Khó cho ngành thép, xi-măng trước áp lực tăng giá điện
Theo Dự thảo về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới đang được Bộ Công thương soạn thảo, hai ngành thép và xi-măng sẽ được tách riêng chứ không hưởng giá chung với các ngành khác. Đáng chú ý, mức giá điện cho hai ngành này dự kiến sẽ tăng lên từ 2% đến 16%.
Cụ thể, giá điện bán cho sản xuất thép và xi-măng có mức khá cao, từ 59% đến 187% giá bán lẻ điện bình quân, tùy cấp điện áp và thời gian sử dụng điện vào lúc bình thường, thấp hay cao điểm.
Doanh nghiệp thêm áp lực
Ngay lập tức, các doanh nghiệp (DN) thép, xi-măng đã bày tỏ sự bức xúc trước thông tin này. Đa số đều cho rằng, tình hình kinh tế đang rất khó khăn, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nhưng thị trường thép và xi-măng vẫn chưa thể hồi phục. Nếu tăng giá điện vào thời điểm này sẽ đẩy nhiều DN vào tình trạng cực kỳ khó khăn, không ít DN đứng trước nguy cơ phá sản.
Ông Nguyễn Sỹ Ngọc, Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Xi-măng Vicem Tam Điệp cho biết: “Mỗi năm, xi-măng Tam Điệp chi phí hết 200 tỷ đồng tiền điện. Năm 2012 vừa qua, chúng tôi lỗ tới vài chục tỷ đồng. Năm nay, chỉ đề ra mục tiêu lãi 5-7 tỷ đồng còn khó thực hiện vì tiêu thụ đang rất khó khăn. Tháng 3, 4 vừa qua tiêu thụ có khởi sắc lên chút ít, nhưng đến tháng 5, 6 lại suy giảm trở lại. Mà ngay cả lúc khởi sắc thì sản xuất cũng chỉ mới phát huy được 40% công suất thiết kế. Thế nên, nếu giá điện tăng nữa thì gay go lắm”.
Cùng quan điểm, bà Trần Thị Minh Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty công nghiệp Xi-măng Việt Nam (Vicem) cho biết: “Giá điện cho sản xuất xi-măng hiện đã lên tới hơn 200 nghìn đồng/tấn. Nếu giá điện tăng lên nữa chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến ngành xi-măng bởi lẽ giá xi-măng không thể tăng lên được nữa. Lợi nhuận của DN sẽ giảm đáng kể và hầu hết các DN sản xuất xi-măng sẽ lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn”.
Theo bà Minh Anh, nếu nói vì công nghệ sản xuất lạc hậu, tiêu tốn điện năng cao mà tăng giá điện là không đúng. Hiện nay hầu hết các nhà máy đã chuyển sang lò quay, công nghệ hiện đại. Thêm nữa, nếu quy định giá điện cho sản xuất xi-măng cao hơn các ngành khác là không hợp lý bởi dù được khuyến cáo sử dụng nhiều điện năng vào giờ thấp điểm ở mức như hiện nay thì chi phí cũng đã rất cao rồi.
Theo tính toán của Hiệp hội Xi-măng Việt Nam, điện cho sản xuất xi-măng có giá bình quân 2.300 đồng/kWh. Một tấn xi-măng dùng khoảng 100 kWh điện, tính ra hết khoảng 230 nghìn đồng/tấn.
Nếu điện tăng thêm 5%, một tấn xi-măng tăng thêm chi phí khoảng 13 đến15 nghìn đồng/tấn. Do vậy, việc tăng giá điện sẽ gây thêm áp lực lên các DN xi-măng bởi không thể tăng giá bán khi hiện tại nhu cầu xi-măng của thị trường đang giảm. Trong khi đó, lượng hàng tồn kho thép và xi-măng đang rất lớn, nên điều chỉnh giá điện càng khiến sản xuất bị đình trệ.
Sản phẩm không thể tăng giá
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết: “Tháng 5 vừa qua, tiêu thụ thép chỉ đạt 386 nghìn tấn, gần thấp nhất từ đầu năm đến nay (tháng 2 đạt 252 nghìn tấn). Tồn kho thép hiện cũng đang ở mức 310 nghìn tấn. Do đó, việc tăng giá điện chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến các DN sản xuất thép, thậm chí có khả năng “giết chết” ngành thép. Điều này là không công bằng đối với ngành sản xuất thép trong bối cảnh hiện nay”.
Ông Nguyễn Tiến Nghi cho rằng, trong lúc Chính phủ đang có chính sách hỗ trợ cho DN như giảm, giãn thuế, hạ lãi suất... nhằm hạ thấp chi phí đầu vào các ngành sản xuất, kinh doanh, thì việc đề xuất tăng giá điện đối với ngành sản xuất thép, xi-măng sẽ “làm khó” cho các DN trong thời điểm này.
Ông Nghi cho biết thêm, VSA đang lấy ý kiến của các DN để làm văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng về vấn đề này.
Còn ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thép Việt cho biết, tại Tập đoàn này, mỗi tấn thép xây dựng tiêu thụ khoảng 360 KWh điện, trong khi một số DN sử dụng công nghệ của Trung Quốc với giá rẻ sẽ tiêu tốn khoảng 600 KWh điện. Khi chi phí đầu vào tăng cao sẽ càng làm cho thép nội khó có khả năng cạnh tranh với thép ngoại-vốn tràn ngập thị trường hiện nay. Trong khi đó, ở trong nước, thị trường xây dựng và bất động sản chưa hồi phục, sức tiêu thụ vẫn hết sức chậm.
Hà Vy (Theo Nhân dân)