.
.

Các DN Nhật Bản mở rộng kinh doanh tại Việt Nam

Thứ Năm, 26/09/2013|10:22

Kết quả khảo sát của Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho biết, khoảng 66% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới.


Cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, TPHCM là điểm đến hấp dẫn với các doanh nghiệp Nhật Bản
Cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, TPHCM là điểm đến hấp dẫn với các doanh nghiệp Nhật Bản

 

Cũng theo khảo sát này, có hơn 60% số doanh nghiệp Nhật Bản được hỏi cho biết làm ăn có lãi.

Điều này chứng tỏ Việt Nam đang là “điểm đến” thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản - đó là đánh giá của ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM tại Hội thảo “Xúc tiến vốn đầu tư từ Nhật Bản cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam” được tổ chức ngày 19/9 tại TPHCM.

Trong 10 năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam-Nhật Bản đã tăng gấp 4 lần giai đoạn trước, cán cân thương mại hai nước khá cân bằng. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu bổ trợ cho nhau phát triển chứ không cạnh tranh mạnh như các thị trường khác. Thương mại hai nước nhiều năm qua cũng không áp dụng biện pháp chống bán phá giá, trợ cấp với hàng hóa của nhau.

Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (JVEPA) được thực hiện đã đẩy mạnh quan hệ thương mại giữa hai nước. Trong năm 2012, Việt Nam xuất khẩu 13 tỷ USD sang Nhật Bản và nhập khẩu từ Nhật Bản 12 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam qua Nhật là dầu thô, dệt may, phương tiện vận tải và phụ tùng, hàng thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, da giày, nông sản. Còn Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng của Nhật Bản để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh như máy móc, thiết bị, phụ tùng, máy vi tính, linh kiện và các sản phẩm điện tử, linh kiện phụ tùng ô tô…

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), tính đến tháng 6/2013, Nhật Bản có 1.990 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 33 tỷ USD, đứng đầu các nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Chỉ riêng trong 2 quý đầu năm 2013, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam gần 4 tỷ USD và xu hướng này vẫn đang tiếp tục đầu tư, mở rộng.

Tính đến nay, Việt Nam đứng thứ hai về số lượng tập trung các công ty sản xuất của Nhật Bản ở khu vực ASIAN, sau Thái Lan.

Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc Điều hành JETRO tại TPHCM, cho rằng, để thu hút thêm các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư giữ vai trò quan trọng.

Việt Nam cần xây dựng cơ chế cho vay vốn lãi suất thấp, có các biện pháp khuyến khích đầu tư như ưu đãi thuế, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Đồng thời, khắc phục tình trạng tỷ lệ sử dụng sản phẩm nội địa thấp bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam để tăng cường sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.

Ông Yasuzumi Hirotaka cũng cho biết, với việc hệ thống hạ tầng, đường xá, cầu cống đang được hoàn thiện thì thời gian tới, TPHCM và các tỉnh, thành lận cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu là những địa điểm mà các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm.

Bên cạnh đó, sau khi khai thông xa lộ Đông Tây, hoàn thành các cầu,… thì khoảng cách tới TPHCM cũng được thu hẹp, các tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre cũng nằm trong mối quan tâm cao của doanh nghiệp Nhật Bản.

Theo Chinhphu.vn

 

.
.
.
.