.
.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam đầu tư mạnh vào Quảng Bình

Thứ Bảy, 24/03/2012|23:03

Ngày 20/3/2011 vừa qua, sau khi đi khảo sát địa điểm đầu tư, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã cùng với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình ký kết “Thỏa thuận nguyên tắc hợp tác đầu tư năm 2012 và những năm tiếp theo”.

Vinatex và UBND tỉnh Quảng Bình ký kết “Thỏa thuận nguyên tắc hợp tác đầu tư năm 2012 và những năm tiếp theo”
Vinatex và UBND tỉnh Quảng Bình ký kết “Thỏa thuận nguyên tắc hợp tác đầu tư năm 2012 và những năm tiếp theo”

Nói về chiến lược phát triển của Tập đoàn Dệt may Việt Nam sắp đến, ông Trần Quang Nghị- Tổng giám đốc Vinatex cho biết, tập đoàn sẽ mở rộng phạm vi hoạt động trên tất cả các vùng miền cả nước. Riêng tại khu vực miền Trung, Vinatex sẽ chọn Quảng Bình là tiểu trung tâm về nguyên liệu kỹ thuật cao cho cả hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Trị để phát triển ngành Dệt may... Qua khảo sát, một số địa điểm đầu tư tại tỉnh Quảng Bình mà đoàn đã đến như KCN Tây Bắc Đồng Hới, KCN Bắc Đồng Hới..., các KCN này đều có diện tích tương đối phù hợp với kế hoạch sử dụng của Tập đoàn, cơ sở vật chất khá đầy đủ, giao thông thuận thiện, phù hợp với việc thực hiện đầu tư sản xuất công nghiệp.

Ông Trần Quang Nghị - Tổng Giám đốc Tập đoàn khẳng định, việc hợp tác  đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong năm 2012 và những năm tới phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành Dệt May Việt Nam nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của tỉnh, đồng thời phù hợp với chủ trương của Chính phủ về phát triển ngành, lĩnh vực của các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước với phát triển vùng lãnh thổ, địa phương.

Trong năm 2012, Tập đoàn tiếp tục chỉ đạo Tổng Công ty May 10-CTCP thực hiện hiệu quả dự án đầu tư Xí nghiệp May Xuất khẩu Hà Quảng, đồng thời mở rộng thêm quy mô sản xuất. Ngoài ra, Tập đoàn quyết định triển khai đầu tư dự án Nhà máy May Xuất khẩu  quy mô 1.000 công nhân; xúc tiến khảo sát dự án đầu tư vùng nguyên liệu trồng bông với diện tích 3.000- 4.000ha tại địa bàn huyện Lệ Thủy. Tập đoàn cũng sẽ căn cứ vào tiềm năng và lợi thế của Quảng Bình để nghiên cứu danh mục các dự án đầu tư mà Quảng Bình đang kêu gọi để có thể xúc tiến đầu tư cho phù hợp

Ông Nguyễn Hữu Hoài-Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao đóng góp của ngành dệt may Việt Nam tại tỉnh Quảng Bình, trong đó Xí nghiệp may Hà Quảng (thuộc Tổng công ty may 10), đã giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động. Năm 2011, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng kết quả sản xuất kinh  của xí nghiệp vẫn phát triển mạnh. Tổng doanh thu của xí nghiệp đạt trên 60,6 tỷ đồng, đạt 110,43% kế hoạch; nộp ngân sách Nhà nước trên 5 tỷ đồng, đạt 209%; thu nhập bình quân người lao động đạt trên 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, trong năm, xí nghiệp đã có 22 sáng kiến được áp dụng, trong đó có 16 sáng kiến được Tổng Công ty May 10 khen thưởng. Năm 2012, Xí nghiệp may Hà Quảng phấn đấu đạt lợi nhuận trên 70 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt trên 4 triệu đồng/người/tháng.

Ông Hoài cho biết thêm, Quảng Bình còn có lợi thế mà ngành dệt may có thể khai thác, đó là Quảng Bình có độ che phủ của rừng đứng thứ nhì toàn quốc. Toàn  tỉnh có 624 ngàn  héc  ta rừng, trong có 2 nông trường Nhà nước hiện đang sử dụng 160 ngàn héc ta  để trồng các cây công nghiệp các loại,  nhiều nhất là bạch đàn, cao su, và cây  keo, nguyên liệu phục vụ cho ngành dệt may. Ông Nguyễn Hữu Hoài cũng bộc bạch : “Quảng Bình tha thiết mời gọi Tập đoàn Dệt May về đầu tư phát triển nhiều nhà máy dệt may tại tỉnh nhà để giải quyết việc làm, hút lao động ở  xa quê hương  về lao động sản xuất ngay tại quê nhà. Quảng Bình cần nhất là giải quyết việc làm góp phần ổn định chính trị và an sinh xã hội. Quảng Bình cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Tập đoàn Dệt may đầu tư xây dựng nhà máy dệt may và quy hoạch  vùng trồng cây nguyên liệu cho ngành”.

Trước đó, vào tháng 7/2011, UBND tỉnh Quảng Bình và Vinatex cũng đã thỏa thuận sẽ thực hiện một loạt dự án đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp tại địa phương này trong thời gian tới. Cụ thể, sẽ tiến hành mở rộng, nâng quy mô và công suất của Xí nghiệp May Hà Quảng thuộc Tổng Công ty May 10 lên 2.000 lao động, Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ nghiên cứu, xúc tiến đầu tư Nhà máy may quy mô từ 20-25 chuyền may, thu hút 1.000 lao động tại phía Nam tỉnh Quảng Bình. Tổng Công ty Đức Giang phối hợp cùng một số đơn vị trong Tập đoàn nghiên cứu xây dựng từ 1 đến 2 nhà máy may trong năm 2012…

Công Thương

.
.
.
.