Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ IV - năm 2019:
Bưu điện - Văn hóa xã, cầu nối giữa dân với Đảng
Với thế mạnh sẵn có hơn 8.000 điểm Bưu điện - Văn hóa xã (BĐ-VHX) bám trọn hầu hết các tuyến xã trong toàn quốc, trong số đó có đến hơn 3.000 điểm nằm trong khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng viễn thông công ích, vùng đặc biệt khó khăn; hệ thống BĐ-VHX do Bưu điện Việt Nam quản lý và vận hành tập trung, hiện là kênh truyền thông hiệu quả góp phần đưa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến gần dân nhất.
Chi trả trợ cấp cho người dân tại BĐ-VHX Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. |
Ý nghĩa của sự ra đời…
Những năm đầu công cuộc đổi mới Đảng và Nhà nước ta đã chỉ rõ Bưu chính - Viễn thông là một ngành thuộc kết cấu hạ tầng kỹ thuật rất quan trọng của nền kinh tế quốc dân, gắn bó chặt chẽ với an ninh, quốc phòng. Vì vậy trong “Chiến lược phát triển bưu chính, viễn thông đến năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2020”; ngành Bưu điện nhận thức rõ vai trò nhiệm vụ của mình là phải tăng tốc độ phát triển và hiện đại hoá mạng lưới thông tin nên đã quyết định đi thẳng vào công nghệ mới hiện đại, theo hướng “số hoá, tự động hoá và đa dịch vụ”, mở rộng mạng lưới bưu chính viễn thông hướng về nông thôn, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.
Để góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương V khoá VIII “Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hoá, vì xã hội công bằng văn minh, con người phát triển toàn diện”, năm 1998 Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, nay là Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã thực hiện chủ trương triển khai xây dựng BĐ-VHX trên phạm vi cả nước, một mô hình mang đậm tính xã hội nhiều hơn là mục đích kinh tế.
Với mục tiêu: Đưa khoa học kỹ thuật, pháp luật và công nghệ thông tin đến 80% cư dân vùng nông thôn, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn, giúp cho người dân vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được tiếp cận và hưởng thụ những lợi ích của các dịch vụ bưu chính viễn thông, kích thích nhu cầu sử dụng thông tin để phát triển kinh tế vùng nông thôn, đồng thời phục vụ thông tin liên lạc cho các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân địa phương; khai thác, tận dụng và phát huy nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng hiện có để phát triển văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí cho người dân. Tạo ra hệ thống điểm đọc bổ sung rộng khắp trên toàn quốc, phục vụ người dân đọc sách báo miễn phí; tiếp nhận Công báo của Chính phủ, sách báo từ các Bộ, Ngành, hội đoàn thể, đơn vị và cá nhân từ Trung ương đến địa phương quyên góp, gửi tặng phục vụ văn hóa đọc cho người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, biên giới; phát triển kinh tế nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Tạo cơ hội việc làm cho hàng ngàn lao động tại khu vực nông thôn có việc làm ngay trên chính quê hương mình góp phần giải quyết thiếu việc làm tại nông thôn.
Với các tiêu chí xây dựng đặt ra tại thời điểm đó là: ưu tiên những xã chưa có bưu cục phục vụ; những xã đã có điện lưới quốc gia; những xã có khả năng lắp đặt điện thoại; những xã được chính quyền địa phương cấp đất tại các vị trí thuận tiện cho việc đi lại sử dụng dịch vụ và đọc sách báo của nhân dân,… Chủ trương xây dựng BĐ-VHX vào thời điểm đó đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Đảng, nhà nước, chính quyền các cấp và người dân nông thôn. Đây là một nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, có vai trò quyết định đối với việc ổn định kinh tế - xã hội vùng nông thôn, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững chung của cả nước.
Giai đoạn 1998 - 2005, hệ thống BĐ-VHX vừa hoàn thành việc xây dựng trên phạm vi toàn quốc vừa thực hiện cung cấp các dịch vụ bưu chính viễn thông và tổ chức phục vụ hoạt động đọc sách báo miễn phí. Đây được coi là thời kỳ hoàng kim của BĐ-VHX với mức doanh thu dịch vụ viễn thông chiếm tới hơn 90% tổng doanh thu của toàn hệ thống. Tính đến hết năm 2005, toàn quốc đã xây dựng 8.355 BĐ-VHX, trong đó có 1.524 điểm thuộc các xã đặc biệt khó khăn, biên giới và hải đảo.
Sự ra đời của mô hình BĐ-VHX được ghi nhận là bước đi sáng tạo của VNPT trong việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, nhà nước về đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương V, khóa VIII. Giúp cho việc thực hiện được đồng thời rất nhiều mục tiêu tại thời điểm đó bao gồm: Phát triển cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn; đưa các dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp cận với người nông dân, đặc biệt tại vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; phục vụ thông tin liên lạc cho các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương; tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí cho người dân vùng nông thôn. Tạo ra hệ thống điểm đọc bổ sung rộng khắp trên toàn quốc, phục vụ nhân dân đọc sách báo miễn phí qua đó tuyên truyền phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa khoa học kỹ thuật, pháp luật và công nghệ thông tin đến với cư dân vùng nông thôn, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Nói về tên gọi và những đóng góp của BĐ-VHX trong đời sống xã hội giai đoạn 2018 - 2005, ông Đỗ Trung Tá, Nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông, người được mệnh danh là "cha đẻ" của hệ thống BĐ-VHX chia sẻ: “Tên gọi điểm BĐ-VHX với mong muốn rằng đây sẽ là điểm sáng ở nông thôn cả về bưu chính viễn thông và văn hóa, là nơi tụ họp của người dân trong xã để được hưởng những thiết chế văn hóa miễn phí, hưởng các dịch vụ bưu chính viễn thông. Sự xuất hiện của BĐ-VHX đã góp phần cho cuộc sống tinh thần của người dân nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa được nâng lên đáng kể”.
Quyết tâm đổi mới để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị…
Năm 2008, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (nay là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) ra đời, được giao tiếp nhận quản lý và phát triển hệ thống BĐ-VHX. Đây cũng là thời điểm hệ thống BĐ-VHX chính thức được công nhận là thành phần của mạng bưu chính công cộng (BCCC) theo Quyết định 65/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 50/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông. Mặc dù là thành tố của mạng BCCC được nhà nước đầu tư và duy trì để cung cấp dịch vụ BCCI nhưng trên thực tế hệ thống BĐ-VHX còn đảm nhiệm chức năng rộng hơn, mang tính xã hội cao hơn đó là tổ chức phục vụ đọc sách báo, tra cứu thông tin miễn phí phục vụ cộng đồng và gần đây là đảm nhiệm thêm vai trò làm điểm tựa cho các chương trình dự án của Đảng, Nhà nước về nông thôn.
Tại thời điểm tiếp nhận, hệ thống BĐ-VHX ở tình trạng xuống cấp nghiêm trọng do hầu hết đều có thời hạn sử dụng trên 10 năm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị chưa được quan tâm đầu tư, sửa chữa. Các dịch vụ cung cấp tại BĐ-VHX đang ở tình trạng bão hòa, nhu cầu sử dụng thấp dẫn đến hấu hết các điểm đều hoạt động cầm chừng, không hiệu quả. Tuy nhiên, nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của hệ thống BĐ-VHX đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Trong khả năng có thể, Bưu điện Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì tồn tại để cung ứng dịch vụ công ích theo Quyết định 65, tập trung đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, các dịch vụ hành chính công như chi trả BHXH, cấp đổi CMND, TKBĐ… Đồng thời triển khai có hiệu quả các chương trình dự án của chính phủ, các tổ chức phi chính phủ như Dự án “Tăng cường đưa nội dung thông tin về cơ sở” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đưa thông tin về cơ sở, miền núi, vùng sâu, vùng xa tại gần 4.000 BĐ-VHX trên địa bàn 54 tỉnh; Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng” do Quỹ BMGF tài trợ tại 1.000 BĐ-VHX thuộc 40 tỉnh; chương trình phối hợp liên ngành giữa Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tăng cường tổ chức hoạt động đọc sách báo miễn phí tại các BĐ-VHX thuộc chương trình nông thôn mới và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng” được triển khai tại 1.000 BĐ-VHX thuộc 40 tỉnh. |
Đặc biệt năm 2014, Bưu điện Việt Nam đã mở hai Bưu điện - Văn hóa tại đảo Trường Sa Lớn và đảo Sinh Tồn. Hai điểm Bưu điện - Văn hóa đảo được trang bị đồng bộ thiết bị, bàn ghế tủ quầy, khu đọc sách báo, máy tính kết nối Internet, điện thoại cùng các dịch vụ bưu chính viễn thông khác như ở đất liền. Việc mở các điểm phục vụ bưu chính của Bưu điện Việt Nam ngay trên các đảo Trường Sa, không chỉ tạo điều kiện thuận tiện hơn cho người dân và các cán bộ, chiến sỹ trong việc liên lạc, trao đổi thông tin với người thân mà còn góp phần rút ngắn khoảng cách giữa hải đảo và đất liền. Bên cạnh đó, dấu nhật ấn đóng lên bưu kiện, bưu phẩm… từ đảo về đất liền cũng góp khẳng định chủ quyền đất nước trên quần đảo Trường Sa của đất nước. Đồng thời qua đó để nhân dân cả nước luôn có được thông tin đời sống của nhân dân và chiến sĩ trên đảo, chia sẻ và động viên cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi đầu sóng ngọn gió đối mặt với nhiều khó khăn để giữ vững chủ quyền của đất nước.
Tuy nhiên, với mục tiêu duy trì và phát triển hệ thống BĐ-VHX để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị, đóng góp nhiều hơn cho xã hội, cho cộng đồng và doanh nghiệp, ngày 8/3/2014, Bưu điện Việt Nam đã ban hành Chỉ thị 03/CT-BĐVN phát động Chiến dịch Đổi mới hoạt động tại BĐ-VHX trên quy mô toàn quốc với 05 giải pháp đồng bộ được Bưu điện Việt Nam tập trung triển khai đó là:
(1) Giải pháp về tổng thể: Thực hiện rà soát, xây dựng đề án quy hoạch lại hệ thống BĐ-VHX đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước các cơ chế hỗ trợ, các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động phù hợp với từng địa bàn, nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân, năng lực của nhân viên BĐ-VHX và nguồn lực của doanh nghiệp. Theo đó, căn cứ vào thực trạng hoạt động tại các BĐ-VHX, Bưu điện Việt Nam sẽ tổ chức lại hoạt động của hệ thống BĐ-VHX theo các nhóm để có định hướng phát triển cho phù hợp.
(2) Về cơ sở hạ tầng: Thực hiện sửa chữa, khang trang cơ sở vật chất, trang thiết bị tại BĐ-VHX đủ điều kiện cung cấp dịch vụ theo hệ thống nhận diện thương hiệu của Bưu điện Việt Nam theo các cấp độ ưu tiên, đảm bảo đến hết năm 2020 toàn bộ hệ thống BĐ-VHX sẽ được từng bước nâng cấp theo lộ trình đủ điều kiện để thực hiện cung cấp dịch vụ theo định hướng phát triển của Bưu điện Việt Nam. Từ năm 2014 - 2018, Bưu điện Việt Nam đã thực hiện cải tạo sửa chữa hơn 5.200 điểm, chiếm 65% số điểm với tổng số vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng. Các BĐ-VHX được trang bị máy tính, máy in kết nối online, từ 1.000 điểm triển khai dự án nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam mới có máy tính và kết nối online năm 2012, hiện tại số điểm online đã lên tới hơn 5.400 điểm.
(3) Triển khai kinh doanh đa dịch vụ tại các BĐ-VHX. Ưu tiên sử dụng các BĐ-VHX để cung cấp các dịch vụ hành chính công (chi trả BHXH, thu nộp tiền điện, nước, chuyển phát giấy phép lái xe, chứng minh nhân dân...), dịch vụ tài chính bưu chính, phân phối truyền thông tại các BĐ-VHX tại địa bàn thuận lợi, khu tập trung dân cư để nâng cao hiệu quả. Hiện tại, đã có hơn 80% BĐ-VHX đang hoạt động theo mô hình đa dịch vụ. Trong đó, hơn 3.000 điểm đã có Trưởng BĐ-VHX.
(4) Về nhân lực: Từ đầu năm 2013, Bưu điện Việt Nam thực hiện điều chỉnh mức thù lao và các chế độ chính sách theo hướng tiệm cận với các chức danh lao động tương đồng trong toàn hệ thống. Nếu như năm 2008, thu nhập của nhân viên BĐ-VHX bình quân chỉ từ 650.000 đồng/người/tháng thì đến thời điểm hiện tại mức thu nhập bình quân trên toàn hệ thống BĐ-VHX là 3 triệu đồng. Cá biệt nhiều nhân viên BĐ-VHX có mức thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng. 100% nhân viên BĐ-VHX được đóng BHXH, BHYT, được hưởng chế độ khám sức khỏe, bảo hộ lao động, thi đua khen thưởng, thăm quan, nghỉ mát và nhiều chế độ ưu đãi khác.
(5) Các biện pháp hỗ trợ: Phát động phong trào thi đua các cấp, các tổ chức đoàn thể hướng tới BĐ-VHX, tập trung vào các vấn đề trọng điểm: phát triển kinh doanh, nâng cao chất lượng, củng cố BĐ-VHX. Tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng kinh doanh cho 100% lao động BĐ-VHX. Tổ chức đánh giá và khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của toàn thể cán bộ công nhân viên đối với hoạt động của BĐ-VHX.
Quả ngọt từ những nỗ lực không ngừng nghỉ…
Từ mục đích ra đời ban đầu để thực hiện nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ Bưu chính - Viễn thông, đưa các thiết chế về văn hóa, trước hết là văn hóa đọc cho người dân nông thôn. Trải qua gần 20 năm phát triển, hệ thống BĐ-VHX có những lúc thăng, trầm, có lúc tưởng chừng như đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Tuy nhiên, với định hướng đúng đắn, sự nỗ lực của Bưu điện Việt Nam, hệ thống BĐ-VHX đã có những bước chuyển mình tích cực đóng góp có hiệu quả vào kết quả hoạt động chung của doanh nghiệp. Doanh thu tại hệ thống BĐ-VHX có những thay đổi ấn tượng, từ năm 2013 chỉ đạt gần 70 tỷ, 2014 tăng lên gần 200 tỷ, 2015 đạt hơn 420 tỷ đồng, năm 2016 đạt gần 900 tỷ đồng, năm 2017 là gần 1.900 tỷ đồng, và đến hết năm 2018 đạt hơn 2.000 tỷ. Năm 2019, kế hoạch doanh thu dự kiến là 3.600 tỷ, tăng 1.84 lần so với năm 2018, chiếm 14% tổng doanh thu toàn Tổng công ty.
BĐ-VHX làm tốt cả nhiệm vụ phục vụ công ích và phát triển kinh doanh hiệu quả. |
Hiện tại, nhiều BĐ-VHX đã làm tốt cả 2 nhiệm vụ là phục vụ công ích và tổ chức phát triển kinh doanh hiệu quả. Không chỉ dừng lại với các dịch vụ bưu chính truyền thống, hầu hết các BĐ-VHX giờ đây là nơi chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội, chuyển phát các dịch vụ hành chính công, các ấn phẩm truyền thông của Đảng, nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, mà còn là nơi cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích như huy động tiết kiệm Bưu điện, chuyển tiền Bưu điện, Bảo hiểm Bưu điện (bao gồm cả Bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ), phân phối hàng tiêu dùng về nông thôn, cung cấp sản phẩm sách, vở, lịch, đặc biệt là các thiết bị viễn thông - truyền hình kỹ thuật số phục vụ bà con nông thôn góp phần hoàn thành lộ trình số hóa truyền hình của Chính phủ.
Đặc biệt, sau khi thử nghiệm thành công mô hình BĐ-VHX cung cấp các dịch vụ hành chính công tại một số địa bàn, tháng 5/2019, Bưu điện Việt Nam tiếp tục nghiên cứu xây dựng và triển khai Phương án tổ chức BĐ-VHX thành cấp quản lý thứ tư trong hệ thống tổ chức sản xuất của Tổng công ty và Đề án “Phát triển điểm phục vụ bưu chính công cộng tại xã (BĐ-VHX) gắn kết với hoạt động phục vụ cộng đồng”. Đây là nền tảng vững chắc để Bưu điện Việt Nam chủ động thực hiện Quyết định 45 về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, tham gia sâu vào các dịch vụ công của Chính phủ, các hoạt động an sinh xã hội với mục tiêu trở thành cầu nối, cánh tay nối dài giữa người dân với Đảng.
Nói về vai trò và vị trí của hệ thống BĐ-VHX đối với sự phát triển của Bưu điện Việt Nam, đồng chí Phạm Anh Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (nay là Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), người chủ trì khởi xướng và chỉ đạo triển khai Chiến dịch đổi mới BĐ-VHX khẳng định, hệ thống BĐ-VHX là thế mạnh riêng có của Bưu điện Việt Nam. Việc duy trì và phát triển BĐ-VHX là nhiệm vụ sống còn, là nền tảng quan trọng để Bưu điện Việt Nam triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Đây cũng chính là cơ sở, là điều kiện để Bưu điện Việt Nam tiên phong trong thực hiện các đề án, dự án lớn mang tính chiến lược của Chính phủ từng bước trở thành cánh tay nối dài, bộ mặt của Chính phủ trong phục vụ người dân góp phần xây dựng nền hành chính công rõ ràng, minh bạch, đi đầu trong xây dựng doanh nghiệp chuyển đổi số, doanh nghiệp Bưu chính công nghệ, nền tảng để xây dựng chính phủ điện tử và hướng tới mục tiêu doanh nghiệp vì cộng đồng./.
Bùi Minh Ngà - Đảng ủy Tổng công ty Bưu điện Việt Nam