cấu, VNPT cần thực hiện đúng các giải pháp đã được nêu trong Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”, bảo đảm cho VNPT sau tái cơ cấu trở thành một tập đoàn viễn thông mạnh của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

Lãnh đạo Chính phủ tiếp khách quốc tế

Sáng ngày 6/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Toàn quyền New Zealand Jerry Mateparae đang có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện với New Zealand, nhất là hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Chính phủ Việt Nam sẽ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành của New Zealand triển khai thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hợp tác mà hai bên đã thống nhất trong chuyến thăm Việt Nam lần này của ngài Jerry Mateparae.

Chiều 5/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang thăm chính thức nước ta. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam - Trung Quốc là hai nước láng giềng có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, có nhiều lợi ích chung gắn bó; khẳng định trên tinh thần đồng chí, anh em, tin cậy, Việt Nam sẽ làm hết mình để cùng với phía Trung Quốc thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Với tinh thần chung như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên tích cực cụ thể hóa những thỏa thuận mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất, thúc đẩy giao lưu hữu nghị và hợp tác toàn diện, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư cũng như thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực mà hai bên còn nhiều tiềm năng như xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án kết nối giao thông hai nước...

Đề cập vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên giải quyết những vấn đề còn nhận thức khác nhau thông qua đàm phán hòa bình, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh trên tinh thần xây dựng, không để các vấn đề này ảnh hưởng đến quan hệ chung giữa hai nước, cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, hai bên cần kiên trì giải quyết tranh chấp trên biển trên cơ sở Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Chiều 5/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3-5/8/2013.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên thúc đẩy quan hệ hợp tác, nhất là quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư và khoa học công nghệ, đồng thời mong muốn phía Pháp hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực mà Pháp có ưu thế về công nghệ như cơ sở hạ tầng, năng lượng, giao thông, y tế, nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác giáo dục đào tạo, văn hóa, khoa học công nghệ, tăng cường học bổng cho sinh viên Việt Nam...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Pháp ủng hộ Việt Nam phát triển quan hệ hợp tác với EU, hy vọng hai nước sẽ sớm ký và tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược, vì lợi ích chính đáng của nhân dân hai nước nhân chuyến thăm Pháp sắp tới của Thủ tướng.

Chiều 7/8, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã tiếp bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bày tỏ cảm ơn những hỗ trợ tích cực của WB đối với Việt Nam trong thời gian qua và cho biết thời gian qua, Việt Nam triển khai rất nhiều giải pháp để tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có những khuyến nghị, tư vấn chính sách mà WB dành cho Chính phủ Việt Nam. Những giải pháp này đã mang lại hiệu quả cao trong thực tế; các chương trình phối hợp với WB cũng đang được triển khai tích cực.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và bà Victoria Kwakwa trao đổi những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, liên quan đến ba lĩnh vực trọng tâm cần tái cơ cấu. Cụ thể, là việc WB hỗ trợ chuyên gia có kinh nghiệm trong tái cấu trúc lĩnh vực tài chính, hỗ trợ cho VAMC hoạt động tốt hơn trong bối cảnh đặc thù của Việt Nam, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước..

Hoạt động của các Phó Thủ tướng

Sáng ngày 9/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặc xá, đến kiểm tra công tác đặc xá, tha tù tại Trạm giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên).

Phó Thủ tướng yêu cầu, công tác đặc xá phải bảo đảm đúng các chỉ tiêu, yêu cầu về đặc xá theo Quyết định của Chủ tịch nước; trong quá trình xét đặc xá tất cả các cán bộ làm công tác này phải thực hiện nghiêm pháp luật, không được để xảy ra tiêu cực trong quá trình xét đặc xá, nếu phát hiện phải xử lý nghiêm.

Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan phải làm tốt công tác thông tin tuyên truyền đối với công tác đặc xá năm 2013 đến mọi cấp, mọi ngành và nhân dân cùng giám sát quá trình đặc xá, loại bỏ tiêu cực, thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đồng thời phải quan tâm đến công tác tái hoà nhập cộng đồng cho những người đặc xá và tha tù trước thời hạn về địa phương để họ hướng thiện, làm công dân tốt, có ích cho xã hội, không tái phạm và bị người khác lôi kéo vào con đường xấu.

Trong tuần, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo các tỉnh Thái Nguyên, Long An, Bến Tre, An Giang, Tiền Giang về tình hình KT-XH, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Phó Thủ tướng đã có các chỉ đạo, định hướng phát huy thế mạnh của từng địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cho ý kiến về một số kiến nghị của lãnh đạo các tỉnh.

Về công tác phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, Phó Thủ tướng nêu rõ, nơi nào tội phạm hoành hành, có dấu hiệu bảo kê của lực lượng công an phải cách chức trưởng công an địa bàn đó.

Ngày 9/8, trong bài viết "Quyết tâm cải cách công vụ, công chức để xây dựng một nền hành chính phục vụ nhân dân" (đăng trên Cổng TTĐT Chính phủ), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cải cách công vụ, công chức là nội dung quan trọng, có vai trò quyết định sự thành công của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. Vì vậy, thời gian tới, công tác này cần phải được coi là nội dung quan trọng của cải cách hành chính, là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành.

Phó Thủ tướng đã nêu 5 yêu cầu về công tác cải cách công vụ, công chức, gồm: Tập trung hoàn thành việc xác định vị trí việc làm, cơ cấu công chức, viên chức; đổi mới hình thức, phương pháp thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; quyết tâm thực hiện việc tinh giản biên chế; duy trì và nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đạo đức trong hoạt động công vụ và thống nhất nhận thức cải cách công vụ, công chức là một nội dung quan trọng của cải cách hành chính và đồng hành với cải cách hành chính.

 


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì phiên họp thực hiện 3 chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ, sáng ngày 6/8.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì phiên họp thực hiện 3 chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ, sáng ngày 6/8.

 

Chủ trì phiên họp thực hiện 3 chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ sáng ngày 6/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, cần đẩy mạnh đầu tư chương trình phát triển sản phẩm quốc gia; công nghệ cao; đổi mới công nghệ quốc gia, làm sao để phát triển công nghệ cao đúng hướng và có tác dụng tích cực, mục tiêu cao nhất là các chương trình này phải đi vào cuộc sống.

Các bộ, ngành trong thời gian tới cần tập trung cụ thể hóa các chính sách vay vốn ưu đãi, đẩy mạnh xúc tiến thị trường với các chính sách ưu đãi xúc tiến đầu tư, đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm đã được đầu tư. Bộ Khoa học và Công nghệ cần thực hiện quy hoạch, xây dựng làm rõ địa chỉ đặt hàng của các sản phẩm quốc gia theo định hướng khoa học mà Thủ tướng đã phê duyệt.

Chiều 6/8, chủ trì chủ trì phiên họp thường kỳ của Ban Chỉ đạo quốc gia Hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học công nghệ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia đã cho ý kiến cụ thể về một số chương trình hợp tác với Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ; giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, rà soát lại chiến lược thu hút người Việt Nam nghiên cứu giảng dạy trong nước, tổng hợp thành một đề án.

Sáng 9/8, chủ trì phiên họp thứ XI Ban Chỉ đạo TƯ về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu đôn đốc triển khai đồng bộ tất cả các chương trình nhà ở, tạo nguồn cung “trúng” với nhu cầu xã hội về nhà ở hiện nay.

Phó Thủ tướng chỉ đạo việc điều hành chính sách tiếp tục hướng tới mục tiêu đa dạng hóa hơn nữa nguồn cung, chủng loại căn hộ/nhà ở phù hợp với nhu cầu thị trường, nhất là nhà cho thuê, nhà chính sách và nhà ở cho người có thu nhập thấp. Thường trực Ban chỉ đạo tiếp tục rà soát, cùng các thành viên đại diện Bộ, ngành liên quan tập trung hoàn thiện các văn bản pháp quy, các quy hoạch, chính sách cần thiết theo mục tiêu tiền đề cho các dự án. Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và các địa phương rà soát từng dự án nhà ở trọng điểm hiện nay để xử lý, gỡ vướng cho nhà đầu tư cũng như người mua nhà.

Tại cuộc họp kiểm điểm thực hiện việc cấp Giấy CNQSDĐ với các Bộ, ngành và một số địa phương, chiều 9/8, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu mục tiêu phải đảm bảo đến cuối năm 2013 căn bản hoàn thành việc cấp Giấy CNQSDĐ lần đầu trong phạm vi cả nước. Đặc biệt là 18 địa phương đang tồn đọng số lượng lớn Giấy CNQSDĐ. Các địa phương này phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành kinh tế-xã hội từ nay đến cuối năm.

Sáng ngày 6/8 tại Hà Nội, dự lễ ra mắt Hội đồng Tiền lương Quốc gia,Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đánh giá đây là mô hình mới, các thành viên lại thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm nên cần phát huy trách nhiệm, dân chủ, phối hợp chặt chẽ với nhau và các cơ quan liên quan để thực hiện tốt nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng tiền lương tối thiểu vùng nói riêng, chính sách tiền lương nói chung, góp phần thu hút đầu tư, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động. Bên cạnh đó, từ nay đến hết năm 2013, Hội đồng nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành mức tiền lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm 2014.


Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh yêu cầu các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia cần phối hợp chặt chẽ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh yêu cầu các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia cần phối hợp chặt chẽ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

 

Ngày 7/8 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về “Cơ chế hải quan một cửa quốc gia” và “Cơ chế một cửa ASEAN” chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh ý nghĩa của việc các bộ, ngành kết hợp, phối hợp chặt chẽ trong thực hiện “Cơ chế hải quan một cửa quốc gia” và “Cơ chế một cửa ASEAN”. Theo Phó Thủ tướng, việc các bộ, ngành kết hợp tốt khi thực hiện nhiệm vụ sẽ giúp cho hàng hoá qua lại cửa khẩu nhanh hơn, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và người dân.

Vì vậy, các bộ, ngành liên quan cần tích cực chủ động triển khai công việc được giao, phải thấy mình cần quản lý lĩnh vực nào để đưa ra các yêu cầu phù hợp cho công tác quản lý. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo quốc gia sẽ tổng hợp, đưa ra phương án hài hoà nhằm tránh chồng chéo về nghiệp vụ và đầu tư./.

Theo Chinhphu.vn

 

.
.
.
.