Thông điệp của Thủ tướng và những kỳ vọng kinh tế 2013
Trong những ngày đầu năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ra thông điệp nêu rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai ngay nhằm tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng và phát triển bền vững.
Kết hợp chính sách tài khóa và tiền tệ là cả 1 nghệ thuật đòi hỏi giám sát và quản lý chặt chẽ của Chính phủ . |
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2013 đã được Thủ tướng khẳng định là kiềm chế lạm phát ở mức dưới 8%, đồng thời đảm bảo tăng trưởng kinh tế 5,5%. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ quyết tâm điều hành chính sách tiền tệ theo tín hiệu thị trường và theo lạm phát mục tiêu; Kết hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa.
Chú trọng chính sách tiền tệ kết hợp giảm lãi suất
Các chuyên gia kinh tế nhận định, Thông điệp của Thủ tướng thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ nhằm đạt được những mục tiêu quan trọng trong năm 2013, để phục hồi và phát triển kinh tế.
Đồng thời, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để đảm bảo đồng thời 2 mục tiêu lạm phát thấp hơn và tăng trưởng năm nay cao hơn năm 2012 là nhiệm vụ rất khó khăn, đòi hỏi các biện pháp phải linh hoạt, nhất là chính sách tiền tệ, giữ mức lãi suất phù hợp.
GS.TS Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, năm 2012 mức giảm lạm phát đã xuống mức 6,81%, tuy nhiên lạm phát cần giảm dưới mức này trong năm 2013, vì muốn ổn định kinh tế vĩ mô thì phải giảm lạm phát, giảm lãi suất.
“Năm 2013 phải hài hòa kiềm chế lạm phát với tăng trưởng, để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển nền kinh tế tốt hơn trong những năm tới. Kết hợp chính sách tài khóa và tiền tệ là cả 1 nghệ thuật đòi hỏi giám sát và quản lý chặt chẽ của Chính phủ để hiệu quả cao hơn” - GS.TS Nguyễn Quang Thái cho biết.
Năm 2013, việc tái cơ cấu nền kinh tế phải thực hiện quyết liệt hơn. Theo đó, cần khẩn trương thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn liền với việc giải quyết nợ xấu.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, trong năm 2012, chính phủ đã giải quyết được trên một nửa số ngân hàng yếu kém và bắt đầu có kế hoạch kiểm tra chất lượng hoạt động của ngân hàng; tiếp cận được tiêu chí hoặc lộ trình để giải quyết ngân hàng yếu kém và hệ thống ngân hàng đến năm 2015. Trong năm mới 2013, cần phải tiếp tục sắp xếp lại ngân hàng yếu kém, phân loại nợ xấu để có ưu tiên giải quyết trước.
“Phải tập trung giải quyết có hiệu quả nợ xấu trên cơ sở đánh giá địa chỉ của nợ xấu và xây dựng giải pháp phù hợp cho từng địa chỉ ấy. Muốn giải quyết nợ xấu ngoài việc củng cố hệ thống ngân hàng ra thì phải củng cố hệ thống doanh nghiệp vì nợ xấu gây ra 2 phía: Một là do nợ xấu ngân hàng do cho vay lỏng lẻo, kiểm soát không chặt; Hai là do doanh nghiệp sử dụng đồng vốn không hiệu quả và có thất thoát. Giải quyết nợ xấu nó có ngoài việc củng cố ngân hàng yếu kém thì phải giải quyết vấn đề doanh nghiệp và tính hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp” - ông Cao Sỹ Kiêm cho hay.
Sớm thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giãn, giảm thuế cần được áp dụng từ giữa năm 2013, để doanh nghiệp sớm được hưởng lợi, có thêm cơ hội để hồi phục.
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ, ngoài các giải pháp như khoanh nợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời; ban hành cơ chế mới về bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thì việc tăng nguồn cung tín dụng với thời hạn dài hơn và lãi suất thấp hơn cho người mua nhà để ở, nhằm giảm tồn kho bất động sản cũng là một giải pháp cần được thực hiện quyết liệt.
“Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường vẫn như năm 2012 là hướng về bên cung làm sao cho dễ hơn, như giảm giãn thuế. Nhưng lần này có khác hơn một chút là quan tâm đến phía cầu, tức là tạo ra sức mua cho thị trường. Thứ hai là một loạt các biện pháp mới để trong chừng mực nhất định đẩy mạnh hơn đầu tư công có lan tỏa tốt cho doanh nghiệp khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt trong lần này quan tâm đến phía cầu để thúc đẩy phía cung hơn. Cái này không phải quá mới nhưng lần này quyết liệt hơn” - TS. Võ Trí Thành nhận định.
Quan tâm các vấn đề an sinh xã hội
Cùng với các giải pháp phát triển kinh tế, Thủ tướng đã nhấn mạnh năm 2013 cần quan tâm đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh giảm nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ các đối tượng cận nghèo và những hộ vừa thoát nghèo vươn lên giảm nghèo bền vững.
PGS.TS Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng, dư địa của nguồn tài chính dành cho an sinh xã hội năm nay còn rất hạn chế, cho nên cần có giải pháp hết sức cụ thể.
“Ngoài nguồn ngân sách hiện có, cần tổ chức khai thác nhiều nguồn lực khác để thực hiện vấn đề an sinh xã hội. Điều này thông điệp của chính phủ nói rất rõ. Theo quan điểm của tôi là triển khai đúng mục tiêu đã đề ra và trong quá trình triển khai thì vấn đề thanh kiểm tra giám sát có ý nghĩa rất quan trọng tránh hiện tượng đánh trống bỏ dùi, đề ra rất tốt đẹp nhưng thực thi không có sự kiểm tra giám sát thì không mang lại hiệu quả” - PGS.TS Ngô Trí Long cho hay.
6 vấn đề trọng tâm mà Thủ tướng đưa ra trong thông điệp là những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tạo điều kiện ổn định và phát triển bền vững.
Để thực hiện được mục tiêu này, cần có quyết tâm chính trị cao và điều hành chính sách linh hoạt. Còn người dân và doanh nghiệp thì kỳ vọng, những chính sách này được nhanh chóng đi vào cuộc sống./.
Việt Hà - Hải Yến/VOV – Trung tâm tin