.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ IV - năm 2019:

Đảng bộ Agribank chi nhánh huyện Thanh Oai Hà Nội II: Vận dụng quan điểm về đạo đức của Hồ Chí Minh trong xây dựng Đảng ở chi bộ

Chủ Nhật, 27/10/2019|09:48

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đạo đức là gốc của người cách mạng, muốn làm cách mạng phải lấy đạo đức làm gốc. Người viết: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.

Hồ Chí Minh coi đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông, suối. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây cũng phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Hồ Chí Minh quan niệm, đạo đức cách mạng là chỗ dựa giúp cho con người vững vàng trong mọi thử thách. Người viết: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không được sợ sệt, rụt rè, lùi bước… khi gặp thuân lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn”, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt, chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không  kiêu ngạo, không hủ hóa.

Trong bản Di chúc, Người viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Đạo đức nghề nghiệp là một nhánh trong hệ thống đạo đức xã hội, là một loại đạo đức đã được thực tiễn hóa. Lương tâm nghề nghiệp là sự tự phán xét, tự ý thức về trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp. Nghĩa vụ đạo đức nghề nghiệp và lương tâm nghề nghiệp có quan hệ mật thiết với nhau. Đánh mất ý thức về nghĩa vụ đạo đức là đánh mất ý thức về bản thân mình, làm mất ý nghĩa làm người, cũng như giá trị động lực của lao động. Do vậy giáo dục đạo đức nghề nghiệp chính là để hình thành nhân cách nghề nghiệp của mỗi người, hướng con người vươn tới giá thị chân, thiện, mỹ trong hoạt động nghề nghiệp.

Trong những năm gần đây, sự đòi hỏi về đạo đức nghề nghiệp đã được nhân rộng ra hầu hết các ngành nghề của xã hội. Lĩnh vực ngân hàng cũng không là ngoại lệ và càng được lưu tâm hơn khi hàng loạt các “Đại án ngân hàng” xảy ra liên tiếp trong thời gian qua. Điển hình như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (Vietinbank), Nguyễn Đức Kiên (ACB), Nguyên chủ tịch NHTM CP Xây Dựng - ông Phạm Công Danh. Và cũng không thể không nhắc đến các đại án của Agribank trong những năm trở lại đây như: đại án Nguyên tổng Giám đốc Agribank Phạm Thanh Tân, Phạm Thị Bích Lương (Nguyên giám đốc Agribank Nam Hà Nội)… Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan đang được các cơ quan quản lý xử lý nhằm tìm ra những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Tất nhiên những nguyên nhân khách quan từ cơ chế, chính sách hay quy định của pháp luật; nhưng cũng có những nguyên nhân chủ quan xuất phát từ tính cơ hội, sự tham vọng, lợi ích cá nhân, hay lợi ích nhóm. Như vậy, việc kế thừa, đổi mới những hệ thống giá trị, những quy tắc ứng xử nhằm xây dựng một nền đạo đức Việt Nam lành mạnh, giàu tính dân tộc và hiện đại là một việc làm rất cần thiết và nó trở thành khuôn mẫu mà chúng ta không thể xem nhẹ.

Ngày 25/02/2019, Hội đồng hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ban hành Quyết định số 11/QĐ-HHNH về “Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ Ngân hàng”. Quy định đã nêu rõ: Cán bộ Ngân hàng phải tôn trọng và tuân thủ nghiêm luật pháp, các quy định, quy trình nghiệp vụ của ngành và của nội bộ ngân hàng. Không được đồng lõa, tiếp tay cho các hành vi, vi phạm pháp luật, quy định của ngành và của nội bộ, tránh để bị tác động can thiệp dẫn đến làm trái quy định của pháp luật. Cán bộ Ngân hàng phải luôn cẩn thận, kỹ lưỡng, cân nhắc thấu đáo, lường đoán kỹ mọi rủi ro để phòng ngừa, thận trọng trong giao tiếp và giữ kỷ luật phát ngôn, tự giác chịu sự giám sát, kiểm soát theo quy định. Không được chủ quan, liều lĩnh, không được dễ dãi, cả tin, không làm tắt, bỏ qua các bước, các thủ tục trong quy trình nghiệp vụ đã quy định. Cán bộ ngân hàng phải luôn tu dưỡng, rèn luyện, xây dựng bản lĩnh nghề nghiệp, giữ gìn sự liêm chính, minh bạch trong các mối quan hệ, liên quan đến lợi ích tài chính và tiền bạc, trung thực, thẳng thắn, nghiêm túc với bản thân và với những người xung quanh. Phải có tinh thần trách nhiệm bảo vệ tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, tránh lãng phí, không được tham ô, vụ lợi hoặc tiếp tay cho hành vi tham ô, vụ lợi, không làm lơ khi thấy các hiện tượng sai trái xung quanh, báo cáo kịp thời với các cấp có thẩm quyền khi phát hiện ra hành vi vi phạm và gây hại cho lợi ích chung. Cán bộ Ngân hàng cần phải thực hiện công việc của mình với sự tận tâm chu đáo; sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ với nỗ lực cao. Phải thường xuyên học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, rèn luyện để tinh thông chuyên môn nghiệp vụ. Cán bộ Ngân hàng cần phải rèn luyện tính tự giác và chủ động tìm tòi, sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả công tác; rèn luyện khả năng thích ứng cao trước sự thay đổi của môi trường và yêu cầu trong tình hình mới, không ngừng cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao các kỹ năng mềm của bản thân.

Xác định rõ vị trí, vai trò của đạo đức trong công tác xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mục tiêu, kế hoạch kinh doanh. Chi bộ Agribank huyện Thanh Oai luôn biết quan tâm, chú trọng đến việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cho mỗi đảng viên và toàn thể cán bộ trong đơn vị. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tự rèn luyện, trau rồi tư tưởng chính trị, đạo đức cho bản thân, nêu gương những người tốt việc tốt để hướng dẫn mọi người cùng hành động, cùng noi theo. Trong rèn luyện đạo đức, Hồ Chí Minh coi tự rèn luyện có vai trò rất quan trọng. Người khẳng định đã là người ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ tốt, chỗ xấu, ai cũng có cái thiện, cái ác ở trong mình. Vấn đề là dám nhìn thẳng vào con người mình, không tự lừa dối, huyễn hoặc, thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện để phát huy và thấy rõ cái xấu, cái dở, cái ác để khắc phục. Tu dưỡng đạo đức phải được thực hiện trong mọi hoạt động thực tiễn, trong mọi mối quan hệ của mình, trong đời tư cũng như trong sinh hoạt cộng đồng.

Những phẩm chất đạo đức của con người Việt Nam mà mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân phải tu dưỡng và tu dưỡng suốt đời, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói, đó là: “Trung với nước, hiếu với dân”; “Yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình” và phải thực sự “Cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”. Áp dụng tư tưởng đó toàn hệ thống Agribank nói chung, Agribank Thanh Oai nói riêng luôn luôn hoạt động theo phương châm “mang phồn thịnh đến khách hàng ”, một câu ngắn gọn vậy thôi nhưng nó chứa đựng văn hóa kinh doanh, bản sắc riêng của Agribank. Lấy con người làm gốc, lấy việc nâng cao tố chất toàn diện của con người để nâng cao trình độ quản lý ngân hàng, làm cho quan niệm giá trị của DN thấm sâu vào các tầng chế độ chính sách, từng bước phát triển ngân hàng. Lấy Ngân hàng làm trung tâm, căn cứ yêu cầu và ý kiến của khách hàng để khai thác sản phẩm, dịch vụ mới cung cấp dịch vụ chất lượng cao, cố gắng ở mức cao nhất để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng cùng với việc nâng cao chất lượng phục vụ dể tăng cường lòng tin của khách hàng. Xây dựng quan niệm phục vụ là thứ nhất, lợi nhuận là thứ hai, xây dựng hình ảnh ngân hàng tốt đẹp trong mắt khách hàng. Bởi khách hàng Agribank chủ yếu là nông dân, nông thôn; mang phồn thịnh, thịnh vượng đến cho bà con nông dân là phần nào góp phần phát triển vững bền hiện đại cho nền nông nghiệp nước nhà.

Như lời ca trong nhạc phẩm: “ Em đi làm tín dụng” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý có viết:

“ Sương đêm chưa tan mà người người đã ra nương

  Sương đêm chưa tan mà cán bộ đã lên đường

  Trài mấy năm qua em đi làm tín dụng, làm tín dụng

  Em mang tiền chính phủ cho bản làng vay đủ

  Nuôi thêm đàn lợn béo, trồng thêm lúa thêm ngô

  Bản làng luôn vẫn nói đến công ơn Đảng, ơn chính phủ

  Đã giúp ta xây dựng cuộc cuộc đời

Đường bản làng đã mở to

Ai xây nên mái ngói đỏ như son

Ai cho con em ta đến mái trường…”

Cán bộ, đảng viên Agribank Thanh Oai luôn học hỏi phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, địa phương và của bao thế hệ cán bộ ngân hàng đi trước. Luôn đoàn kết tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau. Coi Agribank Thanh Oai như một mái nhà thứ hai của mình, coi đồng nghiệp như anh chị em, người thân trong gia đình, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trong cuộc sống, cũng như trong công việc.

Từng cán bộ, đảng viên luôn đặt nhiệm vụ xây dựng Đảng gắn liền với nhiệm vụ chính trị, vì hoạt động kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng của đơn vị. Coi rủi ro về đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng là rủi ro nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn nhất và khó lường trước được. Có như vậy mới xây dựng chi bộ Đảng Agribank Thanh Oai trong sạch, vững mạnh, góp phần giúp Đảng CSVN thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong cương lĩnh đã đề ra “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện quy định về tiêu chuẩn đạo đức lối sống đối với cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên luôn tự ý thức mình phải rèn rũa sự tận tâm, chuyên cần, liêm chính trong từng công việc.

Nguyễn Thị Ngọc Hân - Chi đoàn Thanh Oai

Đoàn cơ sở Agribank Hà Nội II

.
.
.
.