Đề cương tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV
Tạp chí điện từ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương trân trọng giới thiệu Đề cương tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành.
I. BỐI CẢNH DIỄN RA KỲ HỌP
Kỳ họp thứ 11, là kỳ họp cuối của nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Sau 12 ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, dân chủ, đoàn kết (từ ngày 24/3/2021 đến ngày 8/4/2021), kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành nhiều nội dung, chương trình quan trọng, như: công tác xây dựng pháp luật, tổng kết công tác nhiệm kỳ, xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt kiện toàn nhân sự lãnh đạo của bộ máy nhà nước.
II. NỘI DUNG VÀ KẾT QUẢ KỲ HỌP
1. Tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cơ quan nhà nước, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, Quốc hội khóa XIV đã luôn nỗ lực, quyết tâm hoàn thành tốt vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc; không ngừng đổi mới mạnh mẽ, luôn hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước; đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và hoạt động đối ngoại, như sau:
- Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng thời, chú trọng việc nâng cao chất lượng của các đạo luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Quốc hội cũng đã tăng cường hoạt động giám sát, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống và không ngừng cải tiến, đổi mới cách thức thực hiện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát; đặc biệt đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước ( phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, đầu tư công 5 năm và hằng năm, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, các Chương trình mục tiêu quốc gia…). Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai hiệu quả, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp quan trọng vào thành công chung trong công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Quốc hội luôn quán triệt tư tưởng “dân làm gốc”, “gần dân”, “hiểu dân, trọng dân”; lắng nghe Nhân dân, phục vụ Nhân dân; luôn coi trọng, đẩy mạnh, đổi mới cách thức để tăng cường mối liên hệ giữa cử tri và đại biểu Quốc hội; chú trọng việc nghiên cứu tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu của cử tri và Nhân dân nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và hoàn thành trọng trách với Nhân dân.
- Các cơ quan của Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Nhà nước và đoàn thể để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã nỗ lực, quyết tâm cao, không ngừng đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành để triển khai nhiều việc lớn, nội dung quan trọng, kịp thời giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào thành tựu chung trong hoạt động của Quốc hội. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban đã hoàn thành tốt vai trò là cơ quan chuyên môn của Quốc hội, luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, phát huy trí tuệ tập thể, chú trọng đổi mới phương thức làm việc để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động thẩm tra, giám sát, kiến nghị, thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc, tin cậy để Quốc hội. Các Đoàn đại biểu Quốc hội có nhiều đóng góp quan trọng vào các kết quả hoạt động của Quốc hội, phát huy vai trò cầu nối giữa Quốc hội với địa phương, đại biểu Quốc hội đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy tốt trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, tích cực tham gia và thực sự trở thành trung tâm hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội.
- Chủ tịch nước tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân. Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Với sự kiên quyết, kiên trì, quyết tâm của Chủ tịch nước, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nhiệm kỳ qua đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, có chiều sâu và hiệu quả rõ nét trong xử lý các hành vi, vụ án tham nhũng không có “vùng cấm”, “ngoại lệ” được Nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. Chủ tịch nước đã trình Quốc hội phê chuẩn nhiều điều ước quốc tế quan trọng, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
- Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, thể hiện sự năng động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, kiên định thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội; thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Chính phủ đã ưu tiên triển khai các đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước gắn với xây dựng Chính phủ điện tử; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, chủ động, tích cực trong công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, Chính phủ đã điều hành thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, được Nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
- Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tính chuyên nghiệp được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giải quyết kịp thời các tranh chấp, khiếu kiện, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, nhất là án kinh tế, tham nhũng… góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Hoạt động tố tụng ngày càng công khai, minh bạch. Việc xét xử được thực hiện nghiêm minh, đúng pháp luật, bảo đảm các nguyên tắc tư pháp dân chủ, tiến bộ, như: nguyên tắc độc lập, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích của đương sự, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự đạt kết quả tốt, tỷ lệ án oan trong giai đoạn điều tra truy tố giảm mạnh, tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, truy tố đúng tội danh qua các năm đều đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra.
- Kiểm toán nhà nước từng bước khẳng định vai trò, vị thế là cơ quan quản lý sử dụng tài chính, tài sản công do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và tuân theo pháp luật, là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Đồng thời, có nhiều đổi mới, chú trọng cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hoạt động kiểm toán; cơ bản hoàn thành các cuộc kiểm toán theo kế hoạch, phát hiện và kiến nghị xử lý nhiều sai phạm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ nhiều văn bản chưa phù hợp; cung cấp nhiều thông tin quan trọng, tin cậy cho Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan điều tra... góp phần tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
- Quốc hội đã phân tích, làm rõ hạn chế, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm trong tổ chức, hoạt động của mỗi cơ quan. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, trong đó, đề nghị các cơ quan chú trọng một số nội dung làm cơ sở để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ tới.
2. Kiện toàn nhân sự lãnh đạo bộ máy nhà nước
Để đáp ứng kịp thời công tác lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Nhà nước; Quốc hội đã tiến hành xem xét miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm một số chức danh trong bộ máy nhà nước đúng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật, bảo đảm dân chủ, sự đồng thuận cao. Quốc hội đã bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, 3 Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, 5 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 3 Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước; phê chuẩn việc bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, 12 thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách 3 Phó Chủ tịch, 7 Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia và danh sách Phó Chủ tịch và 3 Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh. Sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã tiến hành tuyên thệ trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước theo quy định của Hiến pháp. Quốc hội tin tưởng các vị lãnh đạo mới được bầu, phê chuẩn sẽ không ngừng rèn luyện, phấn đấu, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
3. Xem xét, thông qua luật và một số nội dung khác
3.1. Thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)
- Sau khi xem xét kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao (94,58%). Luật được sửa đổi nhằm tăng cường quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và tiền chất; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy; củng cố lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy và mở rộng tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy.
- Luật gồm 08 Chương và 55 Điều, trong đó đã bỏ Chương VII (Khen thưởng và xử lý vi phạm) của Luật hiện hành, bổ sung 01 Chương mới về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy (Chương IV) với một số điểm mới như: (1) Quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống ma túy; (2) Quy định rõ các trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện ma túy, Nhà nước bảo đảm kinh phí xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và kinh phí xác định tình trạng nghiện; (3) Xác định rõ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy và nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan này; (4) Bổ sung quy định nhằm quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và các quy định nhằm nâng cao tính khả thi, hiệu quả của các biện pháp cai nghiện ma túy.
3.2. Thông qua Nghị quyết thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố Hà Nội nhằm đáp ứng yêu cầu đảm đương khối lượng công việc ngày càng lớn của chính quyền; đồng thời bảo đảm hài hòa với việc bố trí số lượng và chức danh đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Nghị quyết quy định từ nhiệm kỳ 2021-2026 và trong suốt thời gian thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội, HĐND Thành phố Hà Nội được bố trí tối đa là 19 đại biểu hoạt động chuyên trách. So với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ tăng thêm tối đa là 09 đại biểu nhưng so với nhiệm kỳ 2016-2021 chỉ tăng thêm 01 đại biểu.
3.3. Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri
- Thông qua 1.396 cuộc tiếp xúc trước và sau kỳ họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp nhận và tổng hợp được 1.907 kiến nghị của cử tri (KNCT), trong đó có nhiều KNCT đã được các bộ, ngành trả lời rõ ràng, đầy đủ tại nhiều kỳ họp của Quốc hội. Việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri tiếp tục được các bộ, ngành quan tâm trả lời kịp thời, trong đó đã tập trung chỉ đạo giải quyết, đưa ra các giải pháp thiết thực để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri. Chính phủ, các bộ, ngành đã nghiên cứu, xem xét, giải quyết 136 kiến nghị (chiếm 7,7% tổng số KNCT); đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 29 văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều văn bản kịp thời ban hành nhằm hỗ trợ người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống Nhân dân. Tiếp thu KNCT, Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những vi phạm trong một số lĩnh vực gây bức xúc trong dư luận xã hội và được Nhân dân ghi nhận đánh giá cao.
- Từ sau kỳ họp thứ 10 đến nay, Đoàn Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp được 2.278 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước. Cử tri đánh giá cao những đổi mới, cải tiến trong hoạt động của Quốc hội nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; sự chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành của Chính phủ đã góp phần quan trọng vào ổn định nền kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác đối ngoại và sự chuyển biến tích cực trong công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của các cơ quan tư pháp. Đồng thời, kiến nghị nhiều chính sách, giải pháp về phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường...
III. ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN
1. Tuyên truyền thành công của kỳ họp thứ 11 cũng như sự đổi mới mạnh mẽ, sáng tạo, linh hoạt, thận trọng hành động vì lợi ích của Nhân dân, đất nước của Quốc hội khóa XIV (2016 – 2021); khẳng định Quốc hội và đại biểu Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức và đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2. Tuyên truyền Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tập trung Nghị quyết số 45/NQ - CP ngày 16/4/2021 của Chính phủ về “Phiên họp triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV”.
3. Tuyên truyền phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang qua 14 khóa hoạt động và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Quốc hội Việt Nam, Quốc hội khóa XV tiếp tục kế thừa tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, vì lợi ích của Nhân dân, của dân tộc; vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
4. Cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG