Tín hiệu vui đầu năm 2012: Giá cao su tăng 28% trong tháng 1
Sau một thời gian liên tục giảm xuống từ trước Tết Nguyên đán, chỉ còn ở mức dưới 70 triệu đồng/tấn, bắt đầu sau Tết, giá cao su đã tăng lên từng ngày. Trong tháng 1/2012, giá cao su đã tăng 28%. Theo dự báo của các chuyên gia ngành cao su, xu hướng tăng giá có thể sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới. Đây là tín hiệu vui đối với các công ty cao su vào thời điểm khởi đầu năm mới.
Tăng liên tục
Trên sàn giao dịch Tocom – nơi giá cao su được lấy làm chuẩn cho thị trường thế giới, giá cao su giao sau 6 tháng chốt phiên ngày 31/1 tại 314,9 yên/kg, tăng 4,6 yên so với phiên trước. So với cuối năm 2011, giá đã tăng 50,5 yên, tương đương hơn 19%. Tại Thái Lan, giá cao su tấm hun khói RSS3 giao ngay tăng 0,95 USD/kg trong tháng 1, từ mức 3,35 USD cuối năm 2011 lên 4,3 USD/kg trong ngày 31/1, mức tăng tương đương 28,3%. Vào ngày đầu tháng 2, cũng tại Tocom, giá cao su giao sau 6 tháng lúc đóng cửa tăng 0,5% lên 316,6 yên/kg. Tới ngày 6/2, trên sàn Tocom, giá cao su hợp đồng giao tháng 7 tăng 8,7 yên và đứng ở 323 yên (4,22USD)/kg, đây là mức giá cao nhất kể từ ngày 17/10/2011.
Còn tại sàn giao dịch Thượng Hải, hợp đồng cao su giao tháng 5 cũng tăng 875 NDT để đạt mức 28.605 NDT/tấn, tương đương với 4.500 NDT/tấn.Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, tới ngày 31/1/2012, giá cao su SVR 3L đã đạt 3.450 USD/tấn, tăng 6,1 % so với giá ngày 03/01/2012 (3.270 USD/tấn). Tại thị trường Móng Cái, giá cao su SVR 3L ngày 7/2 ở mức 23.000 NDT/tấn, tăng hơn 1.000 NDT/tấn so với trước Tết Nhâm Thìn. Hoạt động mua bán tại đây cũng nhộn nhịp hơn hẳn so với trước Tết. Những ngày đầu tháng 2, mỗi ngày thương nhân Trung Quốc sang mua từ 500-600 tấn cao su, có ngày tới cả ngàn tấn.
Nhiều yếu tố tác động làm giá tăng
Sau Tết Nhâm Thìn, các nước sản xuất, xuất khẩu cao su lớn bắt đầu giảm sản lượng vì ảnh hưởng thời tiết. Thời tiết khô hoặc mưa nhiều tại các khu vực trồng cao su chính của 3 nước XK cao su lớn nhất là Thái Lan, Indonesia và Malaysia, đã làm ảnh hưởng tới việc thu hoạch mủ, khiến cho nguồn cung sụt giảm, góp phần làm cho giá cao su tăng trong những ngày qua.
Giá tăng còn bởi nguồn cung hạn chế từ các nước sản xuất chủ lực do giá xuống quá thấp trước thời điểm đó. Chính phủ Thái Lan bắt đầu thực hiện chương trình mua trữ cao su để ngăn chặn đà giảm giá. Theo đó, Chính phủ Thái Lan sẽ mua 200.000 tấn cao su với giá 120 baht/kg (cao hơn giá thị trường), tổng kinh phí ước tính khoảng 15 tỷ baht (472 triệu USD). Bên cạnh đó, các công ty tư nhân ở Thái Lan cũng tham gia vào chương trình mua tạm trữ cao su với tổng kinh phí khoảng 2 tỷ baht.
Mặt khác, giá dầu mỏ trên thế giới tăng trong thời gian qua cũng có tác động tới việc tăng giá cao su trên thị trường thế giới. Những căng thẳng trong vấn đề hạt nhân giữa Iran và các nước phương Tây đã đẩy giá dầu WTI lên trên 100 USD/thùng còn dầu Brent có lúc vượt 114 USD/thùng. Giá dầu cao làm cho nhu cầu cao su tổng hợp sụt giảm, khách hàng chuyển sang mua cao su tự nhiên.Và những tín hiệu mới về sự phục hồi kinh tế Mỹ cũng đã có tác động tích cực tới thị trường cao su thế giới. Trong tháng 1 vừa rồi, nước Mỹ đã giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 8,3%, mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
Theo dự báo của các chuyên gia ngành cao su, xu hướng tăng giá có thể sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới. Các thương nhân giao dịch trên sàn Tokyo cho biết, đà tăng của giá cao su chưa thể dừng lại, thậm chí sẽ tăng với mức tương tự vào tháng 2 bởi mùa khô ở các nước sản xuất chủ lực làm giảm sản lượng mủ. Tháng 2 năm ngoái, giá cao su lập kỷ lục ở 535 yên/kg, tức hơn 6.000 USD/tấn.
Trong khi đó, nhu cầu lại đang có dấu hiệu tăng mạnh từ các khách hàng Trung Quốc. Dự báo tình hình tiêu thụ cao su qua biên giới phía Bắc sẽ còn tiếp tục khả quan vì nhu cầu cao su thiên nhiên bên Trung Quốc đang gia tăng. Theo nguồn tin từ Sở giao dịch hàng hóa Thượng Hải, tồn kho cao su đã giảm 6% so với lần thông báo trước đó vào ngày 20/1/2012. Trong năm 2012, dự báo Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ 3,61 triệu tấn cao su, tăng 3% so năm 2011.
Ở Ấn Độ, một nước tiêu thụ cao su lớn khác, nhu cầu nhập khẩu cao su thiên nhiên cũng đang tăng lên. Theo Ủy ban Cao su Ấn Độ, sản lượng cao su của nước này đã giảm 29.275 tấn đồng nghĩa với việc khoảng cách giữa cung và cầu về cao su là 70.725 tấn, dẫn đến thiếu hụt thực tế ở mức 100.000 tấn. Ở Ấn Độ đang xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cao su khiến giá cao su ở nước này tăng lên, làm gia tăng đáng kể chi phí đầu vào. Do đó, các nhà sản xuất lốp xe của Ấn Độ đang kêu gọi Chính phủ cho phép miễn thuế NK 100.000 tấn cao su tự nhiên. Còn theo ANRPC, riêng trong quãng thời gian từ nay đến tháng 5, nguồn cung chắc chắn eo hẹp do mùa khô ở Thái Lan, Malaysia và Indonesia làm giảm sản lượng mủ. Và đây sẽ là yếu tố chính hỗ trợ cho giá cao su.
Theo ông Đinh Vạn Tiến, Trưởng ban Xuất nhập khẩu VRG, xu hướng trong thời gian tới, giá cao su vẫn tăng nhẹ, do các yếu tố sau: qui luật cung cầu (cây cao su hết mùa cạo mủ, nguồn cung ứng mủ cao su hạn chế từ các nước chủ lực), nhu cầu tiêu thụ cao su Trung Quốc vẫn đảm bảo ở mức cao và chính sách giữ giá cao su của Thái Lan.
Ngọc Cẩm