Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ IV - năm 2019:
Chuyện về những người chia sẻ tri thức, kết nối cộng đồng, cổ vũ sáng tạo
Ngày 12/9, tôi nhận nhiệm vụ truyền thông sự kiện “Lễ ra mắt nền tảng Bản đồ số Việt Nam - Vmap và Hệ thống thông tin nhân đạo - iNhandao” trong khuôn khổ Đề án Chính phủ “Phát triển Hệ tri thức Việt số hoá” - khi tôi mới chân ướt chân ráo về công tác tại Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post).
Lễ ra mắt Bản đồ số Vmap. |
Một Đề án lớn, với hai dự án tiên phong ra mắt công chúng, và mốc sự kiện được chốt diễn ra vào đầu tháng 10 - khối công việc rất bộn bề trong khoảng thời gian rất ngắn. Khi hoàn thành nhiệm vụ, nhìn lại, tôi thực sự ấn tượng và cảm phục những người đã đặt nền móng đầu tiên cho cây tri thức Việt, trong đó có đội ngũ những “người bưu điện” năng động, sáng tạo, nhạy bén, đầy nhiệt huyết với cộng đồng, họ luôn đoàn kết chung tay hướng tới mục đích lớn lao: lan tỏa tri thức, góp phần xây dựng, phát triển đất nước.
Những người cán bộ thời đại 4.0
Là nhân sự mới, thông qua sự kiện ra mắt Bản đồ số Việt Nam - Vmap (Bản đồ số Vmap), cũng là cơ hội để tôi hiểu sâu hơn về “ngôi nhà chung” Bưu điện Việt Nam của mình, về giá trị thương hiệu, chất lượng dịch vụ, kết quả kinh doanh, năng lực lãnh đạo, năng lực đổi mới, tính bền vững, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp… mà lâu nay đã được xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Với dự án Bản đồ số Vmap, Bưu điện Việt Nam đã thể hiện rõ ngày càng tham gia sâu hơn vào việc triển khai Chính phủ điện tử và chuyển đổi số, đóng góp thiết thực cho cộng đồng ngày càng sâu rộng.
Cuối năm 2018, Bưu điện Việt Nam được giao nhiệm vụ chủ trì trong dự án nền tảng Bản đồ số Việt Nam - Vmap, thiết lập và đảm bảo hạ tầng cho hệ thống; xây dựng phương án thu thập, rà soát dữ liệu… đồng thời phối hợp cùng với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng và triển khai dự án nhằm tạo lập và chia sẻ dữ liệu nền tảng địa chỉ tới từng số nhà, từng địa chỉ trên quy mô toàn quốc (gồm địa chỉ các địa danh: cơ quan hành chính, trường học, văn hóa, y tế, giáo dục, các địa danh du lịch, cửa hàng… và cả địa chỉ nhà dân). Dự án là nền tảng bản đồ của người Việt, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bản đồ nền (các lớp bản đồ về biên giới, hành chính, giao thông, sông ngòi…); cơ sở dữ liệu chứa các thông tin về tọa độ, thông tin đi kèm của các đối tượng; xây dựng các ứng dụng sử dụng bản đồ đi kèm, vừa đảm bảo phục vụ yêu cầu trong việc quản lý nhà nước vừa đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, địa chỉ của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân, là cơ sở để các doanh nghiệp có thể sử dụng để tạo ra các ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: giáo dục, văn hóa, du lịch…
Người đứng đầu Bưu điện Việt Nam thời điểm nhận nhiệm vụ triển khai Bản đồ số Vmap là đồng chí Phạm Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty (hiện là Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông). Đồng chí Phạm Anh Tuấn vốn là người lãnh đạo nhiệt huyết, năng động, dám nghĩ dám làm, từng được nhận danh hiệu Nhà lãnh đạo trẻ Đông Nam Á 2013 - đồng chí đã nhìn nhận lợi thế mạng lưới bưu điện với hơn 12.000 điểm phục vụ cùng hơn 50.000 lao động và hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, cùng kinh nghiệm thu thập dữ liệu trong nhiều lĩnh vực, phủ tới tận xã, phường, thôn, bản khắp các tỉnh thành trên mọi miền Tổ quốc. Từ đó, quán triệt Đảng bộ toàn mạng lưới chỉ đạo cán bộ, đảng viên, người lao động kế thừa và phát huy kinh nghiệm từ các dự án liên quan đến thu thập dữ liệu trên toàn quốc mà Bưu điện Việt Nam đã thực hiện thành công trước đó như: thu thập dữ liệu hộ gia đình tham gia Bảo hiểm y tế, dữ liệu thông tin, hình ảnh về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ; dữ liệu mã bưu chính quốc gia… để triển khai dự án Bản đồ số Vmap.
Bí thư Đảng ủy Phạm Anh Tuấn luôn nhất quán quan điểm chỉ đạo từ Đảng ủy xuyên suốt tới chuyên môn là Tổng công ty luôn sẵn sàng huy động mọi nguồn lực tham gia thực hiện các đề án, dự án cộng đồng, đóng góp cho xã hội. Từ quan điểm đó, hàng loạt văn bản đã được Bưu điện Việt Nam ban hành như: Văn bản số 4991/BĐVN-KTCN về việc triển khai thu thập dữ liệu dự án “Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam” thuộc Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa”; Văn bản số 6049/BĐVN-KTCN về việc Triển khai thu nhập dữ liệu dự án “Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam” thuộc Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” giai đoạn II; Văn bản số 1128/BĐVN-KTCN về việc thực hiện quy trình rà soát dữ liệu địa chỉ dự án án “Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam” thuộc Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa”… để các đơn vị toàn mạng lưới thống nhất triển khai.
Đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đồng chí Phạm Anh Tuấn (ngoài cùng bên trái) tại Lễ ra mắt Bản đồ số Vmap. |
Nói đi đôi với làm, trong khoảng thời gian ngắn nhận nhiệm vụ triển khai Bản đồ số Vmap, người đứng đầu Đảng bộ của Bưu điện Việt Nam đã cấp tập đi tới nhiều địa phương đặt vấn đề về việc Bưu điện Việt Nam tham gia vào các dịch vụ công, tham gia Đề án "itrithuc" và kêu gọi lãnh đạo các địa phương cùng chung tay hỗ trợ, ủng hộ Bưu điện Việt Nam. Hai địa phương có mạng lưới bưu điện hoạt động hiệu quả là Phú Yên và Hậu Giang được chọn thí điểm triển khai dự án ngay trong tháng 11/2018. Thông qua Smartphone đã cài đặt phần mềm có các tính năng thu thập dữ liệu, gắn tọa độ, thời gian, chụp ảnh… mỗi người bưu điện thực hiện thu thập tên địa chỉ (hộ gia đình, cửa hàng, địa điểm…), địa chỉ chi tiết của địa điểm (số nhà, đường phố, hẻm, xóm…) và các ghi chú về loại đối tượng (nhà hàng, nhà dân, ngân hàng, chợ…). Sau khi xác nhận thông tin chuẩn, dữ liệu được tích hợp và đưa lên bản đồ số Việt Nam tại địa chỉ https://map.itrithuc.vn.
Đồng chí Phạm Anh Tuấn cũng nhanh chóng làm việc với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, phối hợp huy động kêu gọi các đoàn viên thanh niên cả nước, trong đó có lực lượng đoàn viên thanh niên Bưu điện Việt Nam cùng phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, là cánh tay nối dài của Đảng cùng tham gia thu thập dữ liệu thông tin, địa chỉ cho Dự án cộng đồng đầy ý nghĩa này.
Sau thí điểm, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam chỉ đạo toàn mạng lưới triển khai đồng loạt ra quân thu thập dữ liệu địa chỉ từ ngày 14/1. Bưu điện khắp các tỉnh thành trên toàn quốc thời điểm đầu năm 2019 “nóng” lên với Bản đồ số Vmap, cùng nỗ lực thu thập địa chỉ, dành nhiều tâm sức phục vụ cộng đồng. Trong câu chuyện với những người trực tiếp tham gia dự án, nhắc đến Bí thư Đảng ủy Tổng công ty mỗi cán bộ, đảng viên đều nhìn nhận một người chỉ huy đầy nỗ lực, luôn phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, nhiệt tình, trách nhiệm với những giải pháp quyết liệt để tìm ra cho hướng đi hiệu quả. Căn phòng làm việc của đồng chí Phạm Anh Tuấn luôn sáng đèn lúc đêm khuya khi cùng cán bộ, nhân viên trao đổi phương án kỹ thuật, góp ý các sáng kiến hoàn thiện app thu thập dữ liệu địa chỉ, lựa chọn các phương án tổ chức thực hiện việc thu thập địa chỉ trên mạng lưới, dù lúc ấy đã mệt mỏi sau ngày dài làm việc…
Chia “lửa” với vị “tổng tư lệnh”, nhiều nhân sự khác trong dự án cũng không nề hà vất vả, không quản ngại khó khăn, như nữ Trưởng Ban Kỹ thuật Công nghệ Vũ Thanh Xuân - hạt nhân quan trọng trong Tổ triển khai đề án “Tri thức Việt số hoá” và “Chính phủ điện tử”. Chị Xuân là nữ Bí thư của chi bộ Ban Kỹ thuật Công nghệ được các đảng viên, chuyên viên trong ban nhìn nhận luôn gương mẫu, gần gũi, lắng nghe, tiếp thu nên được cán bộ, đảng viên, đồng nghiệp đồng tình hưởng ứng và triển khai hiệu quả công việc. Người phụ nữ có vóc dáng bé nhỏ luôn đi đầu trong các phong trào thi đua sáng tạo, ứng dụng đề tài khoa học, kỹ thuật tự động hoá, công nghệ thông tin trong Tổng công ty được giao chủ trì Dự án bản đồ số Vmap.
Trong thời gian thực hiện dự án Bản đồ số Vmap, các thành viên dự án luôn sẵn sàng tinh thần “no hours” (làm việc không tính giờ) của nữ chỉ huy để cùng hoàn thành tốt nhất công việc. Những người tham gia Đề án itrithuc cũng thường trêu đùa chị Xuân là “nữ tướng công nghệ” tả xung hữu đột giữa đội ngũ kỹ thuật hầu hết toàn nam giới râu ria, chè thuốc. Chị còn thành gương mặt thân quen “từ hàng gửi xe” tại các bộ, ban, ngành khi phải chạy đôn chạy đáo đi lấy dữ liệu, cập nhật thông tin trong suốt quá trình triển khai dự án… Người nữ Bí thư xông xáo của chi bộ đã có không ít những đêm dài thức trắng trăn trở cùng đồng nghiệp xây dựng phương pháp, giải pháp phương án kỹ thuật, công cụ, quy trình hướng dẫn các đơn vị thu thập dữ liệu, giải đáp những vướng mắc phát sinh nhằm hoàn thiện nền tảng Bản đồ số…
Khi người tổng chỉ huy, người lãnh đạo, phụ trách dồn tâm sức cho Dự án Bản đồ số Vmap, không ngần ngại xông pha, hết lòng vì công việc, thì những thành viên khác trong “ngôi nhà chung” Bưu điện Việt Nam cũng đồng lòng chia sẻ. Nhiều câu chuyện ý nghĩa của người bưu điện được nhắc đến trên hành trình lan tỏa tri thức này, như: có chàng kỹ thuật mải làm đêm không về khiến vợ ở nhà lo lắng, hờn ghen; có những người bưu tá đi tìm địa chỉ nhà bị chó đuổi cắn, bị các hộ dân xua đuổi vì nghi có hành vi mờ ám, bị công an phường gọi lên làm việc khi tỉ mẩn thu thập, chụp hình ảnh địa chỉ các địa điểm; thậm chí có một cặp đôi ở Lào Cai đã nên duyên khi cùng chung bước trên hành trình thu thập địa chỉ số… Với những nỗ lực của từng cá nhân cán bộ, đảng viên, người lao động trên toàn bộ mạng lưới, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2018 đến ngày 11/01/2019, hệ thống bưu điện đã thu thập khoảng 1.387.321 địa chỉ trên phạm vi cả nước cập nhật lên Bản đồ số Việt Nam, trong đó riêng tỉnh Phú Yên và Hậu Giang (địa phương triển khai đầu tiên) đã cơ bản hoàn thành việc thu thập dữ liệu địa chỉ của toàn tỉnh.
Không dừng lại ở Dự án Bản đồ số Vmap, Bưu điện Việt Nam cũng tiếp tục thể hiện vai trò tích cực của mình trong triển khai Quyết định số 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Phát triển hệ tri thức Việt số hóa” khi cùng với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT cho ra mắt Hệ thống nhân đạo điện tử (iNhandao) tại địa chỉ nhandao.itrithuc.vn. Các dữ liệu về các địa chỉ nhân đạo tại Việt Nam được đưa lên bản đồ dữ liệu quốc gia và được cập nhật thường xuyên; ứng dụng điện tử hỗ trợ việc triển khai các hoạt động trợ giúp nhân đạo từ bước cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch về hoàn cảnh khó khăn để cá nhân/đơn vị thực hiện trợ giúp trực tiếp hoặc đăng ký trợ giúp thông qua hệ thống Hội Chữ thập đỏ cho đến khi bàn giao khoản hỗ trợ đến tận tay người hưởng lợi với sự xác nhận đầy đủ từ các bên. Đến nay, gần 60.000 địa chỉ nhân đạo được khảo sát; 17.000 địa chỉ nhân đạo được cập nhật, kết nối trên 100 cá nhân và nhà tài trợ với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, của văn phòng Ban chỉ đạo Đề án “Hệ tri thức Việt số hóa”. Tham gia dự án này, Bưu điện Việt Nam góp phần không nhỏ trong việc tạo công cụ hữu ích liên kết các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực trợ giúp nhân đạo, cùng với đó hỗ trợ cộng đồng thực hiện hoạt động từ thiện, nhân đạo đúng người, đúng nhu cầu, giúp hạn chế các mặt tiêu cực trong hoạt động trợ giúp nhân đạo tự phát.
Chị Vũ Thanh Xuân (thứ tư từ phải qua) cùng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu tại Lễ ra mắt nền tảng Bản đồ số Vmap. |
Chung tay lan tỏa tri thức
Không chỉ cảm phục “người trong nhà” là các thành viên Bưu điện Việt Nam tham gia Đề án itrithuc, tôi còn có cơ hội tiếp xúc trao đổi và làm việc với nhiều thành viên đại diện các đơn vị tham gia Đề án, mỗi người mỗi cách làm việc khác nhau nhưng đều có một điểm chung, đó là sự nhanh nhạy quyết đoán, ý tưởng táo bạo, đột phá và hơn cả là tâm huyết với Đề án và các dự án thành phần.
Một trong những người mà tôi ấn tượng đặc biệt là Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, ông vốn nổi tiếng là “cây đa, cây đề” trong mảng công nghệ số, người trực tiếp chỉ đạo Đề án itrithuc Việt Nam, người luôn mở đường cho những chủ trương, chính sách về công nghệ, chuyển đổi số đi vào cuộc sống. Dù nhiệm vụ truyền thông sự kiện ra mắt hai dự án tiên phong Vmap và iNhandao của tôi rất nhỏ bé trong kho việc khổng lồ của toàn Đề án itrithuc, nhưng Phó Thủ tướng cũng dành thời gian trao đổi cụ thể, yêu cầu tổ chức sự kiện thể hiện được sự giản dị, dễ hiểu, gần gũi vì đây là nhiệm vụ cần tuyên truyền lâu dài. Phó Thủ tướng cho rằng, có hai việc quan trọng mà truyền thông cần thể hiện rõ là ghi nhận, tôn vinh những người tham gia thực hiện Đề án itrithuc và các dự án thành phần vì đây là việc làm công ích, vì cộng đồng, phục vụ thiết thực cho người dân, cùng với đó, kêu gọi được tất cả mọi người trong xã hội cùng tham gia vào ứng dụng, sử dụng các nền tảng công nghệ trong Đề án itrithuc. Đối với một nền tảng ứng dụng thì sự xuất hiện của nhân vật thực tế rất quan trọng, như người shiper, người dân, doanh nghiệp, hay những người tham gia cung cấp địa chỉ, nhân vật trải nghiệm chia sẻ các góc cạnh của việc sử dụng nền tảng bản đồ số Vmap và iNhandao mang lại sự thuyết phục và lan tỏa lớn, kết nối mọi người cùng sử dụng sản phẩm của người Việt, càng sử dụng nhiều càng góp phần hoàn thiện và tinh mịn dữ liệu trên mỗi nền tảng số.
Từ một Đề án có cái tên khô khan “itrithuc” với những cán bộ công nghệ tưởng như rất khô cứng nhưng tôi nhận thấy họ không chỉ có điểm chung là sáng tạo, xây dựng, phát triển những sản phẩm công nghệ hướng tới sự tiện ích, dễ hiểu, dễ sử dụng cho người dùng mà chính họ còn góp phần rất lớn lan tỏa tinh thần vì cộng đồng. Trong một cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Thế Trung - người được biết đến khi đưa giáo dục STEM đến với trẻ em tại Việt Nam, người được ví như CEO tiên phong trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 và là người theo sát Đề án itrithuc từ ngày đầu triển khai - tôi được ông Trung cho biết dự án Hệ thống thông tin nhân đạo (iNhandao) ra đời xuất phát từ một số lần trò chuyện của ông với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về những vấn đề nổi cộm gây bức xúc liên quan đến hoạt động nhân đạo hiện nay. Với tầm nhìn xa trông rộng và trăn trở với cộng đồng, Phó Thủ tướng đã yêu cầu ông Trung và các thành viên Đề án itrithuc nghiên cứu, xây dựng địa chỉ nhân đạo dựa trên nền tảng Bản đồ số - nơi có thể triển khai cập nhật dữ liệu địa chỉ nhân đạo hỗ trợ kết nối người cần trợ giúp với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để có thông tin đầy đủ và chính xác về các trường hợp cần trợ giúp, đảm bảo đúng đối tượng, đáp ứng nhu cầu, thuận tiện, đảm bảo minh bạch, rõ ràng, tối ưu hóa kết nối giữa người cần trợ giúp và người tham gia trợ giúp bằng công nghệ, tạo sự thay đổi lớn về cách làm, mức độ ảnh hưởng tới xã hội.
Khi tiếp xúc với các nhân sự khác trong Đề án itrithuc, tôi đều nhận được nguồn năng lượng tích cực, dồi dào đầy nhiệt huyết của những cán bộ thời 4.0, như Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy - người có "bảng vàng" thành tích về mảng tin học, người bảo vệ luận án tiến sĩ ở tuổi 26, và là một trong những chủ nhiệm khoa CNTT (thuộc ĐH Công nghệ) trẻ nhất tại các trường ĐH trong nước giai đoạn năm 2006... Ở vị trí thành viên Ban cán sự Đảng một Bộ quản lý về Khoa học và Công nghệ, khi nhận nhiệm vụ trực tiếp phụ trách Văn phòng đề án itrithuc, ông Duy đã góp phần đưa chính sách vào cuộc sống không chỉ bằng những công việc thực tế, mà còn với tác phong chỉ đạo, giao tiếp gần gũi, thân thiện, luôn tạo không khí cởi mở, thẳng thắn, không khoảng cách… Với sự kiện ra mắt 2 dự án tiên phong trong Đề án itrithuc, ông Duy “xắn tay” vào cùng lắng nghe, góp ý… Cũng làm việc xuyên trưa, cũng ôm máy tính thâu đêm suốt sáng, các thành viên truyền nhiệt huyết cho nhau, hết lòng vì công việc. Mọi người trong tập thể ấy không phân biệt lãnh đạo hay chuyên viên, đảng viên hay quần chúng cùng cởi mở, thẳng thắn chia sẻ, lắng nghe, thống nhất lựa chọn để sự kiện diễn ra thuận buồm xuôi gió, phục vụ thiết thực nhất cho cộng đồng, tạo thêm nhiều mầm chồi mới trên cây tri thức Việt.
Mỗi cán bộ chủ chốt của Đề án itrithuc trong cảm nhận của tôi, họ không chỉ thể hiện tốt vai trò lãnh đạo của người đứng đầu một Đảng bộ, chi bộ hay vai trò một đảng viên tích cực trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn thể hiện sự nhanh nhạy quyết đoán, hết lòng vì công việc, vì cộng đồng - những yếu tố tích cực của người đảng viên, người cán bộ thời đại 4.0.
Đúng 10h10ph ngày 1/10/2019, “Lễ ra mắt nền tảng Bản đồ số - Vmap và Hệ thống thông tin nhân đạo - iNhandao” diễn ra trang trọng, nhanh gọn, ý nghĩa, thực tế và đầy sức lan tỏa. Trong lời phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ghi nhận và đánh giá cao Bưu điện Việt Nam và các đơn vị, nhân sự tham gia Đề án itrithuc: “Rất nhiều bạn trẻ đến từ Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam, Tập đoàn FPT, nhiều đơn vị, đặc biệt là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã tham gia hoàn toàn tự nguyện, hết lòng vì cộng đồng. “Cây” tri thức Việt số hoá đã bắt đầu “nảy mầm” và cần tiếp tục được “chăm bón” để “đơm hoa, kết trái”. Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều bàn tay cùng góp sức để chăm sóc cho Vmap, iNhandao nói riêng, Hệ tri thức Việt số hoá nói chung”.
Từng nụ cười, ánh mắt của các cá nhân, đơn vị tham gia Đề án Hệ tri thức Việt số hóa những ngày đầu, trong đó có Bưu điện Việt Nam - tôi cảm nhận được niềm vui, sự lạc quan và tin tưởng không chỉ ở thành quả ban đầu mà còn ở hành trình tiếp theo. Bưu điện Việt Nam với sự dẫn dắt của đội ngũ lãnh đạo cùng cán bộ, đảng viên, nhân viên đầy tâm huyết, đồng sức đồng lòng, cam kết tiếp tục phối hợp với các đơn vị rà soát quy trình, thông tin dữ liệu, cập nhật thêm địa chỉ lên Bản đồ số Vmap, nhằm làm giàu thêm kho dữ liệu của Bản đồ trực tuyến để phục vụ tốt nhất người dùng. Cam kết ấy thể hiện sự nhất quán hiện thực hóa quan điểm xuyên suốt mà Đảng bộ Bưu điện Việt Nam các thế hệ đã khẳng định, đó là luôn sẵn sàng chung tay chia sẻ tâm lực cho những dự án vì cộng đồng. Tinh thần vì cộng đồng ấy rất cần được lan tỏa, nhân rộng nhiều hơn nữa trong các dự án thành phần khác của Đề án itrithuc, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển chung của xã hội. Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ví von, “cái cây tri thức” đã bắt đầu nảy mầm, quá trình chăm sóc còn rất dài, cần có nhiều hơn nữa những bàn tay cùng góp sức để ngày càng nhiều hoa thơm, trái ngọt cho đời.
Lê Thị Kiều Minh
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam