.
.

Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam đạt tổng doanh thu năm 2011 là 27.391 tỷ đồng

Thứ Năm, 12/01/2012|21:14

(ĐUKDNTW) - Năm 2011 là năm được coi là “khó khăn kép” với ngành Xi măng (XM) khi thị trường cung vượt cầu, giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt lãi suất vốn vay tăng đến đỉnh điểm (21,5%) cùng tỷ giá ngoại tệ luôn ở mức cao… Nhưng vượt qua mọi thách thức, TCty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) đã cán đích thành công.

 

Tổng sản phẩm tiêu thụ tăng
 
Chưa bao giờ “bài toán cạnh tranh” trong lĩnh vực XM lại được nhắc đến nhiều như thế. Cũng không khó hiểu bởi trong khi năng lực sản xuất toàn ngành XM năm 2011 tăng 1 triệu tấn so với năm 2010, đạt 56 triệu tấn XM, mức tiêu thụ nội địa giảm 1 triệu tấn so với năm 2010 chỉ còn 49 triệu tấn, thì một hệ quả tất yếu của thị trường khi cung vượt cầu thì cạnh tranh càng thêm khốc liệt (kể cả cạnh tranh không lành mạnh), khiến nhiều DN gặp khó khăn và không ít DN đau đớn chấp nhận mất “miếng bánh thị phần” vào tay người khác vì họ bán giá thấp, chiết khấu cao, áp dụng “hàng loạt các chiêu bài” mà chỉ người trong cuộc mới thấm.
 
Vượt lên mọi khó khăn thách thức, bằng chiến lược sản xuất kinh doanh và tiêu thụ phù hợp, không ngừng nâng cao chất lượng - thương hiệu sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, bám sát thị trường và đưa ra những chính sách hợp lý, tăng cường quản lý và xây dựng hệ thống quản lý giám sát XM về đến tận địa bàn tiêu thụ, triển khai áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ giữ ổn định và nâng cao chất lượng clinker, chất lượng phụ gia, tiếp tục gắn kết nhà phân phối và nhà sản xuất… VICEM tiếp tục nâng tổng sản phẩm tiêu thụ (XM và clinker) năm 2011 lên con số 18,58 triệu tấn, đạt 104,2% và tăng nhẹ 0,5% so với năm 2010, doanh thu 27.391 tỷ đồng (đạt 128,6%), lợi nhuận 540 tỷ đồng, tiếp tục giữ vai trò bình ổn và dẫn dắt thị trường, thực hiện nghiêm Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
 
Khẳng định nội lực
 
Nhưng ở thời điểm này thì câu chuyện cạnh tranh chỉ là câu chuyện nhỏ trong câu chuyện lớn mà ngành XM phải “đau đầu” đối mặt suốt 1 năm qua, đó là giá các vật tư nhiên liệu đầu vào tăng cao (giá xăng tăng từ 32 - 43%, điện tăng 15,28%, giá than tăng 88%), mức chênh lệch tỷ giá ngoại tệ quá lớn, lãi suất vốn vay tăng đạt đỉnh điểm 21,5%, làm chi phí tài chính tăng tới 276,6% - một con số giật mình - đúng thời điểm các nhà máy XM như Hoàng Thạch, Hải Phòng, Bút Sơn, Bỉm Sơn, Hoàng Mai, Tam Điệp… đến kỳ trả nợ đầu tư. Với một ngành có suất đầu tư lớn, vốn vay đầu tư chủ yếu là ngoại tệ thì trả nợ thời điểm này được coi là bất lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của DN nhưng… không thể không trả!
 
“Cái khó ló cái khôn”, một mặt VICEM chỉ đạo các đơn vị thành viên tiếp tục tăng năng suất lao động, tăng hiệu suất sử dụng lò, tìm mọi biện pháp để tăng tiêu thụ sản phẩm, tiết kiệm triệt để chi phí sản xuất, chi phí bán hàng, giảm tồn kho, giảm chi phí vốn vay để giảm giá thành sản xuất… một mặt tìm biện pháp tăng xuất khẩu XM, biện pháp được coi là “cứu cánh” tại thời điểm này. Mặc dù xuất khẩu XM không lãi như kỳ vọng nhưng đổi lại DN có thêm nguồn ngoại tệ để trả nợ đầu tư. Cuối cùng mọi nỗ lực của VICEM cũng được đền đáp, trong gần 6 triệu tấn xuất khẩu toàn Ngành đạt được năm 2011 (tăng 3 triệu tấn so với năm 2010) thì VICEM chiếm 1,2 triệu tấn. Nhờ có phương án kinh doanh tốt, các đơn vị thành viên của VICEM đều hoàn thành tốt việc trả nợ đầu tư, bảo toàn và phát triển vốn. Đây là cố gắng đáng ghi nhận của VICEM và các đơn vị thành viên, đúng như lời Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định: “Trước những khó khăn, VICEM đã trụ vững, thể hiện ở con số tăng trưởng về tổng sản phẩm tiêu thụ, doanh thu, trả nợ vay tốt và giữ được lợi nhuận trên 500 tỷ đồng. Đây là kết quả đáng mừng, thể hiện nội lực VICEM biến đổi theo chiều hướng tốt, tiềm năng và thế đứng của VICEM đáng yên tâm”.
 
“Năm công nghệ của VICEM”
 
Năm 2012 được dự báo là còn nhiều khó khăn nhưng VICEM vẫn quyết tâm phấn đấu thực hiện mục tiêu với tổng sản phẩm và tiêu thụ đạt 19 - 20 triệu tấn, sản xuất clinker trên 14,5 triệu tấn, doanh thu 30 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận tối thiểu đạt trên 500 tỷ đồng; phấn đấu đưa vào sử dụng dây chuyền của XM Hà Tiên 2; tiếp tục triển khai dự án xây dựng trụ sở mới của VICEM, Khu đô thị XM Hải Phòng, khu Vĩnh Tuy, đồng thời tiếp tục làm việc với địa phương hoàn chỉnh kế hoạch hỗ trợ các huyện nghèo.
 
Ông Lê Văn Chung - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM cho biết, bên cạnh các biện pháp chiến lược mà VICEM sẽ thực hiện thì năm 2012 sẽ là “năm công nghệ của VICEM”, là năm các đơn vị trong toàn hệ thống VICEM sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai và áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, đẩy mạnh chương trình tận dụng nhiệt thừa để phát điện và tận dụng nhiệt thải làm năng lượng đốt lò… “VICEM sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2012 với mục tiêu 2 triệu tấn xuất khẩu, nhằm góp phần cân đối cung - cầu và hỗ trợ thị trường trong nước đồng thời tăng thu ngoại tệ cho TCty” - ông Chung nhấn mạnh.
 
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, VICEM cần đẩy mạnh tái cấu trúc DN, tìm mọi biện pháp giảm chi phí, triển khai các dự án sử dụng năng lượng thay thế, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng năng xuất lao động, có lộ trình cụ thể để điều chỉnh giá XM sát giá thị trường nhằm tập trung xây dựng một VICEM thống nhất, lớn mạnh không ngừng.
 
Báo Xây dựng
.
.
.
.