.
.

Triển khai thực hiện kế hoạch năm 2012 của Tập đoàn Cao su Việt Nam: Đảm bảo tốc độ và chất lượng tăng trưởng

Thứ Ba, 21/02/2012|07:03

“Năm 2011 VRG đạt kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) thắng lợi toàn diện. Nhưng không vì thế mà chúng ta thỏa mãn, hài lòng. Ngược lại, mỗi cá nhân, mỗi tập thể, đơn vị trong toàn VRG cần phải cố gắng, nỗ lực hơn khi năm 2012 được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức”. TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị tổng kết SXKD năm 2011 và giao kế hoạch (KH) năm 2012, được tổ chức vào ngày 7/1 tại Tp.HCM.

Giá bán mủ và sản lượng khai thác sẽ giảm

“Nợ công ở Châu Âu, kinh tế thế giới trì trệ, nguồn cung cao su lớn hơn nhu cầu tiêu thụ, lạm phát và lãi suất vốn vay còn ở mức cao… Đó là những khó khăn, là bài toán nan giải cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành cao su nói riêng trong năm 2012”, TGĐ Trần Ngọc Thuận nhận định.

Nói về khâu tiêu thụ cao su trong năm 2012, ông Đinh Vạn Tiến - Trưởng Ban Xuất nhập khẩu VRG, dự báo: “Sau năm 2011 tăng cao, giá cao su năm 2012 khó có thể duy trì được mức như vậy. Để đạt được mục tiêu giá bán 67 triệu đồng/tấn cũng không hề dễ dàng. Trong năm nay, bên cạnh đẩy mạnh xuất khẩu, VRG sẽ hướng nhiều hơn đến thị trường nội địa, trong đó chủ yếu bán cho các đơn vị sản xuất săm lốp thuộc Tập đoàn Hóa chất. Đến đầu tháng 1/2012, các đơn vị thuộc VRG đã ký hợp đồng dài hạn trên 110.000 tấn cao su với khách hàng nước ngoài. Việc ban hành công thức giá của VRG cũng sẽ cập nhật hơn, linh hoạt hơn”.

Theo Phó TGĐ Trần Thoại, khi giá bán cao su năm nay giảm so với năm trước, thì các đơn vị phải bán hết sản lượng tồn kho năm 2011 chuyển qua mới có thể đạt được doanh thu, lợi nhuận như năm trước. Với cách tính lương theo doanh thu hiện nay thì để đạt mức tiền lương như năm trước là hết sức khó khăn. Để hạn chế thấp nhất việc sụt giảm tiền lương, theo Phó TGĐ VRG Trần Thoại, các công ty cần quản lý chặt chi phí, đặc biệt là chi phí quản lý, chi phí bán hàng để hạn chế mức giảm lợi nhuận trong năm.

Năng suất, sản lượng sụt giảm cũng là vấn đề đáng lo của VRG. Tổng diện tích cao su khai thác năm nay là 164.982 ha, KH sản lượng là 260.500 tấn, giảm 9.436 tấn so KH thực hiện năm 2011, trong đó có công ty giảm đến 15% sản lượng so năm 2011. Nguyên nhân là do năng lực vườn cây khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung bị suy giảm do ảnh hưởng bởi bệnh cây, đồng thời năng suất vườn cây khai thác của các đơn vị chủ lực ở Đông Nam bộ cũng bắt đầu giảm sau thời kỳ đỉnh cao, hiện tỉ lệ vườn cây nhóm III chiếm khá lớn. Trong khi đó, khoảng 10.500 ha đưa vào cạo mới chưa thể cho năng suất cao ngay. VRG dự kiến năng suất vườn cây năm 2012 sẽ chỉ đạt 1,58 tấn/ha so với mức 1,63 tấn/ha năm 2011.

Ông Nguyễn Tấn Đức - Trưởng Ban Quản lý Kỹ thuật VRG, cho rằng áp lực trong năm nay đó là phải tăng sản lượng khai thác để đảm bảo mức thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, không vì thế mà tự ý tăng cường độ cạo, kích thích quá quy trình, làm ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng vườn cây. Ngược lại, các đơn vị cần củng cố, thâm canh, tăng cường chăm sóc vườn cây để đảm bảo hoàn thành KH sản lượng năm 2012 và tăng năng suất, sản lượng từ năm 2013 trở đi.

Để bù đắp phần sản lượng khai thác sụt giảm, VRG sẽ chỉ đạo các đơn vị thành viên đẩy mạnh công tác thu mua mủ cao su tiểu điền, với mục tiêu từ 38.500-40.000 tấn. “Nếu không tăng cường thu mua để đảm bảo sản lượng tiêu thụ thì chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận năm nay rất khó cao hơn năm 2011. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến lương, thưởng của người lao động”, Phó TGĐ Trần Thoại chỉ rõ. Về công tác thu mua, lãnh đạo VRG biểu dương, khen ngợi các đơn vị đã thực hiện đạt kết quả cao trong năm qua như Bình Thuận, Hòa Bình, Bà Rịa, Phước Hòa…

Tăng cường phát triển chiều sâu

Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu SXKD đề ra trong năm 2012, lãnh đạo VRG chỉ đạo các đơn vị cần quán triệt và thực hiện hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, giảm chi tiêu công, hạ giá thành. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 và Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 3/1/2012 của Chính phủ, lãnh đạo VRG cho biết sẽ tiến hành rà soát các lĩnh vực đầu tư, trong đó tập trung ưu tiên vốn cho lĩnh vực chính là cao su.

Trong năm nay, dự kiến VRG sẽ tái canh 11.055 ha và trồng mới 39.848 ha cao su để cuối năm đạt khoảng 365.000 ha cao su, tăng trưởng gần 10% so với thực hiện năm 2011. Các chủ trương, chương trình phát triển cao su ở trong nước và ở Lào, Campuchia tiếp tục được VRG tập trung thực hiện. Nhưng VRG cũng khẳng định rõ là việc trồng mới không chạy theo diện tích mà đề cao, chú trọng đến chất lượng. Điều này được Phó TGĐ VRG Lê Minh Châu nhấn mạnh: “VRG chỉ đạo quyết liệt và nhất quán là trong năm nay nếu không đủ giống thì không trồng. Công ty mẹ phải lo đủ giống cho công ty con. Giống phải đạt chất lượng, đạt các yêu cầu do VRG ban hành. Tuyệt đối không mua giống trôi nổi, giống không rõ nguồn gốc”.

Đối với các lĩnh vực khác ngoài cao su, lãnh đạo VRG cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến hoạt động SXKD chính của VRG như chế biến gỗ, giao thông, thủy điện, khu công nghiệp… Những dự án thuộc các lĩnh vực khác ở giai đoạn bắt đầu triển khai, có vốn góp lớn, VRG sẽ xem xét hoãn, giãn hoặc tiến hành thoái vốn ngay trong quý I/2012 theo chỉ đạo của Chính phủ.

“VRG sẽ tiến hành tái cơ cấu doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó có tái cơ cấu ngành nghề, tái cơ cấu sở hữu và tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp. Đây là việc làm vừa cấp thiết, vừa lâu dài nhằm đảm bảo tốc độ và chất lượng tăng trưởng của Tập đoàn”, TGĐ Trần Ngọc Thuận cho biết.

           

Kết quả SXKD năm 2011 của VRG:

- Khai thác 269.953 tấn mủ, đạt tỷ lệ 102,06 %, vượt trước thời hạn 5 ngày; thu mua 39.720 tấn mủ, đạt 113,3% KH năm.

- Năng suất bình quân toàn VRG đạt 1,63 tấn/ha. Khu vực miền Đông Nam bộ có 5 công ty là Đồng Phú, Phú Riềng, Phước Hòa, Tây Ninh và Tân Biên đạt năng suất bình quân trên 2 tấn/ha và 34 nông trường đạt năng suất bình quân trên 2 tấn/ha; khu vực Tây Nguyên 2 nông trường đạt năng suất bình quân trên 1,8 tấn/ha. Hai công ty đạt năng suất cao nhất năm 2011 là: Đồng Phú (2,175 tấn/ha), Tây Ninh (2,101 tấn/ha).

- Năm 2011, VRG đã tái canh 10.152 ha, trồng mới 32.261 ha cao su.

- Toàn VRG đã tiêu thụ 281.713 tấn cao su các loại. Giá bán cao su bình quân đạt 91,5 triệu đồng/tấn, tăng 46% so năm 2010 (tương ứng 28,8 triệu đồng/tấn); Lợi nhuận bình quân 38 triệu đồng/tấn (tăng 15,5 triệu đồng/tấn so với năm 2010).

- Tổng doanh thu: 33.496,9 tỷ đồng, đạt 120,8 % KH năm, tăng 7.855 tỷ so với năm 2010. Trong đó, doanh thu từ kinh doanh cao su là 25.796,7 tỷ đồng, đạt 125% kế hoạch năm, tăng 7.569 tỷ đồng so với năm 2010.

 

- Tổng lợi nhuận (trước thuế): 11.724 tỷ đồng, đạt 131,28 % KH năm, tăng 3.751 tỷ đồng so năm 2010. Riêng lợi nhuận từ kinh doanh cao su là 10.711,2 tỷ đồng.

- Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 38,5 %; trên doanh thu đạt 35 %.

 

- Nộp ngân sách (số phải nộp): 3.571,9 tỷ đồng, tăng 1.227,3 tỷ đồng so với năm 2010.

- Thu nhập bình quân đạt 8,9 triệu đồng/người/tháng; riêng tiền lương đạt 7,7 triệu đồng/người/tháng.

Kế hoạch, mục tiêu chính năm 2012:

- Diện tích khai thác:         164.983 ha

- Năng suất bình quân:      1,58 tấn/ha

- Sản lượng:                      260.500 tấn

- Thu mua:                        40.000 tấn

 

- Tiêu thụ:                         320.000 tấn        

 

- Giá bán bình quân:          67 triệu đồng/tấn 

- Tổng doanh thu:             33.460 tỷ đồng

- Doanh thu cao su:           21.883 tỷ đồng

- Tổng lợi nhuận (trước thuế):    9.385 tỷ đồng

- Lợi nhuận cao su:           5.870 tỷ đồng

- Trồng mới:                                39.848 ha

- Tái canh:                        11.055 ha

- Tiền lương bình quân:     7,3 triệu đồng/người/tháng.

 

P.V (tổng hợp)

.
.
.
.