.
.

Đảng và doanh nhân

Thứ Tư, 04/01/2012|11:26

(ĐUKDNTW) - TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh những thông điệp và cả niềm hy vọng được thắp lên khi lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết về doanh nhân Việt Nam.

Thông điệp và "luồng gió mới"

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trao tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuốn sách "Bác Hồ với doanh nghiệp, doanhnhân Việt Nam

Là một trong những người chấp bút chính cho bản đề án và dự thảo Nghị quyết, chia sẻ những trăn trở, tâm huyết của mình với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá: Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đã giúp củng cố niềm tin và thực sự là điểm tựa để đội ngũ doanh nhân Việt Nam vượt qua một trong những thời khắc khó khăn bậc nhất trong công cuộc kinh doanh từ khi đổi mới cho đến nay. Đây là lần đầu tiên, đội ngũ doanh nhân có Nghị quyết riêng của Đảng cho mình. Nghị quyết đã phản ánh đúng nguyện vọng của đội ngũ doanh nhân và yêu cầu của nền kinh tế. Nghị quyết của Đảng đã xác định rõ vai trò, vị trí và định hướng phát triển của doanh nhân, cùng với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức đóng vai trò quan trọng trong khối Đại đoàn kết toàn dân tộc và trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Doanh nhân có trách nhiệm với đất nước, phải hội nhập và cạnh tranh thắng lợi. Cả hệ thống chính trị có trách nhiệm quan tâm, hậu thuẫn, tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nhân.

Trong nhiều năm nay, VCCI là tổ chức đi đầu trong việc tổ chức nghiên cứu và phổ biến rộng rãi tư tưởng và những chỉ dẫn của Bác Hồ về doanh nghiệp, doanh nhân. Chủ tịch Vũ Tiến Lộc kể cho chúng tôi những câu chuyện lịch sử: Bác Hồ đã chắp bút viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại gia đình một doanh nhân Hà Nội; giới công thương là giới chức xã hội đầu tiên được Người tiếp tại Phủ Chủ tịch sau ngày độc lập; việc Đảng và Bác chọn ngôi sao vàng 5 cánh trên lá cờ tổ quốc là biểu tượng cho các giai tầng: Sỹ, Nông, Công, Thương, Binh trong xã hội Việt Nam. Nói về bức thư Bác Hồ gửi cho giới Công thương ngày 13/10/1945, ngày mà VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn là ngày doanh nhân Việt Nam. Chủ tịch VCCI nhận xét rằng, đây là văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta về doanh nhân và 66 năm đã trôi qua nhưng những chỉ dẫn trong bức thư lịch sử này vẫn giữ nguyên giá trị. Bức thư đã khẳng định chính xác vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng đất nước và trách nhiệm của các cơ quan chính quyền đối với sự phát triển của doanh nhân và cũng theo Chủ tịch VCCI, công cuộc đổi mới ở nước ta xét về mặt kinh tế là sự trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh về nền kinh tế nhiều thành phần và vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân. Với tầm nhìn xuyên thế kỷ, tư tưởng áp dụng chính sách tân kinh tế - nền kinh tế thị trường nhiều thành phần đã được Bác Hồ lựa chọn từ gần 100 năm về trước, năm 1925, trong Điều lệ của tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội.

Sứ mệnh doanh nhân và phẩm chất ba trụ cột

Bản Nghị quyết là thông điệp chính trị xác lập rõ vị thế của doanh nhân là lực lượng quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóavà trong khối Đại đoàn kết dân tộc.

- Thưa Chủ tịch, đâu là "điểm nhấn" trong bản Nghị quyết quan trọng này?

Bản Nghị quyết là thông điệp chính trị xác lập rõ vị thế của doanh nhân là lực lượng quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trong khối Đại đoàn kết dân tộc bên cạnh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức. Điều này khiến giới doanh nhân thấy ấm lòng, xóa bỏ đi những mặc cảm. Mặc dù thời gian gần đây, nhận thức về vị thế của đội ngũ doanh nhân đã được ghi nhận nhưng không phải toàn xã hội đã đồng thuận, ở đâu đó vẫn có ý kiến xem họ là kẻ ‘bóc lột’ và thiếu trách nhiệm với xã hội. Với Nghị quyết này, cácdoanh nhân yên tâm hơn để dấn thân vào sự nghiệp kinh doanh, làm giàu cho mình và cho đất nước, cũng như tham gia vào đời sống chính trị… Nhiều doanhnhân đã xem Nghị quyết như "luồng gió mới".

Hình ảnh đất nước gắn liền với thương hiệu củadoanh nghiệp. Thương hiệu của doanh nghiệp cũng là tài sản của đất nước

Hiền tài là nguyên khí quốc gia, doanh nhân trong thời đại mới cũng là một lực lượng hiền tài. Bản thân doanh nghiệp, doanh nhân và thương hiệu của họ cũng là tài sản của đất nước. Từ bức thư của Bác Hồ gửi giới Công thương ngày đầu lập nước đến Nghị quyết của Đảng về doanh nhân là cả một bước tiến dài. Và Nghị quyết của Đảng doanh nhân là một dấu mốc lịch sử.

Nghị quyết nhấn mạnh những yêu cầu đối với đội ngũ doanh nhân mới. Đó phải là đội ngũ doanh nhân có tinh thần dân tộc, có trách nhiệm xã hội, có văn hóa kinh doanh và có năng lực cạnh tranh cao. Nói một cách hình tượng và ngắn gọn thì có 3 trụ cột hình thành nên phẩm chất của doanh nhân Việt bao gồm: Tinh thần dân tộc, trách nhiệm xã hội và năng lực cạnh tranh. Về bản sắc riêng, doanh nhân Việt phải có tinh thần của anh Bộ đội Cụ Hồ - người lính thời bình. Doanh nhânViệt dấn thân vào sự nghiệp kinh doanh không chỉ để làm giàu mà còn vì màu cờ sắc áo của đất nước, vì sự hưng thịnh của quốc gia, vì một Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước.

Tầm cao hơn kích cỡ

- Nghị quyết có nêu mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có một số doanhnhân, doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Tại sao lại là thời điểm này mà không phải sớm hơn? Bao giờ Việt Nam mới có các doanh nghiệp tầm cỡ thế giới, thưa ông?

Mặc dù hiện nay Việt Nam đã có một số doanh nghiệp tương đối lớn như Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Viettel hay Hoàng Anh Gia Lai... và anh Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai vừa được bầu vào danh sách những doanh nhân ảnh hưởng nhất khu vực, nhưng Nghị quyết đề ra mục tiêu là phấn đấu khoảng 10 nữa chúng ta có được những doanh nghiệp tầm cỡ Đông Nam Á. Tôi cho đó là mục tiêu phù hợp. Không sốt ruột được đâu.

Ai chẳng muốn Việt Nam có doanh nghiệp tầm cỡ khu vực và thế giới nhưng để làm được điều này cần phải có thời gian. Một số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay xét về quy mô, vốn liếng, số lượng nhân sự không hề nhỏ nhưng lại chưa phải doanh nghiệp tầm cỡ. Tầm cỡ doanh nghiệp phải được xét cả về công nghệ, trình độ quản trị, văn hóa kinh doanh. Phải rất chú ý cả tầm cao chứ không chỉ kích cỡ. Theo quan điểm của tôi, thời gian tới, bên cạnh việc quan tâm hình thành cácdoanh nghiệp lớn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ, chúng ta phải rất chú trọng phát triển các doanh nghiệp cỡ vừa, bởi lẽ, các doanh nghiệp nhỏ thì thường hiệu quả không cao, các doanh nghiệp lớn thì thường kém linh hoạt. Cácdoanh nghiệp cỡ vừa thì như người ta nói "vừa đủ lớn để hiệu quả, vừa đủ nhỏ để linh hoạt". Cái quan trọng là quy mô vừa nhưng phải vươn tới chuẩn mực thế giới, đủ sức cạnh tranh để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Kinh nghiệm cho thấy để sản xuất ra máy bay Bô-ing vẫn cần có các doanh nghiệp nhỏ và vừa cung cấp linh kiện, phụ tùng và các doanh nghiệp này nhiều khi lại sáng tạo ra và nắm những công nghệ then chốt và có hiệu quả rất lớn. Đây là một hướng đi rất quan trọng để tạo tiền đề cho việc xuất hiện các doanh nghiệp lớn sau này và tạo ra một cơ cấu kinh tế vừa năng động vừa hiệu quả.

 
Mặc dù vậy, việc phát triển doanh nghiệp và xây dựng đội ngũ doanh nhân ở Việt Nam ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Quy mô doanhnghiệp của các doanh nhân nước ta còn quá nhỏ bé, chỉ tương đương với doanhnghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), thậm chí là nhỏ và siêu nhỏ ở các nước đã phát triển. Chỉ có 9% số doanh nghiệp có trên 50 lao động và 2,68% số doanh nghiệp có trên 200 lao động. Trong bối cảnh diễn biến kinh tế thế giới hết sức phức tạp, thị trường trong và ngoài nước sự cạnh tranh gay gắt, những hạn chế yếu kém của nêu trên của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam được bộc lộ khá rõ trong quá trình phát triển về quy mô và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, đặc biệt trong 10 năm gần đây, song đến 30/9/2011, chỉ còn khoảng 446.000 doanh nghiệp hoạt động (chiếm 74% số doanh nghiệp đăng ký). Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2009 số doanh nghiệp siêu nhỏ có tốc độ tăng trung bình lớn nhất gần 25%; doanh nghiệp nhỏ là 20%, trong khi đó tốc độ tăng trung bình của số doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn hàng năm lần lượt chỉ có 12 và7%.

Đảng và doanh nhân

Nhiều doanh nhân đã xem Nghị quyết như "luồng gió mới" để yên tâm dấn thân vào sự nghiệp kinh doanh, làm giàu cho mình và cho đất nước, cũng như tham gia vào đời sống chính trị

- Ngoài thí điểm kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, Nghị quyết cũng nêu vấn đề tạo điều kiện cho đội ngũ doanh nhân có đại diện trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Việc hàng chục doanh nhân tham gia Quốc hội khóa XIII phải chăng đã bắt đầu xu hướng này?

Doanh nhân không chỉ là lực lượng lãnh đạo, quản trị, điều hành kinh tế mà còn tham gia tích cực vào đời sống chính trị đất nước và việc Đảngquan tâm xây dựng tổ chức Đảng trong khu vực kinh tế tư nhân, phát triển đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân là một xu hướng tích cực vừa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực kinh tế - nhiệm vụ trung tâm của chúng ta. Và cũng là để Đảng ta mạnh hơn, bảo đảmĐảng tập hợp được trong đội ngũ của mình những người con ưu tú nhất của cả dân tộc trong các tầng lớp công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân… Việc ngày càng nhiều doanh nhân tham gia vào các tổ chức chính trị - xã hội, vào Hội đồng Nhân dân các cấp, Quốc hội, thậm chí vào Ban chấp hành Trung ươngĐảng là xu hướng tích cực.

Cần một sức mạnh cộng hưởng

- Việc ban hành nghị quyết đã khó nhưng đưa nghị quyết vào cuộc sống còn khó hơn. Sắp tới Nghị quyết về doanh nhân sẽ được triển khai cụ thể như thế nào?

Trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết này Bộ Chính trị và Chính phủ là "nhạc trưởng", các nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết đều đã có trong chức năng của các bộ, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội… Với yêu cầu của Nghị quyết, các hoạt động sẽ được thực hiện đồng bộ, tạo thành sức mạnh cộng hưởng hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân.

Về phía VCCI với trọng trách là tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân và người sử dụng lao động ở Việt Nam, chúng tôi sẽ sớm thành lập Ban chỉ đạo triển khai Nghị quyết trong cộng đồng doanh nghiệp và cùng với Ban Dân vận Trung ương phối hợp với ban ngành hữu quan giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bản thân VCCI cũng sẽ phải tái cơ cấu để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới mà quan trọng nhất là phải hoàn thành nhiệm vụ là tổ chức nòng cốt liên kết được chặt chẽ với các hiệp hội doanh nghiệp trong những nỗ lực để xây dựng đội ngũdoanh nhân lớn mạnh.

Chủ tịch Vũ Tiến Lộc tâm sự rằng lúc này, nếu tính bài toán kinh tế cho riêng mình, nhiều doanh nhân sẽ đóng cửa doanh nghiệp, tạm nghỉ kinhdoanh để bảo toàn vốn. Nhưng họ vẫn chọn cách hoạt động dù thua thiệt về mặt kinh tế nhưng đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần ổn định xã hội. Đây là nỗ lực rất đáng trân trọng. Ông chia sẻ: "Trong thời đại ngày nay, tên tuổi và ảnh hưởng của các quốc gia gắn liền với thương hiệu, sản phẩm mà doanh nghiệp của quốc gia đến được với thị trường thế giới. Hình ảnh đất nước gắn liền với thương hiệu của doanhnghiệp. Thương hiệu của doanh nghiệp cũng là tài sản của đất nước. Suy cho cùng, các doanh nhân phấn đấu cả đời xây dựng doanh nghiệp vàthương hiệu, nhưng khi qua đời họ có mang theo được đâu mà để lại cho đời đấy chứ".

Có được một Nghị quyết của Đảng riêng cho doanh nhân đương nhiên là rất vui nhưng không phải vì thế mà nỗi lo và những thách thức sắp tới sẽ ít hơn. Nhưng Chủ tịch Vũ Tiến Lộc cho biết, nhiều doanh nhân đã bộc bạch với ông rằng giờ đây họ đã cảm nhận được "luồng gió mới" ấy

- Xin cảm ơn ông!

VCCI

.
.
.
.