Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Năm 2012 không để xảy ra các cơn sốt giá
- Kinh tế VN 2011 được ví như vừa trải qua một cuộc vượt cạn trong gian khó. Nhìn lại công tác điều hành giá cả một năm qua, Bộ trưởng có bình luận gì?
- Năm 2011, lạm phát quay trở lại ở nhiều nước trên thế giới, đẩy giá cả hàng hóa tăng nhanh. Tại Việt Nam, bên cạnh những yếu kém vốn có của nền kinh tế chưa được khắc phục, việc tăng lương tối thiểu, giá điện, xăng, dầu, tỷ giá, học phí... cùng với thiên tai, dịch bệnh đã làm cho giá một số hàng hóa, dịch vụ; đặc biệt là giá lương thực - thực phẩm tăng cao, tác động đến mặt bằng giá chung.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ. |
Trong bối cảnh đó, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, trong đó trọng tâm là Kết luận số 02 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 02 và Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạmphát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Bộ Tài chính thực hiện giải pháp về tài khoá theo hướng tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên; miễn giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, VAT..., sắp xếp lại đầu tư công; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chỉ đạo xuất dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân ở vùng thiên tai…
Nhờ áp dụng các biện pháp đồng bộ, quyết liệt mà chỉ số giá tiêu dùng cả nước bình quân năm 2010 tăng 18,58% so với năm 2010. Chỉ số giá tăng cao từ tháng 1 đến tháng 5, sau đó tốc độ tăng giá đã giảm dần từ tháng 6 đến tháng 12/2011. Về cơ bản năm 2011 cân đối cung cầu hàng hoá bảo đảm, trên thị trường cả nước không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến theo thời điểm, theo mặt hàng.
Trong lĩnh vực quản lý, điều hành giá, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ hoặc trực tiếp ban hành các cơ chế, chính sách quản lý, điều hành, kiểm soát giá chung; nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tôi cho rằng các biện pháp điều hành đã bám sát diễn biến thực tế và kịp thời.
- Lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện than năm 2012 sẽ như thế nào?
- Năm 2012, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường để dần tiến tới xoá bao cấp đối với một số hàng hoá, dịch vụ đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, quan điểm chung là việc điều chỉnh tăng giá ở mức độ có kiềm chế, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, không đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng quá cao.
Đối với điện, việc tăng giá sẽ ở mức kiềm chế theo hướng phù hợp với biến dộng của chi phí đầu vào và chỉ tạm thời phân bổ một phần các chi phí còn “treo lại” chưa tính đủ vào cơ cấu giá điện trước đây như: Chênh lệch tỷ giá, lỗ lũy kế năm 2010 do mua điện giá cao, giá than bán cho sản xuất điện…
Bên cạnh đó, than bán cho điện cũng sẽ được xem xét kiềm chế với thời điểm điều chỉnh giá điện bằng khoảng 72-80% giá thành tiêu thụ than năm 2010.
Riêng mặt hàng xăng dầu, lộ trình cơ chế thị trường vẫn phải có sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, do giá xăng dầu hiện nay chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá cơ sở (thuế, phí...) nên trước mắt khi giá thế giới giảm, cần khôi phục lại giá cơ sở theo quy định và khi đó sẽ giao doanh nghiệp tự định giá trong biên độ cho phép theo quy định tại Nghị định số 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
- Bộ trưởng nhận định như thế nào về áp lực lạm phát năm 2012?
- Bước vào năm 2012, tuy được kế thừa những kết quả tích cực của tình hình ổnđịnh kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát 2011… nhưng nền kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với những khó khăn thách thức rất lớn xuất phát từ nội tại nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số dịch vụ quan trọng như: điện, xăng dầu, than bán cho điện, viện phí, học phí; thiên tai, dịch bệnh trong năm vẫn diễn biến phức tạp tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống.
Tuy nhiên, thị trường cũng sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi cho mục tiêu kiềm chế lạmphát như việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát lạm phát, bình ổn thị trường giá cả theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ; lượng cung tiền và tăng trưởng tín dụng năm 2011 đã được điều chỉnh xuống mức thấp; việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng còn được bao cấp qua giá nhưng vẫn có kiềm chế với liều lượng hợp lý. Cân đối cung cầu hàng hoá thiết yếu năm 2012 cơ bản vẫn được bảo đảm.
Với những dự báo trên thì chỉ số giá tiêu dùng năm 2012 có khả năng giảm hơn tốc độ tăng của năm 2011. Tuy nhiên, để có thể đạt được chỉ số giá ở mức dưới 10% như mục tiêu đề ra sẽ cần nhiều giải pháp đồng bộ khác.
- Bộ Tài chính sẽ sử dụng những biện pháp nào để ngăn chặn lạm phát và kìm ở mức một con số?
- Giải pháp Bộ Tài chính đề ra là kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp hạ chi phí sản xuất, giá thành để giữ ổn định giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu quan trọng. Bên cạnh đó, cần áp dụng đồng bộ các biện pháp bình ổn giá như bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ; các biện pháp tài khóa, tiền tệ… không để xảy ra các “cơn sốt” đột biến về giá; thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá.
Ngoài ra, cần kiên quyết kiểm soát chặt chẽ phương án giá của các hàng hóa, dịch vụ chi từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký giá, kê khai giá. Kiên quyết dừng các trường hợp tăng giá bất hợp lý so với biến động tăng của các yếu tố đầu vào. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giãn việc điều chỉnh tăng giá trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán…
Hồng Anh thực hiện