Những tin tức nổi bật trong ngày
Trong ngày 28/02/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến hoạt động của Khối Doanh nghiệp Trung ương như sau:
I- MỘT SỐ SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC
1. Báo điện tử Chính phủ đưa tin, ngày 28/2/2012, Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” tiếp tục làm việc.
Buổi sáng, các đại biểu làm việc tại tổ tiếp tục thảo luận, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết, góp ý kiến vào dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết. Đã có hơn 650 lượt ý kiến của các đại biểu phát biểu tại 40 tổ thảo luận. Qua thảo luận, các đại biểu thống nhất đánh giá, việc ban hành Nghị quyết Trung ương 4 cho thấy, Đảng dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn để Đảng xứng đáng với truyền thống vẻ vang, là lực lượng tiên phong của dân tộc, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Tập trung phân tích những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhất là nguyên nhân chủ quan, các đại biểu nhất trí cao các nhóm giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 nêu ra, cho rằng cần chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có phương pháp và lộ trình thích hợp. Trong thảo luận, các đại biểu đã liên hệ, đối chiếu, tự kiểm điểm nghiêm túc, thẳng thắn những vấn đề thực tiễn công tác xây dựng Đảng ở ngành, địa phương, đơn vị mình.
Thảo luận Chỉ thị của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), các đại biểu cho rằng, để Nghị quyết Trung ương 4 thực sự đi vào cuộc sống, phải coi trọng công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Lãnh đạo chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu, phải thực sự gương mẫu, chỉ đạo quyết liệt nhưng bình tĩnh, giữ đúng nguyên tắc, không để các thế lực thù địch, phần tử cơ hội lợi dụng, kích động, xuyên tạc. Thực hiện tốt các nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng; về cơ chế, chính sách và công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, đề cao tự phê bình, phê bình.
Về Tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết, sau Hội nghị cán bộ toàn quốc, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, bí thư đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các ban đảng Trung ương trực tiếp chỉ đạo, triển khai phổ biến, quán triệt Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch và tổ chức thực hiện tại địa phương, cơ quan, đơn vị; gợi ý nội dung kiểm điểm, liên hệ thực tế, xây dựng chương trình, kế hoạch sửa chữa, khắc phục những yếu kém, khuyết điểm.
Ngày 29/2/2012, Hội nghị làm việc và bế mạc.
2. Tiếp tục đưa tin về chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc của Đoàn cấp cao Bộ Ngoại giao nước ta, Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, trong hai ngày 27 và 28/2, tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn đã hội đàm với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân. Trong không khí hữu nghị và hợp tác, hai bên nhất trí quán triệt thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như các thỏa thuận liên quan, duy trì các chuyến thăm cấp cao, đi sâu hợp tác trên các lĩnh vực, xử lý thỏa đáng những vấn đề tồn tại, đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác của khu vực và thế giới.
Về quan hệ chính trị, hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thật tốt cho các chuyến thăm và gặp gỡ lẫn nhau giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, đặc biệt là chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự kiến trong Quý II năm 2012. Hai bên thống nhất tổ chức Phiên họp lần thứ 6 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc trong tháng 7 hoặc tháng 8 năm nay.
Về kinh tế, thương mại, hai bên nhất trí tăng cường phối hợp để sớm thông qua Danh mục các dự án hợp tác trọng điểm nhằm triển khai có hiệu quả Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc đã được ký kết hồi tháng 10/2011. Hai bên nhất trí nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 60 tỷ USD vào năm 2015, đi đôi với việc từng bước cân bằng cán cân thương mại song phương.
Về biên giới trên đất liền, hai bên nhất trí nghiêm túc thực hiện các văn kiện đã ký kết để cùng quản lý có hiệu quả đường biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, góp phần duy trì trật tự trị an trên vùng biên giới.
Hai bên nhất trí cùng nhau thúc đẩy để sớm ký kết Hiệp định tàu thuyền tự do đi lại tại khu vực cửa sông Bắc Luân và Hiệp định hợp tác và khai thác tài nguyên du lịch khu vực Thác Bản Giốc.
Chiều 27/2, ông Dương Khiết Trì, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tiếp thân mật ông Hồ Xuân Sơn và các thành viên trong Đoàn Việt Nam.
3. Theo phản ánh của TTXVN, ngày 28/2, tại buổi giao ban một số nét chủ yếu về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 2 năm 2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, tình hình kinh tế 2 tháng đầu năm 2012 có những chuyển biến tích cực. Các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều có bước phát triển. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tốt, bảo đảm cân đối các nhu cầu chi một cách chủ động. Tuy nhiên, lãi suất cho vay còn ở mức cao gây khó khăn cho sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người dân. Theo đó, chỉ số công nghiệp (IIP) tăng 10% so với tháng 1/2012 và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2011. Tính chung 2 tháng đầu năm 2012 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,9% so với cùng kỳ; trong đó, IPP của ngành công nghiệp khai thác mỏ tăng 11,7% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến tăng 5%; công nghiệp sản xuất, phân phối điện, gas và nước tăng 2,4%. Về sản xuất nông nghiệp, tính đến trung tuần tháng 2, cả nước đã gieo cấy được 2.401,8 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 93,1% cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 2 năm 2012 ước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 15,6% so với tháng trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 15,3 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu tháng 2/2012 ước đạt 9 tỷ USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 15,9 tỷ, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Ước nhập siêu 2 tháng đầu năm 2012 là 628 triệu USD, tương đương 4,1% kim ngạch xuất khẩu.
4. Báo Người đại biểu nhân dân cho biết, ngày 28-29/2, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, Viện KAS tổ chức Hội thảo Tổ chức quyền lực Nhà nước: kinh nghiệm từ Hiến pháp một số nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với tình hình mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Một trong những nội dung trọng tâm cần tập trung nghiên cứu, sửa đổi trong Hiến pháp năm 1992 đã được QH xác định là tổ chức bộ máy nhà nước. Trong đó, nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 lần này là cần làm rõ việc tổ chức bộ máy nhà nước phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, bảo đảm nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Các đại biểu dự hội thảo đã nghe các chuyên gia nghiên cứu lập pháp quốc tế giới thiệu về những đặc trưng của cơ chế kiểm soát và phân chia quyền lực ở châu Âu và CHLB Đức; phân tích, so sánh của cơ chế kiểm soát và phân chia quyền lực ở các nước châu Á; tìm hiểu về vấn đề kiểm soát quyền lực trong mô hình hỗn hợp – kinh nghiệm của Hàn Quốc, vấn đề kiểm soát quyền lực trong mô hình Tổng thống – kinh nghiệm của Philippines; vai trò của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước; kinh nghiệm thực hiện Hiến pháp của Campuchia qua 18 năm.
II- NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA KHỐI DNTW
1. Thời báo Kinh tế Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đặt mục tiêu đưa vốn điều lệ từ mức 20.230 tỷ đồng lên 30.845 nghìn tỷ đồng trong năm nay. Tính đến thời điểm hiện tại, Nhà nước đang nắm giữ 80% vốn điều lệ tại VietinBank, cổ đông trong và ngoài nước nắm giữ 10% và Công ty Tài chính quốc tế IFC và Quỹ IFC nắm giữ 10%. Cũng trong năm nay, ngân hàng có kế hoạch chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với tỷ lệ 15%, tương đương 4.627 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ lên 30.845 tỷ đồng. Lúc đó, Nhà nước chỉ nắm giữ 68% và VietinBank sẽ có hai cổ đông là nhà đầu tư tài chính nước ngoài. Trên thực tế, tổng tài sản của VietinBank đến hết năm 2011 đạt 460 nghìn tỷ đồng, kế hoạch đến hết năm 2012 là 550 nghìn tỷ đồng, tương đương 27 tỷ USD và mục tiêu đến cuối 2015 sẽ đạt 50 tỷ USD.
Để đạt được những kết quả đó, bài báo dẫn lời lãnh đạo VietinBank cho biết, trong năm 2012, VietinBank sẽ áp dụng cơ chế lương, thưởng phù hợp. Bên cạnh đó, siết lại toàn bộ quy chế quản lý nghiệp vụ, quản trị rủi ro, cấu trúc lại nguồn nhân lực và củng cố bộ máy hoạt động. Xác định rõ, quản trị tập trung, kiểm soát tập trung là yếu tố then chốt ngăn chặn sai trái, tiêu cực phát sinh ở các chi nhánh. Do thực tế thị trường được dự báo tiếp tục khó khăn, nên ngay từ đầu năm 2012, ngân hàng này đã có những điều chỉnh về chiến lược kinh doanh, trong đó là những định hướng mới đối với hoạt động đầu tư. Hiện tại, lượng vốn của VietinBank vẫn trong nhóm dư dật hàng đầu của hệ thống, cùng với xu hướng lãi suất sẽ được điều hành theo hướng giảm dần và việc khống chế tăng trưởng tín dụng thì đầu tư vào trái phiếu Chính phủ là giải pháp được coi là an toàn và hiệu quả. Ngoài ra, hiện tại Chính phủ đang triển khai dự án Lọc dầu Nghi Sơn có tổng mức đầu tư 6 tỷ USD, Nhật Bản đầu tư 5 tỷ USD, đối ứng trong nước 1 tỷ USD. VietinBank sẽ cân đối nguồn vốn khoảng 500 - 600 triệu USD để đầu tư vào dự án này.
2. Báo điện tử Vietnamplus phản ánh, ngày 27/2, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02 hướng dẫn giao dịch hối đoái giữa Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, tất cả các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nếu đáp ứng đủ 3 điều kiện sau đều được đăng ký thiết lập quan hệ giao dịch hối đoái (mua bán ngoại tệ) với Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, là tổ được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng; được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động, kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường Việt Nam; có hệ thống máy móc, thiết bị và phương tiện giao dịch hối đoái như hệ thống Reuters hoặc các phương tiện khác được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trong từng thời kỳ. Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được Ngân hàng Nhà nước công nhận là thành viên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành tiếp tục thực hiện giao dịch hối đoái với Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên phải cập nhật hồ sơ theo các quy định tại Điều 6 Thông tư này trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Thông tư có hiệu lực.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
3. Theo thông tin trên Báo Đầu tư, trong năm 2012, PVI Holdings (PVI-HNX) sẽ tiếp tục bán thêm cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài và thông qua mạng lưới của đối tác ngoại để tiến ra thị trường quốc tế. Hiện tại, mức giá cụ thể và số lượng cổ phần sẽ phát hành thêm cho đối tác nước ngoài chưa được PVI thông tin chính thức, nhưng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PVI Holdings, hai đối tác chiến lược hiện tại là Tập đoàn Talanx (Đức) và Quỹ Đầu tư Oman sẽ là những ưu tiên số một để tới đây, PVI bán cổ phần.
Tập đoàn Talanx là đối tác chiến lược nước ngoài vừa mua cổ phần của PVI ngay sau khi công ty này thực hiện tái cơ cấu chuyển đổi mô hình từ Công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí sang mô hình công ty mẹ - con (PVI Holdings). Đại diện ban lãnh đạo HDI - Gerling thuộc Talanx Group cho biết, Talanx sẽ chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm về bảo hiểm và hỗ trợ PVI mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Cùng với việc bán thêm cổ phần cho các đối tác chiến lược nước ngoài, trong thời gian tới PVI sẽ triển khai mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế. Trong đó, mục tiêu hướng đến của PVI là các thị trường mà hiện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đang hoạt động đầu tư. Theo đại diện của PVI, mặc dù có chiến lược vươn ra thị trường quốc tế, nhưng PVI sẽ chưa có ý định thành lập các công ty, chi nhánh của PVI ở nước ngoài, mà khai thác mạng lưới hiện có của cổ đông chiến lược nước ngoài.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thị phần bảo hiểm phi nhân thọ trong nước của PVI đã đạt 23%, trong khi quy mô toàn thị trường Việt Nam hiện chỉ khoảng 1 tỷ USD, nên dư địa tăng trưởng tại thị trường trong nước sẽ không còn nhiều, bởi vậy, nếu vẫn muốn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tăng cường khai thác thị trường bảo hiểm nước ngoài là xu hướng PVI phải lựa chọn.
4. Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, một phái đoàn kinh tế của Bỉ gồm 300 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực như quản lý nước và chất thải, giao thông vận tải, cảng, hậu cần và y tế sẽ đến Việt Nam từ ngày 11 đến ngày 16/3 tới. Dự kiến có khoảng 40 hợp đồng được ký kết và Bỉ sẽ thành lập một quỹ tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp mới thành lập tại Việt Nam. Chuyến thăm do Thái tử Vương quốc Bỉ Philippe, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Didier Reynders và 3 vị bộ trưởng khu vực dẫn đầu sẽ thăm Hà Nội và TPHCM với nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, xã hội và hợp tác công nghệ giữa hai nước.
Theo Đại sứ quán Vương quốc Bỉ, đây là dịp để các công ty Bỉ tìm kiếm những cơ hội kinh doanh mà thị trường Việt Nam có thể cung cấp, và cũng là dịp để các công ty Việt Nam có cơ hội gặp gỡ những đối tác kinh doanh tiềm năng và đáng tin cậy phía Bỉ. Trong khuôn khổ chuyến thăm, phái đoàn doanh nghiệp Bỉ sẽ tổ chức bốn buổi hội thảo về các lĩnh vực phát triển giao thông vận tải, hậu cần, cầu cảng; xử lý nước và nước thải, công nghệ nông nghiệp thực phẩm và nuôi trồng thuỷ sản, dịch vụ y tế chất lượng tốt với chi phí hợp lý...
Tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ các công ty Bỉ vào Việt Nam hiện nay khoảng 108 triệu triệu đô la Mỹ, chủ yếu trong các lĩnh vực như nạo vét, y tế, quản lý cầu cảng, công nghệ sinh học, công nghệ vệ tinh, xử lý nước thải. Con số FDI trên chưa tính đến số vốn đầu tư của các chi nhánh tại HongKong, Singapore của các công ty Bỉ. Hiện nay, Bỉ đóng góp khoảng 25 triệu đô la Mỹ vốn ODA mỗi năm cho Việt Nam, chủ yếu trong các lĩnh vực như quản lý nguồn nước, giáo dục, học bổng hỗ trợ phát triển năng lực và cam kết sẽ tiếp tục tăng nguồn vốn này trong các năm sắp tới.
5. Báo Nhân dân đưa tin, tại hội nghị chiều 28-2, các đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) đã cam kết tiết giảm chi phí quản lý, giảm giá thành sản phẩm với tổng giá trị là 3.715 tỷ đồng, tăng 11% so với cam kết thực hiện của Tập đoàn trong năm 2011 (3361 tỷ đồng) trong năm 2012.
Trong đó, cam kết tiết giảm chi phí quản lý 563 tỷ đồng, bằng các giải pháp chủ yếu: Đẩy mạnh cải cách hành chính, quản lý chặt chẽ các chi phí quản lý từ Công ty Mẹ - Tập đoàn tới các đơn vị thành viên, thắt chặt định mức chi tiêu, sử dụng ô tô, điện thoại, trang bị tài sản…; lồng ghép các nội dung để rút ngắn thời gian họp, hội nghị nhằm tiết kiệm chi phí; chỉ tổ chức Hội thảo, Hội nghị ở trụ sở chính của đơn vị hoặc sử dụng cơ sở của các đơn vị trong Tập đoàn; tăng cường xử lý công việc bằng trực tuyến và đường công vụ; cử cán bộ đi công tác đúng đối tượng, đúng số lượng. Tiết giảm chi phí từ cải tiến, hợp lý hoá sản xuất và tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng là 2.656 tỷ đồng. Đây cũng là nội dung quan trọng nhất mà PVN tập trung thực hiện trong năm 2012 và các năm tiếp theo, với nhiều giải pháp khác nhau.
PVN cũng đặt mục tiêu tiết giảm chi phí trong đầu tư xây dựng cơ bản 496 tỷ đồng, bằng giải pháp chủ yếu là thực hiện giao thầu với mức tiết giảm 3-5% so với kế hoạch, giá dự toán được duyệt; đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng cơ bản bằng hình thức cam kết trách nhiệm của người đứng đầu.
Thanh Tùng (tổng hợp)