Nữ bưu tá chuyên cần của vùng đất đỏ Tây Nguyên
Thứ Sáu, 07/05/2021|10:25
Đều đặn 6h sáng mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Thanh Kết, nhân viên bưu tá của Bưu điện huyện Đắk Tô, Bưu điện tỉnh Kon Tum đã có mặt ở cơ quan để chuẩn bị cho một ngày làm việc.
Nữ bưu tá Nguyễn Thị Thanh Kết chuẩn bị lên đường bắt đầu hành trình mỗi ngày của mình. |
Công việc đầu tiên của chị Kết trong ngày là nhập tiền chi trả cho khách hàng và xử lý những bưu gửi phát không thành công của hôm trước. Tiếp đó, đến 7h30, lúc xe thư báo về đến Bưu điện huyện, sau khi nhận tất cả công văn giấy tờ, báo chí, bưu gửi, chị Kết bắt đầu hành trình.
Luôn tâm niệm chuyển phát công văn, giấy tờ là việc phải ưu tiên hàng đầu, vì nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến công việc của các cơ quan cũng như cá nhân khách hàng nên chị Kết luôn tranh thủ từng giây từng phút lên đường sớm nhất có thể.
Trở thành bưu tá của Bưu điện huyện Đắk Tô 5 năm trước, ban đầu chị Kết gặp không ít khó khăn. Chưa thông thạo địa bàn làm việc nên những tuyến đường trong huyện cũng như địa chỉ các cơ quan ban ngành là thách thức với người phụ nữ lần đầu làm bưu tá. Khách hàng phần lớn ban ngày đi làm vắng nhà, bên cạnh đó, đối với bưu phẩm CoD thường không muốn nhận trong giờ hành chính nên chiều tối là khoảng thời gian chị Kết vẫn miệt mài với công việc. Thông thường, 19h hằng ngày chị mới kết thúc công việc, chưa kể những ngày mưa còn muộn hơn nữa.
Tây Nguyên có thời tiết đặc trưng chia làm hai mùa rõ rệt, mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, còn mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, là trở ngại không hề nhỏ cho người làm công việc phải thường xuyên di chuyển. Vào mùa khô, những con đường đất đỏ bụi mù mịt và lởm chởm đá dăm khó đi thì đến mùa mưa còn gian nan hơn gấp bội. Những cơn mưa to xối xả như trút nước, tối mắt tối mũi không nhìn thấy đường, có khi ngập đến nửa bánh xe. Không những vậy, đất đỏ bazan bết dính vào lốp xe thành một lớp dày khiến chị Kết nhiều lúc đang đi phải dừng lại vì không thể tiếp tục. Những lúc đó, chị vừa xoay xở che chắn cho công văn thư báo, bưu gửi phía sau cho khỏi ướt, vừa tìm vật cạy để đất rơi bớt khỏi bánh xe mới có thể tiếp tục hành trình. Nhiều hôm vừa ướt vừa lạnh, loay hoay mãi chị Kết mới đi tiếp được thì cũng là lúc trời nhá nhem tối.
Khó khăn là vậy nhưng xác định làm công việc bưu tá thì phải luôn tận tâm, trách nhiệm, cố gắng mang đến cho khách hàng chất lượng phục vụ tốt nhất cũng như chuyển bưu gửi đến tận tay người nhận trong thời gian sớm nhất, chị Kết không ngại vượt qua những thách thức kể trên. Mỗi ngày được tiếp xúc với nhiều khách hàng, nhìn những nụ cười cũng như sự hài lòng của họ khiến chị có thêm động lực phấn đấu hơn nữa trong công việc nhằm nâng cao chất lượng phục vụ cũng như tỉ lệ phát thành công.
Quãng thời gian làm bưu tá của chị Kết có nhiều kỷ niệm buồn vui lẫn lộn nhưng câu chuyện mà chị nhớ nhất trong một lần đi phát bưu phẩm là chiếc điện thoại di động cho khách. Đây là bưu phẩm CoD nên sau khi liên lạc, khách có tại địa chỉ và đồng ý nhận, chị Kết liền đến giao hàng. Tuy nhiên, khi khách thanh toán xong và mở hàng thì phát hiện đó là chiếc điện thoại có giá trị thấp hơn so với loại khách đặt nên ngay lập tức lớn tiếng chửi bới chị. Mặc cho chị hết lời giải thích mình chỉ là người đi giao hàng còn việc mua hàng là thỏa thuận giữa người bán và người mua nhưng khách vẫn không đồng ý, còn nói chị tiếp tay cho bọn lừa đảo nên giữ chị lại và gọi công an đến giải quyết. Khi công an đến giải thích và thuyết phục, một lúc sau khách mới đồng ý để chị ra về. Chiều hôm đó vì sự việc này mà chị Kết mất thời gian 1 tiếng rưỡi đồng hồ, ảnh hưởng đến những công việc còn lại.
Luôn cố gắng hết mình, tỉ lệ phát thành công của chị Kết thường dao động ở mức 90%, có lúc đạt ngưỡng gần 93%. Ghi nhận nỗ lực và và những kết quả mà nữ bưu tá bé nhỏ đạt được, chị Nguyễn Thị Thanh Kết được Tổng công ty khen thưởng danh hiệu Bưu tá tận tụy.
P.V
.