Phát huy vai trò của lực lượng Đảng viên trẻ Khối Doanh nghiệp Trung ương trong công tác bảo vệ Đảng, đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên không gian mạng trong giai đoạn hiện nay
Chưa bao giờ công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng lại diễn ra quyết liệt và cấp bách như hiện nay. Quyết liệt và cấp bách là bởi các thế lực thù địch trong và ngoài nước ngày càng gia tăng cường độ và thủ đoạn chống phá, với nhiều chiêu trò và phương thức vừa tinh vi, vừa thâm độc, nguy hiểm, trong khi một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân còn chủ quan, mơ hồ, mất cảnh giác, nhận thức chưa đầy đủ tính chất gay gắt, phức tạp của cuộc đấu tranh phòng, chống các thông tin sai trái, thù địch trên không gian mạng.
1. Nhận diện “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng và các hoạt động phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng
Diễn đàn "Đảng viên trẻ tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng". |
Hiện nay, môi trường không gian mạng, mạng xã hội đang phát triển bùng nổ với nhiều tiện ích cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ, yếu tố tiêu cực và là môi trường, phương tiện mà các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị triệt để lợi dụng nhằm xuyên tạc, kích động, chống phá, phủ nhận và từng bước xoá bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng” đã xác định rõ:“không gian mạng trở thành môi trường tác chiến thứ năm, làm thay đổi phương thức tiến hành chiến tranh, xuất hiện các hình thái chiến tranh mới, tác động sâu sắc tới quốc phòng, an ninh, hoà bình của mỗi quốc gia, khu vực và thế giới”. Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới" cũng xác định rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Theo quy định tại Điều 2, Luật An ninh mạng 2018, không gian mạng là “Mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian”. Trong phạm vi bài viết này, không gian mạng được hiểu là môi trường mạng Internet với hệ thống kết nối thông tin toàn cầu được truy cập công cộng bởi nhiều mạng máy tính được liên kết với nhau, thông qua các công cụ, phương tiện và tạo ra các môi trường để con người tham gia và tương tác (mạng xã hội).
Đối với Việt Nam, hoạt động phá hoại tư tưởng đang được các thế lực thù địch, phản động triển khai quyết liệt thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình”. Đây là chiến lược tổng hợp của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch dựa trên sức mạnh tổng hợp, lấy sức mạnh quân sự làm công cụ răn đe, thông qua các biện pháp “phi vũ trang” tác động vào kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại để lật đổ các nước xã hội chủ nghĩa mà không cần chiến tranh. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, âm mưu “diễn biến hòa bình” được triển khai dưới nhiều dạng thức khác nhau và không gian mạng được coi là trọng tâm triển khai.
Hoạt động phá hoại tư tưởng trên không gian mạng của chúng theo hai hướng chủ yếu sau:
Một là, sử dụng sức mạnh của không gian mạng để truyền bá quan điểm, tư tưởng, giá trị phương tây, lối sống tự do, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chúng tập trung xuyên tạc, phản bác chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực trạng kinh tế - xã hội, tình hình chính trị nội bộ, bôi nhọ uy tín lãnh đạo của Đảng, Nhà nước… với cách thể hiện đa dạng, trực quan hơn, tận dụng sự lan tỏa, cộng hưởng của không gian mạng. Đặc biệt là sự tương tác của các mạng xã hội với sự tham gia chủ yếu của giới trẻ cùng nhiều thành phần trong xã hội đang làm cho những luận điệu chống Đảng, Nhà nước ngày càng trở nên tinh vi, nguy hiểm, trực diện, ảnh hưởng rộng hơn. Hướng hoạt động này có sự cộng hưởng mạnh mẽ của các đối tượng phản động người Việt lưu vong, số đối tượng cơ hội chính trị, cực đoan, bất mãn trong xã hội đang có xu hướng hoạt động nhiều hơn trên không gian mạng, với vai trò cung cấp thông tin, trả lời phỏng vấn, bình luận và đăng lại thông tin không chính thống của các hãng thông tấn nước ngoài.
Hai là, các thế lực thù địch tiếp sức, hậu thuẫn cho hoạt động sử dụng Internet phá hoại tư tưởng bằng chiêu bài “bất tuân dân sự trên mạng” của số đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước. Đóng vai trò chính trong hướng này là một số tổ chức phi chính phủ (NGO) và một số hãng thông tấn của Mỹ, phương Tây. Trong khi các hãng thông tấn tuyên truyền, quảng bá kích động hoạt động chống phá của một số đối tượng chống đối cũng như chỉ trích Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền và các gọi là “tự do Internet” thì một số tổ chức NGO cung cấp tài chính, huấn luyện, trang bị công cụ cho các đối tượng hoạt động chống phá trên mạng hoặc khuyến khích số này chống phá quyết liệt hơn bằng cách trao các giải thưởng, đề cử, vinh danh hay xếp hạng Việt Nam vào danh sách “kẻ thù của Internet”… Điều này cũng gia tăng tính nguy hại khi dịch vụ mạng xã hội, blog cá nhân, thư điện tử, trò chuyện trực tuyến (chat) đến từ các hãng công nghệ chủ yếu của Mỹ, như Facebook, Google, Wordpress… ngày càng phát triển ở Việt Nam. Trong đó, các dịch vụ mạng xã hội (Facebook, Youtube, Twitter), blog cá nhân (Blogspot, Wordprees), thư điện tử (Gmail, Yahoo email), dịch vụ chat (Skype, Paltalk)…, cũng với các mạng xã hội và dịch vụ khác như: Zalo, Instagram và Line…. đang được các đối tượng phản động, chống đối sử dụng nhiều nhất cho hoạt động chống phá. Các phần tử phản động trong nước và nước ngoài cùng những người cơ hội chính trị, thoái hóa, biến chất đã và đang triệt để lợi dụng internet và mạng xã hội đăng tải những thông tin sai trái, bịa đặt nhằm hút sự quan tâm của xã hội, nhất là đối tượng giới trẻ (thanh, thiếu niên). Do đó, không phải ngẫu nhiên những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta liên tiếp có sự điều chỉnh chiến lược về công tác bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và an ninh mạng.
Có thể nhận diện thành 9 vấn đề/ nội dung chủ yếu mà các phần tử chống phá tập trung mũi nhọn, bằng mọi thủ đoạn và hình thức đang ra sức công kích từ bên ngoài và gieo rắc mối hoài nghi, chia rẽ từ bên trong, cụ thể: (1) Phê phán, công kích trực diện vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh để từ đó công phá nền tảng tư tưởng chính trị và thủ tiêu ý thức hệ; (2) Lợi dụng “lợi ích nhóm” và các “nhóm lợi ích”, họ tán dương và dùng mọi giọng điệu để bôi nhọ, khoét sâu những vấn đề này nhằm phân hóa từ trong nội bộ Đảng, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, phá hoại chiến lược cán bộ trong hệ thống chính trị của chúng ta; (3) Tung hỏa mù về “đảng trị” và vu khống Đảng ta cầm quyền đứng trên tất cả, nghị quyết của Đảng cao hơn và bất chấp Hiến pháp; (4) Âm mưu chia rẽ mối quan hệ máu thịt của Đảng với nhân dân; (5) Khoét sâu vấn đề tôn giáo, dân tộc, nhân quyền với thể chế xã hội chủ nghĩa nhằm phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống lại nhân dân; (6) Ngụy tạo những trang thông tin điện tử/mạng xã hội giả danh cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước để tung tin giả, công kích nhằm gây mâu thuẫn nội bộ, trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng đang diễn ra sâu rộng, nhất là thời điểm chúng ta đang chuẩn bị các điều kiện tiến tới Đại hội XIII của Đảng; (7) Phá hoại đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa trong hội nhập quốc tế của Đảng ta, cổ xúy cho chủ nghĩa ly khai, xâm hại sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; (8) Đẩy mạnh tuyên truyền các trào lưu tư tưởng, lý luận du nhập, thẩm thấu bằng mọi con đường, âm mưu gặm nhấm, công phá làm băng hoại dưới mọi hình thức, quy mô và mức độ tư tưởng, lý luận của chúng ta từ những giá trị nền tảng; (9) Phủ nhận đường lối phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước ta, hạ thấp vai trò của kinh tế nhà nước, cổ vũ cho tư nhân hóa nền kinh tế, tiến tới làm chệch định hướng XHCN nền kinh tế nước ta.
Có thể nói, những luồng tư tưởng, lý luận đó thâm nhập vào nước ta bằng các con đường giao lưu tư tưởng, thông qua hội nhập quốc tế, bằng thủ đoạn kinh tế, văn hóa… trong đó trọng tâm và thường xuyên là thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng hết sức tinh vi, biến ảo. Chúng thường xuất phát từ các phần tử thoái hóa, biến chất, nằm ở tất cả các cấp của hệ thống chính trị, thúc đẩy nhanh quá trình “tự diễn biến hòa bình” công phá từ bên ngoài, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ trong nội bộ rất nguy hiểm. Tất cả nhằm cô lập đất nước ta và chuyển hóa thể chế chính trị một cách nhanh nhất và nguy hiểm nhất.
2. Đặc điểm các tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ đảng viên trong Khối Doanh nghiệp Trung ương
Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương là cấp ủy trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; là cấp ủy cấp trên trực tiếp của các đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, đơn vị trong Khối. Đảng bộ Khối gồm 35 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 33 đảng bộ các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng và 02 Đảng bộ Cơ quan với 1.095 tổ chức cơ sở đảng, 5.327 chi bộ trực thuộc và hơn 81.000 đảng viên.
Những năm qua, với sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp, các đơn vị trực thuộc Khối đã luôn nâng cao năng lực sản xuất, nhiều sản phẩm, thương hiệu có uy tín trên thị trường quốc tế; đi đầu trong nghiên cứu triển khai, đổi mới công nghệ, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm trong nước, trong tổng thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu và công trình hợp tác đầu tư với nước ngoài. Nhiều tập đoàn, tổng công ty thực hiện tốt nhiệm vụ của Chính phủ giao, bảo đảm sản xuất, cung ứng các sản phẩm hàng hóa dịch vụ thiết yếu của nền kinh tế trong một số lĩnh vực.
Mô hình tổ chức đảng được xây dựng, kiện toàn từng bước phù hợp với mô hình tổ chức tập đoàn, tổng công ty, đơn vị; từng bước gắn kết công tác xây dựng Đảng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác cán bộ, lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, ngân hàng. Tuy nhiên, Mô hình tổ chức đảng trong Đảng bộ Khối không thống nhất gồm 4 cấp như các tỉnh, thành ủy (có những đảng bộ, chi bộ cơ sở trực thuộc đảng bộ cơ sở được giao một số quyền cấp trên cơ sở); đa số đảng bộ trực thuộc chưa thống nhất toàn ngành; các tập đoàn, tổng công ty có ngành nghề, lĩnh vực hoạt động rất đa dạng; được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành giao thực hiện các dự án trọng điểm, thực hiện các nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước và đảm bảo cân đối vĩ mô của nền kinh tế; tổ chức đảng và đảng viên địa bàn hoạt động rộng khắp trên cả nước và ở nước ngoài; điều kiện và môi trường làm việc của phần lớn đảng viên phải thường xuyên quản lý, tiếp xúc với tài sản, tiền vốn,... nếu tổ chức đảng không làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, và công tác quản lý, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của đảng viên thì dễ dẫn đến xảy ra sai phạm.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Khối Doanh nghiệp Trung ương là lực lượng lao động có chất lượng cao, nhiều đồng chí đang nắm giữ các vị trí chủ chốt trong lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp, 100% cán bộ, đảng viên đều đã được qua đào tạo, với nhiều ngành nghề khác nhau ở trong nước và cả ở nước ngoài (tính bình quân trong toàn Đảng bộ: cán bộ, đảng viên có trình độ trên đại học chiếm 7,6%, có trình độ đại học chiếm 56,6%; các đồng chí đảng viên có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị chiếm 3,08%; cán bộ, đảng viên giữ các chức vụ từ phó trưởng phòng, ban trở lên chiếm 27,6%). Đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Khối, nhìn chung đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, kiên định, giữ vững nguyên tắc của Đảng, đoàn kết, khắc phục khó khăn, luôn nêu cao trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.Theo đánh giá, phân tích chất lượng đảng viên hàng năm, có từ 14 đến 15,5% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 73,6 đến 74,7% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hiện tại, đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ (trong độ tuổi Đoàn) của toàn Đảng bộ Khối là trên 21.000 đảng viên, chiếm 25% tổng số đảng viên (tháng 9/2019). Đây là đội ngũ đảng viên chính thức, là lực lượng cán bộ có vai trò quan trọng, quyết định sự phát triển của doanh nghiệp. Họ có tinh thần tự giác cao, năng động, sáng tạo trong lao động, học tập và làm chủ khoa học – công nghệ; có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, trau dồi đạo đức, lối sống; hăng say, nhiệt huyết với công việc, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, cùng với các thành phần khác trong xã hội, xu hướng tiếp cận thông tin của họ đang chuyển dần từ báo, tạp chí in, kể cả phát thanh, truyền hình sang thu nhận thông tin chủ yếu từ báo chí điện tử, các phương tiện truyền thông khác trên Internet, đặc biệt là qua mạng xã hội.
3. Các nhóm giải pháp phát huy vai trò đảng viên trẻ trong công tác bảo vệ Đảng và đấu tranh trên không gian mạng
Tăng cường đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn chính trị, chống phá Cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam của các thế lực thù địch, đồng thời có giải pháp ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “ tự chuyển hóa” trong nội bộ, củng cố sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận toàn dân trong xã hội là nhiệm vụ hết sức quan trọng của tổ chức Đảng và cấp ủy các cấp, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên Khối doanh nghiệp Trung ương, trong đó, vai trò của đội ngũ đảng viên trẻ là rất quan trọng, cần được phát huy hiệu quả.
Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo 35 của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương. |
Thực tế cho thấy, đối với nhiều người trẻ, lượng thông tin được tiếp nhận từ những nguồn chia sẻ trên mạng xã hội chiếm tỷ trọng khá lớn; những thông tin được chia sẻ có lợi thế về thời gian cập nhật sớm, tốc độ lan truyền nhanh, “nóng hổi”, thậm chí nhanh hơn kênh chính thức, mang tính tương tác cao, nội dung gần gũi, tự nhiên và có sức lôi cuốn do được truyền tải qua những nguồn tin là “bạn bè” mạng, “người đang được theo dõi” trên mạng xã hội. Do đó, cần thiết phải áp dụng tổng thể các biện pháp nhằm sử dụng hiệu quả các phương thức truyền thông trên mạng xã hội phục vụ cho mục đích phù hợp, bảo vệ Đảng trên môi trường không gian mạng, cụ thể:
Thứ nhất, nâng cao vai trò của các tổ chức cơ sở Đảng và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp trong việc tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, thanh niên về chân giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chính là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, là môi trường giáo dục, rèn luyện thanh niên cả về lập trường, tư tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, tác phong… Do đó, các tổ chức cơ sở Đảng, Đoàn, nhất là cấp cơ sở nơi mà các đảng viên trẻ tham gia sinh hoạt cần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục cho các đảng viên trẻ và đối tượng cảm tình đảng về nền tảng tư tưởng của Đảng như chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cụ thể: (1) nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và phát huy vai trò của người đứng đầu như Bí thư, Phó Bí thư trong việc tuyên truyền, lan tỏa giá trị của nền tảng lý luận của Đảng; (2) xây dựng các bộ sản phẩm, tài liệu, bài giảng, ấn phẩm theo hình thức hiện đại (infographic, motiongraphic, clip viral,…) về những kiến thức liên quan đến nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, triển khai chiến dịch truyền thông “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên không gian mạng; (3) xây dựng bộ tiêu chí và triển khai cuộc vận động “Giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam hiện nay” trong kỷ nguyên số hóa nhằm nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí cơ bản về những giá trị, kiến thức, kỹ năng cần phải có của người tham gia không gian mạng; (4) tiếp tục triển khai cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên mạng xã hội, góp phần tạo ra trào lưu, xu hướng đăng tải, chia sẻ thông tin tích cực trên mạng xã hội. Triển khai trên diện rộng và đổi mới phương thức tổ chức các chương trình “Tuổi trẻ Việt Nam - Câu chuyện hòa bình”, “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”; (5) tiếp tục triển khai cuộc vận động “Đoàn viên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”, trong đó, chú trọng giới thiệu đoàn viên ưu tú là công nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh và chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng đoàn viên ưu tú giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp và đảng viên dự bị, đảng viên trẻ.
Thứ hai, nâng cao ý thức làm chủ và bảo vệ không gian mạng của cán bộ, đảng viên trẻ trong Khối
Để chủ động ứng phó với các nguy cơ, thách thức về tình báo mạng, gián điệp, bảo vệ các bí mật nhà nước, các hạ tầng quan trọng của quốc gia như hệ thống thông tin hàng không, điện lưới quốc gia, giao thông đường bộ, các cơ sở công nghiệp trọng yếu, hệ thống tài chính, ngân hàng do các đơn vị trong Khối trực tiếp quản trị, vận hành, Đảng ủy Khối và các đảng ủy trực thuộc cần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh thông tin, an ninh mạng, và thực hiện một số mặt công tác sau:
(1) Giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên về bảo vệ chủ quyền quốc gia, các lợi ích và sự nguy hại đến từ không gian mạng. Cán bộ, đảng viên trẻ cần nhận thức rõ các nguy cơ đến từ không gian mạng như: tấn công mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng, tội phạm mạng, đặc biệt là nguy cơ chiến tranh mạng đang là thách thức gay gắt về an ninh, và bảo đảm an ninh mạng đang trở thành trọng tâm ưu tiên của quốc gia. Vì vậy, cần quán triệt các quan điểm của Đảng về phát triển khoa học công nghệ và chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các định hướng hành động của Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên không gian mạng và nhận thức rõ rằng, đe dọa trên không gian mạng là một trong những mối đe dọa thực tế và nguy hiểm nhất đối với an ninh quốc gia hiện nay.
(2) Giáo dục các quy định của pháp luật về quản lý không gian mạng. Cần tuyên truyền, phổ biến giúp cán bộ, đảng viên hiểu về các điều khoản của Bộ luật Hình sự 2015 (Mục 2, Điều 285-294) liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ và Thông tư số 09/2014/BTTTT ngày 19-8-2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội, những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng mạng xã hội. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật An ninh mạng năm 2018. Luật An ninh mạng được xây dựng nhằm bảo vệ người dùng hợp pháp trên không gian mạng; phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, chống Nhà nước, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động biểu tình, phá rối an ninh trên mạng của các thế lực phản động. Phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả của các đợt tấn công mạng, khủng bố mạng và phòng, chống nguy cơ chiến tranh mạng.
(3) Bồi dưỡng kỹ năng nhận diện các âm mưu, thủ đoạn tấn công mạng và các hình thái phát sinh trên không gian mạng. Hoạt động tấn công không gian mạng rất đa dạng và tinh vi như: làm mất kết nối Internet, đánh sập các website của chính phủ, cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp; giả mạo các website nhằm lừa đảo; cài gắm vào máy tính cá nhân hoặc lấy tài khoản và mật khẩu; đánh cắp dữ liệu cá nhân (hình ảnh, file, video); tấn công bằng mã độc (theo tệp đính kèm trong email hoặc ẩn trong quảng cáo Skype); tấn công ẩn danh bằng những phần mềm độc hại (phần mềm diệt virus, các trình duyệt); tấn công qua usb, đĩa CD, địa chỉ IP, server…Ở mức độ cao hơn, các thế lực thù địch có thể thông qua blog cá nhân lôi kéo, kích động các phần tử bất mãn, tập hợp lực lượng, thành lập các tổ chức chống đối núp dưới vỏ bọc các tổ chức “xã hội dân sự”, “diễn đàn dân chủ” để xuyên tạc cương lĩnh, đường lối, quan điểm, nền tảng tư tưởng của Đảng.
Các thế lực thù địch còn lợi dụng báo điện tử, các website, dịch vụ thư điện tử, mạng xã hội facebook, Zalo, Twitter, diễn đàn,... để phát tán các tài liệu, kêu gọi tuần hành, biểu tình, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống phá chính quyền, chia rẽ mối đoàn kết giữa Đảng và Nhân dân hoặc sử dụng “khoảng trống thông tin” để tấn công vào sự hiếu kỳ của công chúng; làm mới thông tin cũ, bịa đặt thông tin mới để chống phá. Các trang mạng có nhiều nội dung thông tin xấu, độc như Dân Làm Báo, Quan Làm Báo; Boxit, Dân Luận, Chân Dung Quyền Lực…
Thứ ba, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, với lực lượng nòng cốt là đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ am hiểu về công nghệ thông tin và các ứng dụng mạng xã hội; đồng thời tăng cường vai trò của các cơ quan báo chí, trang tin nội bộ của các đơn vị nhằm cung cấp cho cán bộ, đảng viên, người lao động trong Khối những thông tin cơ bản về các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và quy định pháp luật của Nhà nước về không gian mạng; phối hợp với các đơn vị chức năng trong việc tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách, cung cấp kiến thức, kỹ năng và những thông tin cảnh báo cho người dùng khi tham gia không gian mạng…
Thứ tư, Xác định rõ trách nhiệm nêu gương của tập thể và cá nhân người đứng đầu các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở trong việc tổ chức thực hiện tự phê bình và phê bình nhằm phòng ngừa các nguy cơ suy thoái từ bên trong, từ nội bộ cơ quan, đơn vị trong Khối.
Đối với các cấp uỷ đảng trực thuộc Đảng bộ Khối: Thường xuyên nắm chắc tình hình diễn biến tư tưởng, đạo đức, tác phong, lối sống của cán bộ, đảng viên, giáo dục bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên đặc biệt là giáo dục bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên trẻ, đoàn viên, thanh niên là một trong những nhiệm vụ cơ bản của tổ chức đảng cơ quan. Để thực hiện được vai trò, trách nhiệm đó, đòi hỏi tổ chức đảng, trước hết là các cấp uỷ đảng phải thực sự trong sạch vững mạnh, không ngừng tự hoàn thiện nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trên các mặt công tác: Chính trị, tư tưởng; tổ chức và cán bộ. Muốn vậy phải không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực xây dựng và ban hành các chủ trương, nghị quyết; tổ chức thực hiện và thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chủ trương nghị quyết đó. Nâng cao sức chiến đấu của đảng, trước hết là cải tiến nội dung, phương thức sinh hoạt đảng, thường xuyên phê bình, tự phê bình, xây dựng mối đoàn kết, thống nhất tư tưởng trong đảng, trong cơ quan. Cấp ủy, lãnh đạo các doanh nghiệp trong Khối thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, công nhân viên chức và người lao động để chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Hướng dẫn, động viên để cán bộ, công nhân viên chức và người lao động tham gia đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên.
Đối với bản thân mỗi cán bộ, đảng viên: Việc tu dưỡng rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, nâng cao đạo dức cách mạng là một trong những yếu tố quyết định quá trình hình thành tư tưởng, nhân cách, đạo đức, lối sống. Mỗi cán bộ, đảng viên căn cứ vào đặc điểm, điều kiện, vị trí công tác, phạm vi nhiệm vụ của mình cần phải xây dựng kế hoạch phấn đấu hợp lý. Nội dung kế hoạch học tập, phấn đấu bao gồm: lý luận chính trị (trình độ hiểu biết, khả năng vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước), rèn luyện đạo đức cách mạng, xây dựng ý thức kỷ luật, luôn có ý thức gắn bó chặt chẽ với quần chúng, lắng nghe và tôn trọng ý kiến đóng góp của tập thể và quần chúng; thường xuyên kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tự mình đấu tranh với chính mình trước mọi cám dỗ của tiêu cực xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, đời sống của mỗi người đang còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, đòi hỏi tự bản thân mỗi người phải gương mẫu, có trách nhiệm vận động gia đình, tập thể và quần chúng học tập và làm theo.
Đảng viên trẻ khi tham gia một mạng xã hội thì vừa là một thành viên, vừa phải thực hiện được vai trò nêu gương đạo đức của mình. Cần nêu gương trong việc tự nâng cao trình độ công nghệ thông tin, tự đặt ra yêu cầu đối với việc xử lý thông tin. Phải cẩn trọng khi tham khảo, sử dụng thông tin mang tính dự báo; thông tin thiếu kiểm chứng về nguồn gốc; thông tin có sự sai biệt so với thông tin chính thức. Cần thiết phải có kỹ năng đặt câu hỏi kiểm chứng, đánh giá tính chính xác, khách quan, hiệu lực, tin cậy của thông tin. Đồng thời, khi thu thập và xử lý thông tin cần đảm bảo thông tin có tính chọn lọc và phê phán. Phải hành động một cách lý trí khi đăng tải bài viết, like hoặc chia sẻ các liên kết và khi tham gia những cuộc thảo luận về các chủ đề trên mạng xã hội.
Có thể khẳng định, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện đang là vấn đề hệ trọng, là nhiệm vụ cấp bách cần quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Nhiệm vụ của mỗi đảng viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phải xuất phát từ những hành động cụ thể gắn với công việc và cuộc sống hàng ngày; không xa hoa, lãng phí, không gây mất đoàn kết nội bộ; mỗi đảng viên trẻ chúng ta phải là trung tâm của trí tuệ, là hạt nhân của sự đoàn kết, thống nhất từ chi bộ; giữ vững niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tiên phong chăm lo xây dựng chi bộ, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh; giữ vững nguyên tắc, lề lối sinh hoạt Đảng, chăm lo củng cố sự lãnh đạo toàn diện của Đảng từ chi bộ; đi đầu và vận động, thuyết phục quần chúng nhân dân, thanh thiếu niên tham gia bảo vệ Đảng, bảo vệ đất nước thông qua hành động cụ thể, nhất là tăng cường đăng tải những thông tin chính thống, tin hay, tin tốt, người tốt, việc tốt mỗi ngày; đồng thời, phản biện lại những thông tin sai trái, phiến diện của các thế lực thù địch trên không gian mạng.
Với vai trò là lực lượng kế thừa sự nghiệp cách mạng của Đảng, đội ngũ đảng viên trẻ Khối Doanh nghiệp Trung ương chắc chắn sẽ phát huy tốt vai trò là lực lượng nòng cốt, tiên phong, gương mẫu đi đầu tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng trong giai đoạn hiện nay./.
Nhóm tác giả: Phương Điền, Thanh Thúy
Tài liệu tham khảo:
[1] Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới". Năm 2018.
[2] Nghị quyết số 05-NQ/ĐUK, ngày 06/12/2013 về “đấu tranh ngăn chặn, đày lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong khối Doanh nghiệp Trung ương”. Năm 2013.
[3] Đại tướng, GS.TS Trần Đại Quang. Không gian mạng, tương lai và hành động. NXB Công an Nhân dân. Năm 2015.
[4] Hội đồng Lý luận Trung ương. Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc, cuộc đấu tranh chống suy thoái vè tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị trong Đảng. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật. Năm 2017
[5] PGS.TS Nhị Lê. Cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận tất yếu, lâu dài và không khoan nhượng hiện nay. Tạp chí Cộng sản điện tử, đăng ngày 22/5/2019.
[6] GS.TS. Vũ Văn Hiền. Nhận rõ các luân điệu sai trái, thù địch để kiên quyết đấy tranh bác bỏ. Tạp chí Tuyên giáo điện tử, đăng ngày 11/9/2019.
[7] Trung Thanh. Đảng viên trẻ với trách nhiệm nêu gương trên mạng xã hội. Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử, đăng ngày 28/12/2018.