.
.

Xuất nhập khẩu năm 2011: Những con số thống kê và dự báo

Thứ Bảy, 28/01/2012|20:46

Năm 2011 đã khép lại bằng nhiều kỷ lục mới trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng lên, nhập siêu trên đà giảm xuống.

Ngoại thương Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, từ khủng hoảng chính trị châu Phi và Trung Đông, nợ công châu Âu và Mỹ, thảm họa động đất, sóng thần tại Nhật Bản… Phải chăng, thế giới càng khó khăn thì hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam càng được hưởng lợi? Dù chưa thể khẳng định được điều trái ngược này, nhưng thực tế với những con số sống động là không thể chối bỏ.

Xuất khẩu: lĩnh vực sáng nhất của nền kinh tế

Năm 2011 các chỉ tiêu về kim ngạch xuất, nhập khẩu đã chính thức cán đích, về trước kế hoạch khoảng một tháng. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng năm 2011 đạt gần 87,36 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch cả năm đề ra là 10%. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu đã đạt gần 96,2 tỷ USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ và vượt mức kế hoạch cả năm là 2,9%.

Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất từ trước tới nay, vượt xa so với mức kỷ lục đã đạt được trong năm 2010, vượt xa so với mức kế hoạch đề ra (80 tỷ USD). Mức tăng tuyệt đối của năm nay so với năm trước lên đến gần 24 tỷ USD, cũng là mức tăng lớn nhất từ trước tới nay.

Kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người cả năm vượt qua mốc 1.083 USD, cao hơn nhiều so với mức kỷ lục 831 USD đã đạt được vào năm 2010.

Tỷ lệ xuất khẩu/GDP vượt qua mốc 80%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ kỷ lục đã đạt được vào năm trước (70,9%).

Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt 33%. Tốc độ tăng này có ý nghĩa quan trọng xét về 4 mặt: cao nhất tính từ năm 1997 đến nay; cao nhất so với tốc độ tăng của các ngành, lĩnh vực khác; cao gấp trên 3 lần tốc độ tăng theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra (10%); hệ số giữa tốc độ tăng xuất khẩu/ tốc độ tăng GDP lên đến 5,5 lần - cao nhất từ trước tới nay. Xuất khẩu đã trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế.

Quy mô và tăng trưởng xuất khẩu cao đạt được ở cả hai khu vực là khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn FDI, trong đó khu vực có vốn FDI (kể cả dầu thô) đạt quy mô cao hơn và tăng với tốc độ cao hơn.

Tăng trưởng của xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng chủ yếu. Có một số mặt hàng có kim ngạch tăng với tốc độ cao hơn tốc độ chung, như hạt tiêu, sắn và sản phẩm sắn, sắt thép, xăng dầu, phương tiện vận tải và phụ tùng, cà phê, dầu thô, sản xuất hóa chất, cao su... Trong đó có 21 mặt hàng tăng trên 100 triệu USD, có 18 mặt hàng tăng trên 200 triệu USD, có 16 mặt hàng tăng trên 300 triệu USD, có 14 mặt hàng tăng trên 400 triệu USD, có 11 mặt hàng tăng trên 500 triệu USD.

“Câu lạc bộ” những mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên đã có 20 thành viên, tăng 4 thành viên so với năm trước; trong đó có 12 thành viên đạt trên 2 tỷ USD, có 8 thành viên đạt trên 3 tỷ USD (đứng đầu là dệt may, tiếp đến là dầu thô, giày dép, thủy sản, điện tử, máy tính, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, gỗ và sản phẩm gỗ, gạo).

Theo Tổng cục Hải quan, ngoài các mặt hàng trên còn có 2 mặt hàng khác nằm trong “Câu lạc bộ” 1 tỷ USD trở lên là điện thoại các loại và linh kiện, xơ sợi dệt các loại.

Tăng trưởng xuất khẩu, một phần nhờ lượng tăng, một phần lớn nhờ giá tăng, trong đó giá tăng (tính được đơn giá) và đóng góp lớn vào mức tăng chung có: dầu thô, tiếp đến là cà phê, cao su, xăng dầu, hạt điều, gạo, hạt tiêu, than đá, sắt thép, sắn và sản phẩm sắn...

Về thị trường, có 23 thị trường đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 7 thị trường đạt từ 2 tỷ USD trở lên, cao nhất là Mỹ, tiếp đến là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Malaysia, Australia.

Nhập siêu có xu hướng giảm, thị trường ngoại hối tương đối ổn định

Sau hai năm liền ở trạng thái thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã bị “thổi bay” nhiều tỷ USD. Tính đến quý 1/2011, con số chính thức từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, dự trữ ngoại hối chỉ còn tương đương khoảng 3,5 tuần nhập khẩu. Gánh vác việc cân bằng lại thu - chi ngoại tệ của quốc gia, Bộ Công Thương là điểm đột phá đầu tiên.

Cũng giống như 2009, năm nay trạng thái ngoại thương của Việt Nam có rất nhiều đột biến, đặc biệt là trong quý 3. Ở giai đoạn này, cán cân thương mại biến động dữ dội giữa các mốc xuất siêu hơn 1,1 tỷ USD trong tháng 7, sang nhập siêu trên 1,5 tỷ USD của tháng 9.

Tuy nhiên, về tổng thể, do tốc độ tăng so với năm trước của tổng kim ngạch xuất khẩu cao hơn của tổng kim ngạch nhập khẩu (33% so với 25%), nên nhập siêu đã được kiểm soát tốt hơn, giảm cả về kim ngạch, cả về tỷ lệ nhập siêu so với năm trước. Về kim ngạch tuyệt đối còn 10 tỷ USD so với 12,6 tỷ USD. Tỷ lệ nhập siêu còn 10,4% so với 17,5%. Như vậy tỷ trọng nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu đã giảm rất mạnh so với các năm trước và dưới khá xa so với mục tiêu phấn đấu do Quốc hội và Chính phủ đưa ra là dưới 16%. Đây là một nỗ lực rất lớn của ngành Công thương.

Theo thông tin chính thức, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam trong năm nay ước tính tăng khoảng 2,5-3 tỷ USD và dự trữ ngoại hối cũng đã tăng lên, tương ứng bằng khoảng 7,5 tuần nhập khẩu vào quý 3 năm nay. Chỉ số giá USD bình quân chỉ tăng 8,47%, mức tăng của tháng 12/2011 so với cùng kỳ năm trước lại chỉ có 2,24%. Về cơ bản, thị trường ngoại hối tương đối ổn định trong năm nay.

Điều chỉnh lớn với đối tác

Trong dòng chảy chung của tăng trưởng xuất nhập khẩu năm 2011, đã xuất hiện hai xu hướng tích cực được điều chỉnh về phía các đối tác thương mại của Việt Nam. Thứ nhất là việc tiếp cận sâu hơn đối với các thị trường mới ở khu vực châu Phi. Thứ hai là cân bằng hơn đối với các đối tác thương mại chính.

Mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu vào châu Phi của Việt Nam mới ở mức khoảng 3,1 tỷ USD trong năm nay, nhưng tốc độ tăng trưởng đã lên tới 131%, riêng Nam Phi tăng 250%. New Zealand cũng nằm trong số các thị trường xuất khẩu mới của Việt Nam, có mức tăng trưởng kim ngạch khá cao tới 29%.

Trong khi đó, tất cả các thị trường xuất khẩu chủ lực của ta đều ghi nhận mức tăng trưởng kim ngạch cao hơn bình quân chung. Các ví dụ điển hình là xuất khẩu vào Hàn Quốc tăng tới 64% trong khi nhập khẩu tăng 34%; sang Trung Quốc tăng 58% trong khi chiều ngược lại tăng 21%; Nhật Bản tăng 37% và 14%; EU là 48% và 18%...

Tăng trưởng xuất khẩu vượt bậc năm 2011 có đóng góp rất lớn từ các hiệp định thương mại (FTA) song phương và đa phương. Từ khi FTA giữa ASEAN – Hàn Quốc được ký kết, cán cân thương mại Việt Nam – Hàn Quốc ngày càng được kéo giảm, nhiều mặt hàng nông sản của VN như gạo, bột mì, trái cây, rau củ quả,... đã bắt đầu vào thị trường này.

FTA Việt Nam - Nhật Bản được đánh giá là đem lại nhiều lợi ích nhất cho xuất khẩu của VN kể từ trước tới nay, với mức cam kết cắt giảm 76% dòng thuế vào năm 2019 và 92% vào năm 2025. Khi chưa có FTA thì mức thuế bình quân là 5,4% nhưng nay chỉ còn hơn 1%. Nhờ cạnh tranh tốt về giá từ việc giảm thuế nên xuất khẩu nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may và các mặt hàng chế biến khác đã đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững.

Còn theo báo cáo của các chuyên gia nước ngoài trong dự án hỗ trợ VN gia nhập WTO, nếu thực hiện một phần các cam kết FTA đã ký, GDP của VN có thể tăng thêm 1,6 tỷ USD, tương đương 3% và nếu thực hiện đầy đủ GDP tăng thêm 2,4 tỷ USD, tương đương 6%. Lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế là rất lớn nhưng thực tế cho thấy, nếu không chuẩn bị tốt, lợi ích thu được sẽ rất hạn chế.

Và những tồn tại

Những lưu ý của Bộ Công Thương về các hạn chế trong cơ cấu hàng xuất nhập khẩu lâu nay, trong năm 2011 chưa được cải thiện nhiều. Về cơ bản, Việt Nam vẫn ở tình trạng nhập lớn nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất các ngành như dệt may, da giày, linh kiện điện tử... thể hiện tính gia công và phụ thuộc bên ngoài của sản xuất trong nước.

Về nhập khẩu, nhiều mặt hàng trong nước đã sản xuất được hoặc nằm trong diện cần kiềm chế nhập khẩu, nhưng vẫn còn nhập khẩu lớn. Tình trạng lạm dụng tạm nhập, tái xuất còn có tiêu cực. Nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng ước đạt kim ngạch 87,6 tỷ USD trong năm nay, tăng 22,5% so với năm 2010, dù tỷ trọng trong tổng kim ngạch nhập khẩu đã giảm khoảng 1,7% nhưng vẫn chiếm tới 82,6% kim ngạch nhập khẩu. Với các mặt hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng, thị trường nhập khẩu chủ yếu vẫn là châu Á - Thái Bình Dương nên nhiều lo ngại lâu nay về xu hướng tăng nhập khẩu công nghệ trung gian chưa được giải quyết triệt để.

Về xuất khẩu, tính gia công xuất khẩu vẫn còn rất lớn. Tỷ trọng kim ngạch những mặt hàng là nguyên liệu thô khai thác (dầu thô, than đá,...); những mặt hàng chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế (nông, lâm, thuỷ sản); những mặt hàng chế biến nhưng mang nặng tính gia công (như dệt may, giày dép,...), đó là những mặt hàng có giá trị gia tăng thấp. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng từ 59,6% trong năm 2010 lên 60,2%. Nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản cũng tăng nhẹ tỷ trọng từ 11,2% lên 11,7%. Riêng nhóm hàng nông, lâm, thủy sản giảm từ 21,2% xuống 20,3%.
Về nhập siêu giảm, có một phần do đã thực hiện các biện pháp kiềm chế, nhưng có một phần do sản xuất trong nước tăng chậm lại. Đây là một cảnh báo cần thiết và là một yếu tố giảm nhập siêu chưa bền vững.

Từ sự vượt trội của năm 2011 cũng cảnh báo về khả năng thực hiện mục tiêu 2012. Mặc dù mục tiêu tăng thấp hơn nhiều (tăng 12- 13%) nhưng không dễ dàng bởi số gốc so sánh đã cao hơn nhiều; bởi giá xuất khẩu khó duy trì được tốc độ tăng như năm trước và lượng xuất khẩu cũng khó tăng cao khi châu Âu khủng hoảng nợ công, kinh tế Mỹ phục hồi chậm chạp.

Đáng lưu ý, xuất khẩu tăng chậm lại nhiều, nhập siêu lại tương đương thì nhập khẩu tăng chậm hơn nhiều và sẽ tác động đến sản xuất vì tính gia công ở trong nước vẫn còn rất cao.

Kịch bản xuất nhập khẩu năm 2012

Đối với năm 2012, Bộ Công Thương tỏ ra thận trọng hơn. Bộ cho rằng, năm tới kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng mạnh hơn so với năm nay, tuy nhiên vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn đe dọa đà phục hồi.

Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cũng đã điều chỉnh dự báo  tốc độ tăng trưởng khối lượng thương mại thế giới năm 2012 xuống mức 6,7%, giảm 0,2% so với trước đó.

Tuy nhiên về giá cả, Bộ Công Thương cho rằng, việc phục hồi mạnh hơn của kinh tế thế giới trong năm 2012 sẽ làm tăng nhu cầu về hàng hóa, khiến giá cả tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, các cú sốc cung do điều kiện thời tiết khó lường, sự tăng trưởng quá nóng của các nền kinh tế châu Á (trừ Nhật Bản), chính sách bảo hộ thương mại của các nước… sẽ tiếp tục gây áp lực lạm phát tăng cao.

Một lưu ý khác từ Bộ chuyên quản xuất nhập khẩu, việc USD có xu hướng tăng giá trở lại đang là dấu hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, cũng như nỗ lực kiềm chế lạm phát trong nước.

Bộ dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm 2012 có thể tăng khoảng 12% so với năm 2011 và đạt kim ngạch khoảng 106,4 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu có thể tăng mạnh hơn và nhập siêu sẽ “nới” rộng, ước tính lên đến 12,8 tỷ USD, bằng 12% kim ngạch xuất khẩu.

Một số lưu ý các thị trường nhập khẩu trong năm 2012

+ Thị trường EU: Chất lượng luôn phải là số một

Theo Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương, EU với 27 nước là thị trường rộng lớn, có nhiều triển vọng cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản... Tuy nhiên, các tiêu chuẩn để vào thị trường này cũng rất khắt khe. Đặc biệt từ năm 2012 trở đi, Ủy ban châu Âu sẽ tiếp tục ban hành những quy định mới trong thương mại theo hướng siết chặt hơn ưu đãi của EU dành cho các nước đang phát triển, gắn ưu đãi với việc thực thi các công ước quốc tế về nhân quyền, lao động và môi trường... nhằm bảo đảm cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng cũng như những chính sách bảo hộ trong nội khối.

Biện pháp chống bán phá giá của EU đối với Việt Nam gần như đã chấm dứt, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam phải đặc biệt lưu ý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng vào chất lượng các mặt hàng như: cá basa cá tra...

Hiện Pháp và một số thành viên khác trong EU vẫn chưa có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam nên xuất khẩu của hai nước vẫn gặp những khó khăn nhất định. Ngoài ra, sản phẩm của Pháp có chất lượng rất tốt, nhưng giá cả lại rất cao với khả năng thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp thời gian tới sẽ tiếp tục tăng, vì cơ cấu sản phẩm hàng xuất khẩu tiêu dùng sang Pháp rất cao, người Pháp và người châu Âu có thể cắt giảm chi tiêu hàng tiêu dùng cao cấp, nhưng đồ tiêu dùng thiết yếu vẫn không suy giảm. Những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở Pháp hiện nay của Việt Nam là hàng dệt may, giày dép, hạt điều, hạt tiêu... nhưng phải lưu ý trong vấn đề an toàn thực phẩm đối với mặt hàng thủy sản, tránh để các yếu tốt bất lợi gây tổn hại đến uy tín của doanh nghiệp. Ngoài ra, cần lưu ý đến việc khủng hoảng kinh tế và việc cải cách hệ thống Ngân hàng ở Pháp, điều này khiến nhiều doanh nghiệp phá sản và các doanh nghiệp Việt Nam cần phải thận trọng khi thanh toán và hạn chế việc giao hàng trước, cụ thể là phải yêu cầu thanh toán bằng L/C để đảm bảo hợp đồng được thực hiện, giảm thiểu những tranh chấp có thể xảy ra.

Anh là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là nhà đầu tư lớn thứ 3 ở châu Âu vào Việt Nam. Vượt qua tiêu chuẩn thị trường rất khắt khe, sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước đặt chân và có chỗ đứng vững chắc tại thị trường này như: Giầy dép, hàng may mặc, đồ gỗ, thiết bị điện tử, viễn thông, cà phê, ca cao và hàng thủy sản... Tuy nhiên, có 3 gợi ý đối với doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn tại thị trường này. Thứ nhất, cần phải có thông tin về đối tác, hiểu rõ thị trường cần cái gì. Muốn vậy, con đường tốt nhất là doanh nghiệp Việt Nam nên tích cực tham gia các hội chợ triển lãm, các chương trình Xúc tiến thương mại và đầu tư để tăng cường sự hiểu biết với nhau. Thứ hai, để duy trì và phát triển kinh doanh thì yếu tố chất lượng đóng vai trò quyết định. Đặc biệt về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản. Thứ ba là phải chuẩn bị thật tốt về nguồn lực, liên kết sản xuất để đáp ứng hợp đồng lớn và xây dựng quan hệ đối tác kinh doanh lâu dài.

Về xuất khẩu vào thị trường Nga, trong năm 2012 dự kiến sẽ có những đột phá rất lớn, nếu năm 2011 kim ngạch xuất khẩu sang Nga đạt 1,5 tỷ USD thì có thể đạt trên 2 tỷ USD vào năm 2012. Hiện Việt Nam và Liên bang Nga đã ký được những thỏa thuận chiến lược như năng lượng, dầu khí và thương mại. Năm 2012, Nga sẽ gia nhập WTO thì thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Việt Nam vào Nga sẽ giảm từ 3%-50%, đây là con số rất lớn và đồng thời Nga cũng công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường là thuận lợi rất lớn để hàng hóa của Việt Nam vào Nga. Những hàng hóa thuận lợi vào Nga bao gồm: hàng nông sản thực phẩm đặc biệt là cá ba sa, hàng hải sản, và một số mặt hàng điện tử... Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nga hoàn toàn không có sự ràng buộc gì nhưng vấn đề ở đây là có cạnh tranh được với hàng hóa của các nước khác như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ... nhất là vấn đề về chất lượng, mẫu mã và giá cả. Bên cạnh đó, cần lưu ý đến hệ thống pháp luật ở Nga còn chưa chặt chẽ, do Nga chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường. Do vậy, thị trường cũng khá rủi ro nên trong ký hợp đồng cần làm rõ phương thức thanh toán, cũng như việc chọn bạn hàng phải đáng tin cậy, với những thương vụ lớn cần phải có sự thông tin của các thương vụ.

+ Thị trường Mỹ: Không phải cứ giá rẻ là thắng

Trong thời gian qua, Hoa Kỳ nổi lên là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong năm 2011 lần đầu tiên kim ngạch thương mại giữa hai nước vượt con số 20 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm thì trong vòng 5 năm tới khả năng con số này sẽ còn tăng gấp đôi, đạt 40 tỷ USD vào năm 2015, trong đó Việt Nam xuất siêu là chủ yếu.

Có thể thấy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là quan hệ đặc biệt, không giống các thị trường khác, vì quan hệ thương mại giữa hai nước đã bị chi phối bởi những nhóm lợi ích của Hoa Kỳ và những nhóm lợi ích đó thường xuyên có xu hướng muốn ngăn cản hàng của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Do đó quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Mỹ cần phải có những biện pháp chống lại những vụ kiện thương mại có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Cần phải nhấn mạnh rằng, một khi có các cảnh báo thì doanh nghiệp cần xem xét vấn đề một cách nghiêm túc và có sự điều hòa số lượng hàng xuất khẩu cũng như điều hòa về giá, thậm chí nếu bán quá rẻ sẽ bị quy vào việc bán phá giá.
Để đẩy mạnh hơn nữa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ thì trong thời gian tới nên tập trung vào những mặt hàng truyền thống và những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, đồ gỗ, hải sản và các mặt hàng nông sản. Nhưng phải nói thêm rằng Hoa Kỳ là thị trường lớn nhưng có những luật lệ vô cùng khắt khe, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt lưu ý.

+ Thị trường Trung Quốc: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam

Trung Quốc vẫn là một thị trường trọng điểm hàng đầu và là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Với một thị trường tiềm năng lớn như vậy, DN VN sẽ có nhiều cơ hội để phát triển những mặt hàng chủ lực. Song, thị trường này vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Về những mặt hàng có thể xuất sang TQ, nông sản nhiệt đới, đồ gỗ cao cấp, thủy hải sản, thực phẩm chế biến và hàng tiêu dùng là những nhóm hàng thị trường TQ đang cần từ Việt Nam. Cụ thể, TQ có nhu cầu thường xuyên, ổn định, thậm chí có xu hướng tăng lên đối với mặt hàng cao su do ngành công nghiệp ô tô ngày càng phát triển. Còn hoa quả nhiệt đới chủ yếu do VN, Thái Lan, Đài Loan cung cấp hiện chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của một số tỉnh phía Nam TQ, chứ chưa đủ sức và điều kiện vươn lên Đông Bắc và vào sâu trong lục địa. Đặc biệt, mặt hàng cà phê mới xâm nhập vào thị trường TQ, trong khi nhu cầu tiêu dùng đối với loại đồ uống này tăng lên nhanh chóng, nhất là tại các trung tâm kinh tế, các thành phố lớn do thói quen sinh hoạt của TQ đã thay đổi cơ bản, mặt khác, thế hệ trẻ chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong dân số TQ, nên việc sử dụng đồ uống là cà phê tại TQ sẽ tăng cao…

Trung Quốc sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến thương mại sang thị trường này với việc tổ chức các hội chợ thương mại, các đoàn khảo sát… Ngoài ra, Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thực lực ở nước này sang đầu tư tại Việt Nam nhằm thu hẹp khoảng cách thương mại.

Bên cạnh những tiềm năng kể trên, thị trường TQ vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như việc triển khai các Hiệp định đã ký quy định về kiểm dịch, kiểm nghiệm động vật, thực vật diễn ra rất chậm. Cơ cấu hàng hóa XNK còn bất hợp lý, chưa có sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt, tình hình buôn bán biên giới không ổn định và thiếu lành mạnh, quy mô doanh nghiệp nhỏ, lượng hàng hóa ít. Tình trạng buôn lậu hàng nhái, hàng giả trên toàn tuyến biên giới vẫn diễn ra khá nhiều.

Để giảm thiểu rủi ro khi làm ăn với DN TQ, DN VN cần chú ý những điều sau: Đối với các đối tác giao dịch qua mạng, những đối tác được giới thiệu qua trung gian hoặc đối tác lớn, cần kiểm tra kỹ lý lịch Thương nhân để quyết định hợp tác lâu dài trước khi ký kết những hợp đồng giao dịch lớn; Với các đối tác thông thường lần đầu tiếp xúc qua hội chợ triển lãm hoặc qua các kênh hội thảo…, cần đề nghị đối tác cung cấp giấy phép kinh doanh do Cục quản lý hành chính công thương tại tỉnh, thành phố TQ mà DN đó có trụ sở. Giấy phép kinh doanh phải là bản sao phải có công chứng rõ ràng.

Trước khi ký hết hợp đồng thương mại đầu tiên, DN VN nên trực tiếp thẩm định văn phòng, hệ thống nhà xưởng, kho tàng, hệ thống phân phối… Thực ra, đã có nhiều DN VN làm như vậy nhưng vẫn bị lừa do phía đối tác TQ thuê mượn lại văn phòng, cơ sở vật chất, kho tàng để khuếch trương. Đặc biệt, DN VN không nên sử dụng các mẫu hợp đồng của đối tác TQ vì các điều khoản chế tài thường có lợi cho phía họ. Cơ quan trọng tài cần ghi vào hợp đồng là trọng tài kinh tế phía VN hoặc nước thứ 3, vì việc xét xử tranh chấp thương mại theo cơ quan trọng tài tại TQ thường tốn kém, phức tạp về thủ tục và ngôn ngữ.

+ Thị trường châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Đông: đơn giản là cứ làm cái người ta cần

Các nước châu Phi, Mỹ la tinh, Trung Đông… thường được xem là thị trường ngách để các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam “trú bão” mỗi khi các thị trường chủ lực “kẹt” về tiêu thụ. Nhưng trong ý nghĩ của nhiều doanh nhân, quan điểm này đang thay đổi.

Để xuất khẩu được, một trong các điểm quan trọng là doanh nghiệp phải tìm mặt hàng thích hợp thị trường, không nhất thiết phải là các mặt hàng công nghệ cao mà chỉ cần những sản phẩm rất đơn giản vì thế giới luôn cần tiêu dùng lương thực, thực phẩm.

Theo TTXVN

 

.
.
.
.