.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ IV - năm 2019:

Phát huy vai trò của tổ chức Đảng trong bảo vệ môi trường

Thứ Hai, 28/10/2019|15:06

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011 - 2020) nêu quan điểm: "Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường". Cùng với đó, trong Hội nghị Trung ương 7 khóa XI xác định: Đến năm 2020, Việt Nam có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lí, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học nhằm đảm bảo chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện môi trường.

Chiến lược và nỗ lực chính sách hóa, xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường của Đảng và Nhà nước

Thực hiện quan điểm của Đảng về phát triển bền vững, trong những năm qua, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực môi trường. Trong đó, bằng những cơ chế, chính sách, giải pháp quyết liệt, vấn đề bảo vệ môi trường sống, chống ô nhiễm nguồn nước, không khí đã được các địa phương, các ban ngành, doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân đồng thuận, tích cực tham gia. Tuy nhiên, môi trường nước ta đang chịu nhiều hệ quả từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, sức ép cạnh tranh của quá trình hội nhập quốc tế cùng các tác động xuyên biên giới, biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, phức tạp.

Không chỉ còn là những cảnh báo, kêu gọi kém sức nặng pháp lý, vấn đề bảo vệ môi trường đang được các cấp ngành đề cập đến một cách hiệu quả hơn. Các chủ trương, quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường cơ bản đã được thể chế hóa thành chính sách pháp luật của Nhà nước. Điều này có thể nhìn nhận qua Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Bên cạnh đó, các cơ chế, công cụ, chế tài bảo vệ môi trường cũng được quy định trong Bộ Luật hình sự, Bộ Luật dân sự, Luật Đầu tư, Luật Thuế bảo vệ môi trường. Hầu hết các luật này đã được bổ sung, sửa đổi, có đạo luật được sửa đổi một số lần trong thời gian giữa các nhiệm kì Đại hội IX, X và XI nên kịp thời thể chế hóa, góp phần sớm đưa các chủ trương, quan điểm của Đảng vào cuộc sống.

Ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2018. Theo đó, dự kiến đến năm 2020 Hà Nội có 95 trạm quan trắc không khí tầm thấp và tầm cao. Nếu mục tiêu này đạt được, Hà Nội sẽ có hệ thống đánh giá không khí đầy đủ và toàn diện, phục vụ viêc đánh giá chất lượng không khí và tìm ra giải pháp giảm thiểu ô nhiễm.
Đồng chí Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2018. Theo đó, dự kiến đến năm 2020 Hà Nội có 95 trạm quan trắc không khí tầm thấp và tầm cao. Nếu mục tiêu này đạt được, Hà Nội sẽ có hệ thống đánh giá không khí đầy đủ và toàn diện, phục vụ việc đánh giá chất lượng không khí và tìm ra giải pháp giảm thiểu ô nhiễm.

Tổ chức bộ máy quản lí nhà nước về bảo vệ môi trường đã được thiết lập đồng bộ cả ở các điều kiện cần thiết cho bảo vệ môi trường được đảm bảo ngày càng tốt hơn. Bộ Tài chính dự kiến ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo bố trí 1% tổng chi cho hoạt động sự nghiệp môi trường và tăng dần tỉ lệ này theo tốc độ chi NSNN. Năm 2012, ngân sách sự nghiệp môi trường của cả nước là 9.050 tỷ đồng, sau 5 năm, năm 2017 con số này là 13.880 tỷ đồng, trong năm 2018 đã nhanh chóng lên tới 16.292 tỷ đồng, năm 2019 là 18.152 tỷ đồng.

Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA được huy động cho bảo vệ môi trường cũng tăng nhanh. Một số thể chế tài chính về bảo vệ môi trường được hình thành, đi vào hoạt  động như Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ bảo vệ môi trường của một số ngành đã góp phần tăng cường các nguồn vốn hỗ trợ thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Một số công cụ kinh tế, như thuế, phí bảo vệ môi trường đã góp phần tạo nguồn thu từ xã hội để đầu tư cho bảo vệ môi trường. Việc xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường bước đầu đã đem lại kết quả đáng ghi nhận.

Những hạn chế, bất cập, trăn trở còn bỏ ngỏ

Nhận thức của cộng đồng ngày càng nâng cao nhờ các tổ chức hoạt động vì môi trường cùng với sự hỗ trợ đắc lực của mạng xã hội. Tuy nhiên, từ bước nhận thức chuyển sang hành động cụ thể, thường xuyên vẫn còn là khoảng cách lớn, cần sự vào cuộc sâu sắc từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, và người dân. Ở tầm chỉ đạo vĩ mô, những tư tưởng lựa chọn, so sánh đánh đổi không công khai thẳng thắn song vẫn còn tồn tại “ tăng trưởng kinh tế hay bảo vệ môi trường”. Do đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, không ít doanh nghiệp vi phạm quy trình khai thác, góp phần gây ô nhiễm môi trường đáng kể. Tại một số cấp ủy chương trình bảo vệ môi trường còn đặt nặng tính hình thức, kế hoạch chỉ nằm trên giấy tờ, chưa được chỉ đạo sát sao thực hiện có tính định hướng và hiệu quả.

Các doanh nghiệp chưa được tiếp cận thường xuyên với hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường do công tác tuyên truyền kém, hệ thống văn bản pháp luật được hình thành về cơ bản nhưng còn nhiều bất cập, các quy định chung chung, mang tính nguyên tắc: chưa có quy định đầy đủ về việc bảo vệ môi trường đất, nước, không khí, tái chế chất thải,… khắc phục ô nhiêm, cải tạo, phục hồi môi trường, về tiêu dùng bền vững. Trong khi những quy định chung này cần cấp thiết đưa vào điều lệ tổ chức và hoạt động của mỗi công ty, doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp, khai thác,…

Tại 1 số khu công nghiệp lớn, việc xây dựng các nhà máy xử lí rác thải được các cấp ủy Đảng xác định là điều cần thiết tuy nhiên còn gặp nhiều bất cập liên quan đến quy hoạch môi trường, phân vùng chức năng sinh thái, nguồn lực tài chính và các loại máy móc công nghệ cao.

Cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường chậm đổi mới, chưa đồng bộ với thể chế thị trường. Các loại thuế, phí về môi trường mới chỉ bước đầu tạo nguồn thu cho ngân sách nhưng chưa phát huy được vai trò công cụ kinh tế điều tiết vĩ mô, hạn chế ô nhiễm môi trường, khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội của các doanh nghiệp theo hướng hài hòa với thiên nhiên, thân thiện môi trường và phát triển bền vững. Nhiều quy định về xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường chỉ dừng lại ở nguyên tắc, thiếu hành lang pháp lý, cơ chế phù hợp để thực hiện nên chưa phát huy được hiệu quả, chưa khuyến khích phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ môi trường và các sản phẩm với môi trường tại 1 số doanh nghiệp hoạt động đa ngành.

Vietcombank - Ngân hàng Xanh tiêu biểu của Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương

Cùng với sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương chỉ đạo sát sao các kế hoạch tổ chức các chương trình hành động bảo vệ môi trường phù hợp với đặc thù từng đơn vị, phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc phát động phong trào nhằm tạo được sự thống nhất, đoàn kết và hiệu quả trong triển khai thực hiện. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là một trong những lá cờ đầu hưởng ứng chương trình hành động vì môi trường do Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương phát động.

Theo Chỉ thị 03 do Ngân hàng Nhà nước ban hành tháng 03/2015 về thúc đẩy tín dụng xanh, quản lí rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, Vietcombank luôn nhận thức rõ vai trò trong kiểm soát tác động môi trường và xã hội của các dự án tài trợ, tập trung ưu tiên cấp tín dụng xanh cho các ngành kinh tế thực hiện bảo tồn, phát triển và sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo,….

Vietcombank tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về phong trào “Chống rác thải nhựa”, nguy cơ ô nhiễm nhựa, tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường, sức khỏe con người và hệ sinh thái, tiến tới thay đổi từ nhận thức đến hành động chống rác thải nhựa phù hợp tại nơi làm việc và trong cuộc sống hàng ngày thông qua việc quán triệt, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật bảo vệ môi trường, Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020, các Quy hoạch, Kế hoạch, Đề án và chủ trương về bảo vệ tài nguyên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của quốc gia, của địa phương.

Cán bộ và người thân Vietcombank chung tay bảo vệ môi trường từ những việc làm nhỏ và thiết thực.
Cán bộ và người thân Vietcombank chung tay bảo vệ môi trường từ những việc làm nhỏ và thiết thực.

Vietcombank tổ chức kí cam kết và triển khai các nội dung hành động nhằm cụ thể hóa phong trào “Vietcombank - Vì một môi trường xanh”, bao gồm các hoạt động: Thay thế các sản phẩm ly nhựa/bao nilong bằng các sản phẩm ly giấy, túi giấy/túi vải, túi nilon bằng vật liệu tái chế, dễ phân hủy, thân thiện với môi trường; thay thế nước đóng chai trong các cuộc họp, tiếp khách bằng bình nước, ca nước cỡ lớn và sử dụng ly bằng chất liệu sứ, thủy tinh; khuyến khích sử dụng ly cá nhân khi mua thức uống bên ngoài; mua hàng với số lượng lớn để tiết kiệm bao bì, Không dùng vật dụng như ống hút, đũa, muỗng, nĩa, chai, ly, hộp,… bằng nhựa dùng 1 lần. Sau 3 tháng triển khai từ tháng 7/2019, tại bàn làm việc của mỗi cán bộ nhân viên tại Trụ sở chính và một số chi nhánh trong hệ thống Vietcombank đều chăm sóc 01 cây xanh và tạo được hiệu ứng lan tỏa tốt tới các chi nhánh và các ngân hàng bạn.

Những biến đổi của môi trường đang là hồi chuông khẩn cấp cho toàn xã hội. Trước tình trạng này, sự chung tay góp sức của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức và mỗi doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường là vô cùng cấp thiết, đảm bảo cho nền kinh tế của đất nước phát triển bền vững.

Trịnh Thị Minh Thảo - Chi bộ 2

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam

.
.
.
.