.
.

"Doanh nghiệp phải tạo được lòng tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam"

Thứ Năm, 02/02/2012|23:15

 

“Sau hơn 2 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thành công lớn nhất chúng ta đạt được là thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng và người sản xuất. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nhận thức được một cách cơ bản về lợi ích của việc dùng hàng nội địa”.

Đó là những chia sẻ của ông Lê Bá Trình - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Phóng viên (PV): Thưa ông, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đánh giá thế nào về kết quả triển khai Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong hơn 2 năm qua?

Ông Lê Bá Trình: Có thể nói rằng, sau hơn 2 năm triển khai, thành công lớn nhất chúng ta đạt được là thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng và người sản xuất. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nhận thức được một cách cơ bản về lợi ích của việc dùng hàng nội địa, vừa thể hiện lòng yêu nước, vừa tạo điều kiện phát triển sản xuất trong điều kiện nước ta còn khó khăn về kinh tế.

Các cấp ủy đảng đã xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cả trong thời kỳ trước mắt và lâu dài.

Đối với các doanh nghiệp (DN), họ đã có ý thức nâng cao năng lực sản xuất để tạo ra sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường với giá cạnh tranh.

Công tác quản lý nhà nước có nhiều thay đổi theo hướng ngày càng hoàn thiện dần cơ sở pháp lý, chính sách, cơ chế tạo điều kiện cho các DN nâng cao năng lực sản xuất và phát triển thị trường, tăng cường việc chống hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận thương mại mà trước đây có xu hướng tràn ngập.

PV: Theo ông, chúng ta đã thu được những kinh nghiệm gì qua triển khai Cuộc vận động?

Ông Lê Bá Trình: Qua triển khai Cuộc vận động, bước đầu chúng ta đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ và qua đó, cũng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích.

Thứ nhất, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, trong đó, lực lượng nòng cốt là đội ngũ các cơ quan thông tấn báo chí kết hợp với sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng (mà cụ thể là ngành Tuyên giáo, cơ quan thông tin truyền thông, các tổ chức đoàn thể xã hội) cùng nhau tạo thành lực lượng chủ đạo chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về Cuộc vận động tới toàn thể tầng lớp nhân dân và DN.

Thứ hai, cần nâng cao trách nhiệm của DN và năng lực quản lý của các cấp chính quyền.

PV: Thực tế cho thấy, từ nhận thức đến hành động là một quãng đường rất dài. Vậy, theo ông, phải làm thế nào để việc thay đổi nhận thức đến hành vi chỉ còn là một “quãng đường ngắn”, để Cuộc vận động thực sự có hiệu quả thiết thực?

Ông Lê Bá Trình: Tôi cho rằng, để làm được như vậy, “quãng đường ngắn nhất” chính là DN phải tạo lòng tin của người tiêu dùng. Bây giờ, người tiêu dùng đã nhận thức được, nhưng nếu sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa không đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cả về giá cả, chất lượng và cả dịch vụ sau bán hàng thì người tiêu dùng dần dần phai nhạt niềm tin.

Thời gian tới, để tiếp tục triển khai hiệu quả Cuộc vận động, vấn đề cần làm là:

Một là, tăng cường và đẩy mạnh công tác truyền thông, qua đó, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong nhận thức và hành vi của người tiêu dùng Việt Nam. Thực tế, thời gian qua, tuy có thay đổi nhưng chưa phải tuyệt đối. 

Hai là, khẳng định vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng. Nếu cấp ủy đảng không thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của mình thì việc triển khai Cuộc vận động sẽ gặp nhiều khó khăn, vì đây chính là nhân tố tác động lớn, quyết định tới thành công của Cuộc vận động.

Ba là, tăng cường quản lý của cơ quan nhà nước, hoàn thiện cơ chế, chính sách ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, hàng nhái...; đưa các giải pháp hợp lý trong quản lý thị trường, điều tiết, chính sách hỗ trợ, quy định về vốn không trái quy định của WTO; các nhà chính sách, quản lý phải điều hành để tạo điều kiện cho DN nâng cao năng lực sản xuất trong điều kiện Việt Nam đang thực hiện các quy định của WTO.

Bốn là, các DN – chủ thể sản xuất các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng – phải nâng cao năng lực cạnh tranh, củng cố thương hiệu của mình, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng trong nước.

Cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, tâm lý sính ngoại vẫn còn khá phổ biến. Để khắc phục tâm lý trên rất cần tới sự nêu gương của người cán bộ, đảng viên, người đứng đầu... Đây là một trong những giải pháp quan trọng để chúng ta góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động này.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo ĐCSVN

 

.
.
.
.