.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ VI - năm 2021:

Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Vietcombank

Thứ Sáu, 29/10/2021|10:03

Trách nhiệm là phần việc được giao, nghĩa vụ phải làm tròn theo cương vị, chức trách của mình. Con người có bao nhiêu vị trí, vai trò, nhiệm vụ trong các mối quan hệ xã hội thì có bấy nhiêu trách nhiệm. Đó là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong một đơn vị; trách nhiệm của người công dân với đất nước; trách nhiệm phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức để xứng đáng là công bộc của dân; trách nhiệm của mỗi người trong quan hệ gia đình, trong cộng đồng, tổ chức, xã hội… Mỗi đảng viên, cán bộ có trách nhiệm sẽ góp phần không nhỏ vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng bộ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó có Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; năm tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước các cấp. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tình hình quốc tế và trong nước có nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải nỗ lực phấn đấu rất cao, quyết tâm đồng sức, đồng lòng rất lớn để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ đã đặt ra.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, Nghị quyết Đại hội đại biểu của Đảng bộ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam lần thứ IV, đưa Nghị quyết vào công việc và cuộc sống, toàn thể cán bộ, đảng viên  luôn ý thức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở mọi lúc, mọi nơi để nâng cao phẩm chất, nhân cách, lối sống tốt đẹp của người đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Học tập phong cách đạo đức tư tưởng của Người để mỗi cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân thấy trách nhiệm của mình trong công việc và cuộc sống hàng ngày.

Đúng như tâm nguyện của Bác: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, nay dù phải từ biệt thế thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Lời di chúc ấy của Bác đã ăn sâu vào con tim khối óc và trở thành động lực thôi thúc thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, Đảng viên thuộc Đảng bộ Ngân hàng Vietcombank nói riêng hôm nay, đã và đang tiếp bước trên con đường cách mạng với sứ mệnh “Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Với mục đích “Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát huy chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tập thể, đẩy mạnh tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, chống chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, cục bộ, địa phương, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức có phẩm chất đạo đức cách mạng, hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang trong giai đoạn cách mạng mới; đưa việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đi vào chiều sâu, đẩy mạnh việc “Làm theo Bác” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trước hết mỗi cán bộ, đảng viên cần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích về tinh thần trách nhiệm và không có tinh thần trách nhiệm như sau: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy là không có tinh thần trách nhiệm”.

Như vậy, có thể hiểu trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình, phải bảo đảm làm tròn nhiệm vụ, công việc, phần việc được giao, với sự ràng buộc đối với lời hứa của mình, nếu kết quả thực hiện không tốt, hoặc nếu thực hiện sai thì phải gánh chịu hậu quả. Tinh thần trách nhiệm chính là kết quả của một quá trình rèn luyện, nhận thức và hành động đúng đắn, tích cực, tự giác trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Hội nghị học tập chỉ thị 05-CT/TW chuyên đề năm 2019.
Hội nghị học tập chỉ thị 05-CT/TW chuyên đề năm 2019.

Đối với cán bộ lãnh đạo, nhất là những người đứng đầu, là người có trọng trách trong một tập thể phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm và dám ra quyết định, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đây cũng chính là việc thực hiện nghiêm nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”.

Theo Hồ Chí Minh: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ”. Một người dù tài giỏi đến đâu cũng không thể nắm được hết mọi mặt của một vấn đề, cũng không thể biết hết được mọi việc trong đơn vị cũng như đời sống xã hội. Do đó, cần phải có cách làm việc tập thể để phát huy được trí tuệ của tập thể nhằm hoàn thành sự nghiệp của một tập thể, nếu chỉ riêng người cán bộ lãnh đạo, quản lý thì sẽ không làm nổi. 

Cá nhân phụ trách là nêu cao trách nhiệm của người lãnh đạo, người quản lý, tạo ra bầu không khí làm việc dân chủ, tôn trọng và lắng nghe ý kiến tập thể, phát huy trí tuệ tập thể. Tuy nhiên, nếu không có tính quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm trước tập thể, thì không thể có những quyết định kịp thời và công việc cũng không thể tiến triển được. Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý các cán bộ lãnh đạo, quản lý rằng: “Những việc bình thường, một người có thể giải quyết đúng, thì người phụ trách cứ cẩn thận giải quyết đi. Những việc quan trọng, mới cần tập thể quyết định”.

Theo Hồ Chí Minh, trách nhiệm của người đứng đầu phải được đề cao, đôi khi mang tính quyết định đến hiệu quả công việc. Phong cách làm việc của người cán bộ lãnh đạo, quản lý đúng đắn là phải kết hợp thống nhất giữa cách làm việc dân chủ, tập thể với tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm cá nhân trước tập thể, kịp thời đưa ra những quyết định đúng. Trong những thời điểm quyết định, người lãnh đạo, quản lý phải dám nghĩ, dám làm, dám quyết và dám chịu trách nhiệm.

Kết hợp tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách, thực hiện trách nhiệm của người lãnh đạo, người đứng đầu để khắc phục những hiện tượng coi thường tập thể, hoặc ngược lại, dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể, không dám quyết đoán, không nêu cao trách nhiệm cá nhân... làm trì trệ, suy yếu năng lực lãnh đạo, hiệu quả quản lý của người cán bộ lãnh đạo.

Đối với cán bộ, đảng viên Đảng bộ Vietcombank, tinh thần trách nhiệm được thể hiện trong một số công việc như: Lấy mục tiêu công việc của đơn vị là mục tiêu chung, cùng nhau phấn đấu chung sức đồng lòng để đạt được mục tiêu này; luôn sẵn sàng tinh thần làm việc cống hiến hết mình cho những nhiệm vụ được giao; thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của đơn vị, cơ quan, ngành và Nhà nước.

Cụ thể, để nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công việc đối với cán bộ Đảng viên trong cần thực hiện một số nội dung sau:

Trước tiên, về nhận thức: Mỗi Đảng viên phải xác định được trách nhiệm của bản thân là gì? Phạm vi trách nhiệm đến đâu? Luôn xác định phải hoàn thành nhiệm vụ, không được ngại khó, ngại khổ, né tránh, đùn đẩy. Luôn chịu trách nhiệm 100%  với công việc mình làm, không biện minh, đổ lỗi…

Tiếp đến, về hành động: Một là, nêu cao tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Từng cán bộ, đảng viên phải chịu khó, tích cực, hăng hái trong công việc, nhiệm vụ được giao, tiết kiệm thời gian và các phương tiện phục vụ công tác để làm việc có hiệu quả cao nhất. Chi bộ Đảng phải cùng nhau xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể trong thực hiện công việc, bảo đảm thời gian theo quy định như: mỗi cán bộ, đảng viên phải tự xây dựng kế hoạch làm việc theo năm, tháng, tuần, ngày. Kế hoạch năm là định hướng chung về trách nhiệm của bản thân trong năm, sau đó phải xác định nhiệm vụ trong tháng, trong tuần, trong ngày làm gì; nhiệm vụ nào cần giải quyết trước, nhiệm vụ nào làm sau. Khi đã có kế hoạch thì phải tuân thủ kế hoạch đã đề ra, không được lấy thời gian làm việc công để làm việc tư. Mỗi người cán bộ, viên chức phải liêm khiết, gương mẫu trong công tác, ứng xử, có thái độ chính trực, có chính kiến, bản lĩnh trong công việc.

Hai là, nêu cao tính chủ động, sáng tạo, hết lòng, hết sức hoàn thành công việc, nhiệm vụ được giao. Từng cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ phải chủ động và thường xuyên thực hiện tốt các vấn đề sau:

Thứ nhất, tự mình phải chủ động, tích cực, sáng tạo. Trong thực hiện nhiệm vụ, công việc có chương trình, kế hoạch, khoa học, ngăn nắp, nề nếp, sao cho công việc chạy đều, có kết quả cao nhất; kể cả trong việc phối hợp thực hiện với các đồng chí, đồng nghiệp hoặc cơ quan, đơn vị có liên quan, không để chậm trễ, tồn đọng, ách tắc, không để đồng chí, đồng nghiệp phải chờ đợi sự phối hợp, cộng tác. Trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, dù đơn giản, hay phức tạp, dù nhiều hay ít, dù bình thường hay khẩn cấp, cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy chế, chế độ, quy trình, thủ tục, không làm tắt, làm chống đối, làm trái quy định, trái với lương tâm của người cán bộ, đảng viên không có động cơ cá nhân hay thiên tư, thiên kiến trong công việc. Tuy nhiên, cũng không được cứng nhắc, máy móc, phải linh hoạt, sáng tạo, không ngừng cải tiến, đổi mới để hoàn thành công việc nhanh nhất. Khi thực hiện nhiệm vụ phải bao quát nhiệm vụ của tập thể, nhiệm vụ của đồng nghiệp để cùng phối hợp thực hiện mới hoàn thành tốt nhiệm vụ chung. Chúng ta phải phân tích, đánh giá công việc để thấy được tính khó khăn, phức tạp từ đó chủ động phòng ngừa những hậu quả có thể xảy ra. 

Chương trình về nguồn của Đảng bộ Vietcombank.
Cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Vietcombank tham gia hoạt động "Về nguồn".

Thứ hai, phải có tính tự trọng cao. Bởi vì có tự trọng thì mới nêu cao ý thức trách nhiệm, làm việc với tinh thần, thái độ công tâm, khách quan, vì lợi ích chung của cơ quan, đơn vị, tập thể và nhân dân, vì uy tín, danh dự của cơ quan đơn vị và của chính bản thân mình. Mỗi cán bộĐảng viên ý thức được tính tự trọng thì làm công việc một cách trong sáng, cao thượng, không lồng động cơ cá nhân hoặc vì lợi ích của bản thân, của gia đình, hay lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, từ đó không gây thiệt hại hoặc làm phương hại đến quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Thứ ba, phải biết tự soát xét lại chính bản thân mình trong mọi việc. Mỗi cán bộ Đảng viên phải tự kiểm tra, kiểm soát lại công việc đã thực hiện đến đâu, với mức độ, kết quả như thế nào, có kết quả, sáng kiến gì để phát huy, những gì chưa làm được hay làm với kết quả chưa như mong muốn cần điều chỉnh. Khi chúng ta mắc phải thiếu sót, khuyết điểm phải tự giác nhận trách nhiệm cá nhân, xác định rõ nguyên nhân do đâu mà mắc phải để có biện pháp sửa chữa, khắc phục, phấn đấu vươn lên; không tranh công, đổ lỗi cho khách quan, cho người khác, đề ra biện pháp khắc phục sửa chữa thiếu sót, hạn chế, khuyết điểm; đề xuất những vấn đề với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, chi bộ để có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ, tháo gỡ hoặc tạo điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ, công việc, phần việc được giao. 

Thứ tư, phải tự giác, tự phê bình và phê bình.  Đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải tự giác, phải thực sự mạnh dạn, thẳng thắn, chân thành trong phê bình và tự phê bình, phê bình đồng chí mình phải trên tinh thần đồng chí, chân thành, xây dựng, thái độ vô tư, khách quan, không chen động cơ cá nhân, không mỉa mai, chua cay, đâm thọc, đồng thời phải không được tự ái. Tiếp thu ý kiến phê bình của đồng chí, đồng nghiệp, của lãnh đạo cơ quan, đơn vị, chi bộ... để phát huy mặt mạnh, khắc phục, sửa chữa, điều chỉnh mặt yếu còn tồn tại. Ngoài ra, cán bộ, đảng viên không nên suy bì xem công việc của mình có quan trọng hay không, có đem lại lợi lộc gì cho bản thân và gia đình hay không; phải thấy được rằng, công việc nào cũng cần thiết, quan trọng đối với chi bộ, cơ quan. Khi đã được giao và làm bất kỳ việc gì, dù gặp khó khăn, trở ngại cũng phải quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, không được thoái thác, không được chùn bước.

Thứ năm, phải có sự tự tin trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công việc được giao. Vì khi có tự tin thì cán bộ, viên chức mới chủ động, tự giác, năng động, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ được giao với ý thức trách nhiệm cao, đem lại kết quả tốt.

Ba là, khiêm tốn, thực sự cầu thị, không kiêu ngạo, thỏa mãn với kết quả công việc, nhiệm vụ được giao. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thể hiện thái độ khiêm tốn trong thực hiện nhiệm vụ, công việc, phần việc được giao. Thực sự cầu thị khi thấy đồng chí, đồng nghiệp, lãnh đạo cơ quan, đơn vị góp ý giúp đỡ với ý tưởng sáng tạo, giải pháp mới, có tính khả thi để giúp việc thực hiện công việc, nhiệm vụ, phần việc được giao đạt kết quả cao hơn. Đối với các đồng chí có vai trò lãnh đạo phải luôn nêu gương; phải nắm bắt được năng lực của từng cán bộ, phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực, vai trò, vị trí của mỗi cán bộ, viên chức mới giúp họ phát huy được hết tinh thần trách nhiệm;phải trực tiếp làm việc, phải thường xuyên kiểm tra đôn đốc tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ của cán bộ để kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn.

Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần trách nhiệm không chỉ thể hiện trong nghị quyết, bằng lời hứa mà là trong những việc làm rất cụ thể, thiết thực, hàng ngày thuộc mọi lĩnh vực, mọi công việc, của mọi người. Vì nói cho cùng, tinh thần trách nhiệm không chỉ là bổn phận mỗi người đối với tổ chức, với Đảng, trước cấp trên mà còn là trách nhiệm trước dân, trước tập thể, những người xung quanh mình và với cả chính mình. Đó là biểu hiện trong sáng nhất của đạo đức làm người, đạo đức công dân, hết lòng, hết sức phấn đấu vì sựnghiệp của dân, của nước. Đó cũng là đạo đức, tư cách người cán bộ, đảng viên, viên chức thực thụ.

Qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên trong đảng bộ Vietcombank hãy cùng nhau phát huy tinh thần trách nhiệm của mình, tự vượt qua những khó khăn, thách thức, nhất là những tác động của cơ chế thị trường, xây dựng niềm tin, sự tâm huyết với nghề, yêu nghề, gắn bó với nghề. Từ đó hoàn thành công việc với chất lượng và hiệu quả cao, góp phần phát triển toàn diện cho sự phát triển của Đảng bộ Vietcombank, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chuyên môn được giao./.

Nguyễn Thị Hà, Hà Thị Thanh Tâm, Nguyễn Việt Tùng
Chi bộ 7, Đảng bộ Trụ sở chính Vietcombank
 
.
.
.
.