.
.

VCCI - Gần nửa thế kỷ xây dựng và phát triển

Thứ Sáu, 18/05/2012|09:36

Nhân kỷ niệm 49 năm ngày thành lập Phòng Thương mại và Công nghiệp VN – VCCI (27/4/1963), DĐDN có cuộc phỏng vấn ông Đoàn Ngọc Bông - Tổng Thư ký đầu tiên, nguyên Phó Chủ tịch thường trực VCCI về quá trình hình thành và phát triển của VCCI trong gần nửa thập kỷ qua.

Thủ tướng Phan Văn Khải trao tặng bức ảnh “Bác Hồ với giới công thương”cho Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trong Lễ công bố ngày Doanh nhân VN 13/10/2004
Thủ tướng Phan Văn Khải trao tặng bức ảnh “Bác Hồ với giới công thương”cho Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trong Lễ công bố ngày Doanh nhân VN 13/10/2004

Ông Bông cho biết, ngày 27/4/1963, thay mặt Hội đồng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký quyết định số 58-CP thành lập Phòng Thương mại nước VN Dân chủ Cộng hòa với chức năng và nhiệm vụ cụ thể: Giao dịch và đặt quan hệ với các tổ chức thương mại, kinh tế và với thương nhân nước ngoài. Giúp đỡ các tổ chức kinh doanh hữu quan của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa  trong việc tiếp xúc giao dịch và đặt quan hệ buôn bán với nước ngoài, giúp đỡ các tổ chức thương mại kinh tế và thương nhân nước ngoài trong việc tiếp xúc giao dịch và đặt quan hệ buôn bán với các tổ chức kinh doanh hữu quan VN; Giúp đỡ đương sự của phía VN cũng như của phía nước ngoài về mặt giới thiệu quảng bá hàng hóa; Cấp giấy chúng nhận xuất xứ đối với những hàng hóa xuất khẩu của VN, chứng thực những giấy tờ thông dụng khác trong thương mại quốc tế theo yêu cầu đương sự phía VN và phía nước ngoài; Giúp đỡ giải quyết bằng thương lượng hoặc thông qua trọng tài những việc tranh chấp có thể xảy ra trong khi thi hành các hợp đồng theo yêu cầu của các bên hữu quan; Tổ chức triển lãm sản phẩm của VN ở nước ngoài và sản phẩm của nước ngoài tại VN. Tổ chức và tham gia hội chợ quốc tế; Phát hành những bản tin kinh tế, tạp chí thương mại, hoặc dùng mọi hình thức khác để giới thiệu nền kinh tế và khả năng xuất khẩu của VN với nước ngoài và giúp đỡ các tổ chức kinh doanh hữu quan VN tìm hiểu thị trường ngoài nước.

- Trong quá trình hình thành và phát triển, VCCI đã trải qua nhiều dấu mốc quan trọng. Ông có thể cho biết cụ thể những cột mốc đáng nhớ đó ?

Thực hiện những nhiệm vụ và chức năng cụ thể trên, VCCI đã duy trì và mở rộng quan hệ thương mại giữa VN với các nước, chủ yếu là các nước nằm ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của đất nước; đồng thời một nhiệm vụ quan trọng hơn của VCCI là thông qua giao lưu kinh tế để mở rộng quan hệ với các nước, phá thế bị bao vây, phong toả về kinh tế; triển khai các hoạt động nghiên cứu thị trường, luật lệ buôn bán quốc tế để chuẩn bị cho việc mở rộng các hoạt động kinh tế, thương mại sau này. Hoạt động của VCCI trong giai đoạn này gắn chặt với yêu cầu nhiệm vụ của đất nước trong điều kiện có chiến tranh và đã đạt được những kết quả tích cực. VCCI đã góp phần khai thông thị trường các nước tư bản chủ nghĩa, phá thế bao vây cấm vận và đặt nền móng xây dựng quan hệ buôn bán, giao lưu thương mại giữa VN với các nước này.

Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, hoạt động của VCCI được mở rộng trên phạm vi toàn quốc và không chỉ tập trung vào lĩnh vực mở rộng hoạt động ngoại thương của VN mà còn hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước, phát triển các ngành công nghiệp để tái thiết và phát triển kinh tế sau chiến tranh. Chính vì vậy, đầu năm 1982, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, VCCI đã đổi tên thành Phòng Thương mại và Công nghiệp VN.

Ông Đoàn Ngọc Bông - Nguyên Phó Chủ tịch thường trực VCCI

Công cuộc đổi mới năm 1986 đã tạo ra sức sống mới cho nền kinh tế và đem lại những cơ hội và bước phát triển mạnh mẽ cho VCCI. Với bề dày kinh nghiệm thúc đẩy hợp tác với các nước có nền kinh tế thị trường, VCCI là một trong những tổ chức đi đầu trong việc thực hiện đường lối đổi mới và đã đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ thương mại, buôn bán giữa VN với các nước cũng như kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài vào VN. Trong giai đoạn này, VCCI gần như là cửa ngõ duy nhất nối liền hoạt động thương mại, hợp tác, đầu tư giữa VN với nước ngoài. VCCI đã đi tiên phong trong việc khai phá và mở rộng thị trường quốc tế, kể cả những thị trường mà VN chưa có quan hệ ngoại giao như Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Israel, Nhật Bản...

Đến năm 1993, từ một tổ chức chịu sự giám sát của ông Bộ trưởng Ngoại thương, VCCI đã tách ra thành một tổ chức độc lập với hai chức năng cơ bản là chức năng đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, tham mưu, tư vấn cho Chính phủ và chức năng xúc tiến thương mại, đầu tư. Việc bổ sung thêm chức năng  đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của VCCI.

Với tư cách là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp VN, VCCI đã góp phần thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển thể chế kinh tế thị trường ở VN, xây dựng đội ngũ DN, doanh nhân, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, trở thành cầu nối quan trọng giữa nhà nước và DN cùng hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế đất nước.

Bằng những cố gắng và nỗ lực không ngừng, trong những năm qua VCCI đã đạt được những thành tựu quan trọng và trở thành tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư lớn nhất ở VN hiện nay, trở thành người bạn đồng hành của DN, đối tác tin cậy của Chính phủ và là một tác nhân quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước trong điều kiện hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Hoạt động của VCCI có sự trưởng thành và phát triển vượt bậc trên mọi mặt.

- Trải qua chặng đường 49 năm, theo ông, những bài học kinh nghiệm cần rút ra là gì ?

Có thể nói, thành công của VCCI trước hết có được là nhờ vào sự đoàn kết, nhất trí và sáng tạo của Đảng ủy, Ban thường trực, của cả tập thể cơ quan VCCI và các DN hội viên. Phương châm hoạt động của VCCI là luôn mở rộng và thảo luận rộng rãi với tất cả các tổ chức, cơ quan về những vấn đề phát triển DN, góp phần hoàn thiện môi trường kinh doanh từ đó tạo ra sức mạnh gắn bó, liên kết giữa các DN, hiệp hội ngành nghề với VCCI, tạo ra sự thống nhất và dân chủ trong việc xác định phương hướng hoạt động của VCCI. Chính nhờ vào sự đoàn kết và thống nhất cao nên việc chỉ đạo, điều hành của Hội đồng quản trị, Ban thường trực VCCI được tập trung, giải quyết nhanh chóng, dứt điểm, phát huy mạnh mẽ tính năng động, sáng tạo của từng thành viên cũng như cả tổ chức trên cơ sở phân công công việc rõ ràng. Đồng thời, xây dựng VCCI là một tổ chức thật sự năng động và sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, bám sát yêu cầu của DN để định hớng hoạt động, luôn đi tiên phong trong quá trình đổi mới.

 Những thành tựu mà VCCI đã đạt được trong những năm qua chính là nhờ vào định hướng chiến lược là luôn chủ động đi đầu và mở ra những hớng hoạt động mới để hỗ trợ DN và phát triển kinh tế. VCCI đã luôn linh hoạt theo sát diễn biến thực tế để có những điều chỉnh chiến lược phù hợp, tìm ra hướng đi đúng cho mình; Phát huy sức mạnh sáng tạo, trí tuệ của đội ngũ cán bộ cơ quan VCCI.

- Vậy cần đầu tư vào yếu tố con người như thế nào để tiếp tục phát huy sức mạnh của VCCI, thưa ông?

VCCI đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ tặng nhiều Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Bằng khen cho tập thể và cá nhân của VCCI.

Yếu tố con người đã góp phần quyết định tạo nên sức mạnh và sự phát triển mạnh mẽ của VCCI. Do đó, cần tiếp tục đầu tư phát triển mạnh nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, năng lực phẩm chất tốt, năng động và sáng tạo trong công việc để thực hiện tốt nhiệm cụ của VCCI trong thời gian tới.

Đối với cộng đồng DN VN, nhiệm vụ đặt ra trong thiên niên kỷ mới là không chỉ đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh doanh để làm giàu cho chính mình và xã hội, góp phần xoá đói giảm nghèo mà còn phải sáng tạo, đầu tư công nghệ nâng cao khả năng cạnh tranh nhằm đưa nền kinh tế VN hội nhập nhanh hơn, vững chắc hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Để chuyển dịch thành công cơ cấu kinh tế, tạo nền tảng phát triển bền vững, chúng ta phải giải quyết hàng loạt vấn đề đặt ra nhằm định hình về căn bản thể chế kinh tế thị trường theo định hớng XHCN ở VN như cải cách hành chính, chuyển đổi việc quản lý hành chính đối với nền kinh tế sang quản lý vĩ mô với nền kinh tế thị trường, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, có tay nghề và kỷ luật lao động, phát triển hài hoà các lợi ích xã hội... Đồng hành cùng DN và là đại diện cho cộng đồng DN, hơn ai hết, VCCI có trách nhiệm và đủ năng lực tham gia tích cực vào quá trình này.

49 năm hình thành và phát triển của VCCI đã định hình và tạo nên uy tín của một tổ chức đại diện quan trọng nhất của cộng đồng DN VN. Hành trang của quá khứ vừa là niềm tự hào vừa là trách nhiệm lớn lao đối với toàn thể cán bộ công nhân viên VCCI trong thiên niên kỷ mới. Với truyền thống của một tổ chức năng động, sáng tạo và luôn linh hoạt trong tổ chức và thực hiện các chiến lược phát triển của mình trong từng giai đoạn cụ thể, với sự chuẩn bị chu đáo về nguồn lực con người và vật chất, lại được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ và hợp tác chặt chẽ của các DN, đối tác và cộng đồng xã hội, VCCI có thể vững tin tiến lên phía trước, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của mình trong thời gian tới.

Đỗ Sơn - Lan An

 

.
.
.
.