.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021

Triển khai Chương trình hành động của Đảng ủy NHPT trong việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng

Thứ Ba, 26/10/2021|09:32

Ngày 02/10/2020, Đảng ủy Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT) đã ban hành Chương trình hành động số 03-CTr/ĐU về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ NHPT lần 3, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với nhiều chỉ tiêu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị được đề ra. 

Trong đó, chỉ tiêu sắp xếp lại tổ chức bộ máy giai đoạn 2020 - 2021 là giảm đầu mối Sở giao dịch và các chi nhánh xuống còn khoảng từ 30 - 35 đầu mối vào năm 2020, còn khoảng 25 - 30 đầu mối vào năm 2021 và tốc độ tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2022 - 2025 trên 1%/năm. Để thực hiện tốt các chỉ tiêu này, Đảng ủy NHPT đã ban hành chương trình hành động và đề ra nhiều giải pháp khác nhau. Tuy nhiên, xuất phát tự thực tiễn cho thấy để triển khai có hiệu quả chương trình hành động của Đảng ủy NHPT trong việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, các Đảng ủy (chi ủy cơ sở) trong hệ thống NHPT cần triển khai và cụ thể hóa đồng bộ bằng nhiều giải pháp khác nhau. Trong đó, cần quan tâm, xem xét đến một số giải pháp, xin được trao đổi như sau:

Thứ nhất: Sớm ban hành Quyết định phân công, phối hợp thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, thẩm định dự án: Theo quy định của NHPT, việc phân công đơn vị chủ trì thẩm định, đơn vị tham gia phối hợp thẩm định, nội dung thực hiện của các đơn vị tham gia thẩm định dự án là do Giám đốc Chi nhánh, Sở giao dịch quy định phù hợp với đặc điểm tổ chức, năng lực hoạt động của đơn vị. Việc phân công, quy định các nội dung phải được ban hành thành Quyết định, làm cơ sở để triển khai tại Chi nhánh, Sở giao dịch cũng như phục vụ công tác kiểm tra, giám sát. Do đó, để việc tiếp nhận hồ sơ và thẩm định dự án được liên tục, không bị gián đoạn trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu, các chi nhánh, Sở giao dịch ban hành hoặc điều chỉnh Quyết định phân công, phối hợp thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, thẩm định dự án ngay sau khi hoàn thành việc bàn giao hồ sơ và thành lập đơn vị mới.

Thứ hai: Sớm xem xét và phân công cho Phòng giao dịch được thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, thẩm định các dự án trên địa bàn tương tự như Chi nhánh trước đây. Sau khi hoàn thành việc thẩm định sẽ gửi Phòng Tổng hợp của Chi nhánh, Sở giao dịch tiến hành rà soát và báo cáo Giám đốc xem xét, trình Trụ sở chính. Qua thực tế cho thấy có nhiều phương án phân công công việc nhưng việc phân công cho Phòng giao dịch được thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, thẩm định các dự án trên địa bàn tương tự như Chi nhánh trước đây trong giai đoạn hiện nay là có nhiều ưu thế. Bởi vì cán bộ nghiệp vụ tại các Phòng giao dịch có sự am hiểu về tình hình hoạt động khách hàng, cũng như mối quan hệ với các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn nên việc triển khai chính sách cho vay đến khách hàng được nhanh chóng, hiệu quả hơn… Ngoài ra, phương án này số lượng cán bộ nghiệp vụ được làm việc tại các Phòng giao dịch được nhiều hơn, hạn chế việc thay đổi nơi làm, góp phần ổn định tư tưởng, đời sống cán bộ tại Chi nhánh thực hiện sắp xếp lại.

Thứ ba: Sớm xem xét và phân cán bộ thẩm định theo hướng chuyên môn hóa từng công đoạn trong nội dung thẩm định: Theo hướng dẫn công tác thẩm định do NHPT ban hành thì nội dung thẩm định dự án gồm các nội dung cơ bản như Thẩm định về đối tượng cho vay; Thẩm định tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ dự án, hồ sơ khách hàng vay vốn; Thẩm định khách hàng vay vốn; Thẩm định về việc thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định; Thẩm định về việc đảm bảo tỷ lệ vốn chủ sở hữu của khách hàng vay vốn, giới hạn tín dụng đối với khách hàng theo quy định; Thẩm định dự án để xác định hiệu quả, phương án trả nợ vốn vay của dự án, của khách hàng vay vốn; Thẩm định tài sản bảo đảm tiền vay... Theo quy trình cho vay do NHPT ban hành, thời gian thực hiện thẩm định tại Chi nhánh, Sở giao dịch tối đa là 20 ngày làm việc đối với dự án nhóm B,C và tối đa 25 ngày làm việc đối với dự án nhóm A kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Do đó, để có thể rút ngắn thời gian thẩm định, góp phần thu hút khách hàng, thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng tín dụng, các chi nhánh, sở giao dịch có thể phân cán bộ thẩm định theo hướng chuyên môn hóa từng công đoạn trong nội dung thẩm định là một bộ phận chuyên thực hiện việc thẩm định các nội dung có liên quan đến khách hàng (hồ sơ vay vốn, tài chính, vốn tự có…), một bộ phận chuyên thực hiện việc thẩm định các nội dung có liên quan dự án (trình tự thủ tục, hiệu quả dự án...); một bộ phận chuyên về thực hiện thẩm định tài sản đảm bảo tiền vay… Bộ phận chủ trì có trách nhiệm tổng hợp các bộ phận phối hợp. Khi có nhiều bộ phận cùng tham gia thẩm định theo từng công đoạn, khi đó thời gian thẩm định sẽ tất yếu sẽ nhanh hơn so với trưởng một hoặc hai bộ phận thực hiện tất cả các nội dung của quy trình thẩm định.

Thứ tư: Linh hoạt trong sự phân công nhiệm vụ và sự phối hợp tại các phòng nghiệp vụ trong công tác thẩm định: Hiện nay NHPT đang trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu nên quy mô, số lượng, chất lượng… cán bộ tại các chi nhánh, sở giao dịch là không giống nhau, đặc biệt là số lượng khách hàng thuộc đối tượng và có nhu cầu vay vốn tại NHPT trong thời gian tới chắc chắn sẽ khác nhau. Do đó, để đảm bảo tiến độ, hiệu quả trong việc thẩm định, các chi nhánh, sở giao dịch sẽ quy định phân công nhiệm vụ và phối hợp tại các phòng nghiệp vụ trong công tác thẩm định cần phải linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị. Nếu số lượng dự án, khách hàng phát sinh trên một địa bàn nào đó nhiều và vượt khả năng thẩm định của một Phòng giao dịch nào đó hoặc một địa bàn nào đó có ít có số lượng dự án, khách hàng phát sinh, các chi nhánh, sở giao dịch có thể tăng cường sự phối hợp giữa các phòng nghiệp vụ trong việc thực hiện từng công đoạn của nội dung thẩm định hoặc điều động, tăng cường cán bộ từ các phòng nghiệp vụ này sang phòng nghiệp vụ khác để hỗ trợ nhằm đảm bảo hài hòa công việc phát sinh giữa các phòng nghiệp vụ tại đơn vị.

Tóm lại, mỗi giải pháp, phương án sắp xếp cán bộ và phân công nhiệm vụ trong việc thẩm định để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng đều có những ưu, khuyết điểm riêng. Tùy thuộc vào điều kiện số lượng, chất lượng cán bộ nghiệp vụ cũng như số lượng dự án, khách hàng phát sinh trong tương là mà các chi nhánh, sở giao dịch có sự lựa chọn linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, góp phần thực hiện tốt mục tiêu chung là thực hiện thắng lợi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà Nghị Quyết Đảng ủy NHPT đã đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025./.

Võ Thanh Phong, Chi nhánh NHPT Cần Thơ

.
.
.
.