Rút ngắn đường vận chuyển xăng, dầu lên vùng cao
Thứ Năm, 02/02/2012|00:54
Cách đây tám năm, ngày 18-6-2004, theo quyết định của Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, chi nhánh xăng dầu Lai Châu được thành lập trực thuộc Công ty xăng dầu Tây Bắc. Với quyết tâm xây dựng mạng lưới cung ứng xăng, dầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng của tỉnh Lai Châu, những người thợ xăng, dầu đã xây dựng được một hệ thống cửa hàng xăng, dầu ở tất cả các huyện, thị xã và các trung tâm dân cư.
Cửa hàng xăng dầu Lai Châu vừa được đưa vào khai thác phục vụ nhu cầu của khách hàng. |
Nét đặc thù trong kinh doanh xăng, dầu ở tỉnh Lai Châu là cơ sở hạ tầng yếu kém, giao thông đi lại khó khăn hiểm trở, chi phí kinh doanh cao, một số cửa hàng sức chứa nhỏ, sản lượng bán ra ít. Do địa bàn rộng, giao thông cách trở, việc xây dựng và duy trì hoạt động của một số cửa hàng ở vùng cao, vùng sâu rất khó khăn, quãng đường vận chuyển hàng hóa dài. Riêng hai cửa hàng Mường Tè và Sìn Hồ, quãng đường vận chuyển xăng, dầu từ trung tâm tỉnh về đến trung tâm huyện xa hơn 200 km, chưa kể quãng đường vận chuyển từ Hà Nội lên phải vượt hơn 500 km.
Với nhiệm vụ chính trị được giao là kinh doanh xăng, dầu và các sản phẩm hóa dầu, bảo đảm đủ nguồn cung trong mọi tình huống, ngay từ khi thành lập, chi nhánh xăng dầu Lai Châu đã chủ động ổn định bộ máy, xác định rõ trách nhiệm của một doanh nghiệp chủ đạo, tập trung đáp ứng đầy đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng, phát triển kinh tế và an ninh - quốc phòng. Ðể hoàn thành được vai trò chủ đạo trên thị trường, chi nhánh tập trung phát triển mạng lưới cửa hàng bán lẻ, xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực và cơ chế quản lý điều hành kinh doanh phù hợp. Ngày thành lập hệ thống bán lẻ chỉ có bốn cửa hàng, đến nay đã có 18 cửa hàng. Trong năm 2012, tiếp tục xây dựng hai cửa hàng Sìn Hồ thấp và thị xã Lào Cai, hình thành mạng lưới trải đều ở các trung tâm kinh tế của tỉnh. Tại thị xã Lai Châu, có bốn cửa hàng đủ cung ứng xăng, dầu cho các hoạt động kinh tế, nhất là trong giai đoạn xây dựng cơ sở vật chất của một tỉnh mới. Ở huyện vùng sâu, vùng xa thuộc diện 62 huyện nghèo nhất cả nước là Mường Tè đã xây dựng cửa hàng xăng dầu phục vụ người tiêu dùng. Ngày mới thành lập, sản lượng bán ra chỉ đạt 10 nghìn đến 12 nghìn m3/năm. Ðến năm 2011, sản lượng bán ra đã đạt 35 nghìn m3/năm. Ðặc biệt, tại các công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Bản Chát, Hội Quảng, huyện Than Uyên và thủy điện Lai Châu, chi nhánh đã cung ứng đầy đủ xăng, dầu cho toàn bộ phương tiện thi công trên công trường. Riêng đối với dự án thủy điện Lai Châu, sau ngày khởi công, chi nhánh đã xây dựng trạm cấp phát xăng, dầu, sau đó đầu tư nâng cấp thành Cửa hàng Nậm Hằng sát chân công trình. Hiện nay, cửa hàng đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ cung ứng cho công trình từ 500 đến 700 m3/tháng.
Với những nỗ lực đáp ứng nhu cầu xăng, dầu trên địa bàn, những năm gần đây thị phần bán ra của Chi nhánh xăng dầu Lai Châu không ngừng tăng trưởng, chiếm 80% thị phần xăng, dầu toàn tỉnh, sản lượng bán ra các sản phẩm hóa dầu như ga, dầu nhờn cũng tăng nhanh. Thời gian gần đây, có thời điểm khi giá xăng, dầu thị trường thế giới tăng cao, các đại lý ngừng bán hàng, chi nhánh vẫn luôn có đủ nguồn hàng phục vụ, chủ động bình ổn thị trường. Trong những thời điểm khó khăn về nguồn, chi nhánh đã phát huy vai trò chủ đạo, chi phối thị trường. Những cố gắng tạo đủ nguồn hàng, tổ chức vận tải lên các huyện vùng cao, nhất là trong mùa mưa lũ và chủ động bán ra nên doanh thu kinh doanh xăng, dầu tăng trưởng đều hằng năm. Năm 2006, doanh thu mới đạt 122 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 5,2 tỷ đồng, đến năm 2011 đã tăng lên 680 tỷ đồng với mức nộp ngân sách Nhà nước 25 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 5,2 triệu đồng/tháng. Với những kết quả kinh doanh đạt được và đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của một tỉnh vùng cao, năm 2011 cán bộ, công nhân Chi nhánh xăng dầu Lai Châu đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Ðây là sự ghi nhận những đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu.
Ðánh giá về kết quả hoạt động trong những năm gần đây, Giám đốc chi nhánh xăng, dầu Lai Châu Nguyễn Văn Hùng phân tích: kinh doanh xăng, dầu ở vùng cao kéo theo nhiều khó khăn, vất vả. Trước đây, khi lấy hàng ở Ðức Giang (Hà Nội) vận chuyển bằng ô-tô lên tới trung tâm tỉnh, chúng tôi phải vượt chặng đường dài 508 km. Từ đây xăng, dầu vận chuyển về huyện xa nhất là Mường Tè phải đi tiếp 220 km. Ðường vận chuyển của hàng hóa dài kéo theo nhiều chi phí lưu thông và hao hụt cũng như rủi ro trên đường. Nhằm hỗ trợ chi nhánh thực hiện nhiệm vụ chính trị, lo đủ xăng, dầu cho sản xuất và tiêu dùng, khi chi nhánh được chuyển về trực thuộc Công ty xăng dầu Lào Cai, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam và công ty đã nghiên cứu đường vận chuyển hàng hóa, tập trung đầu tư xây kho trung chuyển tại TP Lào Cai với tổng vốn đầu tư 30 tỷ đồng, gồm bốn bể sức chứa 4.000 m3. Ðồng thời, thay đổi phương thức vận chuyển bằng đường bộ sang đường sắt lấy xăng, dầu từ kho Thượng Lý (Hải Phòng). Từ kho Lào Cai, xăng, dầu sẽ được xe bồn vận chuyển về các cửa hàng ở Lào Cai, Lai Châu và một phần của tỉnh Ðiện Biên. Ðây là phương án kinh doanh tối ưu, giúp chi nhánh tiết kiệm đến mức cao nhất chi phí lưu thông và hao hụt, chủ động bảo đảm nguồn hàng, hạn chế tác động do thời tiết khắc nghiệt và bất thường. Từ tháng 9-2009, khi đưa kho xăng, dầu Lào Cai vào khai thác, lấy hàng từ Lào Cai đưa lên trung tâm tỉnh chỉ phải đi 120 km, quãng đường đến các cửa hàng bán lẻ được rút ngắn, xăng, dầu được chuyển thẳng từ kho trung chuyển đến cửa hàng các huyện, thị xã, giúp tiết kiệm 50% chi phí vận chuyển và giảm hao hụt xuống còn một nửa so với trước đây.
Những kết quả kinh doanh cao liên tục trong nhiều năm qua bên cạnh sự nỗ lực của chi nhánh còn là thành quả của việc tập trung đầu tư của ngành cho một địa bàn khó khăn, phát triển mạng lưới bán hàng, qua đó giữ vững vai trò chủ đạo và khẳng định thương hiệu của Petrolimex trên thị trường. Thành quả ấy gắn liền với sự hỗ trợ tích cực của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và trực tiếp là Công ty xăng dầu Lào Cai.
NĂM 2012, toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức Chi nhánh xăng dầu Lai Châu tiếp tục phấn đấu giữ vững và mở rộng thị phần bán lẻ xăng, dầu và các sản phẩm hóa dầu; tăng cường đầu tư phát triển mạng lưới, xây dựng các cửa hàng bán lẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Phát huy và sử dụng các nguồn lực để tăng khả năng cạnh tranh, xứng đáng với vai trò vị trí chủ đạo của một doanh nghiệp Nhà nước đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa.
PHAN HÙNG
Nguồn: Báo Nhân dân điện tử
.