.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ IV - năm 2019:

Từ Di chúc Hồ Chí Minh đến nỗ lực chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ

Thứ Hai, 28/10/2019|10:08

Thời gian càng lùi xa thì chúng ta càng hiểu rõ hơn giá trị bản Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Di chúc, lời căn dặn đầu tiên của Bác là nói về Đảng. Điều này thể hiện mối quan tâm lớn nhất, sâu sắc nhất của Bác là xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền trong sạch, vững mạnh. Để "giữ gìn Đảng thật sự trong sạch" như lời Bác dặn, cần phải đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời gắn kết việc thực hiện quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống, chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Sự suy thoái về tư tưởng chính trị là nguy cơ liên quan đến tồn vong của Đảng, của chế độ

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biếntự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" đã chỉ rõ chín 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Cùng với đó, Nghị quyết cũng chỉ ra chín 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và chín 9 biểu hiện của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Suy thoái về tư tưởng chính trị và "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" có mối quan hệ biện chứng với nhau: suy thoái về tư tưởng chính trị trong đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". "Tự diễn biến" xảy ra ở hai phạm vi: đối với cá nhân và tổ chức. "Tự diễn biến" đối với cá nhân là sự thay đổi về nhận thức chính trị -xã hội, thay đổi về quan điểm, tư tưởng theo chiều hướng tiêu cực, xấu đi, nhận thức và hành động xa rời, nhận thức, đi ngược lại chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. "Tự diễn biến" đối với tổ chức là những thay đổi ở tầm vĩ mô về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, làm thay đổi bản chất chính trị, thậm chí làm suy yếu và tan rã tổ chức đó. "Tự diễn biến" của cá nhân có thể dẫn đến sự thay đổi của tập thể, tổ chức. "Tự diễn biến" của tổ chức chi phối, áp đặt, điều khiển đối với các cá nhân trong tổ chức đó.

"Tự chuyển hóa" là hậu quả tất yếu của các quá trình "tự diễn biến", nếu không được ngăn chặn kịp thời. "Tự diễn biến", "tự chuyển hóa" có mối quan hệ không tách rời với "diễn biến hòa bình", đó là mối quan hệ giữa khách quan và chủ quan, giữa nhân tố bên ngoài và bên trong và"tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là nhân tố bên trong nguy hiểm nhất.

Thực tiễn trong Đảng và trong xã hội thời gian qua đã “điểm mặt”, “chỉ tên” một số người như vậy. Phân tích rõ về những vi phạm của ông Chu Hảo, trong bài viết "Vi phạm của đồng chí Chu Hảo đảng viên trí thức có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" rất nghiêm trọng" đăng trên trang web của UBKT T.Ư nêu rõ: Vi phạm của đồng chí Chu Hảo bắt đầu từ năm 2005, khi đồng chí nghỉ hưu (không còn là Thứ trưởng Bộ KH&CN) và chuyển sang công tác ở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Với cương vị là Tổng Biên tập, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, đồng chí đã lựa chọn, biên tập, xuất bản nhiều cuốn sách có nội dung sai phạm, trái quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng… Bên cạnh đó, trong việc nói, viết và làm theo Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước, ông còn có những vi phạm được đánh giá là rất nghiêm trọng, cụ thể như: Tham gia ký vào các thư kiến nghị, thư ngỏ và có nhiều bài viết trên báo chí trong và ngoài nước, mạng xã hội như: "Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992" nêu lên 7 kiến nghị tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi: (1) Đòi bỏ Điều 4, Hiến pháp; (2) Yêu cầu đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; (3) Đòi phi chính trị đối với lực lượng vũ trang; "Thư ngỏ gửi Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản", nội dung thư ngỏ cho rằng Đảng đã dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội cùng với bộ máy cầm quyền quan liêu, tha hóa đã đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện…

"Thư gửi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, các đại biểu dự Đại hội lần thứ XII và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam" có nội dung phê phán đường lối lãnh đạo của Đảng trong 30 năm qua, khẳng định các văn kiện chuẩn bị trình Đại hội lần thứ XII còn nặng về nhận định và chủ trương sáo mòn, chưa nhìn đúng sự thật. Việc lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, kiên định theo con đường chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc, xây dựng nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là không thực tế…

"Thư kiến nghị về Luật An ninh mạng" trong đó kiến nghị bãi bỏ hoàn toàn một số điều của Luật, tự ý đưa tên đồng chí Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an (không được sự đồng ý của đồng chí Nguyễn Khánh Toàn) vào danh sách những người đứng tên thư kiến nghị, đưa lên mạng xã hội gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình chính trị, tư tưởng của nhân dân. Như vậy, đồng chí lại cố tình vi phạm mặc dù vừa được nhắc nhở và đến đây có thể khẳng định rằng vi phạm của đồng chí Chu Hảo đã mang tính hệ thống. Những tài liệu, chứng cứ cho thấy đồng chí đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" theo đúng kết luận của UBKT T.Ư…

Việc ông Chu Hảo có những vi phạm như thông báo của UBKT T.Ư, đây là điều đáng tiếc, là bài học đắt giá cho mọi cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy tính công bằng, nghiêm minh của Đảng, ai có công thì sẽ được thưởng, được cất nhắc còn vi phạm thì sẽ bị xem xét xử lý.

Học tập tấm gương yêu nước nồng nàn, vô hạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch giới thiệu đến công chúng triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế”. Đặc biệt, tại sự kiện đã công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời Tổng thống Richard Nixon ngày 25/8/1969 về việc Hoa Kỳ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.

Nội dung lá thư viết:

“Nhân dân Việt Nam chúng tôi yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ, để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình. Giải pháp toàn bộ 10 điểm của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là cơ sở hợp tình hợp lý để giải quyết vấn đề Việt Nam. Giải pháp đó đã được nhân dân trên thế giới đồng tình ủng hộ.

Trong thư, Ngài bày tỏ lòng mong muốn hành động cho một nền hòa bình công bằng. Muốn vậy Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và của dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài.

Đó là cách đúng đắn để giải quyết vấn đề Việt Nam phù hợp với quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam, với lợi ích của nước Mỹ và nguyện vọng hòa bình của nhân dân thế giới. Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự”.

Những lời lẽ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa mạnh mẽ, đanh thép, khẳng định khát khao độc lập tự do của dân tộc Việt Nam vừa lên án hành vi “xâm lược”, muốn biến đất nước thành thuộc địa, vi phạm chủ quyền của Mỹ. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những lời cuối của Bác vẫn luôn còn nguyên giá trị, song hành với sự nghiệp của Đảng, sự phát triển của đất nước và sự tiến bộ của dân tộc.

Cần giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Doãn Thị Chín, Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: “Theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đoàn kết trong Đảng phải thể hiện bằng tư tưởng và hành động; trong Đảng không thể có tình trạng "Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"; phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh. Bằng chính tấm gương sáng của đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tình cảm giai cấp và tình đồng chí trong Đảng, coi đó là một nhân tố quan trọng để đoàn kết trong Đảng”.

Người yêu cầu "Đảng phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Trong Di chúc, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh nhân tố đạo đức khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Theo Người, Đảng cầm quyền là bước chuyển trọng đại trong sinh hoạt Đảng. Đảng cầm quyền có sứ mệnh lãnh đạo giai cấp và dân tộc xây dựng thành công xã hội mới - xã hội chủ nghĩa. Để hoàn thành sứ mạng đó, Đảng ta phải "là đạo đức, là văn minh".

Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng".

Đoàn kết, thực hành dân chủ, gắn liền với tự phê bình trong Đảng là vấn đề rất hệ trọng, liên quan đến sức chiến đấu, sự sống còn của toàn Đảng, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền.

Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng

Giáo sư, Tiến sỹ Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Toàn bản Di chúc 1.000 từ được cân nhắc kỹ từng câu, từng chữ, vậy nhưng chỉ trong hơn 3 dòng ngắn gọn, cô đọng để nói về Đảng cầm quyền, Bác dùng tới 4 chữ "thật" để nhấn mạnh: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Điều đó đủ hiểu Bác dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề đạo đức trong Đảng, nhất là khi Đảng ở vị thế cầm quyền.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị.

Nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình

Để Đảng thật sự trong sạch, theo ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thì phải đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong Đảng theo lời căn dặn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần coi đây là công việc lâu dài, phải làm kiên trì, liên tục để Đảng xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

Ông Nguyễn Túc nhấn mạnh: "Tự đổi mới và chỉnh đốn Đảng là vấn đề mà cả lý luận và thực tiễn đang đặt ra, đòi hỏi thực hiện khẩn cấp bức thiết hơn bao giờ hết. Thực hiện Di chúc của Bác, tôi cho rằng, điều lớn nhất trong Đảng là phải kiểm điểm việc xây dựng Đảng theo đúng tinh thần Nghị quyết 04 của Trung ương về một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng. Chúng ta kiểm điểm nghiêm túc từ trên xuống dưới, dưới lên trên để không phụ lòng mong muốn của Bác".

Tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Trong những căn bệnh của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", suy thoái về tư tưởng, chính trị là căn bệnh nguy hiểm hàng đầu, là căn nguyên gây ra nhiều căn bệnh khác. Không phải ngẫu nhiên mà trong các bài giảng huấn luyện cho cán bộ từ năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy”.

Giải pháp hàng đầu để ngăn chặn, đẩy lùi "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chính là xây dựng sự kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường XHCN trong mỗi cán bộ, đảng viên. Cùng với việc phải đổi mới, nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị tư tưởng, đã đến lúc, Đảng ta phải có các quy định nghiêm khắc với những đảng viên nhạt phai lý tưởng, suy giảm niềm tin, nói, viết trái với nền tảng tư tưởng và đường lối của Đảng. Trên cơ sở đó, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kiên quyết khai trừ những đối tượng thoái hóa về tư tưởng chính trị ra khỏi Đảng.

Để đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được tiến hành trên nhiều phương diện, quan trọng nhất là việc tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong Đảng theo lời căn dặn của Người. Kỷ niệm 50 năm ngày Bác đi xa, ôn lại lời căn dặn đầu tiên của Người trong Di chúc, là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng tự soi rọi lại mình; phấn đấu xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân "xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh" như di nguyện của Người trước lúc đi xa.

Phạm Thị Lê Hà - BIDV Chi nhanh Gia Định

.
.
.
.