"Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, thuộc tài sản quan trọng của quốc gia phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, trước mắt, lâu dài và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường."
Trên thực tế, từ nhiều năm nay dù Chiến lược trên chưa được phê duyệt và ban hành nhưng về cơ bản Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam đã tuân thủ và thực hiện tốt theo tinh thần mà Chiến lược này đề ra. Đó chính là việc Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch từng năm và kế hoạch dài hơi sát với tình hình thực tế nhằm đảm bảo sản xuất, kinh doanh than, khoáng sản sao cho hiệu quả nhất. Thời gian gần đây, công tác khai thác khoáng sản, nhất là than ngày càng gặp nhiều khó khăn, phải đầu tư chuẩn bị sản xuất rất lớn. Với riêng than, diện sản xuất ngày càng bị thu hẹp và xuống sâu nhiều nên tỷ suất đầu tư cho mỗi tấn than cao hơn hẳn so với trước đây. Rồi hàng loạt chi phí về xây dựng hạ tầng, bảo vệ môi trường khiến cho giá thành sản xuất đội lên khá cao. Tình hình thực tế còn buộc các đơn vị sản xuất phải đầu tư áp dụng những công nghệ mới trong khai thác, chế biến than. Và công tác khoan thăm dò, đánh giá chính xác trữ lượng trước khi tổ chức khai thác cũng là việc làm cần thiết, được thực hiện nghiêm túc và kỹ càng hơn trước kia.

Tại Chiến lược vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công tác đánh giá tổng thể tiềm năng một số loại khoáng sản quan trọng, như: Than nâu ở đồng bằng sông Hồng; bauxit, sắt laterit ở Tây Nguyên; đất hiếm - urani; chì kẽm ở Tây Bắc, Việt Bắc, Trung Bộ; liti, vàng ở Trung Trung Bộ; đá hoa trắng ở Bắc Bộ... phải được quan tâm và thực hiện nghiêm túc. Điều này rất phù hợp với thực tế bởi nếu không làm như vậy sẽ không thể xây dựng các dự án khai thác một cách hiệu quả.

Chiến lược còn quy định rõ, trong thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, đối với khoáng sản than, sẽ đẩy mạnh thăm dò phần sâu dưới -300 m đối với các mỏ ở bể than Quảng Ninh, Thái Nguyên, Quảng Nam; lựa chọn một số khu vực có triển vọng nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng, thăm dò đến mức sâu -1000 m. Lựa chọn phương pháp khai thác thử nghiệm tại một số khu vực thuộc bể than đồng bằng sông Hồng bảo đảm an toàn môi trường, không ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội trên mặt đất, làm cơ sở đề xuất giải pháp khai thác tổng thể bể than giai đoạn sau năm 2020. Đối với khoáng sản vàng, chỉ thăm dò, khai thác đối với mỏ vàng gốc. Công tác chế biến quặng vàng phải sử dụng công nghệ tiên tiến, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, nguồn nước; không thăm dò, khai thác vàng sa khoáng. Đối với các loại khoáng sản kim loại khác, thực hiện thăm dò, khai thác phải gắn với chế biến sâu chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước, không xuất khẩu quặng và sản phẩm sau chế biến. Bên cạnh đó, không khai thác đá vôi tại khu vực sườn núi dọc theo hai bên đường quốc lộ để bảo vệ cảnh quan; đối với khoáng sản đá vôi trắng, không xuất khẩu đá khối.

Như vậy, với việc ban hành “Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", Chính phủ đã tạo hành lang, giúp Tập đoàn Vinacomin và các đơn vị thành viên có được "kim chỉ nam" vững chắc cho việc hoạch định chiến lược phát triển cũng như xây dựng mục tiêu hoạt động những năm tới.