.
.

Hàng Việt đến với người Việt: Doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo

Thứ Ba, 17/01/2012|23:30

Từ sau khi Bộ Chính trị phát động cuộc vận động, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có hàng trăm hội thảo về chủ đề này được tổ chức, và hàng ngàn ý kiến của các chuyên gia được đưa ra. Nhiều dẫn chứng đã cho thấy, cuộc vận động đã thực sự mang lại những tín hiệu tích cực.

Tín hiệu tích cực


Nhiều chuyên gia cho rằng, sau gần 3 năm triển khai cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động (tháng 7/2009-12/2011), hàng Việt Nam đã bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường trong nước.


Tại các hệ thống siêu thị, hàng Việt Nam đã chiếm đến 90-95% trên tổng hàng hoá. Đại diện các siêu thị Fivimart; BigC, Coop Mart,… cũng cho biết, hàng Việt Nam đã được “ưu tiên” bày bán tại các vị trí “đẹp” trong siêu thị, để vừa với tầm mắt và tầm tay của người tiêu dùng, giúp họ dễ nhìn và dễ thấy hơn, không như trước đây, những vị trí này chỉ dành cho những mặt hàng nhập khẩu.


Người tiêu dùng Việt Nam cũng đã dành sự quan tâm đến hàng hóa Việt Nam nhiều hơn. Tại hội nghị tổng kết 1 năm cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, trước đây chỉ có 28% người tiêu dùng Việt Nam quan tâm đến hàng Việt thì năm 2010 tỷ lệ đó đã lên trên 50%. Năm 2011, theo tính toán của các cơ quan chức năng, con số này đã lên tới trên 70%.


Tại hội nghị sơ kết cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của khối DN trung ương diễn ra vào cuối tháng 12/2011 cũng cho thấy. Sau 2 năm triển khai cuộc vận động, khối DN trung ương đã có trên 3.000 công trình, sản phẩm mới được sản xuất bằng nguyên liệu, sức lao động và máy móc thiết bị của người Việt Nam tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng so với thuê chuyên gia, máy móc thiết bị nước ngoài. Nhiều tập đoàn DN trung ương cũng cho biết, nhờ hưởng ứng tốt cuộc vận động mà hàng năm tiết kiệm được hàng tỷ USD do không phải nhập khẩu máy móc thiết bị từ bên ngoài. Điển hình là Tập đoàn Dầu khí, năm 2009 đã thu thêm được 2,67 tỷ USD và năm 2010 là 6,2 tỷ USD.


Tập đoàn Dệt May Việt Nam cũng cho biết, hưởng ứng cuộc vận động đưa hàng Việt về nông thôn của Bộ Công Thương và Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam của Bộ Chính trị, tập đoàn đã triển khai nhiều chuyến đưa hàng về nông thôn. Theo đó, trong hơn 2 năm triển khai đã tổ chức hơn 60 đợt bán hàng tới các khu công nghiệp và địa bàn vùng sâu, vùng xa. Hệ thống phân phối được mở rộng về hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước với hơn 3.100 đại lý, 58 siêu thị thời trang và hàng trăm cửa hàng giới thiệu sản phẩm.


Theo đó, kim ngạch hàng dệt may nội địa tăng đáng kể so với từng năm. Năm 2010 tăng so 2009 khoảng 22-23%. Năm 2011, mặc dù chịu tác động của lạm phát, bất ổn kinh tế vĩ mô nhưng kim ngạch hàng dệt may nội địa vẫn tăng từ 12-15% so với năm 2010. Bà Nguyễn Thị Hồng Tín - Trưởng ban Thị trường trong nước - Tập đoàn Dệt May Việt Nam chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế Việt Nam.


Ông Lê Bá Trình - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam - Trưởng ban thường trực cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam của trung ương thừa nhận, cái được lớn nhất sau gần 3 năm triển khai cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đó là: Đã thay đổi được nhận thức, và hành vi của người tiêu dùng và người sản xuất. Bà con nhân dân, cán bộ đảng viên đã nhận thức được lợi ích của việc sử dụng hàng Việt Nam. Đó vừa là thể hiện lòng yêu nước, vừa tạo điều kiện để chúng ta mở rộng sản xuất kinh doanh, trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Các DN thì có ý thức nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình sao cho đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng trong nước.


Tuy nhiên, ông Trình cũng khẳng định, những kết quả đạt được sau gần 3 năm triển khai cuộc vận động chưa phải đã làm ông hài lòng. Ông thừa nhận, vẫn còn nhiều cán bộ, đảng viên còn tồn tại tư tưởng “sính ngoại”. Tương tự, bà Tín thì cho rằng, người tiêu dùng nông thôn vẫn chưa có thói quen sử dụng hàng Việt Nam,…


Để hàng Việt đến được tay người Việt…


Đây là nỗi trăn trở của rất nhiều người. Bà Tín cho biết, mỗi lần đi về các vùng nông thôn, thấy hàng dệt may Trung Quốc với mẫu mã đa dạng, màu sắc phù hợp, và giá rất rẻ bày bán tràn lan, và được người dân ưa chuộng là bà lại cảm thấy chạnh lòng. Tuy nhiên, cũng không thể trách người tiêu dùng được, vì yêu nước, yêu hàng Việt Nam nhưng nếu hàng Việt Nam không đáp ứng đủ các tiêu chí về mẫu mã, chất lượng sản phẩm, màu sắc thì họ cũng không thể sử dụng sản phẩm được.


Theo bà Tín, để hàng Việt đến được tay người Việt thì các DN dệt may trong nước cần phải thật quan tâm, tìm hiểu sâu đến từng phân khúc thị trường và đưa ra những dòng sản phẩm cạnh tranh. Nghĩa là, để hàng Việt đến với người Việt cần sự tác động từ 2 phía. Người dân yêu nước tìm đến hàng Việt, còn DN Việt cũng phải đưa ra được những sản phẩm phù hợp với nhu cầu, đáp ứng được thị hiếu và túi tiền của người tiêu dùng. Vì nếu sản phẩm của các DN Việt Nam tốt, giá cả cạnh tranh thì ít ai lại đi tìm đến những sản phẩm nước ngoài. Ngoài ra, theo bà Tín, ngoài DN và người tiêu dùng, thì cũng cần có sự phối hợp của các cơ quan ban ngành, trong đó quan trọng là ngành hải quan, có như vậy mới hạn chế được hàng ngoại tràn vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch.


Thời gian tới, để hướng tới thị trường nông thôn, Tập đoàn Dệt May Việt Nam sẽ tập trung phát triển vùng trồng cây nguyên liệu và kêu gọi hợp tác đầu tư để sản xuất ra nguyên phụ liệu, hướng đến những sản phẩm dệt may có khả năng cạnh tranh cao về mẫu mã, sắc màu và giá cả đối với hàng nhập ngoại. Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người nông thôn.


Ông Lê Bá Trình thì cho rằng, để hàng Việt đến tay người Việt chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự thống nhất trong nhận thức, đồng bộ trong hành vi ở các tầng lớp nhân dân. Song, để hàng Việt đến được tay người Việt, yếu tố quan trọng nhất vẫn là DN. Vì DN chính là chủ thể tạo ra nhu cầu thiết yếu cho người tiêu dùng, và chỉ DN mới có khả năng, làm cho người tiêu dùng tin và yêu sản phẩm của mình.

 

Theo Nguyễn Hoà: VEN

.
.
.
.