Tấm lưới nghĩa tình - chương trình giao lưu thiết thực ủng hộ ngư dân Việt Nam do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Quỹ Tấm lòng vàng lao động, Tổng công ty VTC và Báo Lao động Việt Nam tổ chức đã diễn ra xúc động trong tối 25/11.
Buổi giao lưu trực tiếp vinh dự đón nhận sự có mặt của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai, Tổng giám đốc Tổng công ty VTC Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng giám đốc VTC: Nguyễn Khả Dân; Trần Duy Phương, Tổng biên tập của Báo Lao động Việt Nam Vương Văn Việt, cùng nhiều đồng chí khác.
"Sói biển" Mai Phụng Lưu (giữa) và ngư dân Phan Văn Hiếu trong trường quay S4 - Đài TH KTS VTC
Chương trình truyền tải nội dung bằng những phóng sự ngắn, những cuộc đối thoại với lãnh đạo của Tổng liên đoàn Lao động VN, Hội nghề cá Việt Nam và đặc biệt là những ngư dân, những người ngày đêm bám biển đem lại nhiều lợi ích kinh tế và khẳng định chủ quyền lãnh thổ của đất nước.
Ông Võ Thiên Lăng (Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam) chia sẻ, hoạt động đánh bắt cá của ngư dân đang trên đà phát triển và đem lại kinh tế, nhưng ngư dân vẫn còn nhiều khó khăn, từ thiên tai cho đến sự đe doạ của các tàu lạ.
Đăng Dương và Trần Hồng Nhung biểu diễn ca khúc: "Tình ta biển bạc đồng xanh"
Minh chứng cho điều đó, phóng sự về Xóm không chồng (Thăng Bình - Quảng Nam) 5 năm vẫn chưa lành vết thương sau cơn bão Chanchu khủng khiếp, do những phóng viên của kênh VTC 16 thực hiện, đã lấy đi nhiều nước mắt của những người xem. Đó là số phận của những người đàn bà đơn côi trên đất liền khi những người cha, chồng và anh họ người may mắn thì xác được về đất liền, người mãi mãi nằm sâu dưới nước không tìm ra xác...
Tuy nhiên, sau 5 năm, hoạt động của nghề cá Việt Nam cũng có nhiều khởi sắc. Hiện, Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố có biển, với khoảng 4 triệu lao động trong ngành thủy sản. Trong đó, 1,3 triệu lao động thu nhập chính từ khai thác hải sản xa bờ, làm việc trên 130 nghìn tàu cá.
Mỗi ngày có hơn 13.000 tàu cá mang cờ đỏ sao vàng hoạt động trên phạm vi 1 triệu km2 mặt biển, mang lại nguồn lợi thuỷ sản cho đất nước và cũng đồng thời khẳng định chủ quyền của tổ quốc. Để củng cố thêm hoạt động của nghề cá, nhiều tổ đội đoàn kết đã ra đời và phát triển thành nghiệp đoàn nghề cá, đánh dấu là sự ra đời hai nghiệp đoàn nghề cá tại Quảng Ngãi và Bình Thuận.
Anh Mai Phụng Lưu xúc động đón nhận 200 triệu đồng hỗ trợ từ Đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - ông Đặng Ngọc Tùng trao
Chương trình cũng đã mời ngư dân tham gia giao lưu trực tiếp, đó là anh Mai Phụng Lưu – ngư dân Nghiệp đoàn nghề cá An Hải – Lý Sơn – Quảng Ngãi, người đã từng 5 lần bị nước ngoài bị bắt giữ, tịch thu tài sản, người mang mệnh danh Sói biển, đã và đang lên thuyền, kéo lưới đánh cá dọc ngang vùng biển trên các ngư trường Trường Sa và Hoàng Sa.
Anh Lưu chia sẻ về những quãng thời gian đáng nhớ của mình với biển, về những địa danh thân thương nằm trong quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa như cù lao Ông già, Cồn Đá Lồi, đảo Phạm Quang Ảnh.
Mặc dù bị bắt giữ, thua lỗ trong những lần ra khơi nhưng anh khẳng định mình sẽ không bao giờ rời biển. Trên sân khấu giao lưu, bên cạnh anh Lưu là ngư dân Phan Văn Hiếu – Nghiệp đoàn khai thác hải sản Bình Hưng 3 – TP Phan Thiết – Bình Thuận cũng khẳng định đời mình, đời con mình rồi sẽ bám biển.
Phát biểu tại đem giao lưu trực tiếp, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng khẳng định rằng việc thành lập các nghiệp đoàn nghề cá sẽ hỗ trợ tối đa cho ngư dân, trong hoạt động đánh bắt thuỷ sản, nhiều ngư dân bị thu lưới, thu tàu.
Nhưng các nghiệp đoàn sẽ giúp đỡ ngư dân của mình giải quyết những vấn đề này, san sẻ phần nào rủi ro với ngư dân, đó cũng là mục tiêu lớn cho sự ra đời của nghiệp đoàn nghề cá.
Tin, ảnh: Phan Minh
.
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu. Ban biên tập có thể sẽ biên tập nội dung phản hồi của quý vị cho phù hợp với tiêu chí chung của website.)