.
.

Tái cơ cấu ngân hàng: Tìm bước đi phù hợp từ kinh nghiệm quốc tế

Thứ Tư, 28/12/2011|02:55

 

Việt Nam có thể tìm hiểu, tiếp thu những kinh nghiệm của thế giới trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, song sẽ tiến hành quá trình này với những đặc thù như tránh tối đa gây sốc, chi phí thấp…

 

Ảnh: Chinhphu.vn

Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn nhận định như vậy tại Hội thảo “Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng: Kinh nghiệm thế giới và hàm ý cho Việt Nam” ngày 21/12, tại Hà Nội.

 

Hội thảo do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia và Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức.

Theo các chuyên gia, trong 25 năm đổi mới, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có những chuyển đổi cơ bản, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Những năm trước đây, hệ thống ngân hàng đã đáp ứng đủ vốn cho nền kinh tế phát triển theo chiều rộng. Tới  nay, khi nền kinh tế đứng trước nhu cầu chuyển sang phát triển theo chiều sâu, hệ thống ngân hàng cũng phải thay đổi để không chỉ đáp ứng vốn mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng về các dịch vụ ngân hàng- tài chính.

Kinh nghiệm quốc tế

Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Hàn Quốc được thực hiện khi cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997 đã gần kết thúc. Trước đó, nhiều ngân hàng Hàn Quốc mải mê mở rộng thị phần, gia tăng lợi nhuận kinh doanh, không đánh giá hết rủi ro. Khi thị trường khó khăn, khủng hoảng thanh khoản nhanh chóng trở nên tồi tệ với sự sụp đổ của nhiều tập đoàn lớn, chất lượng tài sản giảm, nợ xấu tăng lên.

Ngay sau cuộc khủng hoảng, Hàn Quốc đã quyết định đóng của 5 ngân hàng có tỷ an toàn vốn Basel dưới 8%, được mua lại bởi 5 ngân hàng mạnh. Bảy ngân hàng khác cũng có tỷ lệ dưới 8% nhưng có khả năng điều chỉnh thì phải có kế hoạch cải thiện tăng khả năng kinh doanh qua tăng vốn, cải tổ bộ máy quản lý và tinh giản bộ máy… Các ngân hàng này cũng phải tự nguyện hợp nhất công ty con, hạn chế hoạt động kinh doanh.

Đồng thời, Hàn Quốc đã bơm lượng tiền khổng lồ 167,6 nghìn tỷ won từ cuối năm 1997 đến 2005 để giải quyết thanh khoản và nợ xấu... Chính phủ Hàn Quốc quốc hữu hóa một số ngân hàng thương mại, tăng cường tính cạnh tranh của các ngân hàng. Đồng thời, tăng cường các quy định an toàn của ngân hàng, phù hợp với các thông lệ quốc tế. Các ngân hàng cũng phải tăng cường minh bạch thông tin về rủi ro, nợ xấu, cân đối kế toán, kết quả kiểm toán định kỳ...

Kết quả quá trình tái cơ cấu là chất lượng tài sản các tổ chức tín dụng tăng lên. Tỷ lệ nợ xấu các ngân hàng từ 13,6% năm 1997 xuống còn 2% vào cuối năm 2004. Các ngân hàng bắt đầu khắc phục được các khoản lỗ lớn trong khủng hoảng và bắt đầu sinh lời từ năm 2001.

Không như Hàn Quốc, trong số các quốc gia châu Á, Trung Quốc cũng là một trong những trường hợp tiến hành tái cấu trúc chủ động mà không chờ đến khi khủng hoảng tài chính châu Á diễn ra.

Tuy nhiên, trước khi tái cấu trúc, chất lượng tín dụng cũng ở mức thấp, nợ xấu cao, đặc biệt là tại các ngân hàng thương mại nhà nước. Ngân hàng thương mại nhà nước nước đóng vai trò chủ đạo hoạt động như công cụ để thực thi chính sách phát triển kinh tế, chức năng sở hữu và điều hành không được tách biệt.

Trung Quốc đã tiến hành cải cách khu vực ngân hàng bằng cách chuyển các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước thành ngân hàng thương mại thực thụ có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Đồng thời, thành lập 3 ngân hàng chính sách để tách riêng những khoản vay mang tính chính sách.

Theo ước tính, chi phí để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Trung Quốc tương đương với tỷ lệ % khá lớn GDP, tập trung vào việc cải thiện bảng cân đối của các ngân hàng cũng như cải cách toàn diện về quản trị ngân hàng.

Những bước đi riêng

Theo PGS.TSKH Võ Đại Lược, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo thành công là trong dài hạn, phải hoàn thiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ của chính Ngân hàng Nhà nước (một số nước là Ngân hàng Trung ương), đảm bảo tính độc lập tương đối trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ. 

Đồng thời, ngân hàng là ngành huyết mạch của nền kinh tế, do đó, việc quản trị rõ ràng phải  hướng tới mô hình hiện đại của quốc tế, minh bạch hóa thông tin, lành mạnh hóa thị trường, giảm tối thiểu các biện pháp hành chính.

Một vấn đề khiến nhiều đại biểu băn khoăn là chi phí thực hiện tái cấu trúc. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho rằng chi phí để tái cấu trúc ở Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ không cao như một số nước. Ví dụ, khi giải quyết vấn đề nợ xấu, các tổ chức tín dụng đã trích lập dự phòng rủi ro trong quá trình hoạt động, số tiền khoảng bằng 60% số nợ xấu (theo tiêu chuẩn Việt Nam).

Khác với Hàn Quốc và một số nước thực hiện tái cấu trúc toàn diện hệ thống ngân hàng với những liệu pháp quyết liệt, “sốc” trong thời gian ngắn (trong khoảng thời gian rất ngắn cho phá sản, hợp nhất, sáp nhập nhiều tổ chức tín dụng), Việt Nam sẽ tiếp thu kinh nghiệm với các bước đi đặc thù, các biện pháp tránh tối đa gây sốc.

Bên cạnh đó, mặc dù hết sức quyết liệt, song Việt Nam sẽ thực hiện một lộ trình tái cấu trúc kéo dài hơn và cố gắng với chi phí thấp. Chính phủ không bỏ ra toàn bộ chi phí mà chỉ hỗ trợ vốn trước mắt, tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể như tái cấu trúc lại hệ thống tín dụng, giải quyết nợ xấu, mất cân đối thanh khoản.

Ông Vũ Viết Ngoạn cũng cho rằng, việc huy động các nguồn lực từ các tập đoàn tài chính từ bên ngoài vào cũng có thể được tính đến. Đặc biệt trong dài hạn, việc này sẽ giúp cải thiện kỹ năng quản trị ngân hàng theo hướng hiện đại, đạt chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, trước mắt cần dựa vào nội lực là chính, chưa cần mở rộng sự tham gia của các tổ chức tài chính quốc tế vào thị trường tài chính, ngân hàng của Việt Nam.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam cũng cần phải có những bước đi riêng trong quá trính tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, bởi “kinh nghiệm tốt của nước này có thể là thuốc độc cho nước khác”. Và trong quá trình tái cấu trúc, điều quan trọng nhất phải có hệ thống giám sát toàn diện hơn, hữu hiệu hơn.

 Theo Chính Phủ

.
.
.
.