.
.

Chỉ đạo, điều hành nổi bật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tuần từ ngày 2-6/1/2012

Thứ Bảy, 07/01/2012|18:35

 

Năm 2012, tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; triển khai ngay biện pháp khắc phục nguy cơ xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông; kiểm tra, theo dõi chất lượng xăng, dầu;... là những chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ ngày 2-6/1/2012.

Ảnh minh họa
Năm 2012, tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng

Theo Nghị quyết 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện 7 nhóm giải pháp chủ yếu.

Một trong các nhóm giải pháp là tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể là phải thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, tổ chức tốt thị trường trong nước; khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu.

Trong đó, điều hành chủ động và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, nhất là chính sách lãi suất, cho vay tái cấp vốn và nghiệp vụ thị trường mở, kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2012 khoảng 15% - 17%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14% - 16%, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý với diễn biến kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, phải thực hiện các biện pháp thích hợp để tiết kiệm chi, tăng thu ngân sách Nhà nước, phấn đấu giảm bội chi ngân sách Nhà nước xuống dưới 4,8% GDP.

Tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh. Cụ thể là, tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng, trọng tâm là các ngân hàng thương mại; tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước.

70% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực hành đúng về an toàn thực phẩm

Theo Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2015, 70% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 80% người quản lý (bao gồm lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan; lãnh đạo UBND các cấp; lãnh đạo các Sở chuyên ngành: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm), 70% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, giảm 25% số vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính từ 30 người mắc trở lên được ghi nhận so với trung bình giai đoạn 2006 - 2010. Tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận dưới 8 người/100.000 dân, tỷ lệ này đến 2020 là 7 người/100.000 dân.

Triển khai ngay biện pháp khắc phục nguy cơ xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia có Công điện yêu cầu Ban An toàn giao thông các địa phương khẩn trương triển khai kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ nhân dân đón Xuân Nhâm Thìn: Xác định các hoạt động chính nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại an toàn và thuận lợi của nhân dân, vận tải cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân đón Tết; thực hiện ngay biện pháp cụ thể nhằm khắc phục nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông hoặc gây ra ùn tắc giao thông tại các địa bàn trọng yếu.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giải tỏa lòng đường, vỉa hè trong đô thị, giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.

Kiểm tra, theo dõi chất lượng xăng, dầu

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có công văn yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, theo dõi chất lượng xăng, dầu trong thời gian qua.

Theo thống kê của Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP Hà Nội từ ngày 1/12/2010 đến 18/12/2011 toàn thành phố Hà Nội đã xảy ra 42 vụ cháy ôtô, xe máy gây thiệt hại về người và nhiều tài sản. Số ô tô, xe máy cháy, nổ có đủ loại của các hãng Hyundai, Daewoo, BMW, Mercedes, Ford, Mazda, Mitsubishi, Kia, Toyota; các hãng SYM, Honda (Air Blade, SH, Dylan, Wave)...

Bên cạnh đó, qua báo chí phản ánh, trong năm 2011 trên phạm vi cả nước đã ghi nhận 89 trường hợp tương tự, trong đó có 50 vụ là ô tô, 39 vụ xe máy, làm 2 người chết, 2 người bị thương.

Quyết liệt khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ Y tế phải có chương trình làm việc cụ thể với tỉnh ủy, thành ủy và UBND 10 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất (từ 115 trở lên/100) để khắc phục cho được vấn đề này. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần có giải pháp mạnh để tỷ số giới tính khi sinh không tăng vượt mức 105/100.

Theo thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, 10 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất gồm: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc.

Bên cạnh đó, đối với các tỉnh có tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ) trên 2,1 con, cần có giải pháp quyết liệt để sớm đạt mức sinh thay thế.

Đối với các tỉnh có tổng tỷ suất sinh khoảng 2 con (mức sinh thay thế), cần có giải pháp quyết liệt để duy trì. Đối với các tỉnh có tổng tỷ suất sinh dưới 2 con (dưới mức sinh thay thế), theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cần có giải pháp quyết liệt để có mức sinh thấp hợp lý (tổng tỷ suất sinh khoảng 1,8 - 1,9 con) và không để mức sinh giảm xuống mức quá thấp.

Cung cấp gần 1,7 triệu liều vắc xin lở mồm long móng

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sử dụng 1.650.000 liều vắc xin lở mồm long móng (LMLM) typ O thuộc hàng dự trữ quốc gia để tiêm phòng trong chương trình quốc gia khống chế và thanh toán dịch LMLM giai đoạn 2011 - 2015.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn trả dự trữ quốc gia số vắc xin nêu trên trong tháng 1/2012.

Chủ động phát hiện, ngăn chặn vi phạm, tham nhũng trong hoạt động tín dụng, ngân hàng

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng cần tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm soát, giám sát các hoạt động tín dụng, ngân hàng, đặc biệt là việc chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý tín dụng, ngân hàng để chủ động phát hiện và ngăn chặn vi phạm, tham nhũng.

Bộ Công an cần chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng quy chế phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm trong ngành Ngân hàng, tuyên truyền, cảnh báo thủ đoạn của tội phạm đặc biệt đối với loại tội phạm công nghệ cao, loại tội phạm rửa tiền có thủ đoạn tinh vi. Các cơ quan Kiểm toán, Kiểm tra, Thanh tra... phải phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng bảo đảm an ninh tiền tệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...

Hoàng Diên

Cổng thông tin điện tử CHính Phủ

 

.
.
.
.