.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ IV - năm 2019:

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh từ công tác phòng chống rủi ro đạo đức của cán bộ ngân hàng

Thứ Hai, 28/10/2019|10:42

"Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư" đó chính là các đức tính, phẩm chất đạo đức cần có của người cán bộ, đảng viên, cán bộ ngân hàng, thể hiện thông qua những hành vi cụ thể trong hoạt động kinh doanh. Hành vi đạo đức của cán bộ ngân hàng chỉ có thể được hình thành và phát hiện trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày phục vụ nhân dân. 

Bác Hồ thăm Quỹ tiết kiệm XHCN tại Nhà máy Dệt Nam Định, năm 1962. Ảnh tư liệu.
Bác Hồ thăm Quỹ tiết kiệm XHCN tại Nhà máy Dệt Nam Định, năm 1962. Ảnh tư liệu.

Ngay từ những năm chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến đạo đức của cán bộ ngân hàng. Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ tài chính, ngày 23-2-1952, Bác đã đề cập rất cụ thể: “Cán bộ kinh tế tài chính phụ trách nhiều tiền của, mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lý tiền của ấy. Cho nên chúng ta cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Đồng thời phải trau dồi đạo đức cách mệnh: chí công, vô tư, cần, kiệm liêm, chính. Một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình, để tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu, để cùng nhau tiến bộ. Chiến sĩ ta liên tiếp thắng giặc ngoài mặt trận. Tôi mong rằng: Các chú là chiến sĩ kinh tế tài chính ở hậu phương, cũng cố gắng thi đua sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, vượt mọi khó khǎn, làm cho mặt trận kinh tế - tài chính của ta cũng thắng lợi như mặt trận quân sự”.

Như vậy, bên cạnh việc cần thiết nâng cao trình độ chuyên môn, Bác đã rất chú trọng đến yêu cầu về đạo đức đối với cán bộ ngân hàng vì cán bộ ngân hàng phụ trách nhiều tiền của. Bác đã đề cập đến những khía cạnh hết sức cụ thể như phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, chuyên môn, năng lực quản lý, điều hành… Theo như lời Bác dạy, người cán bộ ngân hàng đòi hỏi vừa phải có đức, vừa phải có tài, phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.

"Cần" là cần cù, siêng năng, chăm chỉ trong lao động. Trong hoạt động ngân hàng, “cần” còn là tích cực, chủ động, sáng tạo, làm việc có phương pháp, có khoa học, mang lại hiệu quả cao trong công việc và không ngừng học tập, tiếp thu cái mới để phù hợp với giai đoạn đổi mới, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng và hội nhập quốc tế.

Kiệm” là tiết kiệm thời gian, tiền bạc, tránh xa hoa, lãng phí của cải vật chất và tinh thần của nhân dân, gia đình và xã hội. “Kiệm” không có nghĩa là cán bộ ngân hàng phải “thắt lưng, buộc bụng” không được mua sắm mà là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bắt đầu từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày như tiết kiệm điện, nước, sử dụng hiệu quả trang thiết bị làm việc, văn phòng phẩm đến đấu tranh chống sự xa hoa, lãng phí chạy theo lối sống không lành mạnh.

"Liêm" là liêm khiết, trong sáng, không tham của cải vật chất, không tham danh lợi địa vị. Đặc biệt, trong ngành tài chính ngân hàng, sự liêm khiết là cực kỳ quan trọng bởi nếu tham lam của cải, vật chất, tham ô, hối lộ, tư lợi bất minh xảy ra có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng làm thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng,làm ảnh hưởng uy tín của toàn hệ thống ngân hàng và suy yếu lòng tin của xã hội.

"Chính" là thẳng thắn, trung thực, luôn đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, chính nghĩa, lên án những cái xấu, cái sai trái. Cán bộ ngân hàng phải luôn làm theo lẽ phải, đấu tranh chống sự giả dối, không trung thực, cơ hội, lợi dụng chức quyền làm việc bất minh, phải nghiêm chỉnh chấp hành và thực thi nhiệm vụ một cách đúng mực, nghiêm túc.Đối với mình thì không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân mình. Đối với người, không nịnh hót người trên, không xem khinh người dưới; luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết thật thà, không dối trá, lừa lọc. 

Chí công, vô tư” ” là rất mực công bằng, không thiên vị, giải quyết công việc theo lẽ phải, xuất phát từ lợi ích chung và đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân. Cán bộ ngân hàng phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân, không vị kỷ, làm việc một cáchcông tâm, khách quan.

“Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” đó chính là các đức tính, phẩm chất đạo đức cần có của người cán bộ, đảng viên, cán bộ ngân hàng, nó thể hiện thông qua những hành vi cụ thể trong hoạt động kinh doanh. Hành vi đạo đức của cán bộ ngân hàng chỉ có thể được hình thành và phát hiện trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày phục vụ nhân dân. Không có thứ đạo đức chung chung, trừu tượng, bên ngoài cuộc sống, càng không có thứ đạo đức suông. Cán bộ ngân hàng phải gương mẫu về đạo đức. Sự gương mẫu về đạo đức là một trong những chuẩn mực đặc trưng của nền công vụ. Người có quyền lực càng lớn, địa vị càng cao thì càng phải thường xuyên tu dưỡng và làm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế là trong những năm gần đây, có không ít cán bộ ngân hàng tại nhiều địa phương bị truy tố do vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nghề nghiệp gây chấn động dư luận và gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về tài chính, làm mất lòng tin của nhân dân với hệ thống ngân hàng.

Có thể kể đến, Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.911 tỷ xảy ra tại VietinBank là một trong những đại án kinh tế lớn với 23 bị cáo hầu tòa cùng 47 luật sư bào chữa. Tổng số tiền các đối tượng đã huy động trong vụ án này lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, thông qua lãi suất cao, đánh tráo hồ sơ, làm giả chứng từ...

Hay như vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), nguyên phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ngân hàng ACB với tội cố ý làm trái, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép và trốn thuế. Cùng ra tòa còn có 5 cựu lãnh đạo ACB “cố ý làm trái”. Tổng số tiền thiệt hại do bầu Kiên gây ra được cơ quan điều tra xác định là gần 1.700 tỷ đồng. Biến cố bầu Kiên cũng khiến ACB lao đao trong một thời gian dài từ năm 2012 đến năm 2017 mới bắt đầu hồi phục.

Và không thể không kể đến vụ án lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại với số tiền thiệt hại được xác định lên đến 18.000 tỷ đồng, đại án Phạm Công Danh. Theo kết quả điều tra, từ tháng 12/2012 đến tháng 5/2014, Phạm Công Danh đã đề ra chủ trương, chỉ đạo, tổ chức phân công cho những nhân viên dưới quyền của Ngân hàng Xây dựng VNCB và những nhân viên làm thuê tại Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng.Tiếp tục mở rộng vụ án ở VNCB, cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố bắt tạm giam hai cựu lãnh đạo to nhất của Sacombank là ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang vì ký duyệt cho ông Phạm Công Danh vay trái quy định, gây thất thoát 1.800 tỷ đồng. Cùng với hai người này còn có 23 bị can khác cũng bị khởi tố trong đó 16 người bị bát giam, 5 bị can được tại ngoại và một số bị can đang thi hành án ở vụ khác, cùng với tội danh "Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại 4 ngân hàng gồm: VNCB, Tiên Phong Bank, BIDV và Sacombank. Ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV cũng bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra. Những vi phạm tại VNCB còn khiến một nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước bị bắt giam, điều tra, xét xử.

Có thể thấy, những vụ đại án trên gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng và ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành ngân hàng. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến các vụ án kinh tế lớn như trên?

Trước hết, do sự tha hóa biến chất trong đạo đức, đánh mất tư cách của chính cán bộ ngân hàng. Các bị cáo trong các vụ đại án ngân hàng kể trên đều là cán bộ lãnh đạo ngân hàng từ cấp cao đến cấp trung nhưng họ đã bị đồng tiền làm mờ mắt nên đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, bất chấp luật pháp, bất chấp rủi ro để phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Việc những bị cáo không chịu tu dưỡng đạo đức, rèn luyệt bản thân, không vượt qua được cám dỗ vật chất chính là nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm. Các bị cáo nguyên là cán bộ, đảng viên trong những vụ án này đã không chấp hành theo Quy định về 19 điều đảng viên không được làm, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Thế nhưng, tội phạm khó có thể được thực hiện bởi cá nhân một người mà cần có sự liên kết của nhiều người, trong đó đặc biệt quan trọng là vai trò của người đứng đầu. Nếu không có sự chỉ đạo, nhất trí phê duyệt, phê chuẩn của người đứng đầu, tội phạm khó có thể xảy ra và gây thiệt hại. Ngược lại, nếu người có chức vụ quyền hạn trong tổ chức kinh tế của Nhà nước làm đúng trách nhiệm, không vụ lợi, kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động của cấp dưới thì tội phạm sẽ được hạn chế rất nhiều. Nhìn lại một số vụ án kinh tế thời gian gần đây có thể thấy rất rõ vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong hệ thống hành vi sai phạm. Người đứng đầu đã phạm phải chủ nghĩa cá nhân, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Các bị cáo này đã độc đoán, lấn át quyền của tập thể, tự ý quyết định công tác cán bộ, bắt tập thể phải phục tùng ý chí cá nhân. Hoặc do sự móc ngoặc, thỏa thuận ngầm “có đi có lại” giữa người đứng đầu với các thành viên khác nên công tác cán bộ thường phục vụ cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Hai là, lỗ hổng trong quy trình nghiệp vụ, công tác thanh tra giám sát, kiểm soát nội bộ hệ thống một số ngân hàng còn yếu kém, chậm phát hiện những vi phạm. Chất lượng công tác giám sát từ xa chưa cao nên chưa phát huy được vai trò trong việc phát hiện, đánh giá, cảnh báo các tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống các tổ chức tín dụng. Qua các "đại án" ngân hàng có thể thấy sai phạm của các bị cáo đều diễn ra trong một thời gian dài, thế nhưng hệ thống thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước gần như "mù tịt" để đến khi Công an vào cuộc thì thiệt hại đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Ba là, tính minh bạch của hệ thống Ngân hàng còn hạn chế. Bởi liên quan đến tài sản toàn dân thế nên lâu nay nhiều thông tin trong lĩnh vực ngân hàng thường bị né tránh vì được cho là "nhạy cảm", nhằm bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống. Song, một số ngân hàng dễ vin vào đó để che giấu yếu kém, sai phạm, nên khi bị phát hiện thì hậu quả đã khá nặng nề, khó khắc phục. 

Để kiểm soát các rủi ro đạo đức trong hoạt động ngân hàng, cần có sự chỉ đạo tập trung và thống nhất, quyết liệt từ Ngân hàng Nhà nước, đến mỗi ngân hàng và từng đơn vị. Sau đây, là những bài học kinh nghiệm để phòng chống rủi ro đạo đức tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank):

Một là, Cấp ủy, tổ chức Đảng phải thường xuyên quán triệt sâu sắc mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng thời nhanh chóng phổ biến các chủ trương, chính sách, những định hướng và giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng tới từng cán bộ, đảng viên. Thực tế, Đảng ủy Vietcombank rất quan tâm đến công tác này và thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo dưới nhiều hình thức: Hội nghị học tập Chỉ thị 05–CT/TW chuyên đề năm 2018 “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”;Hộinghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII); Hội nghị quán triệt Chỉ thị 05-CT/TW năm 2019 về “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”thông qua hình thức truyền hình trực tuyến cho gần 3.000 Đảng viên tại các tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ Vietcombank,…Thông qua những buổi hội nghị như vậy, cán bộ, đảng viên và người lao động đã có những nhận thức sâu sắc hơn trong việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên, qua đó góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Hai là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, phổ biến quy định pháp luật, trao đổi kinh nghiệm cho cán bộ ngân hàng. Trong chiến lược phát triển của mình, Vietcombank đặt mục tiêu đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực trong các ngân hàng hoạt động tại Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu này, Vietcombank đã ra mắt Trường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để chuyên nghiệp hóa công tác đào tạo. Trường thường xuyên tổ chức các lớp học với nhiều hình thức đào tạo nhằm trang bị đầy đủ kiến thức từ quy định Pháp luật, quy chế, quy trình nghiệp vụ, chính sách sản phẩm, kiến thức về phòng chống rửa tiền đến các buổi trao đổi kinh nghiệm, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình tác nghiệp cho cán bộ tránh lỗi tác nghiệp, sai phạm do thiếu kiến thức trong lĩnh vực ngân hàng dẫn đến làm sai quy định pháp luật.

Ba là, xây dựng và áp dụng các bộ quy chuẩn đạo đức nghiêm ngặt và nâng cao nhận thức về đạo đức nghề nghiệp. Tại Vietcombank, mỗi cán bộ nhân viên ngay từ ngày đầu tiên bước chân vào Ngân hàng đều nhận được một cuốn “Sổ tay văn hóa Vietcombank” với những quy định hết sức cụ thể những chuẩn mực  hành vi ứng xử với đồng nghiệp, với cấp trên và với khách hàng. Năm giá trị cơ bản trong bản sắc Văn hóa Vietcombank đó là: Tin cậy – Giữ gìn chữ Tín và Lành nghề; Chuẩn Mực – Tôn trọng nguyên tắc và ứng xử chuẩn mực; Sẵn sàng đổi mới – Luôn hướng đến cái mới hiện đại, văn minh; Bền vững – Vì lợi ích lâu dài; Nhân văn – Trọng đức, gần gũi và biết thông cảm sẻ chia. Với tinh thần trách nhiệm và lòng tự trọng cao nhất, toàn thể cán bộ nhân viên Vietcombank đã cùng nhau thực hiện tốt những quy chuẩn văn hóa của Vietcombank, cùng nhau xây dựng một ý thức, một phong cách sống, làm việc thân thiện, văn minh, trách nhiệm và nhân văn.

Bốn là, quan tâm đến việc nêu gương và tuyên dương những tấm gương điển hìnhtrong thực hành đạo đức cách mạng. Bác Hồ đã dạy “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Mỗi cán bộ đảng viên ở vai trò là người lãnh đạo phải thể hiện mình là người năng lực thực sự, vừa giỏi về chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, vừa có trình độ tổ chức, tập hợp quần chúng, giỏi quản lý và điều hành. Người cán bộ phải tận tâm, tận lực thực thi nhiệm vụ được giao, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, vì mục tiêu cao cả là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hội đồng Thi đua khen thưởng Vietcombank thường xuyên quan tâm và khen thưởng kịp thời những cán bộ tiêu biểu đã có thành tích đóng góp trong hoạt động chuyên môn, hoạt động đoàn thể, những tấm gương người tốt việc tốt trong hệ thống Vietcombank, góp phần đưa phong trào thi đua học tập và làm theo lời Bác của toàn thể cán bộ Vietcombank luôn hừng hực khí thế và tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực.

Năm là, tăng cường kiểm tra rà soát, không ngừng nâng cấp, hoàn thiện những yêu cầu và các quy trình nghiệp vụ cụ thể, chi tiết trong đó làm rõ quyền hạn và trách nhiệm của từng bộ phận, và tăng cường hoạt động nghiệp vụ giám sát, thanh tra, kiểm tra trong nội bộ và trong toàn hệ thống; bảo đảm sự minh bạch và thông suốt thông tin, khả năng chủ động nhận diện, phát hiện sớm và áp dụng có hiệu lực thực tế các chế tài nghiêm khắc cho các rủi ro, những hành vi vi phạm hoặc những dấu hiệu cảnh báo, nghi ngờ đạo đức nghề nghiệp của cấp trên, đồng nghiệp…Do hoạt động ngân hàng được điều chỉnh chặt chẽ theo các quy định pháp luật, nên để đảm bảo tính tuân thủ, các ngân hàng đều phải “quy định hóa” thành hệ thống văn bản nội bộ, trong đó chỉ rõ những việc được làm, những việc không được làm, những việc có thể lựa chọn làm hoặc không và những điều kiện. Không chỉ dừng ở việc ban hành quy định, kèm theo đó còn là các mẫu biểu để thuận tiện hơn cho người dùng, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng các quy trình chặt chẽ, giảm thiểu tối đa rủi ro trong các tác nghiệp, nghiệp vụ. Các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thường được xây dựng trên nền tảng ý thức trách nhiệm. Mà ý thức trách nhiệm lại được xây dựng dựa trên sự nhận thức về các trách nhiệm rủi ro pháp lý trong nghề nghiệp. Người hiểu được nghề ngân hàng thường là người nhận thức được rủi ro pháp lý nghiệp vụ và trách nhiệm của bản thân trong quy trình nghiệp vụ.

Tóm lại, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức cách mạng, có trình độ trí tuệ và năng lực thực tiễn là yếu tố cốt lõi để xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh. Mỗi cán bộ Vietcombank không ngừng phấn đấu học tập tấm gương sáng về tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh để giữ vững bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng trong sáng, hết lòng phục sự nhân dân, phụng sự tổ chức, không ngừng rèn luyện bản thân, tu dưỡng đạo đức, “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” đóng góp vào sự phát triển bền vững của Vietcombank.

Huỳnh Thị Hoài Diễm

Chi bộ 4, Đảng bộ Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam Chi nhánh Nam Sài Gòn, TP.HCM

.
.
.
.