Đào tạo nguồn nhân lực cốt lõi đáp ứng chiến lược phát triển của Vinatex
1- Chiến lược phát triển của Tập đoàn Dệt May Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015
Ngành Dệt May Việt Nam là ngành kinh tế trọng điểm của cả nước, ngành đang đóng góp tỷ lệ rất lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2010, ngành Dệt May Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đứng đầu cả nước về giá trị xuất khẩu đạt 11,2 tỷ USD và dự kiến đạt xấp xỉ 14 tỷ USD vào năm 2011, đã hội nhập thành công với thị trường thế giới sau WTO và đảm bảo việc làm cho hơn 2 triệu lao động trong ngành công nghiệp dệt may. Với tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liền, đến năm 2010, ngành Dệt May Việt Nam đã lọt vào nhóm 5 quốc gia sản xuất may mặc lớn nhất thế giới.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) là đơn vị hạt nhân của ngành Dệt May Việt Nam, đóng vai trò định hướng cho phát triển toàn ngành. Tập đoàn Dệt May Việt Nam là công ty mẹ của một tổ hợp các tổng công ty và công ty hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực dệt may. Tập đoàn Dệt May Việt Nam và các đơn vị thành viên tuy chỉ chiếm 10% lực lượng lao động ngành Dệt May Việt Nam, nhưng đóng góp trên 30% giá trị sản xuất công nghiệp, 90% sản lượng bông, 45% sản lượng sợi, 30% sản lượng vải và chiếm gần 19% giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam năm 2010.
Trong thời gian tới đây, Tập đoàn Dệt May Việt Nam tiếp tục đầu tư chiều sâu, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm dệt may Việt Nam. Ngoài ra, Tập đoàn còn là đơn vị nòng cốt xây dựng thương hiệu thời trang Việt Nam trên thị trường thế giới, đồng thời thực hiện các chủ trương về phát triển kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước. Để tiếp tục phát triển trong giai đoạn 2011-2015, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã xác định ba chiến lược cạnh tranh chủ yếu là: Cạnh tranh bằng năng suất lao động cao, bằng chất lượng sản phẩm tốt và cạnh tranh bằng thời trang hoá ngành dệt may, chuyển dần từ phương thức sản xuất gia công sang phương thức sản xuất FOB với cả 3 cấp độ OEM, ODM và OBM.
Lớp quản trị doanh nghiệp do Vinatex và VCCI tổ chức |
Để thực hiện thành công các chiến lược cạnh tranh nêu trên, Tập đoàn Dệt May Việt Nam sẽ đầu tư 24.900 tỷ đồng để phát triển dệt, sợi, nhuộm, may tại 12 tỉnh : Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thanh Hoá, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Tây Ninh, Tiền Giang, Đồng Tháp. Cụ thể trong giai đoạn 2011-2015 sẽ đầu tư khoảng 120 nhà máy, bao gồm các nhà máy sợi, dệt, nhuộm , may trong đó ưu tiên xây dựng mới khoảng 87 nhà máy May và tiếp đó thứ tự ưu tiên sẽ là sợi, dệt, nhuộm.
Theo khảo sát của Tập đoàn Dệt May Việt Nam vào quý II năm 2011, để thực hiện thành công chiến lược cạnh tranh và các chiến lược đầu tư như nêu tại mục 1 ở trên, nhu cầu nguồn nhân lực cốt lõi của Tập đoàn Dệt May Việt Nam giai đoạn 2011- 2015 được thể hiện như sau: Về nhu cầu cán bộ kỹ thuật dệt, sợi, nhuộm, may là 6230 người; cán bộ quản lý cần 9562 người.
2- Đào tạo nguồn nhân lực cốt lõi đáp ứng chiến lược phát triển của Vinatex giai đoạn 2011 - 2015.
Xây dựng trường Đại học Dệt May trong Tập đoàn Dệt May Việt Nam
Với nhu cầu nguồn nhân lực cốt lõi cho ngành dệt may lớn như trên nhưng nguồn cung rất hạn chế. Trong giai đoạn 2009 đến 2011, chỉ có 12 trường đại học trong cả nước đào tạo nguồn nhân lực ở trình độ đại học cho ngành dệt may, số lượng tuyển sinh của cả 12 trường này chỉ xấp xỉ 300 sinh viên/năm, chưa đủ cung cấp cho 25% nhu cầu của riêng Tập đoàn Dệt May Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2015, nếu tính cả nhu cầu của toàn ngành thì số lượng đào tạo hiện nay chỉ đáp ứng được chưa tới 10% nhu cầu. Vì vậy, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã đề xuất với Chính phủ và các Bộ ngành liên quan cho phép thành lập trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội trực thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam với chức năng đào tạo nguồn nhân lực cốt lõi trong lĩnh vực kỹ thuật và quản lý chuyên ngành dệt may. Hàng năm, trường Đại học này dự kiến sẽ đào tạo được khoảng 1000 nhân lực kỹ thuật và quản lý cho ngành dệt may ở trình độ đại học và cao đẳng.
Tổ chức các lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn
Tập đoàn Dệt May Việt Nam với sự trợ giúp của nhiều đối tác quốc tế, các trường đại học ở trong và ngoài nước đã, đang và sẽ tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức kỹ thuật và quản lý hiện đại cho đội ngũ cán bộ nguồn hiện tại và tương lai. Trong giai đoạn 2011 - 2015, Tập đoàn sẽ tổ chức 08 đến 10 khoá học do các giảng viên nước ngoài giảng dạy trực tiếp tại Việt Nam. Trong năm 2011, Tập đoàn đã triển khai 02 khoá học về kỹ thuật và quản trị chuyên ngành dệt may cho hơn 200 cán bộ do các giảng viên Nhật Bản trực tiếp giảng dạy. Ngoài ra, Tập đoàn Dệt May Việt Nam dự kiến tổ chức 50 – 60 khoá bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý và kỹ thuật của Tập đoàn trong giai đoạn 2011 – 2015. Ngay trong năm 2011, được sự giúp đỡ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Học viện Tài Chính, Language Link Việt Nam… Tập đoàn đã tổ chức 08 khoá bồi dưỡng quản trị, tiếng Anh, luật doanh nghiệp, kiểm soát viên cho hơn 300 lượt cán bộ cốt lõi của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn.
Tổ chức đào tạo Quản trị viên tập sự
Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã và đang triển khai mạnh mẽ chiến lược chuyển doanh nghiệp về các vùng nông thôn để giảm thiểu biến động lao động trong doanh nghiệp. Với mục tiêu chuẩn bị đội ngũ cán bộ cốt lõi, đảm bảo sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp ngay tại các vùng nông thôn, Tập đoàn Dệt May Việt Nam dự kiến tổ chức thường xuyên các chương trình Quản trị viên tập sự nhằm mục đích đào tạo cán bộ nguồn trong cả lĩnh vực quản lý và kỹ thuật cho các doanh nghiệp ngay tại khu vực nông thôn. Ngay trong năm 2012, Tập đoàn Dệt May Việt Nam sẽ tổ chức đào tạo 20- 40 cán bộ nguồn theo hình thức này tại miền Trung và dự kiến sẽ đào tạo 150 - 200 cán bộ nguồn theo hình thức này trong giai đoạn 2011 - 2015.
Hoàng Xuân Hiệp-Phó Ban QLNNL