.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ IV - năm 2019:

Những tâm huyết cuối cùng Người dành trọn cho Đảng

Chủ Nhật, 27/10/2019|15:41

Ngày 03/02/1930, tại Hồng Kông, người con kiệt xuất của Dân tộc Việt Nam, người chiến sỹ Cộng sản xuất sắc Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì cuộc họp lịch sử của toàn dân tộc Việt Nam, là nền móng cơ bản cho mọi thắng lợi sau này của Cách mạng Việt Nam, cuộc họp hợp nhất 3 tổ chức cộng sản đang hoạt động tại Việt Nam lúc đó để thành lập nên 1 đảng duy nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tâm huyết của Người cho công tác xây dựng và phát triển Đảng. Cả cuộc đời Người đã có hàng loạt các tác phẩm các văn kiện về việc xây dựng rèn luyện duy trì và nâng cao vai trò của Đảng trong mọi công cuộc cách mạng và kiến thiết đất nước. Và đến tác phẩm cuối cùng Người dành lại cho non sông cho dân tộc, “Di chúc” của Người, Người cũng dành một phần rất lớn trong nội dung để nói về Đảng cầm quyền. Di chúc của Người không chỉ là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng mà đó còn là một công trình lý luận tuy ngắn gọn khái quát mà vô cùng quý báu và quan trọng về xây dựng, củng cố và phát triển Đảng ta. Tròn 50 năm toàn Đảng toàn dân thực hiện “Di chúc” của Người, hơn bao giờ hết, chúng ta càng cần phải trau dồi nghiên cứu, thực hành thấm nhuần những tư tưởng của Người trong công tác xây dựng phát triển Đảng trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế như hiện nay để xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh trong sạch, chèo lái thành công con tàu đất nước đi lên trong công cuộc đổi mới, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân cả nước.

Trong Di chúc, có thể nói, lời đầu tiên lời quan trọng nhất là lời Người dành cho Đảng. “TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.” Lời dạy đầu tiên và cũng là lời dạy thường xuyên Người nhắc đi nhắc lại trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, đó là đoàn kết. “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đoàn kết toàn dân tộc đã đem lại những chiến thắng vẻ vang, “chói lọi năm châu, chấn động địa cầu” trong thế kỷ 20 của dân tộc ta. Đoàn kết trong Đảng càng quan trọng và là yếu tố sống còn quyết định sự tồn tại, đi lên và phát triển của Đảng.

Với Hồ chủ tịch, đoàn kết trong Đảng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh của Đảng để lãnh đạo nhân dân ta vượt qua muôn vàn thử thách khó khăn hoàn thành thắng lợi các mục tiêu cách mạng. Điều này đã được chứng minh qua thực tiễn đấu tranh và trở thành một truyền thống, một tài sản quý báu của Đảng ta. Đoàn kết trong Đảng được hình thành từ chính truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam thể hiện qua lịch sử hình thành và phát triển dựng nước, giữ nước và được phát triển ngày càng phong phú, khắc hoạ ngày càng đậm nét trong văn hoá, bản sắc dân tộc và là bộ phận hợp thành sức mạnh dân tộc.

Ngày nay trong quá trình đất nước đổi mới và hội nhập, vấn đề đoàn kết trong Đảng càng cần phải nâng cao và khắc ghi trong từng cán bộ, đảng viên. Đoàn kết trong Đảng là phải đoàn kết từ những cơ sở Đảng nhỏ nhất cho tới toàn Đảng. Trong mỗi Chi bộ, Đảng bộ, các đảng viên cần phải đoàn kết chặt chẽ với nhau trong mọi nhiệm vụ về chuyên môn lẫn tư tưởng. Cùng nhau nhìn về một đích, đó là làm sao cho nước giàu dân mạnh, là nhiệm vụ của mỗi đảng viên. Đặc biệt trong các tổ chức kinh tế, người Đảng viên phải là đầu tàu gương mẫu đoàn kết gắn kết mọi người, hướng mỗi cá nhân trong 1 tập thể cùng chung sức chung lòng dựng xây và phát triển cho đơn vị mình cho tổ chức mình. Có đoàn kết mới có thắng lợi, có đoàn kết thì công việc dù khó khăn trở ngại đến đâu cũng có thể hoàn thành và đạt được mục tiêu đặt ra. Mỗi 1 đảng bộ, chi bộ đoàn kết sẽ là 1 nhân tố vững mạnh để xây dựng Đảng ta ngày càng đoàn kết thống nhất đồng lòng phụng sự dân tộc tổ quốc và nhân dân trong công cuộc phát triển kinh tế nước nhà, giúp cho người dân nâng cao chất lượng đời sống.

Sau vấn đề đoàn kết cốt lõi của toàn Đảng, nội dung quan trọng thứ hai mà trong bức “Di chúc” Người để lại cho muôn đời sau là yêu cầu của Người với mỗi đảng viên “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.” Trong một câu viết ngắn mà Bác dùng đến hai lần cụm từ “thật sự” thì đủ biết Người muốn nhấn mạnh tính hiệu quả của việc này như thế nào. Theo Người: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa…". Mỗi đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, là tấm gương đối với nhân dân. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, phải làm hết sức mình để phục vụ nhân dân, chăm lo tới cuộc sống của người dân, củng cố bền chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Chỉ có như vậy mới có thể lan tỏa uy tín và ảnh hưởng sâu rộng của Đảng trong xã hội, xây dựng và củng cố niềm tin trong nhân dân, được dân tin tưởng, dân yêu mến, dân ủng hộ, dân giúp đỡ và dân bảo vệ.

Người đảng viên trong mỗi đơn vị cơ quan tổ chức đều cần nêu cao tấm gương trong sạch, cần kiệm liêm chính. Cần là chuyên cần chăm chỉ trong công tác trong học tâp, không ngừng nâng cao kiến thức kỹ năng để phát triển năng lực bản thân nhằm thực hiện hiệu quả công việc nhiệm vụ do tổ chức giao phó. Kiệm là tiết kiệm không tiêu xài hoang phí của tập thể của công, không lãng phí các nguồn lực vào những việc không cần thiết hoặc xa xỉ, từ thời gian, công sức đến vật chất của đơn vị tổ chức mình. Liêm là trong sạch không tham lam, không tự tư tự lợi, không dĩ công vi tư, Liêm là cốt cách của mỗi người đảng viên nhất là khi người đảng viên nắm giữ các chức vụ lãnh đạo quan trọng trong cơ quan tổ chức. Liêm giúp người Đảng viên không ham mê vật chất dẫn tới các hành động tham ô của công, lợi dụng chức quyền để thu vén cho cá nhân. Chính là thẳng thắn đúng đắn, người Đảng viên phải biết phân biệt phải trái đúng sai, phải nhìn nhận được đâu là việc đúng để làm theo, đâu là cái sai cần tránh phạm phải. Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn”. Bác đã chỉ ra  3 mặt của một người trong xã hội và yêu cầu của mỗi mặt đó: Đối với mình - “Chớ tự kiêu tự đại…”; Đối với người - “Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh kẻ dưới…”; Đối với việc - “Phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà…” Chính là kim chỉ nam để người đảng viên trong mỗi đơn vị tổ chức kinh doanh biết làm điều đúng, làm vì mục tiêu chung vì lợi ích tập thể của đơn vị mình.

Hoạt động sinh hoạt chính trị kiêm về nguồn của Đảng bộ VCBS
Hoạt động sinh hoạt chính trị kiêm về nguồn của Đảng bộ VCBS.

Và tiếp theo, để có thể xây dựng và phát triển Đảng mãi mãi đồng hành cùng non sông gấm vóc, Người dặn dò bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết. “ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên".” Bác hiểu rất rõ thế hệ trẻ nước ta rất tốt, mọi việc hăng hái xung phong, có chí tiến thủ. Nhưng để trở thành lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng thì phải có lý tưởng cách mạng, có đạo đức cách mạng, có tài năng, trí tuệ, phẩm chất là người chủ tương lai xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bác hiểu tuổi trẻ dù nhiệt tình, hăng hái nhưng thiếu từng trải nên Bác yêu cầu Đảng ta phải “chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ”. Đặc biệt, chăm lo giáo dục bồi dưỡng lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giáo dục ý thức tự cường, tự tôn dân tộc; giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa văn minh tiến bộ, phát huy truyền thống, bản sắc dân tộc, tôn trọng đạo lý, yêu thương quý trọng con người, lòng tự hào dân tộc, không tôn thờ đồng tiền, chạy theo lợi ích vật chất tầm thường. Giáo dục thanh niên biết hy sinh phấn đấu làm chủ khoa học kỹ thuật công nghệ trong thời hiện đại, sánh vai với thanh niên các nước tiên tiến. Trong các tổ chức kinh tế đơn vị kinh doanh thì việc đào tạo và chăm lo cho thế hệ kế cận càng quan trọng. Các tổ chức Đảng tại các đơn vị cần chú trọng tìm kiếm, nuôi dưỡng và tạo cơ hội phát triển cho các thế hệ kế cận về chuyên môn năng lực và tư tưởng. Trau dồi chuyên môn phải song hành với đào tạo định hướng về tư tưởng chính trị để thế hệ kế cận có thể duy trì được lòng nhiệt huyết, suy nghĩ tích cực hăng say phấn đấu vì mục tiêu chung của tổ chức đơn vị, cũng như để hoàn thiện và nâng cao năng lực của chính bản thân họ.

Công tác thiện nguyện của Công đoàn- Đoàn TN VCBS
Công tác thiện nguyện của Công đoàn- Đoàn TN VCBS.

50 năm Người đã đi xa, nhưng những tâm huyết Người dành cho Đảng cho nhân dân cho đất nước vẫn luôn khắc ghi trong lòng mỗi đảng viên. Để xây dựng Đảng ngày một vững mạnh, trong sạch, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân với nhiệm vụ trọng trách nặng nề của 1 Đảng cầm quyền, mỗi cá nhân đảng viên, từng tập thể Đảng bộ cần luôn trau dồi rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, làm cho Đảng ta xứng đáng là đạo đức, là văn minh, đáp ứng niềm tin yêu của nhân dân, phấn đấu thực hiện tâm nguyện cuối cùng của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Ngô Thùy Liên - Chi bộ 1

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam

.
.
.
.