Tập trung tái cơ cấu toàn diện các tập đoàn, tổng công ty nhà nước
Chính phủ đang đặt ra yêu cầu từng bước xây dựng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ngày càng vững mạnh, góp phần ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, cũng như các vấn đề liên quan đến quốc phòng - an ninh. Xuất phát từ thực tiễn đó, việc củng cố vị trí, vai trò, cũng như tập trung tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết. Củng cố vai trò then chốt của tập đoàn, tổng công ty nhà nước Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có cơ cấu đa sở hữu, chủ yếu hoạt động trong những ngành lĩnh vực then chốt của nền kinh tế; đã được kiện toàn về mô hình tổ chức quản lý. Hiện nay, cả nước có 101 tập đoàn, tổng công ty và 2 ngân hàng thương mại do Nhà nước giữ 100% vốn. Các tổng công ty nhà nước được tổ chức lại, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con là bước đổi mới quan hệ giữa công ty mẹ - tổng công ty với các doanh nghiệp trong tổng công ty.
Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã nâng cao năng lực sản xuất. Nhiều sản phẩm, thương hiệu có uy tín trên thị trường quốc tế, đi đầu trong nghiên cứu triển khai, đổi mới công nghệ, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện tốt nhiệm vụ của Chính phủ giao, đảm bảo sản xuất, cung ứng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu của nền kinh tế trong một số lĩnh vực. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát, suy giảm kinh tế thời gian qua, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đóng góp quan trọng bình ổn giá cả, vật tư hàng hóa, góp phần để Nhà nước thực hiện các chính sách vĩ mô, ổn định xã hội, ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động, không để xảy ra đình công.
Nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã xây dựng được đội ngũ lao động kỹ thuật với trình độ tay nghề cao; góp phần quan trọng xây dựng các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các dự án trọng điểm của Nhà nước phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của đất nước, những dự án lớn hoặc có ý nghĩa chính trị và hiệu quả xã hội lớn mà các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác không làm hoặc không có đủ khả năng làm; đặc biệt những dự án có ý nghĩa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, miền theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Về cơ bản, vốn Nhà nước đầu tư vào tập đoàn, tổng công ty được bảo toàn và phát triển. Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của đa số tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, một số tập đoàn, tổng công ty trong thời gian qua đã thành lập các công ty con và đầu tư vào những lĩnh vực ngoài nhiệm vụ chính được giao, nhưng kiểm soát thiếu chặt chẽ làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp. Một số tập đoàn, tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con nhưng quản lý nội bộ còn yếu kém; vẫn còn hiện tượng công ty mẹ với tư cách là chủ sở hữu, cổ đông lớn can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào hoạt động của công ty con. Sự tham gia của các thành phần kinh tế vào tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn hạn chế, quy mô vốn chủ sở hữu còn nhỏ. Cổ phần hóa tập đoàn, tổng công ty còn chậm. Một số tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cao hơn mức quy định. Có tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc thiếu thống nhất trong quản lý, điều hành doanh nghiệp. Một số cơ chế thí điểm triển khai chưa đạt mục tiêu... Tái cấu trúc tập đoàn, tổng công ty toàn diện, đồng bộ và thống nhất Thực tế trên đặt ra việc tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nhà nước một cách toàn diện mô hình tổ chức, quản lý, tài chính, kế hoạch sản xuất – kinh doanh, đầu tư phát triển, cơ cấu sản phẩm, nguồn nhân lực, trên cơ sở xác định rõ nhiệm vụ, ngành nghề, chiến lược phát triển và đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn lực là cần thiết. Theo đó, việc tái cơ cấu nội bộ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ triển khai theo các nội dung cụ thể: Tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ kinh doanh những ngành chính và những ngành có liên quan phục vụ trực tiếp cho phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của ngành chính. Đối với những ngành không liên quan, đặc biệt là các lĩnh vực: Ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải hoàn thành thoái vốn trước năm 2015 theo các hướng: Bán phần vốn của công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho tổ chức, cá nhân ngoài tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, không bán hoặc chuyển giao lại cho các đơn vị thành viên trong nội bộ; chuyển vốn về những tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính phù hợp thông qua các hình thức chuyển giao vốn hoặc chuyển nhượng vốn; chuyển toàn bộ doanh nghiệp do tập đoàn, tổng công ty giữ 100% vốn sang tập đoàn, tổng công ty có ngành nghề kinh doanh cùng với ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, chuyển giao theo hình thức chuyển nhượng doanh nghiệp hoặc chuyển giao nguyên trạng. Trên cơ sở xác định lại nhiệm vụ, ngành, nghề kinh doanh, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần xây dựng Chiến lược phát triển đến 2015 phù hợp với nhu cầu của thị trường và khả năng nguồn vốn, năng lực quản lý của mình; xây dựng lại phương án tổ chức lại sản xuất – kinh doanh, triển khai tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên để thực hiện chuyên môn hóa, phân công, hợp tác không dàn trải, phân tán nguồn lực, không cạnh tranh nội bộ theo hướng sáp nhập, hợp nhất các doanh nghiệp thành viên kinh doanh cùng ngành nghề; rà soát lại, dừng các dự án chưa thật sự cần thiết để tập trung nguồn lực cho những dự án trọng điểm, cấp bách, có hiệu quả, có khả năng sớm đưa vào hoạt động; không khởi công các dự án chưa thực sự cấp thiết, chưa đầy đủ thủ tục theo quy định; kiên quyết sắp xếp, cơ cấu lại hoặc giải thể, phá sản những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài… Hoàn thiện cơ chế liên kết giữa các doanh nghiệp thành viên trong tập đoàn, tổng công ty nhà nước thông qua hợp đồng kinh tế, các nội quy, quy chế quản lý, hợp tác giữa công ty mẹ với các công ty con, công ty liên kết; giữa các công ty con, công ty liên kết với nhau. Công ty mẹ của tập đoàn, tổng công ty nhà nước tăng cường thực hiện chức năng nghiên cứu chiến lược phát triển, đổi mới tổ chức, quản lý, công nghệ, sản phẩm, phát triển thị trường đào tạo. Không thực hiện đầu tư đan xen nhau giữa các doanh nghiệp trong tập đoàn, tổng công ty; hạn chế tối đa việc công ty mẹ và các công ty con cùng đầu tư vào một doanh nghiệp. Công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải tổ chức kiểm soát hoạt động của các công ty con theo quy định của pháp luật, kịp thời chấn chỉnh sai phạm; có giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp này. Cần nắm bắt đầy đủ thông tin về hoạt động của các công ty liên kết thông qua người đại diện hoặc với tư cách cổ đông để tham gia vào các quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị theo quy định của pháp luật. Những tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang có khó khăn về tài chính, một mặt, cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý có liên quan, mặt khác, cần cơ cấu lại vốn, tài sản theo hướng: Đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu vốn để có cơ chế xử lý bổ sung vốn cho tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư cấp bách, hạn chế thất thoát vốn do kéo dài thời gian dự án; cơ cấu lại tài sản bằng cách chuyển nhượng, sáp nhập các dự án, các khoản đầu tư không hiệu quả, hoặc chưa cấp thiết để tập trung nguồn lực cho các hoạt động kinh doanh chính. Tăng cường áp dụng những chuẩn mực kinh doanh hiện đại và có hiệu quả cao; kiện toàn bộ máy quản lý, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu quản trị doanh nghiệp trong cơ chế thị trường; bố trí đội ngũ lãnh đạo, quản lý và đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đủ phẩm chất, năng lực để đảm nhiệm được vai trò là đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, phù hợp cho mục tiêu dài hạn; thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, chú trọng kiểm soát rủi ro tài chính để kịp thời có biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro và điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp. Tích cực triển khai nghiên cứu ứng dụng, đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, dịch vụ, từng bước nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường; thay thế dần các thiết bị, công nghệ, tiêu tốn nhiều năng lượng, tài nguyên, nguyên vật liệu; từng bước loại bỏ sản phẩm không thân thiện với môi trường để tăng cường hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững. Thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ, trong ký kết và thực hiện các hợp đồng kinh doanh với những người có liên quan với người quản lý doanh nghiệp và trong hoạt động khác. |
||
|
||
Lê Nguyễn/ Theo ĐCSVN |