Những tin tức nổi bật trong ngày
Trong ngày 29/02/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến hoạt động của Khối Doanh nghiệp Trung ương như sau:
I- MỘT SỐ SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC
1. Tin nổi bật được các báo đồng loạt đăng tải, sau 2,5 ngày làm việc, sáng 29/2, Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã bế mạc. Kết thúc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu chỉ đạo, giải đáp một số vấn đề cần quan tâm trong quá trình quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị và Kế hoạch của Bộ Chính trị.
Qua hơn 680 lượt ý kiến phát biểu tại 40 tổ thảo luận, các đại biểu thống nhất cao về sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Nghị quyết đã chọn đúng và trúng các vấn đề cấp bách, quan trọng, đánh giá đúng thực trạng, đề ra các giải pháp có tính khả thi để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nhiều ý kiến tập trung bàn về công tác chỉ đạo triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết, bảo đảm đưa Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống. Hội nghị đã tập trung làm rõ các quan điểm chỉ đạo, các nội dung trọng tâm, các giải pháp đồng bộ, đặc biệt là niềm tin và quyết tâm thực hiện Nghị quyết.
Tổng Bí thư phân tích, nhấn mạnh một số vấn đề cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc để triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Công tác tuyên truyền, quán triệt tinh thần, nội dung của Nghị quyết cần được tiến hành nghiêm túc, quyết liệt; mặt khác, phải hết sức bình tĩnh, khách quan, không nóng vội, làm từng bước vững chắc. Căn cứ ý kiến thảo luận, đóng góp của các đồng chí đại biểu dự Hội nghị, Bộ Chính trị sẽ xem xét, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, xác định phương pháp và tiến độ triển khai phù hợp. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là khâu mở đầu, mấu chốt, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Do vậy, trong triển khai, cần chuẩn bị thật tốt, hướng dẫn cụ thể về mục tiêu, quy trình, nội dung, bước đi; trong đó, tập trung giải quyết cơ bản ba nội dung trọng tâm nêu trong Nghị quyết. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi các cấp bộ Đảng, toàn thể cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị của Bộ Chính trị, tạo chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc trong công tác xây dựng Đảng.
2. Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin, ngày 29/2, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước sự việc ngày 22/2, 11 ngư dân trên tàu cá QNg 90281TS của tỉnh Quảng Ngãi đã bị phía Trung Quốc dùng vũ lực uy hiếp, ngăn cản không cho vào quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để tránh gió, đánh đập, lục soát lấy tài sản, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc ngư dân Việt Nam hoạt động nghề cá tại các vùng biển thuộc hai quần đảo này là việc làm bình thường từ bao đời nay và phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Hành động trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần đối xử nhân đạo đối với ngư dân, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho ngư dân Việt Nam, không phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước và nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, trái với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối hành động nêu trên của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc không để tái diễn những hành động sai trái tương tự và bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam”.
3. Các báo phản ánh, chiều 29/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Italy Giulio Terzidi Sant’ Agata. Hoan nghênh ngài Bộ trưởng sang thăm làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn hai bên nỗ lực tìm kiếm những giải pháp đưa quan hai nước đi vào chiều sâu, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư…, đề nghị Italy dành ODA cho Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Italy đầu tư thành công tại Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Italy Giulio Terzidi Sant’ Agata khẳng định mong muốn của Italy là tăng cường hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế. Bộ trưởng nhấn mạnh, Italy coi Việt Nam là một đối tác quan trọng ở khu vực châu Á, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong hợp tác phát triển với Việt Nam. Do vậy, chính sách của Italy là tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp nước này tăng cường đầu tư tại Việt Nam .
4. Theo TTXVN, phát biểu tại phiên họp cấp cao Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ) chiều 29/2, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Lê Lương Minh đã khẳng định Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ các quyền của người dân. Thứ trưởng cho biết Việt Nam thực hiện cam kết này thông qua việc thực hiện các chính sách lấy con người làm trọng tâm và vì người nghèo, đầu tư vào các lĩnh vực có lợi nhất cho người dân. Các chính sách này đã mang lại những tiến bộ đáng kể trong việc giảm tỷ lệ nghèo, phát triển giáo dục, chăm sóc y tế và tạo việc làm, nâng cao đời sống và phúc lợi cho người dân. Bên lề phiên họp cấp cao, Thứ trưởng Lê Lương Minh đã tiếp xúc với trưởng đoàn nhiều nước để trao đổi về quan hệ song phương, về phối hợp tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Khóa họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sẽ tiếp tục kéo dài đến ngày 23/3.
II- NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA KHỐI DNTW
1. Theo thông tin trên báo điện tử Vietnamplus: Ngày 29/2, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) đã diễn ra lễ khai mạc hai triển lãm quốc tế ProPak Việt Nam 2012 và triển lãm Plastics & Rubber Việt Nam (PRV) 2012.
Tham gia triển lãm ProPak - chuyên về chế biến, chiết rót và đóng gói bao bì có 196 công ty đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó có 5 nhóm gian hàng của Trung Quốc, Đức, Singapore, Đài Loan và Việt Nam. Triển lãm đã trưng bày, giới thiệu với khách tham quan nhiều loại máy móc, thiết bị với những công nghệ tiên tiến và dịch vụ tốt nhất dành cho ngành chế biến và đóng gói bao bì thực phẩm, đồ uống và dược phẩm.
Triển lãm Plastics & Rubber về công nghệ và nguyên phụ liệu ngành nhựa và cao su, quy tụ 143 công ty đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 6 nhóm gian hàng đến từ Áo, Trung Quốc, Đức, Italy, Hàn Quốc và Singapore.
Triển lãm này mang đến cơ hội kinh doanh cho các ngành hàng không, ôtô, cơ khí chính xác, điện và điện tử, nội thất, dược và chăm sóc sức khỏe, sản phẩm gia dụng, đóng gói, sản phẩm giải trí, xây dựng.
2. Báo Sài Gòn giải phóng cho biết, chiều 29/2, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa với nội dung xem xét khả năng điều chỉnh quy hoạch, triển khai đầu tư các cảng hàng không Quảng Ninh, Cát Bi và Sao Vàng.
Về quy hoạch cảng hàng không Quảng Ninh (đặt tại huyện Vân Đồn), Bộ trưởng Đinh La Thăng thống nhất ý kiến với Văn phòng Chính phủ, đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh rà soát lại, nếu có thay đổi địa điểm xây dựng phải điều chỉnh lại cục bộ quy hoạch, báo cáo Chính phủ và các cơ quan chức năng để có thông báo mới triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Với cảng hàng không Cát Bi (Hải Phòng), Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, các cơ quan chức năng của Bộ GT-VT và thành phố Hải Phòng cần làm rõ một số vấn đề về dự báo 8 triệu hành khách/năm đến năm 2025; dự báo loại máy bay khai thác; đầu tư và ký kết hợp đồng BT… đồng thời sớm hoàn thiện đồ án trình Thủ tướng Chính phủ. Đối với cảng hàng không Sao Vàng (Thanh Hóa), mới đây Bộ GT-VT đã báo cáo Thủ tướng và kiến nghị cho phép sử dụng sân bay Sao Vàng để khai thác hoạt động chung giữa hàng không dân dụng và quân sự. Thanh Hóa là tỉnh có hơn 3,5 triệu dân, theo tính toán lượng hành khách hiện nay có thể lên đến khoảng 50 ngàn người/năm. Chính vì vậy việc triển khai đầu tư các hạng mục nâng cấp và khai thác sân bay Sao Vàng để hoạt động dân dụng là cần thiết
3. Thời báo Kinh tế Việt Nam đưa tin, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có đề xuất về ba phương án giảm lãi suất cho vay.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội, tình trạng lãi suất cao đang gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Do vậy, VAFI đề xuất ba phương án giảm lãi suất cho vay. Phương án thứ nhất đang được Ngân hàng Nhà nước triển khai. Theo đó, cơ quan này chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước hạ dần lãi suất cho vay, từ đó lan tỏa đến các ngân hàng thương mại cổ phần khác. Đồng thời, theo tín hiệu của chỉ số giá tiêu dùng và thị trường liên ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước thực hiện bơm tiền ở liều lượng thích hợp và cuối cùng sẽ điều chỉnh trần lãi suất huy động. “Với phương án này, lãi suất cho vay sẽ giảm chậm và dự kiến tới cuối năm 2012, lãi suất cho vay sẽ dao động từ 14-18%, phổ biến sẽ ở mức 15-17%”, lãnh đạo VAFI nhận xét.
Về phương án hai, theo đề xuất của VAFI, Ngân hàng Nhà nước nên giảm ngay lãi suất huy động đối với tổ chức xuống 11%/năm. Theo đó, việc giảm ngay lãi suất với đối tượng này sẽ không ảnh hưởng đến trật tự huy động vốn của hệ thống ngân hàng thương mại, cũng như không tác động tới thị trường ngoại tệ. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước nên khống chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ và vàng miếng ở mức không quá 1%/năm nhằm làm tăng sức hấp dẫn đối với tiền gửi VND, thúc đẩy tiến trình bán vàng, ngoại tệ cho khối ngân hàng thương mại.
Phương án ba, nghị định về quản lý kinh doanh vàng cần sớm được ban hành vì nó có tác động tích cực đến bình ổn thị trường ngoại hối. Điểm mấu chốt của Nghị định là sẽ ban hành chính sách thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh vàng. Theo phân tích của VAFI, nếu nhà nước sớm công bố chủ trương thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với hoạt động kinh doanh vàng ở mức 20% trên giá bán thì đây sẽ là giải pháp đột phá để hạ lãi suất cho vay về dưới 10%/năm. Hiệu quả của giải pháp này là nhanh chóng kích thích thị trường chứng khoán cũng như thị trường trái phiếu phục hồi và phát triển. Cùng với đó hệ thống ngân hàng sẽ có cơ hội huy động nguồn vốn dài hạn. Mặt khác, giải pháp này không những ngăn chặn tình trạng chảy máu ngoại tệ mà nguồn ngoại tệ, nguồn vàng trong dân sẽ chảy vào hệ thống ngân hàng thương mại một cách dễ dàng.
4. Báo Tuổi trẻ phản ánh, vừa qua, đoàn Hiệp hội các thương nhân kinh doanh gạo Hong Kong (Trung Quốc), với gần 50 doanh nhân của 25 doanh nghiệp, đã đến tìm kiếm các cơ hội hợp tác nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Chủ tịch Hiệp hội các thương nhân kinh doanh gạo Hong Kong, cho biết VN đã trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo rất quan trọng của Hong Kong. Trong năm 2011 vừa qua, xuất khẩu gạo VN sang Hong Kong có mức tăng trưởng lên tới 30%, đạt khoảng 100.000 tấn. Con số này thật sự ấn tượng nếu biết rằng Hong Kong chỉ nhập khoảng 320.000 tấn gạo trong năm 2011. Dù vậy, các doanh nhân Hong Kong vẫn rất thiếu thông tin về thị trường gạo VN. Chuyến đi này, thông qua gặp gỡ các thương nhân xuất khẩu gạo và tham quan các nhà máy chế biến gạo của VN, sẽ là cơ hội để các thương nhân Hong Kong hiểu biết nhiều hơn về thị trường này.
Theo lãnh đạo Hiệp hội, người Hong Kong ưa chuộng gạo thơm. So với gạo Thái Lan thì chất lượng gạo VN còn thấp hơn, nên cần phải cải tiến để nâng cao chất lượng gạo hơn nữa. Nhưng giá gạo VN đang ngày càng trở nên hấp dẫn so với gạo Thái. Đặc biệt, vấn đề quan trọng nhất là cần phải nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu vào thị trường Hong Kong. Không chỉ có chất lượng nói chung mà trong từng hợp đồng cũng yêu cầu chất lượng gạo giao đồng nhất và ổn định trong thời gian dài.
Thanh Tùng (tổng hợp)