.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ V - năm 2020:

Công tác dân vận với hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong giai đoạn mới

Thứ Bảy, 21/11/2020|23:41

Năm 2020, đất nước ta có nhiều sự kiện trọng đại, trong đó có hoạt động hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 – 15/10/2020). Từ thực tiễn hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) trong giai đoạn hiện nay, việc ôn lại lịch sử chặng đường 90 năm công tác dân vận của Đảng là dịp để mỗi tập thể, cá nhân hiểu rõ, có nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận; từ đó vận dụng có hiệu quả vào tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở giai đoạn mới trên bước đường đồng hành cùng sự nghiệp phát triển đất nước.

Tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận”, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị khóa VIII đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 là ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và quyết định chọn ngày 15/10 hằng năm là “Ngày Dân vận của cả nước” để đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những việc nên làm, những việc đoàn thể, chính phủ giao cho”. Trải qua 90 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc, công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận gắn với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức đã được tăng cường, tiếp tục đổi mới và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước đạt được kết quả tích cực; ý thức trách nhiệm, tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu được nâng lên. Các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào thi đua “Dân vận khéo”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nâng cao đời sống, giải quyết có hiệu quả nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bước vào thời kỳ đổi mới, nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta đã và đang tiếp tục đổi mới công tác dân vận. 

Với vai trò, vị trí của ngành Ngân hàng nói chung đối với sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước, công tác dân vận trong hoạt động của Ngành phải tập trung thực hiện tốt bốn nội dung cơ bản, đó là: Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính; nêu cao đạo đức công vụ; đổi mới tác phong làm việc theo phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” gắn với việc thường xuyên học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành tất cả các hoạt động của Ngân hàng. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giải thích về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước thuộc lĩnh vực liên quan và những quy định chuyên ngành. Chú trọng công tác tiếp dân, đối thoại với người dân/khách hàng; lắng nghe, tiếp nhận ý kiến, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những khiếu nại, tố cáo của công dân (nếu có).

Về phương thức thực hiện, công tác dân vận phải gắn liền với công tác xây dựng Ngân hàng trong sạch, vững mạnh; xem công tác dân vận là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cơ quan, đơn vị. Chú trọng việc ký kết các chương trình phối hợp công tác với Ban Dân vận, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể trên từng địa bàn nhằm đẩy mạnh các hoạt động dân vận phù hợp với nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị ngân hàng.

Đối với VDB, với tư cách là Ngân hàng chính sách của Chính phủ, những vấn đề chung nêu trên cũng chính là những vấn đề cụ thể có liên quan và cần được nghiên cứu vận dụng để tổ chức thực hiện phù hợp, có hiệu quả. Đặc biệt, trong giai đoạn mới với nhiệm vụ tổ chức thực hiện để hoàn thành mục tiêu tổng quát của “Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam giai đoạn 2019-2021” (2)(gọi tắt là Đề án cơ cấu lại VDB) trong lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc chú trọng làm tốt công tác dân vận càng có ý nghĩa.

Việc nghiên cứu, xây dựng Đề án cơ cấu lại VDB được xúc tiến ngay từ năm 2016; VDB đã chủ động tập trung mọi nguồn lực, trí tuệ, phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm với các Bộ, Ngành liên quan nỗ lực thực hiện. Đến ngày 31/7/2019, Đề án cơ cấu lại VDB chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Đề án cơ cấu lại VDB(3); Hội đồng Quản trị VDB đã có Chương trình hành động của VDB(4)với 05 nhóm nhiệm vụ, 50 đầu việc giao cho từng đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện gắn với từng mốc thời gian hoàn thành cụ thể.

Có thể nói, Đề án cơ cấu lại VDB là kết quả của sự kiên trì, nỗ lực và phối hợp thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động VDB với nhiều cơ quan, bộ ngành trong phạm vi không gian rộng, thời gian dài, khối lượng công việc rất lớn, rất quan trọng. Mục tiêu tổng quát của Đề án cơ cấu lại VDB đến năm 2021 tập trung vào: Cơ cấu lại toàn diện về mô hình tổ chức, bộ máy, biên chế, quản trị, cơ chế hoạt động, tình hình tài chính; Xử lý quyết liệt nợ xấu; Khắc phục cơ bản những tồn tại, hạn chế, yếu kém và nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức bộ máy VDB phù hợp với tình hình thực tế và định hướng phát triển VDB sau giai đoạn cơ cấu.

Cần khẳng định rằng, Đề án này được phê duyệt không phải khép lại, mà mở ra một giai đoạn mới với trọng trách nặng nề trên hành trình “99 năm hoạt động của VDB”(5).

Triển khai thực hiện Chương trình hành động của VDB, Tổng Giám đốc đã yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị Trụ sở chính chủ động tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ(6). Đề án cơ cấu lại VDB được triển khai với Chương trình hành động của VDB đã được ban hành; rà soát, xây dựng phương án xử lý rủi ro đối với từng nhóm dự án/khoản vay để báo cáo cấp có thẩm quyền, đang khẩn trương thực hiện; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án cơ cấu lại VDB, quy định chức năng, nhiệm vụ và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo. Xây dựng Đề án tổ chức sắp xếp lại các đầu mối Trụ sở chính; xây dựng Đề án tổ chức sắp xếp lại các Sở Giao dịch/Chi nhánh và nghiên cứu, báo cáo đề xuất cấp thẩm quyền cơ chế tiền lương đặc thù cho VDB trong giai đoạn cơ cấu lại (2019-2021). Như vậy, Đề án cơ cấu lại VDB đã và đang được tích cực triển khai thực hiện trong hệ thống với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của Bộ Tài chính.

Quyết tâm là vậy, song cũng cần thẳng thắn nhìn nhận thực trạng hoạt động của VDB đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn(7), thách thức với quy mô, mức độ áp lực ngày càng gia tăng. Đó là, về cơ chế chính sách, hệ thống văn bản pháp lý để triển khai thực hiện cơ cấu lại VDB chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ. Thật vậy, mặc dù Đề án cơ cấu lại VDB đã được phê duyệt nhưng những văn bản pháp lý quan trọng có liên quan để triển khai thực hiện như cơ chế xử lý rủi ro, cơ chế tài chính của VDB chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt. Cơ chế cho vay tín dụng đầu tư chưa được cấp thẩm quyền xem xét điều chỉnh, tháo gỡ kịp thời phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là thiếu cơ sở pháp lý để VDB xác định và công bố lãi suất cho vay; chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đầu tư đang sụt giảm, chưa thể cải thiện (VDB đang tích cực chuẩn bị với tinh thần chủ động bằng việc triển khai tới 17 Chi nhánh tiếp nhận thẩm định một số dự án đã được rà soát, chọn lọc đúng đối tượng, đủ điều liện theo quy định hiện hành, với lãi suất cho vay giả định là 9,6%/năm nhằm có thể triển khai ngay việc cho vay khi được cấp thẩm quyền quyết định những vấn đề nêu trên). Bên cạnh đó, công tác xây dựng văn bản quản trị nội bộ của VDB còn chậm, chưa có chuyển biến tích cực do nhiều nguyên nhân, nhất là do phải phụ thuộc vào những văn bản pháp lý thuộc thẩm quyền của cấp trên (Theo Nghị quyết số 53/NQ-HĐQT ngày 24/4/2020, trong năm 2020 HĐQT VDB giao cho 09 đơn vị đầu mối chủ trì nghiên cứu soạn thảo trình ban hành 25 văn bản. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2020 chỉ mới ban hành được 02 văn bản).

Về công tác kế hoạch, hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu hàng năm chậm (năm 2019 đến tháng 10 vẫn chưa được phê duyệt) và hạn hẹp (năm 2020, theo đề xuất của Bộ Tài chính đang trình cấp thẩm quyền xem xét hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh năm 2020 cho VDB tối đa là 24.065 tỷ đồng. Trong khi đó VDB phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ (gốc, lãi) trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của năm 2020 (trong đó nợ gốc là 27.062 tỷ đồng)(8). Những vấn đề này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc cân đối nguồn vốn hoạt động của VDB. Ngoài ra, chậm giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước (Năm 2019, đến ngày 30/7/2019 mới có Quyết định số 953/QĐ-TTg); năm 2020 đến ngày 15/9/2020 VDB vẫn còn phải tiếp tục theo dõi, làm việc, giải trình với các Vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (9)), cũng ảnh hưởng đến công tác điều hành hoạt động cho vay và cân đối tài chính của VDB.

Về nguồn vốn, VDB vẫn bị động do đối tượng huy động vốn bị bó hẹp, phụ thuộc chủ yếu vào kênh phát hành Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Trong khi đó, các khoản cấp bù từ ngân sách Nhà nước được ghi nhận nhưng chưa hiện thực hóa đã gia tăng gánh nặng cân đối tài chính của VDB (Tính đến 31/12/2019 là 15.423 tỷ đồng, chưa kể số sẽ phát sinh trong năm 2020). Công tác thu nợ, xử lý nợ mặc dù được chú trọng thực hiện với những giải pháp quyết liệt, kiên trì nhưng chuyển biến chậm, chưa đạt yêu cầu. Một số vướng mắc khác như cơ chế tiền lương cho giai đoạn 2019 - 2021 (VDB đã đề xuất nhưng đang chờ cấp thẩm quyền phê duyệt. Hiện vẫn đang bám sát liên Bộ Tài chính - Lao động thương bình và xã hội báo cáo Thủ tướng Chính phủ); về chính sách đối với cán bộ để thực hiện tinh giản biên chế,…(10).

Những khó khăn, thách thức được nhận diện và xác định là những vấn đề quan trọng phải tập trung giải quyết trong tiến trình triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại VDB. Có thể xem đây là một cuộc cách mạng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của VDB. Để hoàn thành tất cả mục tiêu đề ra là một quá trình tiếp diễn, đối diện nhiều khó khăn, thách thức mới, chưa thể đo lường, lượng hóa. Do vậy, cần thống nhất nhận thức rằng việc triển khai thực hiện đề án không chỉ là trọng trách của cán bộ quản trị cấp cao, cán bộ tham mưu, hoạch định cơ chế chính sách mà phải được quán triệt đầy đủ ý nghĩa, nội dung đề án, chương trình hành động đến mỗi cán bộ, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống. Phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đồng lòng, chung sức, nỗ lực triển khai thực hiện nhiệm vụ gắn với từng phần hành, chức trách nhiệm vụ của mỗi người ở từng đơn vị thuộc, trực thuộc VDB. Trong đó, trước hết và quan trọng nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên giữ vị trí chủ chốt các cấp phải thực sự gương mẫu từ nhận thức đến hành động - không chỉ biết nói đúng, nói hay mà phải biết triển khai, bắt tay thực hiện có hiệu quả; phải thể hiện tinh thần tôn trọng, chân thành với đồng chí, đồng nghiệp, sát sao, thấu hiểu, cùng sẻ chia trách nhiệm và quyền lợi, nhất là trong khắc phục, giải quyết dứt điểm, triệt để những vấn đề hạn chế, yếu kém nổi cộm mà cán bộ, đảng viên và người lao động quan tâm.

Chú trọng và thực hiện tốt những việc nêu trên, cũng có nghĩa VDB đã thông suốt, vận dụng và thực hiện đúng đắn tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận vào thực tiễn triển khai thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới, nhất là các mục tiêu Đề án cơ cấu lại VDB./.

Lê Ngọc Châu - Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Khu vực Sông Tiền

--

(1) Công văn số 3298-CV/BDVTW của Ban Dân vận Trung ương.

(2) Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 31/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

(3) Quyết định số 171/QĐ-BTC ngày 12/9/2019 của Bộ tài chính.

(4) Nghị quyết số 324/NQ-HĐQT và Quyết định số 101/QĐ-NHPT của VDB.

(5) Quyết định số 108/2006/QĐ-TTg ngày 19/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ.

(6) Thông báo số 34/TB-NHPT ngày 10/10/2019 của VDB.

(7) Thông báo số 334/TB-HĐQT ngày 14/10/2019 của VDB.

(8) Văn bản số 11061/BTC-TCNH ngày 11/9/2020 của BTC.

(9) Thông báo số 25/TB-NHPT ngày 15/9/2020 của VDB.

(10) Thông báo số 147/TB-HĐQT ngày 31/8/2020 của VDB.

.
.
.
.